Thời gian gần đây, “tử tế” đang trở thành từ hot trên mạng, gần như ngày nào cũng thấy. Dư luận than phiền về sự thiếu “tử tế’ trong xã hội, chia sẻ cách sống tử tế, thậm chí từ này còn trở thành từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất trong diễn văn từ chức của Thủ tướng. Tuy nhiên, hiếm ai biết như thế nào là “tử tế”.
Từ hơn 30 năm trước đây, trong bộ phim được giải QT Chuyện tử tế, đạo diễn Trần Văn Thuỷ đã đặt ra câu hỏi: “Thế nào là sự tử tế?”. Đạo diễn tìm câu trả lời thông qua nhiều con người, hoàn cảnh sống khác nhau. Từ người thành phố bình thường tới những người lao động lam lũ nơi thôn quê và cả những người bị bệnh phong, một căn bệnh khiến họ bị cả xã hội xa lánh. Qua chuyến đi tìm câu trả lời ấy, đạo diễn và người xem đều trăn trở trước cuộc sống khó khăn và thiếu đi sự tử tế giữa con người và con người.
Trong phim, một bô lão giảng giải: “Tử tế, các đồng chí làm phim thân mến ạ, gốc của nó là từ chữ Hán. Chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi. Sự tử tế, tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời”.
Khái niệm này không được rõ ràng, thực tế tử tế nếu là danh từ đồng nghĩa với kindness trong tiếng Anh, cư xử tử tế có nghĩa là “thân thiện, hào phóng và quan tâm đến người khác”. Tử tế còn được dùng phổ biến như một tính từ/trạng từ như làm việc gì tử tế, trong tiếng Anh là “doing something properly”, có nghĩa là làm việc đàng hoàng, cẩn thận, chu đáo – “Làm việc cho tử tế nhé”.
Một xã hôi chỉ bình an khi người với người tử tế với nhau, tức là trong ứng xử thì thân thiện, quan tâm đến nhau, không bo bo ích kỷ cho mình; khi làm việc thì đàng hoàng, cẩn thận, chu đáo. Tuy nhiên, thời gian qua dư luận lo lắng vì có nhiều hiện tượng về những ứng xử không tử tế với nhau như ở người lớn thì anh em tranh giành nhau một rẻo đất mà gây án mạng, dân chúng đánh chết kẻ trộm chó…, người trẻ đánh nhau, thậm chí gây án mạng chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt như tranh cãi trong lớp, ghen ghét nhau… mà đỉnh điểm là vụ bỏ mặc không cứu giúp nạn nhân bị tai nạn giao thông ở Ái Mộ hay thản nhiên để thực phẩm bẩn lan tràn khắp nơi.
Trong công việc con người cũng không làm tử tế như cảnh sát giao thông, nhân viên các cơ quan công quyền sách nhiễu dân chúng, bác sĩ, y tá tắc trách làm chết bệnh nhân hay những vụ án tham nhũng của các quan chức đáng ra phải làm rường cột cho xã hội là lòng tin của người dân bị ản hưởng nghiêm trọng.
Những con người sống tử tế có thể bỗng dưng hàm oan không ai cứu giúp như thầy Đỗ Việt Khoa vì tố cáo vụ gian lận thi cử mà bị trường trù dập hay em Đỗ Quang Thiện, vì cứu giúp người bị tai nạn mà bị vu oan là gây tai nạn đến mức bị bắt giam. Vì vậy, lòng tin vào lẽ công bằng bị xói mòn, con người sợ hãi không dám tử tế với nhau, chỉ bo bo cho bản thân mình.
Tuy nhiên, có thực “thương người thì khó đến thân” không? Trong cuốn sách “Đừng bao giờ đi ăn một mình” của Keith Ferrazii, ông kể một câu chuyện rất ấn tượng về đời mình. Xuất thân là một cậu bé nhà quê nghèo khổ, bố làm công nhân, mẹ làm tạp vụ nhưng ông đã trở thành một trong 40 nhà lãnh đạo kinh doanh dưới 40 tuổi của thế giới.
Bí quyết đã giúp ông đổi đời xuất phát từ việc do nhà nghèo, sau giờ học ông phải đi làm công nhân nhặt bóng ở sân golf. Mặc dù bị bạn bè cùng lứa chế nhạo, ông vẫn rất tận tuỵ với công việc. Trong các khách chơi trên sân có một người phụ nữ tên là Pohlan, là vợ ông chủ xưởng gỗ và là mẹ một người bạn cùng lớp. Nhờ sự trợ giúp nhiệt tình của ông, bà đã chơi rất thành công nên nhiệt tình giới thiệu ông với bạn bè. Từ đó, ông đạt được danh hiệu “Người phục vụ tốt nhất năm” và có cơ hội quen biết nhiều người có thế lực khác. Con mắt sắc sảo và tinh tế của ông đã nhận thức sâu sắc và rõ ràng nguyên nhân của sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo: “Sự nghèo khổ không chỉ do chúng ta thiếu nguồn lực tài chính mà còn do chúng ta bị tách biệt ra khỏi những con người có thể giúp chúng ta phát huy hết khả năng của mình”. Vì vậy, ông tin bí quyết thành công chính là xây dựng mạng lưới quan hệ tốt với những người có thể giúp được ông. Nhưng ông không hề ích kỷ mà triết lý của ông trong các mối quan hệ là “quảng đại”, cho nhiều hơn nhận, cho trước khi nhận. Theo ông, quan hệ tốt không phải sự lợi dụng hay có vay có trả sòng phẳng mà là bạn bè giúp đỡ lẫn nhau. Sự tử tế của ông đã giúp ông có được lòng tin của mọi người, chính vì vậy mỗi lần cần phải suy nghĩ trước khi bước tiếp, cần lời khuyên hoặc cần mối quan hệ mang tính quyết định, ông đều có thể dựa vào mạng lưới bạn bè lên đến 5000 người của mình. Chính nhờ sự trợ giúp của họ ông đã đạt được thành công to lớn như vậy.
Ở Mỹ cũng từng có chuyện ở một thành phố nhỏ, vào một đêm khuya, có một đôi vợ chồng tuổi đã cao lỡ độ đường đi từng khách sạn hỏi thuê phòngnhưng ở đâu cũng hết. Đến khách sạn cuối cùng nhân viên lễ tân không đành lòng để cho cặp vợ chồng đó lang thang ngoài trời lạnh nên gọi họ lại rồi dẫn vào một căn phòng, bảo: “Hai bác nghỉ đi. Cháu rất tiếc không còn phòng tốt hơn nhưng hai bác khỏi phải chạy đi tìm phòng giữa đêm khuya nữa”. Hôm sau, khi họ thanh toán, nhân viên lễ tân đó liền nói:“Hai bác không cần thanh toán đâu ạ, vì căn phòng đó là phòng ở của cháu. Chúc hai bác có một hành trình du lịch vui vẻ ạ!”
Thì ra, nhân viên lễ tân đó đã ngủđêm tại bàn làm việc để nhường phòng ngủ cho họ. Cặp vợ chồng hết sức cảm động và nói: “Chàng trai trẻ à, cậu là nhân viên lễ tân khách sạn tốt nhất mà chúng tôi từng gặp đấy. Cậu nhất định sẽ được đền đáp”. Chàng trai cười, tiễn cặp vợ chồng ra cửa và nhanh chóng quên đi chuyện hôm đó.
Bỗng có một ngày, anh ta nhận được một bức thư, trong đó có một tấm vé đi du lịch New York theo như chỉ dẫn, chàng trai đi đến một căn biệt thự lộng lẫy, thì ra, hai người mà anh ta tiếp đón trong đêm khuya hôm đó chính là vợ chồng một nhà tỷ phú. Hai ông bà cho biết đã mua một khách sạn mới để tặng anh. Từ đó chàng trai trở thành chủ khách sạn và nhờ tính chăm chỉ, quan tâm chăm sóc người khác, anh đã thành công lớn.
Quan sát cuộc sống quanh mình, ai trong chúng ta cũng từng chứng kiến sức mạnh của sự tử tế. Bản thân tôi chỉ là một giáo viên bình thường nhưng đi đâu cũng được sinh viên cũ giúp đỡ rất vô tư. Có lần vào TP. HCM công tác, một sinh viên cũ rất thành đạt gọi điện mời đi ăn với vợ con. Trong bữa ăn em kể:“Vợ em hỏi sao anh học với bao nhiêu thầy cô, lần nào cũng chỉ thấy đi với cô giáo này vậy?”. Em bảo vì cô khắt khe nhưng rất công bằng và tử tế với sinh viên. Sức mạnh của sự tử tế luôn mạnh mẽ hơn quyền lực, tiền bạc hay sự vụ lợi.
Khoa học cũng chứng minh, một tâm hồn ngập tràn tình yêu thương không chỉ khiến cuộc sống của bạn thêm ý nghĩa, mà còn đem lại nhiều lợi ích sức khỏe mà bạn không ngờ tới.Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Tâm lý học và Lão hóa năm 2013 đã cho biết tham gia hoạt động từ thiện thường xuyên có thể làm giảm 40% nguy cơ huyết áp cao ở tuổi trung niên, tăng sức khoẻ tim mạch, giảm nguy cơ đột tử đến hơn 22% và có được cuộc sống lạc quan, vui vẻ[1].
Tuy nhiên, bởi cuộc sống luôn còn nhiều mặt trái, làm thế nào để có thể sống tử tế mà không bị chèn ép? Việc đầu tiên là chúng ta cần không chỉ cư xử tử tế mà còn làm việc tử tế. Một người y tá rất đồng cảm với bệnh nhân nhưng lại không tuân thủ quy trình khi tiêm sẽ khó thuyết phục được người khác về long tốt của mình. Tuy nhiên, tử tế không chỉ là làm việc mình cho là tốt mà còn cần phù hợp với nhu cầu của đối tác. Rất nhiều người vợ tận tuỵ cơm nước với chồng nhưng lại làm chồng khó chịu vì món ăn không hợp miệng hay gò bó mà vợ không biết nên sự quan tâm ấy sẽ không được công nhận là tử tế.
Sống tử tế không chỉ là cư xử hay làm việc tử tế mà còn phải kiên quyết đấu tranh với cái Ác, cái sai trái. Khi còn trẻ tôi cũng từng trăn trở vì thấy người tốt quá hiền nên hay bị chèn ép. Nhưng khi đi làm tôi gặp một chị sống rất tử tế, làm việc tốt lại không bon chen với ai nên được nhiều người tín nhiệm. Tuy nhiên, nếu có ai làm gì sai trái, trong khi người khác e ngại thì chị rất kiên quyết lên tiếng phê phán. Nhờ vậy, chị không chị bảo vệ được bản thân mà còn bênh vực được người khác. Chị đã trở thành tấm gương cho tôi noi theo.
Ở tầm cao hơn, để có được xã hội tử tế, chúng ta cần đấu tranh để có được một luật pháp tử tế, bảo vệ người tốt, trừng phạt người xấu. Chỉ có như vậy, chúng ta mới bảo vệ được bản thân, bảo vệ được người tốt và làm sự tử tế trong cuộc sống trở nên bền vững hơn.
[1]http://suckhoedoisong.vn/long-tot-giup-ban-cai-thien-suc-khoe-tim-mach-n89487.html
Leave a Reply