Tôi sinh ra trong một gia đình có máu văn chương nên đọc đã là hoạt động không thể thiếu trong đời sống. Khi còn nhỏ, gia đình tôi chỉ có 1 phòng cho cả bố mẹ con cái cùng chung sống nhưng 2 bức tường nhà đã kín sách. Vì nhà chật, bố tôi đóng mấy tủ sách từ chân tường lên đến trần nhà và cụ xếp rất khoa học.Sách thiếu nhi, sách học sẽ để ở những tầng dưới để trẻ con dễ lấy, còn tiểu thuyết, sách tiếng nước ngoài để ở những tầng trên, ngoài tầm với của trẻ con.Tội lỗi lớn nhất của chúng tôi hồi nhỏ là bắc ghế để xem trộm sách người lớn như kiểu “Những người khốn khổ”, “Lão Goriot”… những quyển quá hiền lành so với truyện tranh của trẻ em bây giờ!
Sách đã đóng một vai trò quan trọng trong suốt cuộc đời tôi. Sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh, đời sống vật chất rất nghèo nàn, lại quá bận học hành để theo các kỳ thi học sinh giỏi và chăm hai đứa em nhỏ nhưng tôi không hề cảm thấy buồn chán.Ngơi tay lúc nào là tôi vùi đầu vào sách. Khi bên ngoài tên rơi đạn lạc, tôi đắm chìm trong Thần thoại Hy lạp, mê mải theo những cuộc phiêu lưu của chàng Odyssey và tiếng hát mê hồn của những nàng tiên cá. Tôi hòa nỗi đau thương mất nhà cửa, bạn bè, người thân… trong nỗi đau mất chồng là chàng Hector tài giỏi,đẹp trai của nàng Andromaque xinh đẹp. Hàng ngày đi trên những đường phố đơn sơ, nhỏ hẹp, tôi mơ về cung điện, đền đài ở Âu châu xa xôi qua những cuốn sáchvề Mỹ thuật thế giới. Và xem “Một con người chân chính” của Boris Polevoi vềchàng phi công tài giỏi, cụt hai chân mà vẫn lái máy bay, tôi ước mình có thể họcđược sự can trường, tinh thần vượt khó của anh.
Khi vào đại học, cuốn sách rơivào tay tôi đầu tiên là Jane Eyre, lúc ấy dịch là Kiều Giang. Lần đầu tiên tôi thấy một nữ nhân vật chính không xinh đẹp, không có một lý tưởng nào nổi bật.Tôi mê mải theo dõi số phận của cô gái can trường đó và dần hiểu được, phẩm chất con người quan trọng hơn nhiều so với những giá trị mà xã hội đem lại. Đó cũng là thời gian lần đầu tôi tiếp xúc với thơ tình, những vần thơ của Pushkin, Lermontov, Olga Bergoltz… được chép đầy trong sổ tay của tôi, cho tôi những mơước đầu đời về tình yêu lý tưởng, về hạnh phúc lứa đôi. Rồi tôi được đọc Nguyễnthị Hồng Ngát, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn… tôi hiểu về tình yêu của người con gái Việt Nam, yêu và hy sinh, tận tụy và chờ mong…
Khi đi học đại học ở nước ngoài, thú vui đọc sách của tôi được thỏa mãn tuyệt đối. Praha có những thư viện lớn, sách la liệt trên giá, những cuốn sách nổi tiếng của những tác giả cổ điển như Victor Hugo, Alexander Dumas, George Sand… mà tôi chỉ từng nghe. Cuốn sách đầu tiên tôi tìm đọc là Trà Hoa Nữ, thời đó chưa được dịch ở VN. Cuốn sách đã đảo lộn mọi suy nghĩ trong tôi, chuyện tình của một cô gái điếm, tầng lớp mà tôi chưa từngđược biết đến, cộng thêm giọng văn trữ tình say đắm của nhà văn đã làm tôi say mê. Lớn lên trong xã hội Á Đông khép kín, tôi chỉ được nghe về những anh hùng liệt nữ, coi hạnh phúc cá nhân nhẹ tựa lông hồng, coi trinh tiết là phẩm chất quan trọng nhất của người phụ nữ, đến mức tự sát vì nó. Câu chuyện về cô gái điếm Marguerite Gautier cho tôi thấy, dù một con người có thể bị sa ngã, có thể mắc những thói quen xấu nhưng họ vẫn có thể có những tình cảm chân thành, rất đángtrân trọng. Tủ sách phong phú của thư viện TP Praha còn giúp tôi mở rộng tầm hiểu biết về văn học thế giới, Thay vì chỉ gói gọn trong các tác phẩm văn học cổ điển, tôi được biết nhiều hơn về các tác phẩm văn học hiện đại thê giới. Tôi cũng biết thêm về một mảng văn học mới, đó là trinh thám và truyện về tiểu sử các danh nhân. Nhờ vậy, tôi hiểu thêm về thế nào là một người tài. Quan trọng là tôi cũng hiểu, người tài dễ có tật, và họ chỉ phát triển được trong một xã hội cởi mở và bao dung, biết đánh giá cống hiến của họ chứ không tủn mủn xét đoán đời tư.
Là sinh viên đại học và sau này là giảng viên, nhà nghiên cứu, trong mỗi chuyến đi nước ngoài tôi đều tận dụng cơ hội để tìm đọc thêm sách vở. Đến bất kỳ quốc gia nào, nơi đầu tiên tôi tìm đến là Thư viện trường và Thư viện Quốc gia. Tôi đã lang thang hết thư viện Anh Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Đan mạch, Hàn Quốc, Italia…Những thư viện của họ không chỉ phong phú về sách vở mà sắp xếp rất thuận tiện, khoa học, thái độ phục vụ tận tình nhưng rất chặt chẽ, rất khó thất lạc sách vở. Thư viện không chỉ là nơi đọc sách mà còn kèm bảo tàng, quán ăn, phòng đọc… rất thú vị. Tôi không chỉ đọc trong môn mình và cả những môn liên quan, vì muốn hiểu tốt một môn thì phải hiểu cả những môn khác. Do có quá nhiều tác giả nên tôi thường chọn đọc theo tên những tác giả uy tín mình đã biết, sau đó mở rộng ra những người mà họ giới thiệu. Nhờ vậy, khả năng ngoại ngữ của tôi cũng được trau dồi hơn, khả năng viết khá hơn.Đặc biệt khi chương trình giảng dạy đổi mới, tôi nhanh chóng cập nhật được với những môn học mới vì đã có kiến thức nền đa dạng. Việc đọc sách giúp tôi dễ giao tiếp vì tôi có thể nói chuyện với rất nhiều người ở những lĩnh vực khác nhau.
Ai đó đã nói “tất cả những gì tôi học được đều nhờ sách vở”, với tôi đúng là như vậy. Sách không chỉ dạy tôi kiến thức, cách làm người, mà sách còn làm cuộc đời tôi phong phú hơn. Là một người phụ nữ Á Đông, tôi bị trói buộc trong một công việc, môt gia đình, một bối cảnh cố định nhưng mỗi lần cầm vào một quyển sách hay, tôi như được hóa thân vào nhân vật ấy. Tôi có thể là một tiểu thư nhà giàu xinh đẹp đang bối rối trong tinh yêu, một cô gái nhà nghèo can trường quyết giữ phẩm giá, một người hùng muốn giải phóng quê hương, một nhà văn đang tìm hướng sáng tạo… Tôi có thể sống cùng một lúc ở cả quá khứ, hiện tại và tương lai nên cảm thấy đời sống phong phú và ý nghĩa hơn. Sách vở không chỉ làm tôi thành công trong nghề nghiệp,được coi là một giảng viên uyên bác, sách vở còn giúp tôi yêu đời, yêu người,chăm sóc gia đình, con cái tôt hơn. Những khi đau khổ, thất bại trong đời, nhữngkinh nghiệm học được từ sách vở cũng giúp tôi đứng dậy, can trường và khôn ngoan hơn.
Hãy đọc sách và bạn sẽ thấy đời đáng sống hơn!
(Bài đã gửi đăng Báo Nhân Dân hàng tháng số tháng 4/2013)
Leave a Reply