Vì sao đi du học?

0 No tags Permalink

Hôm qua được ông bạn vàng gọi đi ăn tất niên với bạn học cũ, nhiều người từ năm 1985 về nước đến giờ không gặp lại. Vẫn biết các bạn ở loanh quanh đâu đấy nhưng cuộc sống lôi kéo, chả mấy khi gặp nhau, may nhờ FB nên còn biết tin nhau. Nhìn nhau tóc đã điểm sương hết rồi, con cái đều đã xấp xỉ tuổi bố mẹ chúng khi gặp nhau lần chót! Hỏi bạn định cho con vào trường nào, bạn bảo là sẽ đi nước ngoài thôi! Chắc thương hại mình nên bạn thêm, giáo viên VN mấy ai như Ánh nên tớ không thể chấp nhận rủi ro cho con học ở nhà, dạy toàn mấy thứ vô bổ, làm khổ sinh viên.

Mình bảo, những gì mình học trong suốt 4 năm ĐH ở Tiệp đã quên sạch, về nhà học lại từ đầu mà! Bạn bảo, nhưng họ đã dạy được cho chúng ta kiến thức cơ bản và phương pháp tiếp cận đúng đắn. Mình bảo, điều lớn nhất mà mình thu được sau 5 năm ở nước ngoài là từ một đứa trẻ chỉ biết làm theo mệnh lệnh của người khác, mình đã biết mình là ai!

Khi bước chân xa nhà, mình mới có 16 tuổi, là một đứa con ngoan, một người chị mẫu mực với 2 đứa em, một học sinh giỏi, niềm tự hào của bố mẹ và gia đình nhưng trong lòng mình lúc nào cũng hoang mang, đau khổ, không biết mình là ai, mình có giá trị gì không, thậm chí không biết mình có phải là con gái không vì mình chả giống chút gì với hình mẫu “Công – Dung – Ngôn – Hạnh” mà xã hội quy định cả! Cuộc sống VN với trùng trùng điệp điệp nghĩa vụ và ràng buộc không chừa cho mình một chút tự do nào để làm theo ý mình, không ai cho mình chút cơ hội khám phá bản thân! Bố mẹ mình cũng chỉ biết nhắc con học, dạy làm việc nhà, chứ không có chút ý niệm gì về những hoang mang của tuổi mới lớn!

Sang đến nước ngoài, lần đầu được tự quyết từ những việc như ăn gì, mặc gì, sử dụng thời gian rảnh rỗi thế nào, chơi với ai… phải mất 2 năm mình mới quen được với tự do mà không có cảm giác phạm tội. Dần dần mình biết làm đẹp, biết chăm sóc bản thân, biết mình thích làm gì, có khả năng về việc gì, biết mình hơn ai kém ai cái gì, và quan trọng nhất là quen với cảm giác được tôn trọng dựa trên thành tựu của cá nhân chứ không phải do mức độ ngoan ngoãn của mình. Các nhà tâm lý đều nói, trong mỗi con người đều tiềm ẩm những khả năng rất lớn. Bộ não con ngươi đến lúc chết mới sử dụng hết có khoảng 15%. Chính vì vậy, người tài chẳng qua là người gặp điều kiện tốt để giải phóng khả năng của mình thôi! Điều kiện vật chất, sự giỏi giang của người thầy không phải là tất cả vì những ngôi trường rất sơ khai xưa kia vẫn sản sinh ra được những nhân tài như Leonardo Da Vinci; thậm chí nhiều người chỉ tự học cũng thành công như Edison.

Một nền giáo dục tốt là nền giáo dục tôn trọng con người, tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân để giúp con người tự giải phóng và phát triển được khả năng của mình, có vậy thôi!

Liệu giáo dục Việt Nam hiện tại có làm được không?

Những chàng trai vàng thập kỷ 70-80

Những chàng trai vàng thập kỷ 70-80

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *