Như mình từng thú nhận nhiều lần, tính mình đa sự nên “Giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”, việc của ai ai cũng ôm vào người nhưng biết sai mà không nói thì không chịu được.
Hôm trước đi họp lớp cấp 3, dân chuyên Toán nên chẳng mấy ai làm lớn được nhưng dù là doanh nhân hay cán bộ Nhà nước thì cũng có chút máu mặt cả. Có điều thời gian đã nhuốm màu ưu tư khá rõ trên gương mặt và vòng 2 của tất cả mọi người. Đáng ngạc nhiên là nam giới lại có vẻ nhàu nhĩ hơn phụ nữ và cười cũng kém tươi hơn. Phải chăng những bữa nhậu, những ham hố với đời đã làm những chàng trai vàng thuở nào sớm sa sút? Đang nói chuyện thì một anh bạn công chức nhà nước quay sang hỏi mình: “Này, sao trên Facebook thấy bạn bất mãn ghê thế? Có chuyện gì à?”. Mình ngạc nhiên quá, hỏi lại: “Thế các bạn nhìn mình xem có giống người bất mãn không?”. Tất cả đồng thanh bảo: “Ừ đúng là nhìn bạn thì không ai nghĩ là bất mãn được. Nhưng sao trong các bài viết của mình bạn lại có vẻ không hài lòng đến thế”?
Đây không phải lần đầu mình bị hỏi như vậy. Một lần khác trong một buổi liên hoan, mình tình cờ ngồi cạnh một nam đồng nghiệp là người rất nice, chỉn chu trong cả công việc và gia đình. Nhân thấy bạn đang cho con gái ăn, mình đùa là “Người đàn ông của Năm”, bạn hỏi mình “Vì sao em thấy cô có vẻ ghét bỏ đàn ông thế”? Mình cười toe vì mọi người quen đều biết từ khi còn trẻ mình luôn bị trêu là “đa tình” nên tình sử cũng tương đối lâm ly, cho đến giờ bạn nam cũng rất nhiều, làm sao ghét đàn ông được??? Mình chỉ “ghét bỏ” đám đàn ông ăn hại, làm khổ phụ nữ và gây tệ nạn xã hội thôi và loại ấy thì mình tin ai cũng ghét cả, trừ chính bọn chúng! Vài cô bạn thỉnh thoảng lại bảo: “Chị cứ viết những chuyện to tát đâu đâu ấy làm gì cho nó rắc rối ra? Ôm rơm rặm bụng làm gì?”
Quan trọng là trong tất cả những lần mình bị hỏi như vậy chưa ai quan tâm đến việc mình nói sai hay đúng mà chỉ quan tâm là những chuyện không liên quan trực tiếp đến mình, mình không phải người bị hại thì mình bức xúc làm gì? Điều làm mình buồn lòng là những người hỏi như vậy đều là những người có quen biết tức là có hiểu mình đôi chút và đều là trí thức hay doanh nhân kinh tế khá giả cả, nói cách khác có thể coi là tầng lớp tinh hoa của xã hội. Tuy nhiên, mặc dù tự xếp bản thân là trí thức nhưng hình như các bạn chưa bao giờ để ý đến khái niệm về trí thức, vốn xuất hiện sau sự kiện các nhà khoa học, văn nghệ sĩ lên tiếng phản đối vụ Dreyfus bị xử oan ở Pháp, bất chấp việc bị chính quyền trấn áp. Qua vụ đấy, từ điển chung đã được bổ sung khái niệm “để được gọi là trí thức, điều kiện “cần” là làm nghề sáng tạo các giá trị tinh thần; còn điều kiện “đủ” là phản biện xã hội – để xã hội tốt đẹp thêm[1]”. So với khái niệm ấy chân dung trí thức Việt nam quá thảm hại như bài ca dao hiện đại lưu truyền ở Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước:
“Xưa kia nô lệ một thời
Vênh vang kẻ sĩ coi Trời bằng vung
Giờ đây cách mạng thành công
Lom khom trí thức coi vung bằng Trời”
Trong cuộc đời chưa dài của mình, mình đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 cuộc chiến tranh là Thế chiến 2 và Kháng chiến chống Pháp. Mình đã tận mắt chứng kiến 3 cuộc chiến tranh: Chống Mỹ, Chống Campuchia và chống Trung Quốc, cuộc chiến nào cũng kêu là vì chính nghĩa cả. Mình còn tận mắt chứng kiến cuộc Cách mạng Nhung ở Tiệp năm 1990, sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, Sự kiện Thiên An môn 1989. Tất nhiên mình biết về Cách mạng Hoa Nhài, thắng lợi của Nelson Mandela ở Nam Phi và việc chấm dứt chế độ độc tài quân sự ở Myanmar với người Hùng của mình là Aung SanSukyj. Mình không còn niềm tin vào bạo lực cách mạng hay bất kỳ học thuyết nào của các thể chế cầm quyền mà chỉ còn niềm tin vào học thuyết về “khai dân trí, hậu dân sinh” của Phan Chu Trinh, vì “dân nào, chính quyền đấy”, chỉ khi người dân có hiểu biết, chủ động thì mới có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình và chọn ra chính quyền đúng đắn. Những việc này Fukazawa đã làm ở Nhật từ thế kỷ 19, may mắn được Minh Trị Thiên hoàng ủng hộ nên nước Nhật mới ngày nay. Nhiều trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam như Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Ngô Tất Tố, Tự lực văn đoàn… đã cố gắng quảng bá điều này từ đầu thế kỷ 20 nhưng do hoàn cảnh lịch sử, những nỗ lực ấy đã bị lãng quên gần 100 năm qua. Hiện nay rất nhiều trí thức Việt Nam ít nhiều đều muốn lên tiếng để cải tạo xã hội như trang chungta.com của bạn Bùi Quang Minh hay nỗ lực quảng bá sách của Nguyễn Cảnh Bình, Nguyễn Quang Thạch là một ví dụ. Với chút hiểu biết và trải nghiệm của mình, mình chỉ muốn bằng chút sức lực bé nhỏ của mình lên tiếng để mong giúp được thêm ai hay người nấy. Như kinh nghiệm của mình, cho tiền cho bạc không bằng cho cơ hội mà trong thời mở cửa này, cơ hội dưới chân chúng ta, chỉ cần tự giải phóng bản thân khỏi những tư duy nô lệ, lạc hậu để cúi xuống nắm bắt. VD như cô học sinh có học bổng đi học mà băn khoăn sợ để mẹ ở nhà à bất hiếu, nhờ mình giải thích Hiếu là sống tốt cho mình và thương yêu bố mẹ đã thuyết phục được gia đình để du học và đang có cuộc sống rất tốt, như vậy là đủ.
Mình cũng luôn có niềm tin là trong bộ máy chính quyền của Việt Nam vẫn có rất nhiều người tốt, hiểu biết, mong muốn cho đất nước tốt đẹp hơn nên những đóng góp mang tính xây dựng của những cá nhân sẽ được lắng nghe, miễn là ta làm đúng cách và kiên trì vì “Hà Nội không vội được đâu”. Kinh nghiệm tiếp xúc với chính quyền của mình là những người tiến bộ cũng rất mong người dân lên tiếng để họ có bằng chứng yêu cầu cải cách chứ nếu người dân cứ im lặng họ cũng không cách nào cải tạo được bộ máy. Đấy là lý do mình tham gia đề án Sáng kiến chống tham nhũng của WB và các phong trào dân sự khác như Vì một Hà nội xanh hay Tôi và Sứ quán… Nhiều khi mất thời gian, chịu sức ép đủ loại, mình cũng muốn bỏ qua nhưng nhìn thấy lại không thể cầm lòng được. Chắc số mình Trời đày là như vậy, chỉ còn biết chấp nhận thôi.
Và điều nữa là mình không thể quên câu nói của Karl Marx, đã được đạo diễn Trần Văn Thuỷ trích ở đầu phim Chuyện tử tế của mình: “Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau đồng loại mà chăm chút bộ lông của mình”!!!
ĐỪNG BAO GIỜ HỎI VÌ SAO MÌNH THÍCH ÔM RƠM RẶM BỤNG NỮA NHÉ!!!!
[1] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-dan/58775/nghia-hien-nay-cua-tu–tri-thuc-.html
Leave a Reply