Note cho ngày 18/5/2014

0 No tags Permalink

Bài viết cả tuần nay, cứ nghĩ đã cũ nhưng đăng hôm nay có vẻ là phù hợp nhất.

HỌC YÊU NƯỚC

(Tặng Dương, cám ơn em đã khích lệ để chị hoàn chỉnh bài này)

Biểu tình ở Ucraina

Biểu tình ở Ucraina

 

Sự kiện Trung Quốc ngang ngược đưa dàn khoan HD 981 vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam mấy ngày qua đã làm dấy lên làn sóng phản ứng mãnh liệt trong toàn thể người Việt Nam, kể cả trong và ngoài nước. Trong làn sóng sục sôi căm phẫn người hàng xóm ngang ngược, cụm từ “lòng yêu nước” lại trở nên thường trực trên môi mỗi người Việt nam, sau một thời gian tưởng bị lãng quên vì những mâu thuẫn ý thức hệ, vì nỗi lo “cơm áo gạo tiền”.

Không biết những người khác nghĩ thế nào, nhưng với tôi từ “lòng yêu nước” đã từng gây cho tôi nhiều lúng túng. Từ khi mở mắt chào đời, tôi đã luôn được giáo dục là phải yêu nước. Vốn là một học sinh ngoan ngoãn, tôi dễ dàng chấp nhận điều ấy và tin đó là điều tất nhiên, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi con người nếu muốn là người tử tế. Hệ thống giáo dục và thông tin xung quanh đã cung cấp cho tôi quá nhiều lý do để yêu nước: Vì đất nước tôi là một đất nước anh hùng, nếu không muốn nói là anh hùng nhất thế giới? Vì đất nước tôi giàu đẹp, “rừng vàng biển bạc”; Vì con người Việt nam có những phẩm chất mà không ai khác có được như anh hùng, cần cù, trung hậu, đoàn kết….; Là phụ nữ, tôi còn phải biết là phụ nữ Việt nam là đáng quý nhất thế giới vì dịu dàng, hiền hậu, cần cù, chịu đựng, chung thủy, biết hy sinh… và tôi phải sẵn sàng để tiếp tục truyền thống ấy! Và thế là thật dễ dàng để tôi đinh ninh vào lòng yêu nước của mình! Đương nhiên, tôi cũng tin là Việt nam là nơi duy nhất đáng để tôi sống hết cuộc đời mình. Mọi thứ ở Việt nam đều tốt hơn ở đất nước khác; thậm chí cái nghèo cũng là tốt vì chúng ta nghèo là do chúng ta không cam chịu làm nô lệ, “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập!”. Thà “nghèo cho sạch, rách cho thơm!”

Vì thế tôi dễ dàng chấp nhận cuộc sống khó khăn thời thơ ấu như một điều tất yếu. Cũng như hầu hết những gia đình thời bao cấp, chúng tôi có một đời sống kinh tế khá khó khăn, chỉ cầu mong được no cơm ấm áo. Những hưởng thụ vật chất thật quá hiếm hoi, một cuốn sách, một que kem là cả một ước mong lớn. Những niềm vui khác như quần áo mới, đi du lịch gần như là ngoài tầm tay. Nhưng để bù vào đấy, tôi lại có một đời sống tinh thần rất phong phú, nhờ vào tủ sách của bố tôi. Qua những cuốn sách, tôi quên đi những gì không hài lòng trong đời sống thực tế mà đắm chìm trong ước mơ về những xứ sở xa xôi, đẹp đẽ, những cuộc sống bình yên, như những giấc mơ! Và thế là tôi ôm bầu nhiệt tình ấy lên đường ra nước ngoài du học.

Sự va đập với cuộc sống thực tại ở xứ người là làm chấn động đến tận gốc rễ niềm tin của tôi. Đầu tiên là khái niệm về sự anh hùng. Nơi tôi sống là thành Praha đẹp như chuyện cổ tích, với rất nhiều công trình kiến trúc cổ hầu như nguyên vẹn. Chiến tranh luôn dừng lại trước cửa thành phố, để chúng tôi có cơ hội chiêm ngưỡng di sản của các thế hệ trước. Và tôi không thể không chạnh lòng khi nhớ đến các công trình kiến trúc lem nhem ở các thành phố của Việt nam, trong khi những công trình như Điện Kính thiên, Chùa Báo thiên ở Việt Nam,… chỉ còn là ký ức. Chúng tôi thường truyền miệng câu chuyện về một SV Việt Nam khi nói chuyện với một SV nước ngoài, có ý chê dân các nước Đông Âu là  “Tham sống sợ chết”. không dám chống phát xít Đức, và được người này trả lời là: “Người Việt nam không tham sống sợ chết vì chưa bao giờ được sống!” Câu nói ấy đã cho tôi thấy một cách nhìn khác về nhận định vấn đề, không nên chỉ đánh giá sự vật theo con mắt của mình! Tôi cũng nhìn ra là sự thật Việt Nam không “rừng vàng biển bạc” như tôi đã được học, mà nếu có thật thì cũng chẳng có ý nghĩa gì vì các nước châu Âu đều không giàu có về tài nguyên thiên nhiên nhưng họ thật sự có được sự phát triển không thể phủ nhận. Con người Việt Nam cũng không hay ho như tôi đã được nghe.

Cuộc sống độc lập nơi xứ người đã buộc mỗi người phải bộc lộ bản chất thật sự của mình. Chúng tôi rõ ràng không có gì để nói là hơn những người dân nơi đó. Người Việt nam chỉ biết cắm đầu học hành, thiếu hoàn toàn những kỹ năng sống đơn giản nhất. Chúng tôi không biết cách giao tiếp với người nước ngoài, không biết cách tạo cho mình một cuộc sống tử tế. Nhiều người trong chúng tôi hẹp hòi, thiển cận, cứ khư khư ôm lấy mớ lý thuyết của mình, không chịu học hỏi bên ngoài. Khi sự thật đã chứng tỏ mớ lý thuyết của chúng tôi là sai lầm thì một số người, hầu hết là người lớn tuổi, lại chọn cách “Bưng tai bịt mắt”, trốn mình trong thế giới riêng của mình, không dám thay đổi nhìn nhận của mình. Nhiều người khác thì thành ra bất cần, chạy theo vật chất, không còn gìn giữ gì nữa. Đáng sợ nhất là một số người tỏ ra rất giả dối, ngoài mặt thì hô hào, bức ép anh em sống trong cái khuôn khổ cũ rích để cầu mong chút bổng lộc còm từ sứ quán, mặt khác lại lén lút kiếm lợi cho riêng mình. Những phẩm chất tôn vinh phụ nữ Việt nam cũng trở nên nực cười, khi ra rả tuyên truyền về sự hy sinh mà không hiểu nếu hy sinh không biết vì cái gì thật ra là một sự ngu ngốc. Sự chung thủy ngô nghê như trong câu thơ: “Mắt đen cô gái quê tôi/Yêu ai yêu suốt một đời thủy chung!” đã giam chết cuộc đời của bao bạn gái, khi phải chấp nhận lây người thật ra không phù hợp với mình vì không dám nói lời chia tay!

Hơn hết, cuộc sống nơi xứ người đã cho tôi một thứ mà tôi chưa hề được hưởng ở Việt nam, đó là ý thức tôn trọng bản thân mình. Chúng tôi được giáo dục để yêu không biết bao nhiêu điều nhưng không ai dạy chúng tôi phải biết yêu quý, tôn trọng bản thân mình, vì không ai quan tâm đến điều ấy ở Việt nam. Sau này tôi mới hiểu, do chúng ta có nền văn hóa tập thể, nên tập thể mới được tôn trọng chứ không phải là cá nhân. Nhưng nếu mỗi con người không biết trân trọng cá nhân mình thì sẽ không thể nâng cao giá trị bản thân mà chỉ biết làm theo những gì người khác bảo ban. Sự thiếu hụt những cá nhân xuất sắc sẽ là thiệt thòi lớn cho cả xã hội.

Trong sự khủng hoảng về niềm tin ấy, tôi thật sự không biết bám víu vào đâu để duy trì lòng yêu nước của mình, Những tin tức ở nhà gửi sang lại bộc lộ sự khủng hoảng tương tự cả về kinh tế và xã hội ở Việt nam thời hậu chiến, khi rõ ràng chiến tranh đã chấm dứt, mà lời hứa về sự phồn vinh, thậm chí chỉ là yên ổn cũng không thành hiện thực được! Tôi đã từng rất hoang mang khi nghĩ, có lẽ mình không yêu nước, vì tất cả những gì tốt đẹp mà tôi được nghe về đất nước tôi đều không đúng sự thật. Tôi không tìm ra một lý do nào để tin là VN tốt hơn những đất nước khác, tốt hơn nơi tôi đang sống, nếu không muốn nói là ngược lại. Vậy tôi có phải là người xấu, là kẻ vong ân không?

Thời gian ấy, Đông Âu tràn ngập người lao động Việt nam. Những người này đều còn rất trẻ, không được học hành tử tế, lại mang nặng tâm lý thất vọng thời hậu chiến nên phơi bày những lối sống thực dụng, buông thả khó có thể chấp nhận. Những vụ ăn cắp, đánh nhau, phá thai, thậm chí giết người do người Việt nam gây nên nhan nhản trên mặt báo làm hoen ố hình ảnh người Việt nam trong mắt dân bản xứ. Nhiều người nước ngoài đã bảo chúng tôi họ không thể tin là chúng tôi, những người có kiến thức, cư xử đàng hoàng, sống đúng mực, lại có thể xuât thân từ cùng một đất nước với những người lao động họ đã chứng kiến. Tôi thật sự thấy hổ thẹn khi nghe như vậy. Việc phủ nhận mình là người Việt trở thành khá phổ biến trong giới sinh viên, nghiên cứu sinh Việt nam khi đó, đơn giản chỉ là để tránh sự bới móc, thậm chí đe dọa của dân bản xứ với người Việt. Việc này với tôi rất dễ vì hình thức tôi không giống người Việt lắm, tôi lại nói tiếng Czech tốt và giao du nhiều với người nước ngoài, không giống hình ảnh người Việt nói chung. Tôi thường xuyên phải thuyết phục mọi người, kể cả người Việt, rằng tôi đúng là “Người Việt gốc tre 100%”! Tất nhiên, lúc ấy tôi cũng muốn yên thân nên đã có lần định nhận là người nước khác. Nhưng tôi không thể mở miệng ra nói được, tôi cảm thấy nhục nhã nếu phải phủ nhận gốc rễ của mình. Và lúc ấy tôi mới hiểu ra rằng, tôi rất yêu nước. Tôi vui mừng khi nghe tin tốt về đất nước, đau buồn khi nghe những tin không hay và sẵn sàng xù lông lên bênh vực đất nước mình với người nước ngoài. Sau này, khi có dịp đi nhiều nơi, có sự lựa chọn nơi sinh sống, được tiếp xúc với những người Việt định cư ở nước ngoài, nghe những người nước ngoài nói về Việt Nam, tôi mới hiểu tình yêu nói chung và lòng yêu nước nói riêng, nếu đó là tình yêu thật sự, sẽ không phụ thuộc vào việc đối tượng mình yêu xấu hay tốt, hay hay dở mà chỉ phụ thuộc vào tấm lòng mình. Nếu chúng ta thật sự yêu một đối tượng, chúng ta sẽ yêu nó ngay cả khi biết mặt trái của đối tượng đó. Nói đúng ra, một tình yêu thật sự là yêu đối tượng đúng như bản chất của nó, biết cả mặt tốt và mặt xấu mà vẫn yêu, để biết tôn vinh mặt tốt và hạn chế mặt xấu, làm đối tượng tình yêu của mình tốt hơn. Còn nếu chúng ta yêu một đối tượng chỉ vì nghĩ là nó hoàn hảo thì tình yêu đó sẽ tan vỡ ngay khi mình nhìn ra mặt trái của nó, vì không ai, không điều gì là hoàn hảo. Thậm chí, điều hôm nay là hoàn hảo, ngày mai lại có thể là hạn chế rồi! Một tình yêu thật sự sẽ không sợ sự thật về đối tượng của mình! Và chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh bát kỳ điều gì cho đối tượng mình yêu.

Biểu tình ở Đức

Biểu tình ở Đức

 

Một lần, khi đang ở nước ngoài, tôi được nghe bài “Bonjour, Vietnam” do Pham Quynh Anh. Giữa thủ đô hoa lệ xứ người, tim tôi đã rung lên, mắt nhòa đi khi nghe câu: “Someday, I will go there, someday to say hello to your soul, Someday, I will go there, to say hello to you, Vietnam!” Những lời nói đó từ miệng một cô gái có gương mặt xinh xắn, trẻ trung rất Việt Nam nhưng không biết tiếng Việt đã làm tôi xúc động sâu sắc. Ôi, Việt Nam! Ôi Tổ quốc tôi! Một cô gái từ bé đã không sống ở Việt nam, người nhạc sĩ viết bài này cũng không phải người Việt mà còn có thái độ trân trọng sâu sắc như vậy đối với đất nước tôi, lẽ nào tôi, một người sinh ra và lớn lên tại đất nước đó, đã chia ngọt sẻ bùi với từng tấc đất nơi ấy lại có thể không yêu quý đất nước này? Việt Nam, nơi gia đình tôi, những đứa con của tôi đang sinh sống, nơi có cả cuộc đời tôi.

Một em bé mang hia dòng máu Anh - Việt mang biểu ngữ phản đối

Một em bé mang hia dòng máu Anh – Việt mang biểu ngữ phản đối

 

Tôi chợt nhớ đến một bài thơ của một người Nga tha hương viết về Tổ quốc mình:

Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương

 

Tấm bản đồ Petersburg hoa lệ

Bất ngờ tôi gặp chốn tha phương

Trên mảnh giấy úa vàng cũ kỹ

Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương

Và lớp lớp bỗng hiện về ký ức

Chân sững sờ, mắt lệ rưng rưng

Rồi nỗi buồn bỗng trào lên thổn thức

Một tấc lòng, vạn tấc nhớ thương.

Và biểu tình ở VN

Và biểu tình ở VN

 

Bài thơ này là của một người Nga lưu vong trên đất Mỹ viết trong thời gian sau Cách mạng tháng 10 Nga 1917, trong hoàn cảnh bị xua đuổi, không còn khả năng quay về. Còn chúng ta ngày nay, khi đọc những dòng này, hầu hết chúng ta có điều kiện ra đi và khả năng lựa chọn sự trở về. Chúng ta may mắn hơn người Nga ấy nhiều.

Bài thơ viết về Tổ quốc của bạn trẻ Đoàn Minh Hằng cho chúng ta thấy, yêu nước thật là rất đơn giản:

Yêu Tổ quốc là gì hả bạn?

Không phải khi mất nước mới yêu

Yêu Tổ quốc là yêu thật nhiều

Những khoảnh khắc mà chúng ta đang sống

Hãy mở lòng nhìn và đời thật rộng

Nhớ tên núi sông, hiểu lịch sử quê nhà

Thuộc những câu hò, điệu lý dân ca

Tự hào với những gì mình đã có

Yêu Tổ quốc là hãy yêu thật nhỏ

Và thật sâu, thật rộng, thật dài

Là đừng nghĩ chỉ làm chuyện ngày mai

Sẽ biểu tình hoặc tham gia cuộc chiến

Là hãy sống từng ngày và cống hiến

Cho quê hương cho Tổ quốc mình

(Chùm thơ của Đoàn Minh Hằng, http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=4197)

 

Những chuyến đi đã dạy cho tôi hiểu, dù trong thời toàn cầu hóa  “chí hải hồ” thúc người trẻ rong ruổi trên các nẻo đường tha hương, nhưng ai cũng ra đi chỉ là để hạnh phúc hơn khi trở về. Tôi đã hiểu, tôi yêu đất nước tôi, bất chấp những điều không hoàn hảo của nó. Đây là nơi tôi đã lựa chọn để sống, để gửi gắm cuộc đời mình. Và trong những giờ phút Tổ quốc bị xâm lăng, lòng yêu nước sẽ sống dậy mạnh mẽ hơn bất kỳ lúc nào để gắn kết mọi con người Việt nam vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Trên môi mỗi chúng ta sẽ là câu:

Ôi sông núi uy nghi ngàn dặm đất

Có nghe tiếng chúng con: Xin có mặt

Nguyện làm người xung kích của quê hương

Đấy tiếng hát chúng con: tiếng hát xuống đường!

(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Và lòng yêu nước sẽ là điều lớn nhất chúng ta có thể dâng cho Tổ quốc của mình.

(Bài đã đăng trên Tuần Việt Nam: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/175471/to-quoc-day-toi-yeu-nhu-the-.html)

Biểu tình ở Hà Lan

Biểu tình ở Hà Lan

Biểu tình ở Pháp

Biểu tình ở Pháp

 

 

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *