Đừng quên dịch sởi

0 No tags Permalink

Mình vẫn nghĩ trong mấy ngày qua, người được lợi lớn nhất từ HD981 chính là Bộ trưởng Bộ Y tế. Công luận quá chú ý vào giàn khoan mà lãng quên đi dịch sởi cũng như những phát ngôn ngu xuẩn của người đứng đầu Bộ. Mình cũng tưởng dịch sởi đã qua cơn nguy cấp và là chuyện của xã hội thôi. Nhưng trong xã hội mở này, không ai có thể dám chắc điều gì. Đầu tiên là một chiều đi làm về, cô giúp việc nhà mình nghe ĐT xong run đến mức độ cái chìa khóa đang cầm cũng đánh rơi, vừa khóc vừa xin mình cho thôi việc. Hóa ra cháu ngoại cô ấy mới 5 tháng tuổi ở Yên Bái bị sởi biến chứng vào phổi, vừa theo xe cấp cứu nhập viện Nhi, hiện đang phải thở oxy. Hỏi vì sao bố mẹ lại để con bị nặng thế thì được nghe một câu chuyện như để đăng báo vậy.

Vợ chồng con gái cô mới 18 tuổi đã lấy nhau, sinh con nên chả biết gì, con bị sởi lại tưởng bị rôm, cứ tắm lá, nằm quạt… Ba ngày sau thấy con sốt đưa vào viện, nghĩ bệnh nhẹ nên chọn viện trái tuyến cho gần. Vào viện đúng thứ 7 nên bác sĩ cứ bỏ mặc, y tá chỉ cho uống hạ sốt, đến thứ 2 mới có người khám thì đứa bé đã khó thở, vội chở lên bệnh viện tỉnh. Bệnh viện tỉnh cho xe cấp cứu, bóp bóng thở suốt đường chở thẳng lên viện Nhi. Và vì đi trái tuyến nên không được bảo hiểm, riêng tiền xe đã hết 2,8tr, hai vợ chồng còn đúng 100k, gọi điện cầu cứu bà ngoại. Tất nhiên là mình phải cho cô ấy nghỉ ngay, thanh toán hết tiền và cho thêm một ít, còn phải lo hỏi bác sĩ hộ. Nghe kể tình hình, bác sĩ bảo có thể khó đấy, gia đình nên chuẩn bị. Nhà mình đang có cháu nhỏ, nghe mà xót xa, không dám nói lại. Nhưng may quá, sau 3-4 ngày cháu đã hạ sốt, bay sởi, 1 tuần sau thì tự thở được. Mình cũng thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng ở nhà mình thì tán loạn lên vì không ai trông cháu cho mẹ cháu đi làm. Đúng vụ gặt nên tìm đâu cũng không có người. Sau 1 tuần vất vưởng, bà và mẹ thay nhau nghỉ thì cô giúp việc nhờ được cô cháu lên thay. Kịch bản người giúp việc mới được lặp lại, dạy từ quét nhà đến trông trẻ, không việc gì làm nên hồn vì trẻ con nông thôn không được dạy làm gì, lớn như cây cỏ, chỉ lấy chồng đẻ con là nhanh. Sau 1 tuần toát mồ hôi, tưởng đã tạm ổn thì sáng nay cô ấy lại xin về vì chồng gọi điện là đứa con 2 tuổi lại lên sởi, chồng không tự chăm được, cô ấy phải về ngay!

Khi gọi điện cho cô giúp việc cũ để thông báo, nhân tiện hỏi thăm cháu cô ấy, gặp cô ấy đang rất hốt hoảng. Hóa ra cháu bé có đỡ nhưng hơn 2 tuần rồi, vẫn chưa biết bao giờ ra viện được. Cô ấy mếu máo bảo hôm nào cũng khóc thầm vì từ hôm theo cháu vào viện đến giờ, hàng ngày đều thấy hơn chục ca từ khắp các tỉnh thành vào cấp cứu, ngày nào cũng chứng kiến 2-3 ca tử vong, toàn dưới 6 tháng tuổi. Hôm qua vừa có 1 cháu cùng phòng 5 tháng tuổi, khá mũm mĩm, chỉ vì bị sởi nhưng bác sĩ tuyến huyện lại nhầm là bị dị ứng nên cứ giữ chữa suốt 10 ngày, hôm qua mới chở lên Viện Nhi thì quá muộn rồi, phổi đã trắng hết, đến sáng nay người tím tái hết rồi mất. Cô ấy bảo các bác sĩ và y tá của bênh viện Nhi rất nhiệt tình và rất tốt nhưng bi kịch dịch sởi không được công bố, lại gặp hệ thống y tế nát bét, bác sĩ tuyến cơ sở ngu dốt và vô trách nhiệm đã làm bao cháu bé chết oan, chưa biết bao giờ mới chấm dứt.

Đã thế lại còn đọc được bài báo này (http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/610133/bo-y-te–vn-da-phan-ung-rat-nhanh-doi-voi-dich-soi.html), trong đó chị BT tự nhận “đã phản ứng rất nhanh với dịch sởi”, số lượng tử vong cao là vì “tình trạng người dân và y tế tuyến dưới tự vượt cấp lên Bệnh viện Nhi quá đông, tập trung trong thời gian ngắn, gây nên quá tải trầm trọng dẫn đến tử vong do bội nhiễm và lây chéo, đặc biệt đối với bệnh nhân sống trên địa bàn Hà Nội”!

Hết nói nổi rồi! Chuyện giàn khoan chắc sẽ còn lâu dài, mong các nhà báo hãy để ý đến các bệnh viện để kịp thời thông báo cho công luận biết, còn chăm sóc con em mình.

MÌnh rất tránh đả kích cá nhân nhưng đang điên quá nên đành post ảnh này. Nếu các bạn thấy không nên thì mình sẽ bỏ!

MÌnh rất tránh đả kích cá nhân nhưng đang điên quá nên đành post ảnh này. Nếu các bạn thấy không nên thì mình sẽ bỏ!

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *