TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA COFFEE DISCUSSIONTRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA COFFEE DISCUSSION Bài 1: Tác hại của giáo dục trẻ bằng bạo lực

0 No tags Permalink

– MC: Thưa cô có thể giới thiệu một chút về bản thân mình được không ạ?
– NHA: Tôi tên là Nguyễn Hoàng Ánh, hiện tại tôi đang làm giảng viên ở trường Đại học Ngoại thương nơi mà tôi đã giảng dạy tại đó từ năm 1985 đến giờ.
– MC: Vậy thì không biết là trước khi giảng dạy ở Đại học Ngoại thương thì cô có giảng dạy tại môi trường giáo dục nào khác không? Như cấp hai, cấp ba chẳng hạn.
– NHA: Tôi chưa bao giờ giảng phổ thông cả nhưng tôi đã từng giảng ở rất nhiều trường. Vì chúng tôi được mời giảng tại trường Kinh tế Quốc dân, các trường dân lập, các khóa đào tạo ngắn hạn…
– MC: Vậy thì em có thể hỏi một câu chắc là nó hơi xa lạ với cô một chút vì có thể với giáo viên ở môi trường đại học chắc là không có sự xúc phạm quá đáng hay là đánh đập học sinh ấy ạ. Nhưng trên mạng xã hội ngày nay có nhiều trường hợp người ta phản ánh là học sinh có đánh đập học sinh thì không biết cô có biết đến các trường hợp này không ạ?
– NHA: Đương nhiên là tôi biết chứ. Điều đầu tiên thì tôi cũng đã từng là học sinh cấp hai, cấp ba, các con tôi cũng phải học ở đó, rồi nghe họ hàng, người quen kể nên biết những chuyện như vậy là điều rất bình thường. Chưa kể là chúng ta bây giờ như là những con cá sống trên mạng xã hội nên những điều gì lan truyền trên mạng xã hội thì ta đều biết cả.
– MC: Vây có trường hợp nào ấn tượng hoặc đặc biệt cụ thể với cô không ạ?
– NHA: Như một lần tôi đã chia sẻ trong cuối sách của tôi về trường hợp con gái tôi khi nó đang học cuối cấp một và đang chuẩn bị thi vào trường Amsterdam. Tôi có cho con đi học tại một lớp học thêm được cho rằng rất là tốt vì học sinh ở đó có tỷ lệ đỗ vào trường Ams rất cao. Con tôi vẫn ước mơ thi vào đó trong khi năng lực học của nó lại không phải là xuất sắc. Sau khi học được hai buổi con về kể với tôi là có một cô giáo dùng thước kẻ đánh vào tay bạn nào làm bài sai. Nó nói là nó rất là sợ vì từ nhỏ đến giờ nó chưa bao giờ bị đánh cả. Tôi gọi cho cô tổ chức nhóm dạy để hỏi xem chuyện đó có thật không. Cô giáo trả lời là có chuyện đó thật nhưng cô đó dạy rất là tốt, hơn nữa là nó chỉ là hình phạt không ảnh hưởng nghiêm trọng gì đến thể xác, thậm chí nhiều bố mẹ lại còn nhờ cô ấy mắng phạt cho các con chịu học vì các con không nghe lời bố mẹ. Tôi nói “Người khác có tính là nghiêm trọng hay không thì tôi không biết, nhưng với tôi nó là chuyện nghiêm trọng vì con tôi thì trừ tôi ra không ai được động vào nó cả nên đề nghị cô ấy chuyển cháu qua lớp khác”. Cô ấy nói là xin vào lớp đó thì rất khó nhưng xin ra lại rất dễ, chị có chắc chắn không? Tôi OK ngay và con tôi được chuyển qua lớp khác, học hành tà tà vui vẻ, rồi sau đó thì nó cũng đỗ. Khi nghe rất nhiều người quen kể chuyện là con đến lớp bị đánh rồi là nhìn thấy bạn khác bị đánh, tôi thường kể với mọi người câu truyện của mình. Bất cứ khi con vào lớp nào, từ đầu năm tôi nói ngay với giáo viên là nguyên tắc của tôi là không bao giờ được áp dụng hình phạt thể xác với trẻ con. Ai mà động vào con tôi là chắc chắn phải trả lời với tôi mặc dù tôi không phải quan chức hay gì to tát cả nhưng chắc chắn là tôi không bao giờ để họ yên. Chính vì thế các con tôi đã trải qua cuộc đời phổ thông không một vết xây xát. Mẹ chúng nó không bao giờ để chuyện đó xảy ra.
– MC: Nhưng mà thực ra là em nghĩ cũng do cô là người làm trong giáo dục và quan điểm của cô khá là tiên tiến. Em cũng không quy chụp gì cả nhưng ngoài trường hợp của riêng nhà cô ra thì cũng có nhiều trường hợp bị đánh đúng không ạ? Như những bạn khác trong lớp của con cô chẳng hạn. Nhưng mà nếu phụ huynh người ta mà không lên tiếng như cô thì những bạn đó không những phải chịu một buổi mà là rất nhiều buổi. Cô có nghĩ là bị đòn roi nhiều như thế có ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh hay không?
– NHA: Nó sẽ ảnh hưởng nhiều chứ. Chúng ta thấy rằng những đứa trẻ bị bạo hành trong gia đình, hoặc bị bố mẹ đánh, bắt úp mặt vào tường là việc bình thường vì Việt Nam có câu là “yêu cho roi cho vọt”. Bản thân tôi hồi nhỏ tôi cũng bị bố đánh một vài lần nhưng thành thực mà nói đối với tôi nó chẳng có tác dụng gì cả mà nó chỉ có thể tạo lên một tâm lý phản kháng rất lớn. Trong chuyện về Aesop, người nô lệ thông minh nhất có kể, khi ông chủ đánh ông ấy và nói “Tao tưởng là mày thích phản kháng, mày thông minh thế thì sao còn sợ đòn roi?”, ông ấy đã trả lời: “Hình phạt thể xác làm nhục tâm hồn con người”. Đó là lý do tôi không cho ai động vào con tôi cả cho dù không phải là con tôi luôn luôn ngoan.
– MC: Thực sự là có nhiều phụ huynh không hiểu cái điều đấy.
– NHA: Như cô giáo dạy con tôi có chia sẻ, có những phụ huynh thậm chí còn ủy thác cho giáo viên là nếu cháu hư thì cô cứ đánh cứ phạt. Nếu tôi là người thảo luật Bảo vệ bà mẹ và trẻ em thì việc đầu tiên tôi đề xuất là cấm những người đó được sinh đẻ!!! Sinh con ra đề hành hạ thì đẻ làm gì??
– MC: Trong mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên ấy ạ, nhiều khi giáo viên nhầm lẫn và nghĩ rằng mình có quyền lực tối cao trong lớp, tức là họ tự cho mình có quyền được đánh mắng học sinh mà không biết rằng là họ đang nhầm lẫn…
– NHA: Tôi nghĩ rằng bất kỳ bạn nào chịu khó đọc cuốn Giải mã Hàn Quốc sành điệu sẽ thấy trong đó có hẳn một chương về giáo dục của Hàn những năm 60 và tác giả kể về việc giáo viên dùng vũ lực trong nhà trường. Nếu như bạn nào đọc các tác phẩm văn học cổ điển phương Tây hay về sách về giáo dục của Jean Jacques Rousseau chẳng hạn thì ta sẽ thấy giáo dục phương Tây cũng từng áp dụng hình phạt thể xác. Giáo dục đạo Khổng đặc biệt coi trọng hình phạt thể xác, tất cả các nền giáo dục theo đạo Khổng cho đến thế kỷ XX vẫn chấp nhận hình phạt đòn roi. Thậm chí không phải là đánh ở mức độ bình thường mà tới tận mức độ đứa trẻ phải đi viện. Cô nhà báo trong cuốn Giải mã Hàn Quốc sành điệu kể là có cô bé 12 tuổi không biết làm sai việc gì mà thầy giáo tát một cái ngã lộn từ bục giảng đập đầu xuống đất chảy máu mũi. Lúc đó luật Hàn Quốc cho phép thầy cô giáo đánh học sinh. Bố mẹ Hàn Quốc thậm chí còn đến trường đưa roi cho thầy, ông thầy còn sắm cái roi riêng của mình. Bố tôi cũng kể thời cụ đi học ở nhà thầy đồ thì một trong những công cụ dạy học của thầy là cái roi mây treo trong nhà và đứa nào không thuộc bài sẽ bị thầy đánh rất đau và các gia đình đều cho là đó là quyền của thầy. Chúng ta đã từng có nền văn hóa như vậy nên chúng ta cũng đừng ngạc nhiên là bây giờ nó còn rơi rớt. Khi truyền thông lúc nào cũng tuyên truyền phải bảo vệ truyền thống và rất nhiều người vẫn tin vào câu “Yêu cho roi cho vọt” thì tình trạng học sinh bị giáo viên bạo hành có gì đáng ngạc nhiên đâu? Cũng phải đến sau thời Park Chung Hee vào những năm 70 của thế kỷ 20 Hàn Quốc mới ra lệnh cấm hình phạt thể xác trong trường. Luật giáo dục Việt Nam cũng đã cấm việc đó, tuy nhiên với văn hóa và sự bảo kê của các bố mẹ và việc rất nhiều giáo viên không đủ khả năng hiểu được chức năng nhiệm vụ thực sự của mình trong giáo dục thì tình trạng giáo viên bạo hành học sinh khó có thể chấm dứt 100%.

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *