Bài này có vẻ đang gây bão, nhưng mình đành phải nói là mình hoàn toàn đồng ý với Trang Hạ.
Là giảng viên, mình cũng chứng kiến 90% đàn ông ở những nơi mình đi công tác uống rượu bất kể giờ giấc và ép giáo viên uống cùng với họ. Thậm chí họ cho khả năng uống rượu hết mình là thước đo tình thân với nhau, nên khi mình không hưởng ứng, họ không hài lòng ra mặt. Nhiều nam giảng viên ở HN có vẻ rất đạo mạo nhưng về các tỉnh thì như trút được mặt nạ, vô cùng bê bối trong các cuộc nhậu nhẹt. Chính vì thế, chất lượng dạy và chấm thi ở tỉnh rất đáng ngờ. Cũng như Trang Hạ, “Ban đầu tôi nghĩ “à, họ coi rượu như một cách để xã giao”. Sau tôi mới phát hiện ra một sự thật rằng, ngoài rượu ra thì tất cả các anh cán bộ mà tôi đã gặp, họ không có gì vui thú giải trí, không có bất cứ một thứ gì hơn để mang ra đãi khách. Họ không có những câu chuyện về văn hóa, tập tục để mang ra mà kể, họ cũng không có những món quà địa phương hoặc có cách giải trí gì khác”.
Nhưng cũng khó có thể trách họ được vì ngay từ khi học ĐH, mình đã nhìn thấy các bạn học của mình là những thanh niên được học hành tử tế, được chọn đi học nước ngoài tức là tầng lớp khá trong XH chỉ có 2 cách giải trí phổ biến là đá bóng rồi rủ nhau đi uống bia. Không có điều kiện uống bia, sinh viên học trong nước lại tin “bản lĩnh đàn ông” thể hiện qua rượu cuốc lủi hay những cốc bia hơi vỉa hè chất lượng đáng ngờ. Chính vì vậy, tốt nghiệp ĐH nhiều em đã là cao thủ nhậu nhẹt, sẵn sàng gia nhập đội quân bia rượu ở các cơ quan. Người nước ngoài cũng uống bia nhưng chủ yếu là dân lao động chân tay, còn sinh viên, dân văn phòng chỉ coi đó là một trong những cách giải toả, bên cạnh đi nhà hát, xem phim, đọc sách, chơi thể thao, đi bar, uống rượu vang, làm vườn… còn uống bia là cách giải toả duy nhất của trên 90% đàn ông Việt. Hình như giáo dục gia đình Việt thiếu hụt khá nhiều về vấn đề này. Trong khi phụ nữ được dạy khâu vá, nấu ăn, tâm sự, đọc sách, nghe nhạc… để lấp thì giờ trống, còn đàn ông chỉ có thể rủ nhau ngồi uống!
Kể từ khi đi làm, việc học hành, nâng cao trình độ hầu hết cho là không còn cần thiết; sau khi lập gia đình, mọi sinh hoạt tinh thần như phim ảnh, sách truyện… đều dừng lại, kể cả với tầng lớp được gọi là trí thức. Mình quen không ít người có học vị cao mà không biết mở 1 cái email chứ đừng nói đến tra cứu tài liệu chuyên môn trên mạng. Con đường tiến thân duy nhất của họ là thông qua việc làm hài lòng sếp và họ tin bàn rượu là nơi tốt nhất để làm việc này. Rất nhiều nam nhân khẳng định với vợ rằng họ nhậu nhẹt do nhu cầu công việc và người vợ nào xót chồng, muốn ngăn cản sẽ bị coi là “kém thông cảm, cản trở đường tiến thân của chồng”! Những nam giới không muốn huỷ hoại sức khoẻ, phí phạm thời gian trên bàn rượu lại bị kỳ thị, cho là “kém tính đàn ông”! Chính vì vậy thời bố mẹ tôi, khi đời sống còn thiếu thốn, không có điều kiện nhậu nhẹt, nam giới thường trẻ lâu hơn phụ nữ. Còn từ thời tôi, nữ giới lại trẻ lâu hơn nhiều. Đã thế, trong công việc phụ nữ cũng ngày càng đạt được nhiều thành công hơn. Nhiều nhà quản lý nước ngoài nói họ chỉ thích làm việc với phụ nữ Việt vì ““Họ rất chăm chỉ. Làm việc mọi lúc mọi nơi, rất có trách nhiệm với những công việc mình được giao. Công việc dù rất vất vả, nhưng những cô gái tôi biết luôn luôn mạnh mẽ” trong khi đó theo họ “đàn ông Việt nói giỏi hơn làm”!
Tuy nhiên, vẫn còn rất đông đàn ông Việt vẫn “cứ cố tình gọi đó là văn hóa uống rượu, là “chuẩn” văn hóa của họ”, Trang Hạ nói rằng “đó là những kẻ vô lại” còn mình gọi đó là “những kẻ vô văn hoá”.
Vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai nòi giống, nam giới Việt hãy tỉnh ra đi và phụ nữ Việt đừng nể nang nữa, hãy kiên quyết đấu tranh với tệ nạn này! Chuyện nghiêm túc, Bạn nam nào nhột cũng đừng giận. Giận thì không tiến hoá nhanh hơn được đâu.
Leave a Reply