Chiều đi gặp mấy bạn U40 cùng lớp ngoại ngữ ngày xưa, hỏi sao đứa A, đứa B không tới? Bạn bảo nó bận chăm con, không tới được. Mấy đứa khác ngậm ngùi “Nó ly dị lâu rồi, một mình nuôi con nên vất vả lắm”. Mình hỏi “Nó còn trẻ, sao không đi bước nữa?”. Mấy bạn khác bảo “Đâu dễ thế chị! Nó đi làm về là chỉ biết lao đầu cơm nước, dạy con học, chả bao giờ tụ tập được thì quen ai? Phụ nữ là phải hy sinh, hoàn cảnh như vậy, biết làm sao? Lơi là nhỡ con hư là khổ lắm”.
Mình hoảng quá, giơ hết cả tay chân lên bảo: “Thôi em ơi! Bảo với nó là đừng hy sinh kiểu ấy nữa, mẹ khổ mà con cũng chẳng sung sướng gì. Tái giá hay không là tùy nhưng nó vẫn có thể có đời sống riêng vui vẻ như bạn bè, spa, du lịch… mà vẫn chăm sóc con cái lớn khôn, thậm chí chúng còn trưởng thành hơn vì được tự do hơn. Theo kinh nghiệm của chị những bà mẹ đơn thân kiểu ấy hay trút cả đời mình vào con, biến mình thành nô lệ cho con, làm con thui chột tự lập để sau này lại thành bạo chúa của đời con, với lý do “Mẹ đã hy sinh hết cho con thì nay con phải đền đáp mẹ”… Như vậy, khi từ bỏ hạnh phúc cá nhân, họ đã tàn phá không chỉ đời họ, đời con họ mà cả đời con dâu/con rể của họ và đời các cháu nữa, làm ảnh hưởng lây đến xã hội”.
Mình từng đọc Hồi ký của Roger Vadim, người đàn ông đào hoa nhất nước Pháp vì có vô số người yêu, trong đó nổi bật nhất là 3 nữ minh tinh Brigite Bardot, Catherine Deneuve và Jane Fonda. Mẹ ông cũng đơn thân nuôi mấy anh em ông, vượt qua những thời kỳ vô cùng gian khó của 2 cuộc Đại chiến, ông rất biết ơn bà nhưng điều làm ông ngưỡng mộ bà là triết lý sống “Hết lòng yêu thương con nhưng không để con can thiệp vào đời mình”. Bà chăm sóc mấy anh em ông rất chu đáo nhưng vẫn có đời sống riêng và đủ sức sống độc lập khi con lớn. Nhờ vậy, bà không bao giờ là gánh nặng cho con và tình cảm mẹ con mãi tốt đẹp.
Hãy sống và để con cái được sống. Xin đừng hy sinh dù là đời mình hay đời con vì mấy giáo lý vớ vẩn ấy nữa!
Leave a Reply