Mình mê ăn ốc luộc và bún ốc ở HN lắm. Mê đến nỗi khi có bầu, mặc dù bị dọa là ăn ốc con sẽ bị nhớt mà vẫn không nhịn được (mà cũng chả hiểu “con bị nhớt” là gì? Chắc vì vậy mà nhóc lớn nhà mình 3-4 tuổi đã nhể ốc nhoay nháy, giỏi hơn bố nó!
Lang thang khắp mơi cũng thử ăn ốc, ốc Hải phòng, ốc Sài gòn, ốc Đà nẵng… Công nhận ốc các nơi phong phú hơn thật, ốc len, ốc hương, ốc đĩa…. rồi còn ốc xào dừa, ốc xào bơ… nhưng mình vẫn chỉ “kết” ốc mít Hà nội ăn với món nước chấm tỏi ớt gừng cay xé lưỡi! Không dám nói ốc Hà nội là nhất thế giới, chỉ dám nói ăn uống cũng như yêu đương, đã yêu ai thì “chết” với người ấy, cả đời sau dù gặp ai cũng chỉ là sự thay thế cho mối tình đầu!
Trời cũng thương, để ngay đầu ngõ nhà mình có 1 hàng ốc luộc ngon nổi tiếng HN. Chiều thỉnh thoảng đi làm về lại ghé qua mua 2-3 suất ốc mít, mang về nhà mẹ con xì xụp với nhau cho thoải mái! Hôm nay gặp một “tâm hồn ăn uống” đồng điệu! Bạn này nói chuyện ăn ốc mà liên kết đủ cả 5 châu 4 biển, đúng là toàn cầu hóa ẩm thực. Vì với chúng mình, ăn ốc đâu chỉ là ốc mà là ám ảnh tuổi thơ, hình bóng Hà nội xưa nhập vào từng “con ốc mũm mĩm”!
Mời bạn ăn ốc cùng chúng tôi nào!
ỐC THÁNG MƯỜI
(Red Love)
Văn hào Nga Ivan Turgenev từng nói, thời gian nhiều khi nhanh như chim bay, lắm lúc lại chậm như ốc bò. Người hạnh phúc nhất là người không nhận thấy thời gian trôi nhanh hay chậm. Nếu đúng vậy, có lẽ mình chưa bao giờ được chạm tay vào hạnh phúc. Ngoảnh đi thấy mười năm trôi nhanh như chớp mắt, ngoảnh lại thấy tuổi già sầm sập đến sau lưng. Chạm chân vào vạch giữa cuộc đời mới giật mình nhận ra, hình như ai cũng đi tìm hai thứ trong đời – cảm giác yêu và được yêu. Yêu là cảm giác ấm áp vì được chia sẻ, được yêu mang đến cảm giác tự tin và an toàn. Rồi tự hỏi, vì sao mình nghĩ và viết về Hà nội nhiều đến như vậy. Có lẽ với mình, viết về Hà nội giống như cảm giác được chia sẻ yêu thương.
Tháng Chín đã ở lại phía sau. Tháng Mười là chàng trai hào sảng phong trần, như cơn gió chớm đông tươi mới. Chàng về cùng mùa ốc, cùng ký ức về món ăn mùa thu khoái khẩu của mình từ khi còn bé. “Ốc tháng Mười, người Hà nội”, mẹ thường nói thế khi cả nhà quây quần bên rổ ốc luộc lá bưởi nghi ngút khói giữa tiết thu. Cữ tháng Mười khi hết trăng, ốc béo mầm và không có con trong bụng. Đó cũng là thời điểm ốc ngọt giòn và ngon nhất trong năm. Tháng Mười ở lại trong mùi thơm của lá chanh, vị gừng cay thanh mát trong bát nước chấm đặc quánh tỏi gừng, tiếng xuýt xoa của lũ con gái chớm dậy thì bên đĩa ốc luộc của bà Béo đầu chợ Đoàn thị Điểm. Ngày xưa, gần nhà mình có một hàng bún riêu ốc tuyệt ngon. Cứ buổi sáng, mùi thơm từ nồi nước dùng ngay trước con ngõ rộng có hơn hai mét tỏa khắp lối đi cho cả khu tập thể năm tầng mấy trăm con người. Nghiện bún ốc hàng này đến nỗi bữa sáng mặc định trong suốt mấy tháng ôn thi đại học của mình luôn là bún ốc. Một thời gian sau, khi biết chồng chị chủ quán bị bắt đi tù vì nghiện ma túy, trẻ con thần hồn nát thần tính, tự dưng lại sờ sợ, chẳng còn thấy bát bún của chị hấp dẫn. Sau này khi đã chuyển nhà đi nơi khác, ăn bún ốc ở nhiều nơi, thậm chí cả những quán nổi tiếng như quán bà Sáu ở Mai hắc đế hay bún ốc Hoè nhai, mình không còn tìm lại được cảm giác ngon miệng như với bát bún ốc bình dân của chị.
Yêu là nhớ những buổi sáng Tết lạnh cắt da cắt thịt, khi đã chán ngấy vị bánh chưng, giò chả, thịt gà, rủ bạn chạy xe trên những con phố thưa người trong mưa phùn phơ phất, đi tìm hàng bún ốc mở hàng sớm năm mới để “giải ngấy” bằng vị chua thanh ngát. Mình đã đi nhiều nơi, được thưởng thức nhiều món ăn Việt nhưng có lẽ bún ốc là mối tình riêng của mình với Hà nội mà không nơi nào có được. Tại sao chỉ có bún ốc Hà nội mới ngon? Không phải là tô bún ốc ngồn ngộn những chả, đậu phụ và huyết theo vị “người Nam” bên Mỹ. Không phải món bún riêu ốc Hà nội trên đường Phạm Ngọc Thạch, Sài gòn, mặc dù cũng là tô bún đầy sắc màu, những con ốc béo mũm mĩm, thêm miếng riêu cua bông xốp màu phơn phớt hồng. Không phải món bún ốc Bắc kỳ nổi tiếng ở Đà nẵng với vị nước dùng chua chua đùng đục, ăn với ốc vặn ốc đá mà người sành ăn sẽ từ chối đụng đũa vì khẩu vị đã trót phải lòng những con ốc nhồi béo ngậy. Mình luôn nhớ bún ốc Hà nội như nhớ đến câu chuyện cuộc đời của một người đàn bà suốt đời đi tìm tình yêu đích thực. Những cọng bún nõn nà, ốc mũm mĩm, vài lát cà chua mập mạp giống như người đàn bà phồn thực đang ngỡ ngàng trước ngưỡng cửa xế chiều, da thịt thơm mát tía tô, đôi môi như trầu cay thắm đỏ màu ớt chưng. Bên chiếc bàn gỗ cũ kỹ, nàng lặng lẽ thả những viên xúc xắc vuông ruộm vàng màu đậu rán, dốc trọn cảm xúc, để đánh cược ván bài tình ái cuối cùng trong đời.
Lan man chuyện ốc. Ở đời, có những câu hỏi chỉ cần trả lời bằng hai từ đơn giản, có hoặc không. Nhưng cũng có những câu hỏi mãi mãi không có câu trả lời. Hoặc nếu có thể, cũng chẳng thể nào trọn vẹn. Vì sao đàn bà luôn bị hấp dẫn bởi những gã đàn ông nổi loạn? Vì sao chỉ có đàn ông sáng tác được những bản tình ca Việt thật hay? Trong ẩm thực, cũng khó lý giải tại sao dân tộc này tôn sùng một món ăn trong khi đối với dân tộc khác lại là điều cấm kỵ. Số dân tộc ăn ốc trên thế giới có lẽ chưa đếm hết hai bàn tay. Người Ý trân trọng, coi con ốc như “hoa mọc trên tường”, người Pháp chuộng ốc hơn bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, đến mức ốc đã trở thành món sơn hào hải vị nổi tiếng của họ. Trong ẩm thực vùng Florentine của Ý, thậm chí riêng việc chế biến ốc gần như đã là một nghi thức. Ốc đựng trong một túi lưới hoặc giỏ có nắp đậy trong ít nhất bốn ngày. Ốc được cho ăn rau sống và cất ở nơi xa ánh nắng mặt trời. Sau bốn ngày, họ rửa sạch ốc nhiều lần dưới vòi nước đang chảy, đặt chúng lên bàn và kiên nhẫn chờ ốc chui ra khỏi vỏ để lựa bỏ những con chết. Sau đó, những con ốc còn sống sẽ được ngâm trong nước lạnh pha giấm và muối; thay nước mỗi khi thấy nước chuyển sang màu trắng đục và cứ tiếp tục như vậy cho đến khi nước trong vắt mới thôi. Tại sao người Mỹ thích ăn món súp ốc xà cừ (conch chowder) béo ngậy, có thể ăn trai và hàu sống vắt chanh nhưng lại kinh hãi trước những con ốc nước ngọt? Mang câu hỏi này hỏi những người bạn Mỹ. Câu trả lời nhận được là, “ốc sông hồ và ốc biển cũng giống như nhện và cua”. Nghe thật đơn giản, nhưng câu hỏi thì vẫn còn đó. Có lẽ chỉ có thể giải thích rằng, đó đơn thuần là cảm giác hay một sự thành kiến nào đó đã ăn sâu.
Ai đó nói rằng, yêu tức là mạo hiểm với nguy cơ đổ vỡ. Hy vọng là mạo hiểm với đau đớn, thất bại. Nhưng trong cuộc đời, có những lúc vẫn quyết định mạo hiểm vì điều nguy hiểm nhất trong cuộc đời là chẳng bao giờ biết mạo hiểm. Không ít hơn một lần mình đã thử nấu món bún ốc ở trời Tây. Cũng đầy đủ lệ bộ, bún khô luộc lên, cà chua, đậu phụ, ốc đông lạnh làm sẵn nhập khẩu từ Việt nam, xà lách, tía tô kinh giới, hoa chuối, hành hoa v.v… nhưng sau lần nỗ lực thất bại thứ ba, mình đã hiểu ra rằng những con ốc đông lạnh nằm ẹp trong khay nylon và hương vị cô đặc trong viên gia vị bún ốc mua ở siêu thị kia mãi mãi không thể gợi lên ở mình cảm xúc yêu đương như vị thanh của dấm bỗng và những con ốc tươi tháng Mười. Một lần, mình được thưởng thức món bún ốc “luosifen” nổi tiếng ở nhà một người bạn Trung quốc. Cũng vì tò mò muốn biết hương vị ra sao khi nghe quảng cáo rằng, đây là món đặc sản nổi tiếng của vùng tự trị người Choang, Quảng tây. Nổi tiếng đến nỗi hàng năm cứ vào dịp trung thu, hàng ngàn người đổ về đây chỉ để thưởng thức món bún ốc đặc biệt này. Cũng là bún, nhưng thay vì các vị ngũ sắc như bún ốc Việt, lại là váng đậu khô rán giòn, măng chua, mộc nhĩ, xà lách và đậu đũa. Gọi là bún ốc nhưng chẳng thấy bóng dáng con ốc nào. Hỏi thì được giải thích là, tinh tuý của món bún ốc này chính là hương vị ốc nước ngọt được ninh kỹ rất lâu với sườn lợn. Ai không quen sẽ thấy mùi hơi nặng và khó ăn, nhưng đã nghiện thì sẽ không thể quên, cũng giống như sầu riêng vậy. Lần đó, bạn không hài lòng lắm với món bún ốc tự làm, nhưng rồi chậc lưỡi an ủi, cho vợi nỗi nhớ nhà. Bạn cũng như mình, mạo hiểm với cảm xúc, để hiểu một điều rằng dù có thử bao nhiêu lần đi nữa, tình yêu đích thực sẽ chỉ gặp một lần trong đời.
Tháng Mười lại về, nhưng lần này là cơn gió mới, mát lành bình yên. Thời gian chẳng còn buồn tháo tung tấm áo ký ức, cặm cụi ngồi đan lại từng nút kỷ niệm, rồi để sang xuân lại cất kỹ vào ngăn tim chờ mùa năm sau. “Anh sẽ đợi em, cho dù đến cuối cuộc đời.” Tháng Mười của Hà nội đã nói với mình như thế, bằng hơi thở lồng lộng hào sảng, mặn nồng yêu thương.
Cuộc đời là những chuyến đi không ngưng nghỉ. Trong cuộc hành trình ấy, có khi nào ta dừng chân và tự hỏi, ở cuối con đường khi đối diện với cái chết, ta sẽ nhớ nhất cảm giác gì.
Yêu hay là được yêu?
10/2012
Leave a Reply