Có nên cộng điểm đại học?

0 No tags Permalink

Rất cám ơn những lời đầy tâm huyết của chủ thớt. Mình hoàn toàn đồng ý:
1/ Hoàn cảnh đất nước rất khác nhau và tất cả chúng ta đều cần nhau. Cho người này cơ hội chính là cho bản thân nữa.
2/ Tuy nhiên, công bằng không có nghĩa là cào bằng mà chỉ là cho nhau cơ hội để có chỗ đứng trong đời, không thể lấy cơ hội của người này đem cho người khác. Ví dụ bạn ở miền núi, bạn không có điều kiện tập múa ballett, Tôi không thể bỏ đi một học sinh múa lành nghề có điều kiện tập luyện từ nhỏ để cho bạn chỗ ấy được. Vì thế điểm cộng có thể 1-2 đ chứ không thể đến 4đ/30 được (số diểm cộng thêm chính xác nên là kết quả của một nghiên cứu thực địa xem học sinh địa phương cùng thời gian học, lực học tương đương sẽ bị thua sút bao nhiêu chứ k thể tuỳ hứng như bây giờ). Cho nên cho cơ hội tức là ví dụ bạn ở vùng xa, bạn được ưu tiên 1-2 đ, nhưng nếu thiếu đến 4 đ thì bạn được học dự bị 1 năm. Nếu qua 1 năm bạn thi lại lên được mức tương đương thì được vào học hoặc bạn được ưu tiên học phí để vào các trường thấp điểm hơn. Bạn có thể phẫn nộ vì điều này nhưng hãy nghĩ lại, nếu con bạn bây giờ 12 năm đèn sách, chăm chỉ tử tế mà bị tước đi cơ hội học hành đúng ước mơ của nó để nhường cho đồng hương của mẹ nó thua nó 4đ thì bạn có OK không?
3/ Nếu các bạn cứ ủng hộ cộng điểm tràn lan, bạn có thấy ngay trong HN hay SG, mức sống trong các gia đình cũng khác nhau rất xa. Vậy sao thí sinh ở xóm nước đen Kênh Nhiêu lộc không được cộng điểm? Ngay trong cùng khu tập thể, bố mẹ làm cùng ngành nhưng kinh tế, tư duy của bố mẹ cũng rất khác nhau. Sao đứa bé sinh ra trong gia đình bố nghiện rượu, mẹ bệnh liệt giường không được cộng điểm??? Bạn có chắc học sinh vùng núi khổ hơn những học sinh ấy???
4/ Bản thân tôi từng học cùng với rất nhiều học sinh đỗ do cộng điểm, 90% trong số đó, học lực không bao giờ khá được, chỉ chừng 10% bật lên ngang tầm các bạn khác.Hầu hết những người ấy nhờ tấm bằng đều được đổi đời,trên 90% không hề quay về xây dựng quê hương mà chỉ xây nhà thờ hay xây mộ cho dòng họ. Họ cũng không đóng góp được gì nhiều cho quốc kế dân sinh vì do xuất thân, họ thường chỉ lo công việc ổn định, lo đưa họ hàng ra phố chứ không có tầm nhìn xa. Khổ nỗi do lý lịch cơ bản, lại dễ bảo nên họ thường được nắm chức vụ cao. Và vì thế, họ kéo cả nền giáo dục cũng như đất nước này đi xuống!
Vì vậy, cộng điểm ưu tiên tràn lan sẽ có ích trước mắt cho 1 số cá nhân nhưng sẽ có hại cho giáo dục nói chung và đưa cả xã hội đi xuống! Thay vào đó, Nhà nước nên nghiên cứu việc phân loại học sinh từ cấp 2 để trợ cấp tài chính cho một số học sinh nghèo có năng lực để các em có khả năng cạnh tranh trong một cuộc thi công bằng. Không nước nào trên thế giới có chính sách ưu tiên vùng miền mà chỉ dựa trên thu nhập của gia đình. Con đại gia Lạng Sơn mà được ưu đãi so với con công nhân Hà Nội thì nực cười quá. Cộng điểm chỉ nên giới hạn ở mức 1-2 đ và phải có nghiên cứu, tính toán mức cụ thể, đồng thời tuyệt đối tránh việc làm giả hồ sơ để lạm dụng!

Tôi là một trường hợp được cộng điểm ưu tiên cao!

Hơn hai mươi năm trước, kỳ thi đại học năm 1992, tôi chỉ được có 8,5 điểm, cho 3 môn toán + lý + hóa frown emoticon Năm đó ĐHSPHN I điểm chuẩn là 12,5 điểm frown emoticon Vậy là tôi được cộng tới 4 điểm!

Ngày đó quê tôi chưa có điện, và may mắn là mạng xã hội cũng chưa có, nên tôi không thấy được làn sóng giận dữ trên mạng như năm nay.

Khi nhận giấy báo, lại ghi rõ là xét tuyển bổ sung hệ B, nhà tôi đã họp bàn. Nhiều người bảo đừng, học lắm khó lấy chồng. Một ông chú nói: “Cho con gái đi học ĐH chứng tỏ là ông bà rất huếnh!”

Năm 1992, cả cái huyện miền núi của tôi, khối lớp 12 chỉ có 3,4 HS đậu ĐH. Cũng là Thanh Hóa, nhưng nhiều huyện khác đã học hết chương trình lớp 12 từ giữa năm lớp 11, và dành nguyên một năm rưỡi để luyện bộ đề. (Ngày đó thi ĐH bằng bộ đề, gồm 100, 150 đề sẽ thi, luyện nhiều, luyện kỹ thì điểm cao). Trong khi lớp tôi, lớp 12 chuyên chọn khối A cuả toàn huyện, chưa làm xong cái đề số 1. Gặp câu khó, GV Toán giở cuốn hướng dẫn giải đề ra, cô cũng chả hiểu sao họ lại giải như thế. Thế là tất cả tụi tôi dừng lại ở đề số 1 và đi thi.

Nhưng nhờ số hên, tôi vẫn được bố mẹ “huếnh” cho đi học ĐH, rồi ngay HK2 năm nhất tôi đã dành được học bổng. Hồi đó có HB loại A, loại B, loại C, và hệ phải đóng học phí, tôi đạt HB loại A. Bố mẹ chỉ phải gửi tiền nuôi tôi năm đầu tiên, năm thứ 2 là thưa dần ít dần, vì tôi đã đi làm gia sư, đi bốc hàng cho sạp hàng khô ngoài chợ, đan len, làm thêm linh tinh nhiều việc vặt khác…

Rồi tôi tốt nghiệp loại Khá, ra làm việc ở HN, rồi vào Nha Trang, rồi vào SG. Tôi chưa bao giờ phải nhờ bố mẹ chạy chọt, hay phải luồn lách xin xỏ quỵ lụy ai. Tôi thi tuyển vào làm CTV, rồi PV, rồi BTV, và giờ là Thư ký Tòa soạn tờ báo tuổi teen số 1 Việt Nam. (Số 1, chứ không phải hàng đầu ạ!)

Có người bảo cuộc thi ĐH là nơi cạnh tranh khốc liệt, “cộng điểm ưu tiên là dễ dãi trong đầu vào theo kiểu ban phát điểm, là chúng ta đang xẻo thịt đem bán rẻ nguồn nhân lực cho tương lai. Mục đích của đại học là đào tạo nhân lực chứ không phải từ thiện, tế bần”… “Cũng giống như một lò bánh mì vậy, bạn cần bột ngon thì bánh nướng mới ngon, bột thiu, phẩm cấp kém hơn thì bánh sẽ không thể nuốt được”.

Một ý kiến nhận ngàn like trên VN Express rằng “để lên được từ 21 lên 24 điểm, bạn cần học 500 giờ thì từ 24 điểm lên 27 điểm, bạn sẽ cần không dưới 1000 giờ học. Bây giờ cho không một người 1000 giờ học, và đổ 1000 giờ học của người kia xuống dưới biển liệu có công bằng?”

Vậy bạn có biết giá cà chua tại vườn của các nông trại trên Đà Lạt có khi chỉ 1.000 đồng/ ký, bán 74 ký cà chua trồng cấy chăm bón suốt mất tháng liền chỉ bằng một ly nước ép trong Highland Coffee? Một ký lúa khoảng 3.000 đồng, vậy thì 30 ký lúa bán mặt cho đất, bán lưng cho trời suốt 4 tháng ròng, chỉ được một phần cơm gà của McDonald? Và một yến cà phê Buôn Mê Thuột cũng chỉ bằng tiền một ly cà phê trong Starbucks?

Bình đẳng không phải là Công bằng, nhất là với những người không đứng cùng vạch xuất phát!
Chả ai chọn được nơi mình sinh ra. Tôi không chọn để sinh ra ở vùng miền miền núi khỉ ho cò gáy, tôi không chọn lủi thủi trèo bộ trên những con dốc hiểm trở để đi học. Tôi không chọn ngôi trường suốt 12 năm không học ngoại ngữ, ngôi trường chỉ có GV Toán tắc ngay từ đề số 1 (dù đã có cuốn hướng dẫn gỉai trong tay). Nhiều bạn khác cũng thế, họ không chọn sinh ra trên cao nguyên đá hay hải đảo, ko chọn chui túi ni-lông, đu dây để qua suối đi học. Các bạn ấy cũng chả không mong bố mẹ mình là thương binh, liệt sỹ đâu ạ.

Đường đi học của bạn có thể kẹt xe, có thể bạn phải đứng trên xe bus 3 tiếng đồng hồ, nhưng dù sao bạn cũng còn được nhìn thấy xã hội phát triển mỗi ngày. Bạn thấy xe cộ, đường cao tốc, cầu vượt, thấy người nước ngoài, thấy các tiệm kinh doanh của người Hoa người Việt người Mỹ người Hàn, bạn biết rằng thế giới thật là kỳ thú, và chính nó châm ngòi cho khát khao học hỏi thêm của bạn.

Tôi ít khi tặng tiền tặng gạo, vì tôi đã nhìn thấy những gia đình càng lười biếng hơn, chỉ vật vờ đợi lĩnh tiền trợ cấp. Tôi tin rằng cách tốt nhất là chỉ giúp những người có khát khao.
Và trợ giúp về giáo dục là cách gốc rễ nhất để chính họ thay đổi, rồi tự họ vượt qua đói nghèo. Và khi họ thành công, họ sẽ giúp lại những người trong cộng đồng, vì họ hiểu quê mình đang cần gì. Hoặc chí ít là họ nhóm lên ước mơ cho ai đó, dù chỉ là ước mơ bắt chước. Có ước mơ, sẽ có ý chí. Có ý chí, sẽ có con đường.

Không phải ngu mà Mỹ và Phương Tây cứ đi viện trợ hoài, hàng ngàn tỷ đôla cho châu Phi, Châu Á!

Khoảng cách giàu nghèo quá xa, sẽ nảy sinh những mâu thuẫn xã hội gây ảnh hưởng tới tất cả mọi người, không trừ một ai. Như chuỗi phản ứng domino, nếu nông dân, công nhân bị bỏ lại trên đường phát triển, xã hội sẽ bất ổn.

Cuộc bạo động Bình Dương và Vũng Áng, có ảnh hưởng tới gia đình bạn không? Có!
Khi người miền núi chặt cây phá rừng, bạn ở đồng bằng có thể bị lũ quét ko? Có!
Một thanh niên nghèo thất nghiệp có thể điều khiển cả một tỷ phú không? Có, chỉ cần giơ 1 cái kim tiêm ra thôi!

Chỉ lo cho mình là không đủ! Dù toa đầu tầu có khả năng đi nhanh tới bao nhiêu, thì vận tốc của nguyên đoàn tàu vẫn bằng với vận tốc của toa chậm nhất. Chỉ số GDP luôn tính bình quân trên toàn bộ dân số, đất nước không thể gọi là phát triển khi vẫn còn những vùng đói nghèo, lạc hậu.

Tôi nhớ có lần gặp một giám đốc tuyển sinh của một đại học Mỹ tại Việt Nam, tôi hỏi: Nước bà dành học bổng để mời gọi HS nước tôi qua học, có phải vì từ thiện không?
Bà ấy nói: Không phải từ thiện, đó là việc có lợi cho chính các sinh viên bản xứ. Khi có SV từ nước bạn sang, SV chúng tôi được hưởng sự đa dạng về văn hóa, đa dạng về quan điểm và góc nhìn. Đó là cơ hội và cũng là động lực để SV chúng tôi học tốt hơn.

Do đó, việc cộng điểm ưu tiên cho thí sinh vùng sâu vùng xa miền núi hải đảo có lợi cho chính bạn, những thí sinh thành phố ạ! Bạn có nghe về hiệu ứng cánh bướm rồi đấy, tưởng nhỏ bé, tưởng xa xôi, tưởng thiếu công bằng, nhưng không vô lý đâu ạ!

Việc học quan trọng như khí oxy, và thế nên, cơ hội học tập cũng nhiều như không khí. Chẳng có ai lại nói: “Không, mày không được hít mất không khí của tao!”. Kỳ lắm à nha!

Giả sử ngày đó tôi không được cộng điểm ưu tiên để xét tuyển bổ sung, thì bây giờ có lẽ tôi đã yên vị cưới với một anh trai bản nào đó, với 1 bầy con lít nhít chuyên đi đốt phá rừng trồng bắp… không có chém gió trên FB thế này đâu nhỉ tongue emoticon

 

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *