Hallyu và chủ nghĩa thần tượng ở Việt Nam

0 No tags Permalink

 

Thế hệ 6x chúng tôi không có thần tượng giải trí. Thần tượng của chúng tôi là các vị lãnh đạo, anh hùng dân tộc như bác Hồ, bác Tôn hoặc những người sống quanh mình như cô giáo, bố mẹ…Việc tôn sùng thần tượng của chúng tôi cũng rất chừng mực và đơn giản, như cam kết tuân theo các lời dạy của lãnh tụ, bố mẹ, thầy cô hoặc mơ ước gặp họ… Nhưng biểu hiện tình cảm thái quá thường bị xung quanh chê cười, thậm chí quy kết cho những động cơ không lành manh nên chúng tôi thường phải che giấu. Tôi còn nhớ năm 13 tuổi, tôi và cô bạn thân rất ái mộ một thầy giáo dạy toán vì thầy dạy giỏi, hết lòng vì học sinh và còn vì do thầy vốn là con nhà tư sản nên bị trù dập, thiệt thòi. Hàng ngày chúng tôi thường tìm cách đivề cùng thầy, hay chăm lo nước uống, mang sách vở cho thầy… Tình cảm của chúng tôi rất trong sáng vì thầy đã gần 40, lại đã có vợ con và cả lớp rất quý vợ con thầy, nhưng chúng tôi vẫn phải che giấu ngay cả với gia đình vì sợ bị hiểu lầm là tìm cách lấy lòng thầy hay thậm chí là có tình cảm thiếu trong sáng. Lúc ấy tôi rất khổ tâm vì không biết chia sẻ cùng ai, do không thấy ai xung quanh có hành vi tương tự. Các bạn tôi đều mê tài tử điện ảnh, hay để ý các anh lớp trên, còn tôi chỉ yêu quý và lo lắng cho thầy giáo của mình. Lâu dần bố mẹ tôi cũng biết chuyện nhưng cũng không biết làm thế nào, chỉ khuyên tôi cố gắng học để làm thầy vui. Nếu có kiến thức về nhu cầu “thần tượng” của tuổi teen, cả tôi và gia đình, có thể cả thầy giáo cũng tránh được nhiều lúng túng.

Lần đầu tôi nhận ra tác dụng to lớn của “thần tượng” là năm tôi khoảng 19 -20 tuổi, khi học năm 2 ĐH ở nước ngoài, được xem phim về Elvis Presley. Phim quay cảnh một buổi biểu diễn của ông hoàng nhạc Rock, khi chàng vừa nhảy vừa hát trên sân khấu trước một đám dông khán giả phấn khích cao độ. Đỉnh điểm là cuối bài hát, trong tiếng vỗ tay như sấm dậy, chàng ném dần từng phụ kiện trên người như găng tay, mũ, khăn…cho khán giả. Mọi người lao vào tranh nhau, một cô bé tàn tật cũng cố lăn xe đuổi theo chiếc khăn mà bị giật mất, làm cô ứa nước mắt vì tiếc. Từ trên sân khấu, nhìn thấy cảnh ấy Elvis đã cởi áo khoác ném cho cô bé. Cô bé cảm động vừa ôm choàng món quà quý giá vừa khóc nức nở. Nhìn dáng điệu hạnh phúc đến ngỡ ngàng của cô, có thể tin cô sẽ trân trọng món quà này hết đời và nếu cần thiết, cô sẵn sàng xả thân vì thần tượng của mình.

Lúc đó tôi rất ngạc nhiên vì tôi nghĩ những tình cảm trân trọng như vậy chỉ nên giành cho danh nhân, lãnh tụ hay cha mẹ, thầy cô giáo của mình, chứ không phải để giành cho các nhân vật giải trí. Nhưng khi tiếp xúc với bạn bè cùng lứa ở nước ngoài, tôi mới thấy ai cũng say mê, thần tượng một ngôi sao nào đó. Các bạn sẵn sàng sưu tập mọi bài viết, tranh ảnh về thần tượng của mình, vượt chặng đường xa xôi để xem phim, dự show có thần tượng, ăn mặc theo gout của thần tượng… Nam ca sĩ Karel Gott, diễn viên Meryl Streep, Tom Cruise hay công nương Diana… là thần tượng của thế hệ 6x-7x ở Đông Âu thời ấy. Thần tượng có vai trò rất lớn trong việc định hình tính cách, sở thích của các bạn nhưng không ai chê trách gì. Sau này tôi mới hiểu trong khi Việt Nam coi phim ảnh, ca nhạc hay thậm chí cả văn học… chỉ là để giải trí mua vui, còn với phương Tây đó là thức ăn tinh thần, có tác dụng bồi bổ cho tâm hồn con người. Chính vì vậy, các bạn thoải mái công khai tình cảm với thần tượng với gia đình, bạn bè; những bạn có chung thần tượng cũng lập fan club; bố mẹ, người lớn cùng chia sẻ kỷ niệm ngày trẻ của họ và chỉ chấn chỉnh khi sự sùng mộ có chiều hướng quá đà. Đời sống tinh thần của thế hệ trẻ Đông Âu thời ấy khá phong phú, sách vở, phim ảnh, âm nhạc,… khá đa dạng nên thần tượng chỉ là một trong nhiều khía cạnh đời sống tinh thần của họ. Có lẽ nhờ sự thoải mái và đa dạng ấy nên trừ một số trường hợp thái quá thường xảy ra với những cá nhân có đời sống tinh thần mất thăng bằng, với hầu hết những người trẻ mà tôi chứng kiến, tình cảm với thần tượng sẽ chỉ còn là kỷ niệm đẹp khi họ trưởng thành.

Ở Việt Nam, hội chứng thần tượng chỉ chính thức xuất hiện cùng với làn sóng Hallyu, khi hình ảnh các diễn viên, ca sĩ Hàn quốc tràn ngập các phương tiện giải trí của Việt Nam. Bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc đổ bộ vào Việt Nam là Mối tình đầu, đã làm kinh ngạc không chỉ công chúng mà cả giới làm phim Việt Nam về kịch bản không khuôn cứng, giá điều, cảnh quay đẹp và nhất là vẻ đẹp tự nhiên của nữ diễn viên chính. Trước khi phim ấy được chiếu trên TV vào khung giờ từ 17-18h, kiểu trang điểm da trắng, môi đỏ, mắt xanh của các minh tinh phim Đài Loan và Hongkong đang là hình mẫu mơ ước cho phụ nữ Việt. Nhưng chỉ sau khi vài tập phim Mối tình đầu, toàn thể các cô gái Việt Nam đều chạy theo mốt trang điểm “tóc nâu, môi trầm” của nữ diễn viên chính. Mấy chục năm bị bó hẹp trong văn hoá tuyên truyền, thậm chí đến thời trang và thẩm mỹ cũng đơn điệu nên khi những bộ phim Hàn Quốc với những hình ảnh trai xinh, gái đẹp, cảnh quay lãng mạn đẹp mê hồn, nhất là khi K pop với giai điệu du dương, các ca sĩ xinh đẹp, sành điệu, nhảy giỏi hát hay tràn vào, không thể trách giới trẻ Việt hoàn toàn mê hoặc. Thời gian ấy Hallyu đã làm mưa làm gió trên thị trường châu Á và bắt đầu lan ra thế giới, ngay cả những thị trường khó tính như Nhật Bản và Pháp, nhưng những thông tin ấy còn xa lạ với Việt Nam. Khác với xã hội các nước đi trước đã quen với văn hoá giải trí đa sắc mầu, người trẻ Việt lần đầu đối diện với công nghiệp giải trí bài bản, trong khi thức ăn tinh thần lại quá nghèo nàn nên hội chứng thần tượng có phần lậm hơn các nước khác. Hàng loạt bài báo đưa tin fan của các ban nhạc, nghệ sĩ, diễn viên Hàn Quốc vạ vật mấy ngày ở sân bay chờ đón thần tượng của mình. Năm 2012, nổi lên một cuộc tranh cãi khi nhà thơ Đỗ Trung Quân phê phán fan của Bi Rain hôn lên chiếc ghế anh ngồi là “làm đất nước xấu hổ”, còn các fan K Pop thì chê ông khắt khe, “nâng quan điểm” không cần thiết. Hầu hết người lớn và nhất là truyền thông chính thống đều ủng hộ nhà thơ, những tiếng nói phản kháng rằng thời nào có thần tượng thời ấy, có cách thể hiện riêng; rằng trừ số ít những fan cuồng, đa phần fan Hallyu đều cư xử đúng mức và vẫn là “con ngoan – trò giỏi”… đã rơi vào quên lãng. Nhìn lại tôi buồn lòng nhận ra, dù đã hơn 30 năm, quan niệm của xã hội Việt về nhu cầu thần tượng chính đáng của người trẻ vẫn không cởi mở hơn được bao nhiêu. Đỉnh điểm là câu chuyện cuộc tranh cãi giữa cô con gái và mẹ, khi cô xin mẹ 5tr để đi xem Music Band. Như cô kể thì ban đầu mẹ lâp lửng đồng ý nhưng đến ngày bán vé thì lại mắng cô là “dở hơi, rồ”, lại còn sỉ nhục thần tượng của cô bằng những lời khó nghe và thách cho cô 5tr rồi muốn đi đâu thì đi, làm cô gái lên mạng phản pháo lại mẹ với những lời khiêu khích. Đáng buồn là mọi quan điểm của người lớn đều chỉ tập trung phê phán cô gái mà không nhận ra sai lầm chính là ở người mẹ, khi đã không trò chuyện, giải thích cặn kẽ với con, lại còn làm điều hết sức sai lầm là xúc phạm thần tượng của con và đuổi con đi.

Đã có ai từng đặt câu hỏi: Vì sao K pop và Hallyu được sùng mộ ở rất nhiều nơi trên thế giới, những hiện tượng như thể hiện tình cảm thái quá, săn đuổi thần tượng khắp nơi… nhưng chỉ bị phê phán ở Việt Nam? Trên khắp thế giới, những fan K pop từ những năm 90 giờ đã trưởng thành, nhiều bạn thành đạt và hạnh phúc, không có bằng chứng gì về những đam mê thời trẻ có ảnh hưởng xấu đến đời họ. Phải chăng sự thiếu hiểu biết, chia sẻ nhu cầu chính đáng về thần tượng của người trẻ mới là nguyên nhân chính làm người trẻ trở nên thái quá? Sự thiếu hiểu biết về Hallyu, vũ khí hiệu quả nhất của ngừoi Hàn trong việc tạo nên “kỳ tích phát triển kinh tế trên sông Hàn”, coi nhẹ vai trò các sản phẩm văn hoá, văn nghệ, thiếu thông cảm với người trẻ… của đa phần người lớn và các phương tiện truyền thông phải chăng là một trong những nguyên nhân làm số lượng người trẻ tự tử hàng năm tăng cao và Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về số lượng nạo phá thai tuổi vị thành niên???

 

 

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *