ĐAU ĐẦU VÌ VĂN HOÁ ỨNG XỬ

0 No tags Permalink

               

Thời gian gần đây ngày càng nhiều lời than phiền về văn hoá ứng xử của người Việt. Niềm tự hào của người Hà Nội “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” có vẻ cũng không còn đúng nữa với những hình ảnh người dân cướp hoa anh đào, giật đổ cổng trường, xả rác bừa bãi nơi công cộng… Tình hình đã báo động đến mức tháng 1/2015 Uỷ ban ND TPHN phải đưa ra đề án “xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội”, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 11/2015. Tuy nhiên, xung quanh đề án này có rất nhiều tranh cãi, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc làm này thiếu cơ sở khoa học. Văn hoá không phải lĩnh vực có thể dùng sự áp đặt mà cần có môi trường lành mạnh để hình thành và phát triển. Bản thân TS. Mai Đức Anh, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học xã hội nhân văn và Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội – chủ trì đề án cũng nói “Bất kỳ một đề tài nghiên cứu nào để áp dụng vào đời sống thì vẫn còn những khoảng trống nhất định. Chính vì vậy, chúng tôi chỉ kỳ vọng đóng góp thêm vào việc xây dựng nếp sống lành mạnh, lịch sự của người dân thủ đô” mà thôi”.

Thực ra trên thế giới, việc xây dựng bộ Quy tắc ứng xử rất phổ biến. Theo Wikipedia, Quy tắc ứng xử (Code of Conduct) được hiểu là “một bộ quy tắc nhằm phác thảo tiêu chuẩn, quy tắc và trách nhiệm trong xã hội trong hành xử thực tế của cá nhân, tổ chức hay đảng phái. Quy tắc ứng xử thông thường gắn với các khái niệm như đạo đức, danh dự hay tôn giáo”.

Năm 2007, Liên đoàn Kế toán Quốc tế (International Federation of Accountants) đưa ra khái niệm khác, cụ thể hơn: “Bộ quy tắc ứng xử là những nguyên tắc, giá trị, chuẩn mực hoặc những quy tắc ứng xử để hướng dẫn việc ra quyết định, quy trình và hệ thộng của một tổ chức nhằm (a) đóng góp cho phúc lợi của những người hưởng lợi chính của tổ chức ấy, và (b) tôn trọng quyền của tất cả những người chịu ảnh hưởng bởi công việc của tổ chức”.[1]

Các Công ty lớn trên thế giới đều có Bộ quy tắc ứng xử của mình như Coca Cola, Unilever… Đây là văn bản nhân viên phải được học trước khi làm việc ở công ty để đảm bảo cho uy tín của công ty.

Nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến Tuyên bố Geneva (Declaration of Geneva) và Tuyên bố Helsinki (Declaration of Helsinki) do Hiệp hôi Y khoa Thế giới đưa ra nhằm cam kết về mục tiêu nhân văn của ngành Y, nhất là sau những thí nghiệm vô nhân đạo của Phát xít Đức trong Thế chiến 2.

Như vậy, chúng ta có thể thấy Bộ Quy tắc Ứng xử là rất cần thiết và phổ biến nhưng chỉ trong phạm vi tổ chức và ngành, vì đặc trưng công việc của ngành hay tổ chức ấy. Việc xây dựng quy tắc ứng xử cho địa phương chưa từng có tiền lệ và khó khả thi vì phạm vi quá rộng và lĩnh vực quá đa dạng. Quy tắc ứng xử ở đây được hiểu là chuẩn mực xã hội (social norms) và nó là một phần của văn hoá. Theoông Frederico Mayor, Tổng Giám đốc UNESCO: “Văn hoá bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi, hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động[2] Theo quan niệm này, văn hoá, trong đó có văn hoá ứng xử hình thành vì lẽ sinh tồn và mục đích của cuộc sống. Nói cách khác, môi trường sống khác nhau sẽ tạo nên nét đặc trưng cho văn hoá nói chung và văn hoá ứng xử nói riêng của từng dân tộc. Văn hoá ứng xử sẽ bao gồm những chuẩn mực xã hội về mọi hành vì của con người như trang phục, cách nói năng, cử chỉ, ăn uống… trong quan hệ với người khác, đặc biệt là ở nơi công cộng. Chúng ta cần làm rõ những khái niệm này để có thể tìm ra nguyên nhân của sự khủng hoảng văn hoá trong thời gian gần đây và đưa ra cách giải quyết.

Theo Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn trong buổi toạ đàm do Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần tổ chức năm 2013 thì: “Nền tảng của văn hoá ứng xử chính là những giá trị và chúng ta đang bị khủng hoảng về giá trị thực sự, trước hết là sự xung đột giữa những giá trị cổ truyền với vai trò quan trọng của Nho giáo, với xã hội xã hội chủ nghĩa và một xã hội hội nhập hiện nay.Nếu không chọn được những giá trị nền tảng, mà để cho những giá trị hoang dã là quyền lực, tiền bạc, hưởng thụ và danh vọng ảo thống trị thì dần dần chúng sẽ phá đi những nền tảng văn hóa tốt đẹp của xã hội”.[3]

Khi hệ thống giá trị cũ bị dẹp bỏ, giá trị mới chưa xác định được nên nhiều người đành phải bám vào cái mà người ta cho là cụ thể nhất, dễ cảm nhận nhất là đồng tiền.Nhưng khi đồng tiền được tôn vinh, lấn át mọi giá trị khác thì khái niệm “có tiền” và “có văn hóa” không còn song hành. Điều nguy hiểm nhất là càng có nhiều tiền, người ta càng dễ trở thành người của công chúng, có tầm ảnh hưởng đối với xã hội, những biểu hiện thiếu văn hóa của họ sẽ lan truyền rất nhanh, gây ảnh hưởng hết sức tai hại với cộng đồng, làm văn hoá xã hội càng xuống cấp như nhiều ví dụ trong thời gian gần đây của những người nổi tiếng. Những tin kiểu “siêu đám cưới’, “bước vào showbiz” của những đại gia làm giàu không nhờ tri tuệ, những lùm xùm tố nhau về danh hiệu “nghệ sĩ ND, nghệ sĩ ưu tú” của những người đáng ra phải là mẫu mực về ứng xử trong xã hội càng làm giới trẻ mất niềm tin.

Theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn thì gốc rễ của vấn đề là “lòng tham” và “sự trì trệ, không chịu sửa chữa”. Theo ông thì “Người Việt càng giàu thì càng tham càng xấu hổ hơn khi người Việt chỉ tham những thứ tầm thường nhỏ mọn. Cái tham này tôi nghĩ không phải chỉ do cơ chế thị trường bây giờ mà nó là ung nhọt lâu rồi. Bây giờ thì từ sư tham, thầy tham, dân tham, quan tham…Ai cũng vơ vét cho mình”. Cơ chế xã hội không đảm bảo sự công bằng nên lòng tham càng có đất phát triển như việc “cướp hoa” năm nào cũng tái diễn, không chỉ ở Hà Nội mà cả ở TP.HCM. Nhưng dân tộc nào cũng có tính xấu, điều làm ứng xử của người Việt ngày càng “xấu xí” là vì “người Việt thường biện ra những lý do để giải thích cho cái sai của mình. Người ta đưa ra lý do nghèo để đi ăn trộm, đói để đi ăn cắp…hay tại vì thế này, tại thế kia nên tôi như thế… Mà ngay cả trong cách lý giải cũng thể hiện cái nhìn ngắn thiếu suy nghĩ bỏ qua luân thường đạo lý phép tắc xã hội”[4].

Kim chỉ nam của quy tắc ứng xử phải là: 1/Tôn trọng sự tự do lựa chọn của con người, nghĩa là mỗi cá nhân có quyền tự do lựa chon cách ăn mặc, ứng xử vì “Diversity is the Beauty – Đa dang là Đẹp”, miễn là 2/ Không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người khác và của xã hội. Ví dụ: cá nhân có quyền hút thuốc lá nhưng khi hút ở nơi công cộng, làm ảnh hưởng đến những người khác thì không thể chấp nhận. 3/ Với những địa phương có truyền thống văn hoá lâu đời như Hà Nội thì cần nâng cấp lên thành văn hoá ứng xử tức là cần có hành xử đẹp mắt, tức là ngoài việc tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người khác và của xã hội, còn cần có sự tinh tế trong cách ăn mặc, ứng xử để giữ gìn và xây dựng truyền thống cho Hà Nội.

Muốn giải quyết tình trạng này, trước hết chúng ta cần cải thiện bắt đầu từ thế hệ trẻ và bắt đầu phải là từ gia đình vì đây mới là nơi trẻ học được những giá trị sống thực sự và những kỹ năng sống trong cuộc đời. Các bậc bố mẹ trước hết phải làm gương cho con, không thể bố mẹ vượt đèn đỏ khi chở con, xui con quay cóp cho khéo, nhận tiền tham nhũng tại nhà… mà làm gương được cho con. Thực tế cho thấy, dù hoàn cảnh xã hội có tha hoá đến đâu, nếu giữ đực nếp nhà thì người trẻ sẽ có bản lĩnh đối phó với cái Xấu và sẽ tiến xa như gia đình dịch giả Trịnh Lữ, nhà văn Vũ Ngọc Phan…

Nhà trường cũng cần định hình những phong cách văn hoá ứng xử phù hợp và đưa vào nội dung giảng dạy cho học sinh các cấp thông qua những hình ảnh, tình huống, câu chuyện cụ thể để hướng dẫn các em cách ăn mặc, ứng xử trong giao tiếp như: Thế nào là trang phục phù hợp khi đi học, đi dã ngoại, đi nhà hát…, cách ăn uống, chào hỏi, cư xử khi đến nhà bạn, khi đến nơi công cộng… Bên cạnh đó, những địa điểm như nhà hát, thư viện, trung tâm mua sắm, cần có quy tắc ứng xử rõ ràng cho cả người tham dự và nhân viên. Ai trong chúng ta cũng đã từng nhiều lần chứng kiến người lớn mặc đồ ngủ, đồ mặc nhà đến nhà hát, hút thuốc lá vứt ra sàn… nhưng nhân viên cũng thờ ơ để mặc. Nếu không có cơ chế bắt buộc thi hành thì văn hoá ứng xử sẽ không thể nhân rộng, thậm chí ngày càng thui chột đi.

Các nhà văn hoá có thể tổ chức các khoá dạy văn hoá ứng xử cao cấp hơn cho thanh thiếu niên và mọi người quan tâm như cách tặng hoa cho bố mẹ, cho bạn gái, người yêu, cách bày bàn ăn khi mời khách… Trong bối cảnh toàn cầu hoá, cũng cần có những khoá dạy cách mặc trang phục, ăn uống kiểu phương Tây để mọi người khỏi bỡ ngỡ khi tiếp xúc với người nước ngoài, cách khiêu vũ… Trung Quốc đã từng tổ chức nhiều khoá học kiểu này và rất thành công.

Các phương tiện thông tin đại chúng cũng có thể xây dựng các chương trình thực tế xung quanh chủ đề này như các chương trình truyền hình thực tế, các chuyên mục trên báo, đài… Thực tế cho thấy, người trẻ rất khát khao học văn hoá ứng xử, chỉ là không biết học ở đâu và thế nào là chuẩn mực. Vì vậy, những chuyên đề như thế này của báo Nhân Dân rất đáng được hoan nghênh và cần được nhân rộng hơn.

 

1: https://en.wikipedia.org/wiki/Code_of_conduct

[2]Nguyễn Hoàng Ánh (2004): Văn hoá kinh doanh Việt nam trong tiến trình hội nhập và đổi mới, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ hai, tháng7/2004

[3]http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/di_tim_net_dep_van_hoa_ung_xu.html

[4]/ Hoàng Lực, “Ba câu hỏi của ông Vương Trí Nhàn giúp giới trẻ tránh “vết xe gian dối”http://giaoduc.net.vn/Muc-cu/Vi-khat-vong-Viet/3-cau-hoi-cua-ong-Vuong-Tri-Nhan-giup-gioi-tre-tranh-vet-xe-gian-doi-post118832.gd

 

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *