Xuất phát từ sự đồng cảm với những bức xúc của người Việt Nam ở nước ngoài, tôi đã tham gia vào nhóm Tôi và Sứ quán (TVSQ) trên Facebook. Do có vài dịp tiếp xúc với Lãnh sự và Đại sứ quán Việt Nam ở các nước, tôi cũng chia sẻ vài trải nghiệm của mình để mong các cơ quan Ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài cải thiện dịch vụ cũng như hình ảnh của mình. Theo dõi quá trình lên tiếng của nhóm, sự hưởng ứng của báo chí cũng như những phản hồi ban đầu của các Sứ quán, tôi rất mừng và tin tưởng đây là hoạt động rất bổ ích và cần thiết cho cộng đồng.
Tuy vậy, khi chị Ngọc Anh Rolland rủ cùng đi găp Thanh tra Bộ Ngoại giao tôi cũng hơi e ngại vì tôi không phải người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nhưng để ủng hộ nhóm tôi vẫn đồng ý tham dự.
Y hẹn, 9h sáng ngày 27/7/2015 chúng tôi đến sô 8 Khúc Hạo, Hà Nội. Sauk hi được yêu cầu để lại giấy tờ tuỳ thân, chúng tôi được mới vào Phòng tiếp dân ở tầng 1. Tiếp chúng tôi có 2 người, 1 phụ nữ khoảng ngoài 30 và một nam giới trẻ hơn 1 chút. Sau khi kiểm tra lại nhân thân của chúng tôi, chúng tôi được biết đó làchị Nguyễn Phương Thảo, Phó trưởng phòng thanh tra Bộ ngoại giao và anh Đào Xuân Giang, thanh tra, thư ký buổi làm việc
Nội dung buổi làm việc được tóm tắt như sau:
- Các bên chào hỏi, giới thiệu, xác minh danh tính. Thư ký buổi làm việc nói qua về quy trình làm việc của thanh tra Bộ.
- Chị Ngọc Anh, đại diện TVSQ, trình bày mục đích của cuộc gặp và cảm ơn thanh tra Bộ đã tạo điều kiện để có buổi trao đổi trực tiếp này.
Sau đó đại diện TVSQ trình bày 5 điểm lớn trong kiến nghị kèm theo photocopie bằng chứng, đơn thư phản ánh của các thành viên TVSQ. Phân tích những bất cập hiện nay và hệ luỵ của nó. So sánh với cách làm của đại sứ các nước khác. Tôi cũng tranh thủ trình bày một số nhận xét của mình về các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt nam ở nước ngoài như hình thức xấu, vệ sinh kém, trình độ ngoại ngữ của nhân viên chưa đạt, tác phong giao tiếp còn cửa quyền, chưa chuyên nghiệp…Lúc đầu các anh chị còn có vẻ khá e ngại nhưng qua trao đổi, nhận thấy thiện chí của chúng tôi nên không khí buổi gặp ngày càng thoải mái hơn.
- Trong khi làm việc, một số kiến nghị nhỏ chưa có trong kiến nghị ban đầu đã được ghi nhận như:
3.1 Các đại sứ quán PHẢI khẩn trương trả lời thư, mail phản ánh của công dân.
Thanh tra Bộ có nhắc, khi có phản ánh, khiếu nại, phải làm theo trình tự, gửi đơn thư kèm bằng chứng gốc lên đại sứ quán trước khi gửi đi các nơi cao hơn để tránh vượt cấp. Các bản photocopie bằng chứng và trao đổi qua mail theo luật tố tụng sẽ khó giải quyết vì tính xác thực.
Đại diện TVSQ có đặt câu hỏi, vậy thì mục Phản ánh /Kiến nghị online trên Cổng thông tin điện tử Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao có khác gì khi gửi qua mail?
Ở các nước phát triển, phản ánh của công dân luôn được ghi nhận như một lời xác thực cho đến khi điều này được chứng minh là sai. Ở đây các phòng lãnh sự ĐSQ phải có trách nhiệm giải trình cho các phản ánh, kiến nghị chứ không phải người dân phải chứng minh. Đồng thời việc gửi bằng chứng gốc cho chính người vi phạm để được xem xét giải quyết là điều không logic.
3.3 Kiến nghị Bộ ngoại giao phản ánh lên Quốc hội và Bộ Tư pháp về những bất cập trong quy trình làm giấy khai sinh cho trẻ. Hiện nay một số phòng lãnh sự đang diễn giải luật quốc tịch và yêu cầu phải làm khai sinh cho trẻ ở đsq Việt Nam trước khi làm ở nước sở tại, thậm chí ngừng nhận hồ sơ làm giấy khai sinh cho trẻ có cha hoặc mẹ là người nước ngoài (Pháp).
3.4 Kiến nghị các phòng lãnh sự trong quá trình giải quyết hồ sơ nếu có phí phát sinh khiến giá thu cao hơn giá ban đầu của Bộ Tài chính thì phải giải thích rõ ràng và biểu giá cho các dịch vụ ngoài này phải được niêm yết và khi có xung đột luật, các phòng lãnh sự giải quyết trên tinh thần có lợi cho công dân.
3.5 Kiến nghị Bộ Ngoại giao phản ánh, phối hợp cùng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an xem lại điều kiện “bảo lãnh ” trong thủ tục làm visa nhập cảnh, tiến hành làm visa online để tránh việc khách nước ngoài phải mua dịch vụ này qua các công ty dịch vụ làm visa trên mạng. Theo như khuyến cáo trên trang của ĐSQ VN tại Pháp đã có nhiều trường hợp lừa đảo.
3.6 Kiến nghị Bộ Ngoại giao tăng đầu tư cho công tác bảo hộ công dân.
Trong suốt quá trình làm việc, thanh tra bộ đã lắng nghe, ghi nhận đồng thời có những trao đổi thân thiện, thẳng thắn.
- Bà Ngọc Anh trao kiến nghị cho Phòng Thanh tra và đề nghị chuyển cho Bộ trưởng Phạm Bình Minh
- Thư ký buổi làm việc thảo biên bản viết tay. Hai bên đọc lại biên bản, ký tên. Thanh tra Bộ thông báo sẽ có văn bản trả lời trong mười ngày tới, và có thể có buổi làm việc thứ hai. Đây là phần mệt mỏi và mất thì giờ nhất vì thủ tục Việt Nam lại không cho phép đánh máy biên bản nên mỗi lần chỉnh sửa phải viết lại từ đầu, rất mất thời gian. Nhưng nhờ sự kiên nhẫn của cả hai bên, công việc đã tiến hành trót lọt.
Sau 4 h trao đổi liên tục, buổi làm việc kết thúc trong bầu không khí thân thiện. Chỉ tiếc là chúng tôi có yêu cầu nhưng hai anh chị không muốn cùng chụp ảnh.
Khi chia tay, chúng tôi nhận được 1 giấy biên nhận, hẹn trong vòng 10 ngày sẽ trả lời. Hai anh chị cũng nói ngay là họ chỉ chuyển được lên cấp trên và các cơ quan hữu quan nên mong mọi người kiên nhẫn. Bản thân chị Thảo và anh Giang cũng cho biết có rất nhiều thông tin về cách làm việc của các cơ quan đại diện ở nước ngoài đến nay các anh chị mới được biết. Các anh chị cũng cảm ơn TVSQ đã mạnh dạn lên tiếng để Bộ Ngoại giao có căn cứ để chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan đại diện cho VN ở nước ngoài.
HÃY CÙNG CHÚNG TÔI HY VỌNG VÀO NHỮNG CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC CỦA BỘ NGOẠI GIAO TRONG TƯƠNG LAI GẦN.
Leave a Reply