Viết thesis và nấu ăn

0 No tags Permalink

Ở Việt Nam có nhiều từ khoa học rất thiếu nghĩa tương đương với từ tiếng Anh nhưng nhiều từ lại quá phong phú, vì dụ như tiếng Anh chỉ có 1 từ thesis thì Việt Nam có thể dịch là khoá luận (cho SV ĐH), luận văn (cho Thạc sĩ) và luận án (cho TS). Các nước đều gọi người đi học ĐH, CH, NCS là sinh viên, chỉ thêm master, PhD để phân biệt, ở VN lại chỉ học ĐH mới được gọi là sinh viên, học sau ĐH sẽ gọi là học viên, mệt quá! Đến nội dung hướng dẫn còn mệt mỏi hơn.

Như mình thấy thì ngay ở bậc ĐH, các trường nước ngoài đã có dạy cách viết paper, nhưng ở Việt Nam chưa từng có môn này, hoặc có thì cũng không có tác dụng gì vì quá giáo điều, xa thực tế. Chính vì vậy, hướng dẫn sinh viên VN ở mọi level đều tuyệt vọng như dạy gà tập bơi vậy!

  1. Viết thesis nguyên tắc đầu tiên là phải có ý tưởng riêng. Sau 12 năm chỉ được đọc chép, cấm mọi ý kiến khác biệt với giáo viên, đòi hỏi việc này ở sinh viên quả là bất khả. Các em sợ hãi đến cả giơ tay phát biểu trên lớp thì làm sao dám có ý kiến gì. 100% sinh viên đều chọn đề tài nghe quen quen mà không hề biết đó là phạm tội chết.
  2. Viết thesis cần phải đọc rất nhiều mới có tài liệu hay ý tưởng được nhưng ngay từ phổ thông, học sinh đã chỉ học theo vở ghi hoặc tóm tắt của cô giáo, quên hẳn việc đọc sách gốc, trừ truyện tranh (câu chuyện về truyện tranh của cậu bé Đỗ Nhật Nam hẳn nhiều người con nhớ. Mình không phản bác truyện tranh nhưng rõ là nó không thể giúp gì cho tư duy hay văn phong của người đọc mà chỉ có vài thông tin với tác dụng giải trí). Năm nào mình cũng hỏi sinh viên trên lớp và số sinh viên có đọc sách không phải truyện tranh chỉ khoảng 2%, trong đó 1% là đọc sách dạy làm giàu hay kỹ năng sống.Trên 90% sinh viên không xem các chương trình thời sự, kinh tế hay đọc báo mà chỉ xem gameshow. Em nào có xem thì lại không nhớ gì cả. Mình từng phàn nàn là sinh viên khoa Báo chí ngay đúng thời gian xảy ra phong trào phản kháng của SV ở Honkong mà không biết Joshua Wong là ai. Lạ nữa là bố mẹ nào cũng chỉ chi tiền cho con đi học tiếng Anh, không cần biết tiếng Việt của con ra sao. Nhưng 90% sinh viên chỉ thích đọc tài liệu tiếng Việt, nhất là tài liệu trên mạng. Hễ giáo viên yêu cầu đọc tiếng Anh là nhìn như người ngoài hành tinh cả. Mình mỏi mồm giải thích là tài liệu tiếng Việt về ngành kinh tế quá ít vì VN không có truyền thống về ngành này. Tài liệu dịch thì hiếm khi chính xác, cùng 1 từ dịch ra 3-4 nghĩa khác nhau, ví dụ franchise có thể là nhượng quyền thương hiệu – nhượng quyền thương mại – nhượng quyền kinh doanh. Thế là sinh viên cứ tưởng có 3 hình thức, khi phân tích lại bắt đầu từ sự khác nhau giữa thương hiệu, thương mại và kinh doanh!!! Cho nên nếu có đọc tiếng Việt cũng phải tìm sách của NXB có uy tín mà vẫn phải check lại để hiểu chính xác từ chuyên môn. Nguyên tắc nghiên cứu là phải đọc tài liệu gốc, nên nếu viết về bánh chưng bánh dày thì đọc tiếng Việt OK vì nó là gốc, còn marketing, chiến lược kinh doanh… thì phải đọc của tác giả ngoại quốc chứ cứ bám vào mấy ông bà xào sách thì làm sao mà lớn?
  3. Mình không biết trường phổ thông bây giờ dạy gì nhưng khoảng 80% sinh viên không có chút ý niệm gì về viết văn bình thường chứ chưa nói đến lập luận hay hùng biện. Chính tả, ngữ pháp sai tùm lum, năm nào cũng mệt mỏi với “nghành” hay “ngành”, câu không chủ ngữ, vị ngữ hoặc kiểu “Công ty có hai thị trường là Hà lan và lạc”. 90% không thể viết tên các quốc gia chính xác như Newzealand thay vì “New Zealand”, “Philippin”…hoặc mỗi đoạn viết tên mỗi khác tuỳ theo copy được ở đâu. Có những thứ 100% sinh viên sai như sau dấu hai chấm (:) xuống dòng lại không gạch đầu dòng nên không biết đoạn văn có bao nhiêu ý??? Sinh viên nộp một bản đăng ký tên đề tài 3 font chữ, cỡ chữ khác nhau là bình thường. Độc đáo nhất có lẽ là sinh viên đặt tên mình là “Hoành Ánh”, may chưa phải “Hoành Thánh”.
  4. Nhưng lỗi ghê rợn nhất có lẽ là gần như 100% sinh viên không phân biệt được thế nào là copy/paste, thế nào là viết. Các em bê nguyên những đoạn văn trên các báo kiểu VnExpress, Dantri… vào bài mình, khi giáo viên bảo sai thì bạn ấy rất ngạc nhiên, vì “Báo đã viết là phải đúng” nhưng không bao giờ trích dẫn cả. Mình phải giải thích là Internet giống như cái sọt rác, tôi và em viết “Mặt trời màu đen” rồi post lên thì google cũng ra nhưng thế không có nghĩa là “Mặt trời màu đen” thật. Để cho công bằng thì mình phải nói là mình tin đa số giảng viên ĐH cũng không biết trích dẫn đúng cách là thế nào vì họ “nhớn lên dưới mái trường XHCN”, không trích dẫn mà thành GS, PGS, nay họ cần gì thay đổi??? Vì thế tất nhiên sinh viên của họ cũng không biết trích dẫn là gì mà chỉ làm qua quít vài cái cho qua chuyện. Không ít sinh viên đem bài đến cho mình chữa mà bê y sì bài của mình vào, khi mình hỏi thì bạn ấy bảo “Vì em thấy bài của cô hay quá, em không thể bổ sung gì nữa”. Bạn ấy cho đó là một câu tán dương nên không thể hiểu vì sao giáo viên lại không tán thành!
  5. Một sai lầm cơ bản nữa của tư duy giáo dục phục tùng, máy móc là hễ cứ cái gì do Nhà nước ban hành là khuôn vàng thước ngọc, ở chỗ nào cũng bê vào. Trong thesis luôn có phần Cơ sở lý luận (Literature Review), 100% sinh viên các cấp toàn bê văn bản luật và dưới luật của VN vào. Một NCS viết về tài chính tương hàng loạt khái niệm về tỷ giá, cơ chế tỷ giá… mỗi khái niệm chưa đến 1 dòng vào bài. vào bài, không ăn nhập gì với phần phân loại tỷ giá ở dưới. Hỏi thì em bảo là Khái niệm em lấy trong Pháp lệnh của Ngân hang NN, còn phân loại thì theo IMF. Hỏi sao em lại đem nước mắm xếp với pizza thế thì em im lặng!!!

Vì trong một vài tháng không thể chữa được lỗi của cả 12 năm nên kết quả cũng hiếm khi làm mình hài lòng. Điều khó là sinh viên không tin những yêu cầu của mình vì 1/Chưa ai yêu cầu như vậy nên các em quá ngỡ ngàng. 2/Trường có yêu cầu nhưng quá sơ sài và thực tế Hội đồng bảo vệ cũng hiếm khi check vì nhiều thầy cô cũng có hiểu hay đọc hướng dẫn đâu. Vì thế mất công viết tử tế mà điểm nhiều khi lại không bằng người viết kiểu “quen quen” rồi gặp Hội đồng dễ! Chưa kể tư duy của nhiều người rất kỳ cục, cái gì cũng “Thôi, cho nó xong đi”. Có lần mình làm chủ tịch một Hội đồng ThS, găp 1 thầy phản biện trường ngoài là giảng viên về hưu. Đầu tiên thầy ấy lễ phép hỏi mình có chỉ đâọ điểm không, mình bảo “Không, tuỳ các thầy cô”. Nhưng đến khi phát hiện sinh viên đi chép quá nhiều, hiểu sai toàn bộ vấn đề, mình cho trượt thì ông ấy cứ lải nhải là “Đứa nào chả thế, cô đừng khó tính quá”, làm các thành viên khác cũng hoang mang. Mình bực quá, quay lại bảo: “Ai là chủ tịch ở đây? Em không yêu cầu bác nghe lời em thì thôi, sao bác dám can thiệp vào việc của em?”! Thế là tịt, ra về lại nhỏ nhẹ lắm nhưng mình chán, chả thèm nói nữa!

Thế nên nghe Nhóm Cải cách Giáo dục của anh Ngô Bảo Châu cứ khen giáo dục Phổ thông, chê giáo dục ĐH rồi đòi cải cách tổ chức, chương trình… mình thất vọng quá. Với cái giáo dục PT nát bét này và lớp học ĐH mà như cấp 4 với 100 -200 sinh viên/lớp, hỏi ai còn làm gì được? Hơn nữa, nếu không cải cách đội ngũ giáo viên và giải phóng tư tưởng cho họ thì Trời cũng không cứu được giáo dục Việt Nam!

 

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *