NGHĨ VỀ QUỲNH DAO

0 No tags Permalink

Từng là văn sĩ lừng lẫy khắp châu Á với những tiểu thuyết và bộ phim ăn khách, khi hào quang và sự săm soi của người đời làm bà mệt mỏi, bà đã chọn rút lui về ở ẩn. Nhưng khi bà tự nguyện ra đi, cuộc đời bà lại một lần nữa bị truyền thông mổ xẻ.

Thật ra mình chỉ thích một số truyện của bà khi còn trẻ, lúc đọc đủ nhiều rồi thì không thích lắm nữa nhưng vẫn rất khâm phục và thương cảm cho cuộc đời của bà. Dù nửa cuối đời được vinh quang lẫy lừng nhưng bà đã phải trải qua quá nhiều đau khổ, đặc trưng cho phụ nữ châu Á.

Sinh ra trong một gia đình thất thế có bà mẹ rất háo danh và người bố mềm yếu, lại có hai đứa em học giỏi, trong khi bà là một đứa trẻ hướng nội và chỉ giỏi văn nên bất lực trước các kỳ thi đại trà, cả thời đi học bà phải chịu một sức ép kinh khủng. Người duy nhất hiểu và chia sẻ với bà là một thầy giáo dạy văn hơn bà 25 tuổi, không khó hiểu là họ đã yêu nhau. Xét về mọi khía cạnh, họ không làm gì sai vì thầy chưa vợ, họ cũng không làm gì quá mức, hơn nữa tình yêu ấy đã giúp bà có niềm vui sống. Thế nhưng với nhà trường và mẹ bà, thầy trò yêu nhau là sai trái nên mẹ bà đã buộc họ chia tay, thậm chí hại thầy mất việc, sống cô đơn đến cuối đời. Cú shock ấy, cộng thêm việc thi ĐH 3 lần không đỗ, bà đã tự sát, may mà được cứu kịp.

Sau lần đó, để thoát khỏi gia đình, bà đã kết hôn với 1 người đầu tiên có vẻ thông cảm và cùng sở thích viết lách với mình, tiếc rằng anh ta như đa số đàn ông châu Á, chỉ giỏi nói mồm, thực tế lại vô tích sự, đẩy gia đình vào cảnh nghèo khó kinh khủng, đến mức một cái quạt máy cũng là ước mơ xa vời với bà. Nhằm kiếm tiền nuôi chồng con, bà buộc phải xuất đầu lộ diện đi viết truyện dài cho các báo, không ngờ lại rất thành công. Có điều chính thành công ấy đã làm chồng bà sinh ra ghen tị và thù ghét vợ. Việc bà dùng mối tình đầu của mình làm chất liệu cho 1 cuốn tiểu thuyết đã là giọt nước cuối làm tan vỡ cuộc hôn nhân ấy.

Trong hoàn cảnh làm mẹ đơn thân những năm 60, khi Đài Loan còn rất nghèo đói và bất ổn, bà đã gặp Bình Hàm Đào là chủ toà soạn báo, người phát hiện và nâng đỡ tài năng của bà, lại cảm thương cho sự vất vả của người phụ nữ cô độc. Sự hợp tác của họ cũng giúp toà soạn của ông ăn nên làm ra, rồi thành người xuất bản các tiểu thuyết ăn khách của bà. Có thể nói ông đã phát hiện ra bà và bà đã giúp ông thành công. Sự đồng điệu tâm hồn đã đẩy họ đến với nhau nhưng từ đó cả hai người phải chịu sự giằng xé kinh khủng. Trong cuốn hồi ký bà kể lại lần bà nhất quyết dứt tình với ông để kết hôn với người gia đình giới thiệu thì ông đã lái xe đưa bà lên đỉnh núi rồi đẩy bà ra và định lao xe xuống vực, nhưng bà đã lao mình ra chặn trước mũi xe ông, quyết chết cùng nhau! Sau lần đó họ chấp nhận số phận, chờ đến khi con cái trưởng thành ông mới ly hôn để cuối cùng sau 16 năm yêu đương họ cũng được danh chính ngôn thuận sống bên nhau.

Trong đám cưới của hai người, ông Bình Hàm Đào đã phát biểu, chỉ mong từ nay “Tháng năm tĩnh lặng, cuộc đời bình an”. Sau này câu nói đó trở nên rất nổi tiếng, đến mức thành tiêu đề cho vài cuốn sách. Họ đã sống rất hạnh phúc bên nhau nhưng số phận vẫn chưa buông tha cho bà. Khi bước vào tuổi 90, ông Bình Hâm Đào bị mắc chứng đãng trí, quên hẳn người vợ đầu ấp tay gối với mình. Cuộc sống của Quỳnh Dao cũng rơi vào bi kịch. Bà bị con riêng của chồng cấm gặp gỡ, chăm sóc ông và phải quay về cuộc sống một mình. Thậm chí khi ông mất, bà cũng không được tham dự đám tang.

Nếu ở một quốc gia khác, dù vợ chồng không có lỗi nhưng hết yêu nhau thì chia tay là bình thường, nhất là khi ông bà đã đợi đến khi con cái trưởng thành và luôn làm tròn trách nhiệm với chúng. Tuy nhiên xã hội Đài Loan thời đó và cả những đứa con của ông lại không đủ hiểu biết để cho bố mình được tự do nên đã gây thêm quá nhiều đau khổ không cần thiết. Chính vì chứng kiến sự bất lực của ông trong những năm cuối đời, bị con cái chi phối trái ý muốn, bà đã chọn con đường tự nguyện ra đi.

Trong di chúc của bà có một đoạn sau đây “Thiết kế của Thượng đế cho quá trình sống không tốt lắm. Khi con người già đi, họ phải qua giai đoạn rất đau đớn là suy nhược, thoái hóa, bệnh tật, đi bệnh viện, chữa trị và chết đi. Chắc chắn sẽ chết già. Nếu không may thì các bạn sẽ trở thành cụ già nằm liệt giường, phải nhờ đến đặt nội khí quản để duy trì sự sống. Tôi đã chứng kiến bi kịch đó và không muốn chết theo kiểu đó”.

Nghị lực sống và cả cách ra đi của bà đã làm mình rất khâm phục. Hy vọng đến lúc ấy mình cũng có thể làm được như vậy. Đọc những thị phi soi mói trên mạng, thấy rất nực cười. Tầm của bà không phải để những kẻ tầm thường bàn luận, như những câu thơ mà Triệu Vy gửi tặng:

Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông,

Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng.

Thị phi thành bại theo dòng nước,

Tịch dương còn đó với non sông…

Cuộc đời và những tác phẩm của bà đã trở thành bất tử. Dù không từng được giải văn chương to tát nào nhưng ai có thể quên được Mùa Thu Lá Bay hay Dòng sông Ly biệt đây? Chỉ riêng ở VN, chúng đã tạo cảm hứng sống và cũng đem lại sinh kế cho bao người.

Xin gửi bài thơ của nhà thơ BÙI CHÍ VINH như một nén nhang để tưởng niệm bà…

MÙA THU LÁ BAY

“Mùa thu lá bay em đã đi rồi”

Nghe điếng lòng tôi một bài hát cũ

Tôi không biết gì về mùa thu Trung Hoa

Nhưng tôi biết là lá xanh vẫn ở

Lá vẫn ở nên tôi nghe em thở

Lá vẫn rung rinh nên tôi thấy em cười…

Khi em bước vào mùa thu thiếu phụ

Là lá vàng đã rơi ngập vườn tôi

“Em đã đi rồi”, tôi phải về thôi

Em đã sống một đời không cội rễ

Tôi trụi trần như một thân cây

Đâu biết lá gọi mùa nhanh chóng thế

Hãy là lá đậu cây tình tôi nhé

Ngắm vầng trăng đàn nguyệt ở trên đầu

Nếu “đất đá ong khô nhiều ngấn lệ”

Thà “sống trong lòng người đẹp Tô Châu”

Mùa thu lá bay… em sẽ đi đâu?

Trời thiếu nắng, má có hồng Kinh Bắc

Mưa có còn rơi trên Thượng Hải, Quảng Châu

Em thiếu tôi thì làm sao em nhan sắc?

Tôi hứa không giữ mùa thu trong lồng ngực

Chỉ sợ trái tim tôi hóa lá thu rồi

Thì lá có bay vẫn nằm trong lồng ngực

Em bước sao đành muội muội của tôi?

BCV

(Mùa Thu Lá Bay do Đặng Lệ Quân hát https://www.youtube.com/watch?v=HSoIcd81XY0)

Quỳnh Dao: Nữ văn sĩ tài năng không thể gột rửa danh "cướp chồng" | Báo Dân  trí

 

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *