CON BẠN CẦN GÌ?

0 No tags Permalink

Hôm nay trong group một bạn trẻ chia sẻ là bạn cảm thấy rất tội lỗi khi trong lúc làm việc tại nhà, con gái muốn chơi với mẹ nhưng mẹ chưa xong việc nên không làm được nên con gái rất buồn. Bạn nói nhìn vào mắt con bạn cảm thấy rất day dứt và đau lòng. Nghe câu chuyện này mình nhớ con gái cũng không muốn đi công tác, không chịu gửi Bí cho mình vì sợ con buồn, lo con cảm thấy bị bỏ rơi…

Nói thật là khi nghe như vậy mình chỉ cảm thấy quá xa xỉ. Làm con, rồi làm mẹ, mình cũng từng nhiều lần trải qua cảm giác đau lòng vì xa bố mẹ rồi lại đau lòng vì không có nhiều thời gian cho con nhưng mình bận lo lắng vì nhiều thứ sát sườn hơn nên hiếm khi còn sức để cảm thấy tội lỗi.

Khi mình còn nhỏ, bố mẹ đều là giáo viên, ông bà lại ở xa, lại là thời chiến, không nhờ cậy được ai cả nên bố mình luôn nhấn mạnh phải biết tự lập. Nghề giáo hay phải đi học thêm, những lúc đi sơ tán bố/mẹ phải đi xa cả nửa năm, một người ở nhà vừa đi làm vừa chăm sóc 2-3 đứa trẻ, lo đủ ăn là tốt rồi, đòi chơi đùa, dỗ dành nữa thì quá xa xỉ. Mình còn nhớ những lần bố mẹ gửi 2 chị em, đứa 6 tuổi đứa 3 tuổi về nhà ông bà. Các cụ đã già, lại phải ưu tiên chăm cháu nội hay cháu đích tôn đã, hai chị em tự ăn tự trông nhau, bị bắt nạt không dám khóc, đến tối mới lén ôm nhau thút thít. Đến khi theo bố mẹ đi sơ tán, tối bố mẹ đi họp để hai đứa trẻ ở nhà với ngọn đèn dầu tối thui, sau nhà ếch kêu om om, hai chị em sợ rúm ró mà không dám khóc (thật hồi đó sao có cái lệ bất nhân thế, buổi tối không có nhà trẻ, nơi sơ tán không có ông bà giúp mà bắt giáo viên đi họp buổi tối, không quan tâm con trẻ ra sao). Thật tình nghĩ lại hai chị em một đứa 5 tuổi, 1 đứa 2 tuổi trông nhau ở khu nhà cấp 4 lụp xụp, xung quanh toàn ao hồ, mà vẫn bình an sống sót, (trừ 1 lần thằng em đuổi theo chuồn chuồn, sa chân xuống ao, may được chú hàng xóm hôm ấy bị ốm về sớm đi qua vớt lên), thật đúng là phép màu. Tuy nhiên, trong những lúc buồn khổ nhất, tủi thân nhất, mình chưa bao giờ oán trách bố mẹ vì mình luôn được dạy là bố mẹ đang đi làm lấy tiền nuôi chúng mình. Mình biết bố mẹ đi làm là vì chúng mình, đó là việc cần thiết, bố mẹ đã vất vả lắm rồi, không được làm bố mẹ mệt mỏi hơn nữa. Tuy nhiên, cuộc sống thiếu hụt cả về vật chất và tinh thần như vậy khó mà có thể gọi là hạnh phúc, vì thế lúc lấy chồng mình quyết tâm chỉ khi nào đảm bảo cho con được cuộc sống ấm no thì mới sinh con.

Nhưng đến khi thật sự làm mẹ mình mới hiểu, lo cho một đứa trẻ ấm no và vui vẻ không dễ. Dù đã rất cố gắng nhưng đầu những năm 90 thật khó khăn với hai kẻ chỉ sống bằng chữ, không có chỗ dựa như vợ chồng mình. Làm đủ nghề như đánh máy, may gia công, trồng rau, nuôi gà, chúng mình đã lo cho con được ấm no, nhưng ánh mắt con thèm thuồng nhìn bạn bè có quần áo, đồ chơi mới, lén chạy qua hàng xóm xem TV làm cho người làm mẹ như mình vẫn rất buồn khổ. Đỉnh điểm là lần giữa đêm con lên cơn sốt, hai vợ chồng nuôi con lần đầu, luống cuống không biết làm thế nào, chỉ biết cho con hạ sốt rồi chờ cả đêm để sáng hôm sau đưa con đến Bạch Mai vì nghe nói nơi này có bác sĩ giỏi. Trời đầu hè nắng gắt, bố mẹ chở con mệt lả trên tay đi qua nửa thành phố đến bệnh viện từ 8h sáng để lấy số. Chờ đến 8.30 bác sĩ mới đến nhưng lại không khám ngay vì bảo phải họp. Mẹ nóng lòng như lửa đốt, bế con đi vòng ra sau xem họ làm gì mà họp lâu thế thì thấy bác sĩ và y tá đang hỉ hả ăn chè đỗ đen với nhau! Cảm giác giận dữ, uất ức lúc ấy đến giờ mình vẫn còn nhớ mà lại không dám bộc lộ, vẫn phải nhỏ nhẹ xin họ để họ khám cho con. May mà con không bị nặng, cho thuốc về nhà uống vài hôm là khỏi. Chưa lúc nào mình cảm thấy có lỗi với con như lúc ấy, nếu mình có tiền để đi khám dịch vụ, nếu mình có quan hệ để tìm được bác sĩ tốt thì con mình đã không phải khổ như vậy. Rồi những biến cố khác cho mình thấy, nếu an phận làm một giáo viên đơn thuần, làm người phụ nữ sau lưng chồng thì con mình sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí có nguy cơ bị giật khỏi tay mình… Và còn bố mẹ nữa chứ, không thể mỗi lần muốn mua gì cho bố mẹ lại đi xin tiền chồng hoặc bảo “Con không có tiền” được.

Từ đó mình phải đứng lên thôi, phải ra ngoài đi làm, trở thành một người độc lập, không chỉ có thể nuôi mình, nuôi con, để con có thể tự hào về mình, còn làm chỗ dựa cho bố mẹ. Nhưng cái giá phải trả là mình trở nên quá bận rộn, đi công tác còn nhiều hơn chồng. Dù mình hàng ngày vẫn gọi điện về, vẫn cố sát sao từ chọn quần áo cho con, nhưng không thể phủ nhận việc mình không ở gần con được nhiều như mình muốn. Mình biết mình còn xa mới là người mẹ hoàn hảo nhưng lúc ấy đã là sự lựa chọn tốt nhất mình có. Tháp nhu cầu Maslow cho thấy, con người trước hết cần được ăn mặc ở, rồi đến được an toàn, được yêu thương, sau đó mới đến được tôn trọng và mức cao nhất là được thể hiện bản thân. Thực tế con người phải được thoả mãn nhu cầu bậc dưới mới có thể nghĩ đến nhu cầu bên trên.

Thế hệ trẻ bây giờ lớn lên không biết đến sự thiếu thốn, dễ tìm việc, lại có bố mẹ trợ giúp nên nhiều bạn nhảy thẳng qua những nhu cầu bên trên, trong khi các nhu cầu bên dưới chưa được bảo đảm bền vững. Thống kê cho thấy tỷ lệ tiết kiệm ở người trẻ rất ít, quá nhiều bạn dù đi làm, thậm chí đã lập gia đình, có con cái, vẫn trông cậy vào sự trợ giúp của bố mẹ nhưng lại đòi hỏi quá nhiều. Còn nhớ trong một talkshow, một bạn trẻ đã đi làm than phiền với mình là không được bố mẹ ủng hộ cho ước mơ của mình, không cho bạn đi du học ngành bạn muốn. Mình hỏi lại thì nhà bạn ấy cũng chỉ ở mức trung lưu, số tiền du học có vẻ sẽ ảnh hưởng lớn đến dự trữ của bố mẹ. Bạn tin là nếu được đi học thì sau này bạn sẽ có con đường rộng mở, rồi sẽ đền đáp bố mẹ, không để bố mẹ khổ sở nhưng đều chỉ là trong kỳ vọng của bạn. Khi mình hỏi là nếu muốn du học ngành ấy thì sao không đi làm, chờ tích góp vài năm cho đủ rồi đi cũng không muộn. Bạn còn trẻ, còn nhiều thời gian mà, nhưng bạn ấy lại không hài lòng vì không muốn chờ đợi. Cuối cùng mình đành nói thẳng là bố mẹ đã nuôi bạn, cho bạn ăn học, có nghề nghiệp tử tế, giờ bạn nên tự lập đi. Ước mơ của mình thì nên tự mình trả giá chứ!

Thế nên mong bà mẹ trẻ trong câu chuyện mình nghe được đừng quá buồn. Nuôi lớn một đứa trẻ cần chăm sóc cả nhu cầu vật chất và tinh thần cho con nhưng nên phù hợp với hoàn cảnh của bố mẹ và ở mức cân bằng. Bạn chỉ giúp con hạnh phúc được khi chính bạn hạnh phúc, đừng quá lo lắng và nhất là nhớ chia sẻ để con hiểu được hoàn cảnh nhà mình, không có những kỳ vọng quá đáng nhé!

(Hình minh hoạ: Tháp nhu cầu của Maslow)

tháp nhu cầu của maslow là gì 1

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *