Trả lời phỏng vấn đài Hà Nội kỳ I: Chuẩn bị tâm lý nghỉ hưu

0 No tags Permalink

MC:      Thưa quý vị trong chương trình tuần trước chúng ta đã có dịp trao đổi với nhà Xã hội học Trịnh Hòa Bình về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu do bộ lao động thương binh và xã hội dự kiến sẽ trình Quốc hội vào năm 2017. Tuy nhiên thì cho dù câu truyện nghỉ hưu ở độ tuổi nào còn chưa ngã ngũ thì có thực tế là trước hay sau chúng ta đều phải nghỉ hưu. Vậy quãng thời gian nghỉ hưu sẽ là cuộc đời nở hoa hay cuộc sống bế tắc, điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào mỗi chúng ta. Làm thế nào để nghỉ hưu vui vẻ sẽ là chủ đề của câu truyện tuần này. Vị khách mời của chương trình ngày hôm nay sẽ là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyên Hoàng Ánh. Xin chào và xin cảm ơn cô đã nhận lời tham dự vào chương trình tuần này. Thưa cô, câu hỏi đầu tiên xin được dành cho cô là được biết cô là người cũng sắp về hưu và cũng đang chuẩn bị tâm lý để về hưu, cô cảm thấy thế nào trước sự kiện này ạ?

Tôi:         Bởi vì nó cũng là điều mà mình biết trước nên tôi cũng chưa cảm thấy buồn rầu hay hụt hẫng gì, thậm chí đôi khi còn có cảm giác là mong chờ. Những ngày mưa lạnh, sáng phải dậy đến cơ quan, có những chuyến đi vui vẻ mà mình phải từ chối vì công việc cơ quan, lúc đó mình cảm thấy sang năm chắc là cuộc đời sẽ nở hoa lắm.

MC:        Tâm lý chung của người sắp về hưu có thể chia ra làm hai loại khác nhau. Một bên cảm thấy rất là háo hức cho rằng sau bao nhiều năm lao động giờ là lúc mà mình được nghỉ ngơi, được hưởng thụ, được làm những gì mình thích. Phần còn lại thì cảm thấy buồn chán vì về hưu đồng nghĩa là mình già nua, mình vô dụng… Cô thuộc vào nhóm tâm lý nào ạ?

Tôi:         Thực ra cho đến bây giờ tôi vẫn thuộc loại thứ nhất. Tôi cho rằng là trong một khoảng thời gian rất dài phải sống theo ý người khác thì có lẽ là tôi sắp đến một giai đoạn tôi được sống theo ý mình nhiều hơn nên tôi có cảm giác tương đối là mong chờ. Tuy nhiên không ai có thể dám nói mạnh được, rất nhiều bạn bè tôi đã nói với tôi “Nói thì nói thế thôi chứ lúc bản thân mình rơi vào đó thì cũng buồn phết đấy. Tôi đang ngồi chờ đợi xem sang năm mình có thay đổi quan điểm hay không.

MC:        Không ít người vẫn theo quan niệm là “ốm tha già thải” nghĩa là người ta cho mình về hưu tức là khả năng lao động của mình không còn, mình sẽ trở thành người vô dụng, thừa thãi vì xã hội không cần đến sức lao động của mình nữa từ đó nảy sinh tâm lý buồn chán và sợ về hưu. Cô đã bao giờ rơi vào trạng thái này chưa và chúng ta có nên suy nghĩ như thế không?

Tôi:         Về hưu nó là một bước tiến lớn trong sự phát triển của xã hội. Đã từng có rất nhiều cuộc biểu tình, nhiều sự đấu tranh của giai cấp công nhân thì cuối cùng các nhà nước mới chấp nhận cho người lao động được về hưu. Thực tế thì ở Việt Nam chúng ta mới biết đến từ “tuổi hưu” khi người Pháp bắt đầu vào Việt Nam còn trước đây chúng ta cũng không biết đến điều đấy. Thế hệ của ông bà tôi đã làm việc cho đến chết. Đến khi nào không làm được nữa thì đành chịu và sau đó người ta không có bất kỳ một cái tích lũy gì, sống dựa vào con cảm thấy là cuộc sống của mình hoàn toàn trông cậy vào cái lòng vị tha của con cái. Nó dẫn đến một cái tâm lý là yếu thế, sợ hãi và vì thế cảm thấy là mình bất lực và mất giá trị trong xã hội. Điều đó thì tôi có thể hiểu. Nhưng với một chế độ nghỉ hưu, xã hội công nhận là mình đã đủ cống hiến và xã hội trả cho mình một khoản tiền để mình có thể sống độc lập về mặt kinh tế. Tuy không được đến cái mức chúng ta quen khi còn đi làm nhưng nó cũng đảm bảo một mức sống nhất định. Trong trường hợp như vậy thì chúng ta phải mừng bởi vì chúng ta đã may mắn hơn thế hệ ông bà chúng ta khi được hưởng cái phúc lợi đấy chứ tôi không thấy có lý do gì để phải phiền lòng cả. Không lẽ chúng ta phỉa mong mỏi giống như thế hệ trước, người công nhân chết trên cái bàn máy, người nông dân chết trên cánh đồng của mình hay sao?

MC:        Nhiều người cho rằng ý nghĩa sống, lý tưởng sống của cuộc đời họ là được làm việc, được gặp gỡ rất nhieuf người, được giao du, được tăng thêm các mối quan hệ ngoài xã hội và sau khi nghỉ hưu thì tất cả những thứ đó dường như là một cánh cửa đóng sập lại và họ không cảm thấy ý nghĩa gì quãng thời gian nghỉ hưu. Theo cô khoảng thời gian nghỉ hưu có ý nghĩa gì không ạ?

Tôi:         Thực tình tôi cảm thấy có sự rất khác biệt giữa người phương Tây và người phương Đông khi nghĩ về việc nghỉ hưu. Hầu hết những người phương Tây mà tôi quen người ta đều đếm năm xem bao giờ chúng tôi được nghỉ hưu. Thông thường như tôi nói chuyện với ông chú tôi đang làm việc bên Mỹ, ông ấy phàn nàn rằng “cháu ơi cháu ở bên Việt Nam được nghỉ hưu ở tuổi 60 sướng chết đi được, chú đây nếu chú muốn 60 nghỉ hưu thì chú chỉ được lương hưu là ngần này; nếu chú muốn cái mức lương hưu đủ sống thì chú phải làm cho đến tận năm 67 tuổi”. Người ở Việt Nam sướng mà không biết hưởng. Ở các nước phát triển người ta có một mức nghỉ hưu tối thiểu, nếu lúc đấy mà tôi muốn bỏ, không muốn đi làm nữa, thì theo từng nước nếu tôi làm đủ 20 năm thì tôi sẽ được nghỉ hưu và được mức lương hưu là ngần này. Nếu làm đến 30 năm thì số tiền sẽ là ngần này. Cái đó nó làm cho người ta nghĩ rằng nghỉ hưu nó là một quyền lợi. Xã hội chúng ta đã cho người ta một món phúc lợi tuy rằng nó không cao nhưng lại hơi dễ dàng và làm cho mọi người không biết chân trọng cái mình có. Thay vì vui mừng đón chờ nó thì ta lại thấy là đau buồn. Lý do nữa làm người phương Đông nhìn tuổi nghỉ hưu khác với người phương Tây đó là sự thiếu chủ động trong lẽ sống của mình. Cái dở là chúng ta lại nhét luôn đời sống cá nhân vào công việc và đến khi chúng ta không còn công việc thì chúng ta cũng mất luôn đời sống cá nhân.

MC:        Vậy theo cô quãng thời gian nghỉ hưu thật ra nên là một quãng thời gian nên được mong chờ đúng không ạ?

Tôi:         Đúng là như vậy. Với phụ nữ là tuổi nghỉ hưu là 55 và với năm giới là 60 có nghĩa là phụ nữ đã có 30 năm làm việc và nam giới có 35 năm làm việc. Sau từng ấy năm như vậy có khoảng thời gian nghỉ ngơi để tự sống với bản thân mình, để sống với gia đình, để vui chơi cùng con cháu thì đó là một điều đáng mơ ước. Điểm thứ hai, chugns ta có thể thấy chúng ta trước giờ không được làm gì theo ý mình nên khoảng thời gian này chúng ta có thể tự do làm theo ý thích. Điều thứ ba làm cho tuổi hưu quan trọng đó là tuổi thọ con người tăng lên, tuổi thọ của người Việt Nam là xấp xỉ 80, với một người đàn ông nếu 60 người ta nghỉ hưu thì sẽ có 20 năm sống trong tuổi hưu, đời đi làm là 30 năm, tức là đời nghỉ hưu dài xấp xỉ với đời đi làm. Với nữ giới tuổi thọ còn cao hơn nên nhiều khi tuổi hưu lại dài hơn tuổi đi làm. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên là tại sao con người chúng ta lại quá coi trong khoảng thời gian mình đi làm mà không coi trọng khoảng thời gian mình nghỉ hưu mà nó dài tương đương.

MC:        Cô có thể phân tích kỹ hơn về tuổi nghỉ hưu mang lại lợi ích gì cho cá nhân mỗi người?

Tôi:         Đây nó chỉ là những điều mang tính dự báo hoặc do tôi quan sát những người xung quanh. Tôi nghĩ là mỗi một con người sống trong xã hội này có ba điều cần làm. Đầu tiên là sống cho bản thân mình, thứ hai là sống cho người thân mình và thứ ba là sống cho xã hội. Nếu chúng ta cảm thấy là chúng ta còn có thể làm ba điều đó thì tức là đời chúng ta vẫn còn có ý nghĩa. Hầu hết người sợ nghỉ hưu là vì họ chưa bao giờ sống vì bản thân người ta. Người ta luôn chờ đợi, ví dụ đi học thì chời đợi xem thầy cô giáo bảo gì, ở nhà thì chờ bố mẹ, đi làm thì chờ cơ quan, nay ở một mình thì không biết làm gì với bản thân mình cả. Khi nghỉ hưu cũng là lúc chúng ta nên nhìn lại con người mình. Ví dụ tôi có một anh bạn rất thích hát, bây giờ anh ấy tham gia vào các câu lạc bộ ca hát hác các ca khúc của Nga, đi học nhiếp ảnh và anh ấy phát hiện là anh ấy chụp ảnh đẹp phết. Những bức ảnh được anh ta in ra được mọi người tán tụng thì anh ta đã có một niềm vui mới. Cho nên là điều đầu tiên chúng ta hãy tìm xem bản chất trong con người mình còn điều gì chưa khám phá được thì đây là lúc mình nên khám phá và sống cho bản thân mình. Thứ hai chúng ta nên nghĩ là chúng ta còn có thể làm gì cho người thân. Thông thường khi đi làm chúng ta đều rất bận, thời gian trò truyện với nhau rất là ít thì lúc này là lúc vợ chồng nên dừng lại nói chuyện với nhau, nên chăm sóc nhau. Có một câu truyện làm cho tôi hết sức cảm động đó là về nhạc sĩ Lương Ngọc Trác. Ông ấy đã dùng hai mấy năm nghỉ hưu của mình để chăm sóc một người vợ bị liệt. Mặc dù con cái đã rất mong mỏi ông thuê người giúp việc hay là ông cho bà vào viện vì con cái bận không thể làm được. Ông ấy nó là “mấy chục năm trời mẹ các con đã hy sinh vì bố thì nay là lúc bố có thể đền bù cho bà ấy” và ông ấy đã chăm sóc người vợ của mình cho đến lúc chết. Thứ ba là chúng ta có thể làm việc cho xã hội, có những người nghỉ hưu thì người ta đã tổ chức các lớp dạy xóa mù chữ cho trẻ tình thương, các câu lạc bộ cho người cao tuổi để chăm lo cho làng xã, canh ban đêm, dạy giỗ trẻ em trong làn xã khi bố mẹ các em đó bận không thể dạy được. Như bố tôi là quay về lập một hội khuyến học, mẹ tôi quay về lập một tổ thơ, các cụ làm thơ với nhau. Những điều ấy cũng làm cho đời sống của mọi người vui hơn. Không hiếm các trường hợp khi về hưu người ta mới lập một doanh nghiệp riêng và trong số những doanh nghiệp đó có rất nhiều doanh nghiệp thành công. Thế nên tôi cho rằng những người nghỉ hưu ở tầm tuổi 55, 60 đều còn có sức khỏe, trí tuệ vẫn minh mẫn, có nhiều kinh nghiệm. Nếu chúng ta còn muốn đóng góp cho xã hội thì chúng ta vẫn đóng góp được rất nhiều. Đó cũng là cách giải quyết để cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa hơn. Đơn giản nhất với ông bà già là có thể về chăm cháu. Hàng ngày đưa cháu đi học, đón cháu về, tắm rửa cho cháu, dạy cháu học, cái đấy cũng là một công việc hết sức ý nghĩa và cũng làm cho tuổi già chúng ta được vui vẻ.

MC:        Tôi cũng từng nghe tâm sự của một người bà, trước đây khi còn đang công tác đã khô có thời gian ngồi chơi với con hay là đọc truyện cho con nghe và bây giờ khi về hưu mới có thời gian chơi với cháu, đọc truyện với cháu. Người bà đó cảm giác như là đang bù đắp lại khoảng thời gian thiếu sót cho con ngày trước nên giời bù đắp cho cháu. Đó là câu truyện về những người nghỉ hưu mới có thời gian làm được những điều đó đúng không ạ?

Tôi:         Đúng vậy, con gái tôi cũng bảo với tôi rằng là tại sao ngày xưa mẹ không chiều con như là chiều cháu bây giờ. Tôi mới nói rằng còn đừng nhìn là mẹ chiều nó, mẹ làm vậy là vì không kịp làm điều này với con ngày xưa mà thôi.

MC:         Vậy chúng ta cần nghĩ rằng khoảng thời gian nghỉ hưu không phải là mọi cánh cửa đã đóng lại mà là lúc bắt đầu một cuộc sống mới theo ý mình, cô có nghĩ thế không ạ?

Tôi:         Tôi nghĩ rằng mấu chốt để có một cuộc sống hạnh phúc không chỉ là nghỉ hưu mà bất kỳ cuộc sống nào đó là điều đầu tiên chúng ta phải độc lập, nghỉ hưu thì sẽ là sự độc lập về kinh tế. Chúng ta không nên phụ thuộc vào con cái, tôi đã nhìn thấy rất nhiều tấm gương của những người lớn tuổi đã sai lầm khi gửi hết tiền bạc cho con sau đó người ta lại sống dựa vào con. Sau đó khi con cái không thể báo đáp được như ý muốn thì người ta lại trở lên oán hận con. Thứ hai chúng ta cũng phải độc lập về mặt tình cảm. Mình không nên đòi con cái chăm lại mình như mình chăm nó. Những người bạn của tôi về hưu tôi nhìn thấy có hai trường phái đó là trường phái của những người cảm thấy mình bị hụt hẫng, mất mát và không còn ai cần đến mình nữa thì họ lại già đi rất là nhanh đặc biệt hay xảy ra với những người có chức có quyền. Cái hẫng hụt đó làm cho họ thấy bị buồn khổ, thất vọng thậm trí là già yếu nhanh nên có những người mất trong vòng năm năm sau khi về hưu; trường phái khác là những người mở trường học, đi dạy ở đâu đó, có những business mới thậm trí sau khi gặp lại thấy họ còn thoải mái vui vẻ hơn trước.

MC:        Theo cô một người trước khi bước vào tuổi nghỉ hưu cần chuẩn bị hành trang như thế nào để hòa nhập với môi trường sống mới một cách nhanh nhất?

Tôi:         Đầu tiên chúng ta cần phải chuẩn bị tối thiểu là sự độc lập về mặt kinh tế, không nên tự ai với con cái. Vì có những người lương hưu đủ sống, có những người lại không đủ sống, có nững người con đủ điều kiện trọe giúp, có những người con lại không đủ; trong trường hợp đó khi về hưu chúng ta nên họp các con lại và nói một cách rõ ràng bố mẹ có lương hưu từng này, bố mẹ cần thêm bao nhiêu đấy. Thứ hai chúng ta nên chuẩn bị trước những công việc chúng ta có thể làm sau khi về hưu. Có những người vẫn có cơ hội làm việc với cơ quan như ngành giảng viên vẫn có cơ hội được mời giảng. Rồi thì những người làm việc ở các cơ quan chính sách thường thì được mời đi tư vấn thì chúng ta nên chuẩn bị trước để có khoảng thời gian 6 tháng hay một năm gì đó để có công việc đệm cho bước đó. Thứ ba chúng ta có thể tìm hiểu phần khác trong con người mình ví dụ như sở thích hoặc công việc mà mình muốn làm để lên kế hoạch làm dần. Xu thế mà tôi thấy được từ các bạn của tôi khi nghỉ hưu đó là đi chơi. Chỉ trong một năm mà tôi thấy mấy bạn đó đi du lịch bằng cả 10 năm trước đó. Hết chuyến này đến chuyến khác, và khi di về lại có ấn tượng mới, niềm vui mới thậm chí là cả những cách nhìn nhận mới. Như vậy khoảng thời gian mình mới nghỉ không bị hẫng hụt. Điều quan trọng khác nữa là khi về hưu vợ chồng cần trao đổi với nhau nhiều hơn vào giai đoạn mà ta xác định là thời gian về hưu của chúng ta đang đến gần thì vợ chồng nên có những lúc chỉ sống với nhau, chỉ làm nhau vui như là đi xem phim, xem hát hoặc đi du lịch với nhau mà không có con cháu. Cái đó sẽ làm cho chúng ta gần nhau và hiểu nhau hơn, nó sẽ làm cho tuổi hưu của chúng ta vui hơn vì đến lúc đó người duy nhất sống với mình là người chồng hay người vợ của mình thôi chứ con cháu dù có sống gần chúng nó cũng sẽ bận việc riêng của chúng nó.

MC:        Xin cảm ơn cô và chúc rằng là khi mà trút bỏ gánh nặng công việc thì cô sẽ có quãng thời gian nghỉ hưu thật là vui vẻ!

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *