Đọc “Gái Tây ế ở Hà Nội – Single White Woman in Hanoi”

2 No tags Permalink

Chắc bạn đã từng đọc về cuộc phiêu lưu của Robinson Crusoe, khi chàng thuỷ thủ xuất thân từ một gia đình trung lưu London bỗng dưng bị đắm tàu dạt lên hoangđảo. Chuyện phiêu lưu này có vẻ khó xảy ra trong thế kỷ 21 nhưng hãy tưởngtượng một ngày bạn tỉnh dậy ở một đất nước điều kiện sống kém cỏi, cách nơi bạn sống hơn nửa vòng trái đất, khác ngôn ngữ, khác văn hoá, khác chủng tộc, không gia đình, không bạn bè, không ai biết bạn là ai. Thậm chí bạn không có công việc,không một đồng tiền bản địa, chỉ có chút tiền nước bạn dằn túi. Như vậy bạn cókhác gì chàng Robinson trên hoang đảo, bạn sẽ bình tĩnh hay hoảng hốt? Và liệubạn có thể tưởng tượng chuyện xảy ra không phải là tai nạn mà là bạn tự nguyện rời bỏ cuộc sống yên ấm để dấn thân vào cuộc phiêu lưu bất ngờ ấy?

Chuyện có vẻ lạ lùng với nhiều người Việt ấy lại là chuyện bình thường với khá nhiều người phương Tây, trong đó có Carolyn Shine. Là một nhạc công piano người Australia và là một phụ nữ độc thân, còn khá trẻ theo tiêu chuẩn của phương Tây, một ngày đẹp trời Carolyn cảmthấy cuộc sống yên ấm này quá buồn chán, khao khát sự thay đổi. Chỉ qua một câu chuyện của bạn một người bạn tình cờ có nhắc đến Việt Nam, Carolyn đã quyết định lên đường. Và Việt Nam quả đã không làm cô thất vọng khi để cô được phiêu lưu từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng.

Cú shock đầu tiên của cô là chuyện đánh số nhà tuỳ hứng ở Hà Nội khiến cô suýt không thể tìm thấy nhà trọ củamình. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác bơ vơ khi một mình ở Seoul, đường xa xứ lạ, không biết tiếng và không thể tìm được nhà trọ của mình vì ở Hàn Quốc “nhà không số, phố không tên”, chỉ có tên khu phố. Nếu có thể, chắc lúc ấy tôi đã bay ngay về dưới mái nhà của mình Nhưng không gì có thể cản được bước chân cô gái can trường này.

Doc Gai tay e o HN

Carolyn đã sống 18 tháng ở Hà Nội và cô ghi lại từng kỷ niệm vui buồn của cô. Là một người dấn thân, cô không e ngại chuyện gì, từ thức ăn đường phố, phiêu lưu sau anh xe ôm, ngồi sau xe máy một cô học trò đi 300km về Thanh Hoá thăm gia đình cô, đi dạy tiếng Anh cho mọi trung tâm mời cô… Là một người nước ngoài, tất nhiên cô tham gia vào cộng đồng ngoại kiều ở Hà Nội. Qua mô tả của cô, chúng ta có thể hiểu được lý do những người nước ngoài đến Việt Nam và vì sao có những người trở nên gắn bó với nơi này đến mức không muốn quay về đất nước của họ. Những câu chuyện của Carolyn cho ta thấy cùng những điều ta đang chứng kiến hàng ngày nhưng dưới cái nhìn của một người nước ngoài, chúng hiện lên hoàn toàn khác. Cuộc sống chưa công nghiệp hoá của Việt Nam tuy thiếu tiện nghi và chưa phát triển nhưng bù lại, nhịp sống chậm lại giúp con người được gần nhau hơn, sống có tình hơn. Học sinh yêu quý và thích chăm sóc giáo viên, theo cách mà cô chưa từng thấy ở Australia. Người phụ nữ nơi cô thuê nhà sẵn sàng thức dậy nửa đêm mở cửa cho cô mà không hề than phiền… Nhưng những câu chuyện ấy cũng cho chúng ta thấy nhiều mặt trái trong văn hoá Việt. Có những điều rất nhỏ nhặt như học sinh tự động đến tìm giáo viên đòi giúp đỡ hay lên kế hoạch đưa giáo viên đi xa mà không hề thông báo trước, chủ nhà tự động vào phòng khách trọ khi khách đi vắng (vì người phương Tây rất coi trọng sự riêng tư còn Việt Nam thì không). Có những điều khá nghiêm trọng như thói gia trưởng, trọng nam khinh nữ không thèm che giấu ngay cả với nữ giáo viên, tệ nạn “con ông cháu cha” trong toà báo cô làm việc… Những trải nghiệm về giảng dạy cho học sinh Việt Nam đủ lứa tuổi chắc chắn sẽ làm những người làm giáo dục phải suy nghĩ.

Là một người bao dung, có óc quan sát tinh tế, hóm hỉnh, không thiên kiến, Hà Nội trong mắt cô hiện lên vừa làm chúng ta yêu thêm thành phố của mình vừa thấy có trách nhiệm phải thay đổi.

Câu chuyện xúc động nhất có lẽ là việc Carolyn tình cờ gặp một phụ nữ vô gia cư bị lao tên là Hiền và cố gắng chăm sóc cô. Có lẽ đây là câu chuyện phơi bày rõ ràng nhất mặt trái của xã hội Việt Nam. Bên cạnh những bất hạnh trong gia đình đã đẩy người phụ nữ còn trẻ và đẹp này vào cảnh vô gia cư, đau ốm không ai chăm sóc, sự thờ ơ của xã hội đã giết chết cô. Khi Carolyn cố tìm cách liên lạc với Hội Chữ thập đỏ địa phương để đưa Hiền đi điều trị, câu trả lời chỉ là “Cô không thuộc khu phố này” hoặc “Nhiều người như cô quá, không thể cứu giúp một mình cô”. Carolyn chỉ có thể giúp cô bằng cách cho tiền mua thức ăn, mua thuốc, mua quần áo ấm cho cô. Cuối cùng, bất chấp những cố gắng của Carolyn, Hiền vẫn chết trên hè phố, trong sự thờ ơ của cả xã hội. Có lẽ người duy nhất khóc thương cho cô lại là một phụ nữ nước ngoài xa lạ. Thực tế ấy làm chúng ta phải nghĩ lại về trách nhiệm của các tổ chức xã hội và trách nhiệm của mỗi chúng ta với những đồng hương của mình.

Câu chuyện thú vị nhất có lẽ là về cảm xúc của Carolyn nói riêng và nhiều phụ nữ ngoại quốc khác nói chung với đàn ông Việt. Nam giới Việt trong mắt Carolyn hiện lên như những chú gà trống, vênh vang một cách thô lỗ và lố bịch về đặc quyền đàn ông của mình. Nhưng chính vì sự vênh vang ấy, họ lại mặc cảm về tầm vóc, khả năng ngoại ngữ, điều kiện tài chính… nên e ngại tiếp xúc với phụ nữ Phương Tây. Việc sợ mất thể diện đã làm họ không hề biết phụ nữ Phương Tây rất cởi mở nên không quan tâm nhiều đến những thiếu sót ấy. Thực tế bất ngờ là nhiều phụ nữ phương Tây, kể cả Carolyn,thấy các chàng xe ôm Hà Nội là rất quyến rũ. Trong sách của mình, Carolyn giành một thời lượng đáng kể để nói vể tình cảm đơn phương của cô với anh chàng xe ôm đã có vợ con tên Quân. Những chi tiết riêng tư được cô chia sẻ rất thẳng thắn hẳn sẽ làm nhiều người đọc đỏ mặt lúng túng nhưng cũng không kém phần thích thú.

Sinh ra trong một gia đình Hà Nội toàn tập, phần lớn thời gian trong đời sống ở đây, tôi tưởng mình đã hoàn toàn thấu hiểu Hà Nội. Nhưng tôi đã nhầm, Hà Nội của tôi khác với Hà Nội của bố mẹ tôi, phụ nữ sẽ cảm nhận Hà Nội khác nam giới, mỗi lứa tuổi lại có một Hà Nội khác nhau. Và nay tôi lại gặp một Hà Nội khác nữa trong cuốn sách của Carolyn, vừa đẹp hơn vừa xấu xí hơn nhưng vẫn vô cùng đáng yêu và gần gũi. Như Carolyn viết trong câu kết:

Hà Nội chắc chắn là một mảnh đất kỳ lạ và hấp dẫn với người Phương Tây. Những sự vỡ mộng một thời đã qua rồi và cảm xúc chủ yếu của tôi bây giờ là sự ngưỡng mộ. Trước tất cả những cuộc xâm lăng và xâm phạm bất tận mà họ phải chịu đựng, người VN đều không ôm mối hận thù. Ý thức về bản sắc đã đoàn kết họ thành một khối và trao cho họ sự tự tin để tiến về phía trước mà không hề sợ hãi.Người VN không thể bị khuất phục!

Có vẻ Carolyn đã tin tưởng người Việt hơn cả chính chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là hãy xứng đáng với lòng tin ấy chăng?

Doc Gai tay e o HN2

2 Comments
  • Linh
    July 19, 2015

    Cau chuyen hay. Có nhieu loi nho trong bài viet ‘ve : khoang cach các tu trong khúc mo dau…

  • Ngọc Ánh
    July 19, 2015

    Bài này cô viết hay quá, em sẽ tìm đọc cuốn sách này! ^_^

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *