Không thể phủ nhận văn hoá Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều của văn hoá Trung Hoa nhưng nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất có lẽ là Khổng Tử, người thầy được cả Trung Quốc và Việt Nam, dù có những giai đoạn thăng trầm, tôn là “vạn thế sư biểu” – Người thày của muôn đời. Nhưng mình tin là nếu còn sống, Khổng Tử chắc phải rất căm ghét một đồng nghiệp người Anh, Sir Timothy John Berners-Lee – là người sáng tạo ra mạng WWW và đặc biệt là hai thằng sinh viên lếu láo Larry Page và Sergey Brin của trường Stanford vì đã dám tạo ra Google. Đây quả thật những tội lỗi tày trời, làm ảnh hưởng to lớn đến uy danh của Khổng tử và hệ thống giáo dục mà ông đã tạo ra trong suốt hơn 2000 năm qua.
Làm sao mà không tức giận được khi cho đến đầu thế kỷ 20, tất cả mọi học sinh đều phải học chữ Thánh hiền trên những cuốn sách từ vài ngàn năm truyền lại mà mở đầu là Tam tự kinh. Học sinh được đánh giá theo mức độ viết chữ đẹp và khả năng học thuộc lòng những gì thầy nói. Mọi lời do thầy thốt ra đều được coi là “khuôn vàng thước ngọc” và nguồn kiến thức duy nhất là qua những cuốn sách thầy đưa ra. Do sách rất thiếu nên nhiều khi chỉ thầy có, học sinh buộc phải chép lại những gì thầy cho đọc. Chữ Hán lại rất phong phú và phức tạp, học từ nào biết từ nấy nên gặp từ mới chỉ có nước chờ thầy chỉ dẫn, thầy nói sao biết vậy, tuyệt đối cấm phản ứng. Thời ấy con đường tiến thân duy nhất là thi đỗ làm quan nên nghề làm thầy rất được trọng vọng. Truyện cười dân gian đã kể về những thầy giáo dạy sai, tham ăn tục uống nhưng học sinh cũng chỉ dám cười sau lưng chứ không bao giờ dám cãi lại thầy, nếu không muốn ăn roi mây quắn đít. Đây chính là thời hoàng kim của đạo Khổng.
Đến thời dân chủ cộng hoà, “rượu cũ bình mới” dù nội dung học hành có phong phú hơn nhờ cập nhật chương trình đào tạo thời Pháp thuộc và từ các nước xã hội chủ nghĩa nhưng cách học thì vẫn tương tự, tức là hoàn toàn phụ thuộc vào sự truyền đạt của người thầy. Là nước nghèo, nhất là trong thời chiến, sách và tài liệu đều khan hiếm, nên việc giảng bài của thầy vẫn được coi nguồn kiến thức chính. Ảnh hưởng của Khổng giáo cũng ngăn cản học sinh phản ứng lại thầy cô vì “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, hơn nữa trong trường cũng không có cơ chế để người học lên tiếng, thành ra việc học vẫn theo kiểu “lấy người thầy làm trung tâm”. Tôi còn nhớ hồi học lớp 6, cô giáo cho học bài thơ Vào hè của Nguyễn Khuyến, trong đó có câu “Đầu cành kiếm ban oanh thỏ thẻ”, cô giáo giải thích đây là con chim tên “kiếm ban oanh” hót ở đầu cành cây. Khi nghe tôi đọc ở nhà, mẹ tôi hoảng quá phải sửa lại là “Đầu cành kiếm bạn oanh xao xác” và giải thích như vậy mới phù hợp với câu tiếp theo là “Trong tốiđua bay đóm lập-loè”. Tuy sửa cho con nhưng mẹ tôi vẫn dặn làđến trường đừng nói lại với cô, kẻo cô giận thì nguy. Môi trường học tập ấy đã giúp cho nghề giáo dù thanh bần nhưng vẫn được nhiều người lựa chọn vì ổn định, ít rủi ro và lại được xã hội tôn trọng.Vì cả xã hội đều tin như vậy nên tôi cũng yên trí đó là chân lý.
Đếnkhi ra nước ngoài tôi mới biết giảng viên ở các nước phương Tây không có được sự trọng vọng như vậy. Ở các nước này, giáo dục chỉ là một nghề như mọi nghề khác, người thầy chỉ là người cung cấp dịch vụ. Họ vẫn được học sinh tôn trọng vì tuổi tác, kiến thức, vì kỷ luật nhà trường nhưng sẽ không được sự trọng vọng và miễn nhiễm với mọi trách cứ như giáo viên ở các nước theo đạo Khổng như Việt Nam, Trung Quốc hay Hàn Quốc. Vì vậy, các giảng viên phương Tây qua dạy ở Việt Nam ban đầu thường khá lúng túng trước sự chăm sóc của học viên vì không quen với cách đối xử như vậy. Một số người thậm chí e ngại vì sợ bị mua chuộc, hối lộ… Chính vì thế, Cross cultural teaching – giảng dạy xuyên văn hoá từ lâu đã thành môn học bắt buộc trong nhiều trường sư phạm ở phương Tây.
Nhưng khi quay về VN năm 1986, tôi mới biết Khổng tử vẫn còn ngự trị ở Việt Nam và lời thầy cô giáo vẫn là khuôn vàng thước ngọc. Nhờ vậy nhiều phụ huynh vẫn hướng con cái, nhất là con gái làm giáo viên, trong đó có bố mẹ tôi. Tuy nhiên, cả bố mẹ tôi và cụ Khổng đều không biết rằng, thời huy hoàng khi giáo viên là người độc quyền kiến thức đã chính thức chấm dứt vào năm 1991, với sự ra đời của mạng World Wide Web (WWW) ở châu Âu chứ không phải ở Mỹ như nhiều người nhầm tưởng. Dù Internet đã được ra đời từ 30 năm trước đó với mạng ARPANET nhưng chỉ được dùng trong Bộ Quốc phòng Mỹ. Chỉ với WWW, mọi máy tính trên thế giới đều có thể được kết nối và thông tin được trao đổi với tốc độ chưa từng có trước đó. Nhờ vậy kiến thức và thông tin nhanh chóng được cập nhật, người thầy đã mất địa vị độc tôn. Điều nguy hiểm hơn nữa là tuổi trẻ luôn nhanh chóng cập nhật với cái mới trong khi giáo viên lại thua kém học sinh của mình trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, người thầy không cẩn thận sẽ lâm vào thế bí khi bị học sinh so sánh với những gì chúng đọc được trên mạng.
Nhưng địa vị độc tôn này chỉ hoàn toàn sụp đổ vào năm 1998 với sự ra đời của Google, công cụ tìm kiếm thông tin hiệu quả nhất trên mạng. Kể từ lúc ấy, mọi kiến thức, mọi thông tin đều có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng, mới hơn, nhiều hơn, phong phú hơn những gì bất kỳ người thầy nào có thể cung cấp. Nếu trong môi trường giáo dục cổ truyền người thầy đóng vai trò truyền đạt, giảng giải, kiểm tra, học sinh không có hoặc chỉ có rất ít sự lựa chọn giáo viên. Tôi còn nhớ khi mới bắt đầu được tiếp cận với kiến thức kinh doanh kiểu phương Tây, những cuốn sách của Michael Porter hay Philip Kotler là ước mơ của tôi và tôi không dám mơ đến ngày được nghe họ giảng. Nhưng trong môi trường giáo dục thời Internet, mọi người đều dễ dàng tìm thấy các bài giảng của họ trên Youtube, những chương trình giáo dục trực tuyến có thể chuyển mọi thắc mắc của học viên cho họ và nhanh chóng nhận được lời giải đáp. Thay vì chỉ giới hạn trong số giáo viên quanh mình, học những gì nhà trường yêu cầu mọi người học đều có thể lựa chọn giảng viên và học những gì mình tự lựa chọn. Thậm chí quyền to nhất của nhà trường là cấp bằng cũng dễ dàng bị tước bỏ vì có rất nhiều trường học dạy trực tuyến trên thế giới sẵn sàng cấp bằng cho bạn chỉ cần bạn hoàn thành chương trình đào tạo hay đơn giản hơn là qua được kỳ kiểm tra của nhà trường. Những giáo viên tội nghiệp được đào tạo trong tinh thần đạo Khổng như chúng tôi hoàn toàn ngơ ngác, không biết làm gì để đối phó với chàng khổng lồ Google trẻ trung. Dù Việt Nam may mắn luôn đi chậm hơn thế giới vài nhịp nhưng Internet đã xoá nhoà mọi khoảng cách và bắt đầu cho chúng tôi thấy sức mạnh như vũ bão của mình. Tôi nhớ ngay đầu những năm 2000, trong một buổi toạ đàm về cải cách giáo dục, một sinh viên đã đặt câu hỏi cho một quan chức Bộ Giáo dục, hình như là Thứ trưởng Trần Văn Nhung: “Thưa Thứ trưởng, xem trên website của các trường ĐH ở Singapore, Malaysia, em thấy họ đều dùng chương trình của các trường ĐH nổi tiếng trên thế giới như Havard, Oxford.., vì sao VN không làm theo cách này mà cứ loay hoay cải tiến mãi vậy?”. Tôi nhớ Thứ trưởng đã toát mồ hôi vì câu hỏi này và chỉ trả lời loanh quanh là nên giữ bản sắc gì đó. Nếu không có Internet, hẳn Bộ Giáo dục đã không phải đối mặt với những tình huống khó xử như vậy! Giảng viên cũng phàn nàn nhiều vì học sinh đặt ra những vấn đề mình chưa từng biết làm việc giảng dạy khó khăn hơn nhiều. Nhưng Internet không chỉ mở mang đầu óc cho người đọc mà còn cung cấp nhiều thông tin sai lệch, trong khi sinh viên chưa có bản lĩnh để lựa chọn, dẫn đến giáo viên phải mất nhiều thì giờ giảng giải, bác bỏ những thông tin độc hại này. Internet cũng làm nạn đạo văn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, nên giảng viên cũng mất nhiều công sức để phát hiện những tay đạo chích thời hiện đại này. Nhiều sinh viên lý luận là: “Những bài này em viết cũng chẳng bổ ích cho ai nên em thà copy rồi để thì giờ ấy đi làm việc khác có ích hơn” và giảng viên lại mất thì giờ giải thích về lợi ích của bảo hộ quyền SHTT cũng như trau dồi bản thân. Vai trò người cung cấp và giảng giải kiến thức của người thầy đã bị thu hẹp rất nhiều, người thầy chỉ còn giữ vai trò định hướng và đánh giá nhưng lại bị cạnh tranh rất mạnh với những người thầy vô hình nhan nhản trên Google.
Tuy nhiên, chưa từng có ai lo ngại nghề giáo sẽ biến mất vì khi kinh tế tri thức càng lên ngôi, nhu cầu học tập càng nhiều, chỉ có điều người thầy thời Google không thể dạy như người thầy thời Khổng tử. Xu thế sắp tới là lớp học truyền thống sẽ biến mất thay vào đó là các lớp học đảo ngược, tức là thay vì đi đến trường, lắng nghe thầy cô giảng bài rồi trở về nhà làm bài tập, học sinh lại xem các bài giảng ở nhà qua mạng và đến lớp để tương tác với giáo viên và bạn học nhằm củng cố thêm các khái niệm đã tìm hiểu. Mô hình này đã được thử nghiệm ở một trường học ở Chicago và rất được học sinh hưởng ứng.[1] Người thầy thay vì giữ vai trò truyền đạt kiến thức, chỉ còn là người định hướng, khai sáng cho học sinh, giúp các em khám phá bản thân và tự hoàn thiện mình. Kiến thức không còn là điều quan trọng nhất với người thầy mà là khả năng tương tác, thấu cảm với sinh viên. Đây chính là thời đại của giáo dục khai phóng (Liberal Education) tức là giáo dục tổng quát nhằm phát triển những năng lực trí tuệ của con người, không bị trói buộc vào bất kỳ môn học nào, nhằm cung cấp cơ hội tiếp cận nhiều lĩnh vực học thuật và nhiều chiến lược học tập, bên cạnh chương trình học chuyên sâu trong ít nhất một lĩnh vực học thuật nào đó. Tư tưởng về giáo dục khai phóng đã ra đời từ thời Trung cổ nhưng Internet với sự cung cấp kiến thức vô biên của nó đã biến tư tưởng này từ sự lựa chọn trở thành bắt buộc với mọi nhà giáo dục.
Với sự ra đời của những cơ sở giáo dục như Khan Academy, nơi đang cung cấp chừng 200 triệu bài học thông qua video và đang phát triển nhanh chóng nhờ vào một cộng đồng năng động và sự hỗ trợ bên ngoài[2], Google đã chính thức thách thức cụ Khổng tử và những giảng viên môn đồ của cụ.
ĐI THEO CỤ LÊN MIẾU THỜ HAY THEO CHÀNG GOOGLE TRẺ TRUNG, ĐÓ LÀ SỰ LỰA CHỌN MÀ MỖI GIẢNG VIÊN PHẢI ĐỐI MẶT TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY!
[1]http://techmaster.vn/posts/33421/mo-hinh-giang-day-moi-lop-hoc-dao-nguoc
[2]http://techmaster.vn/posts/33444/internet-thay-the-giao-duc-truyen-thong
Leave a Reply