Dạy kỹ năng sống cho thế hệ trẻ – trách nhiệm của ông bà cha mẹ

0 No tags Permalink

Bài lên sóng trong chương trình Chuyện Tuổi già của Đài TH Hà Nội. Vì nghĩ nội dung có thể có ích cho ai đó nên ghi lại.

MC: Là một giảng viên của trường Đại học Ngoại thương, cô có thể chia sẻ một vài cảm xúc của mình về việc 3 em sinh viên của trường bị lũ cuốn trong chuyến tình nguyện cách đây ít ngày ?

Cô Ánh: Thời gian vừa rồi tôi cũng vừa có một chuyến đi công tác ở Thụy Sĩ. Trước khi đi công tác, tôi vẫn còn kịp nhìn thấy buổi Đoàn Thanh niên tổ chức ra quân cho Mùa hè Xanh. Đó là một sự kiện hết sức quy mô và đều đặn hàng năm. Trước hết năm nay là các em tổ chức gây quỹ bán tranh để lấy tiền, sau đó là một buổi ra quân và một buổi flashmob, v.v… Tôi vẫn còn nhớ những gương mặt của các em ngày hôm đó, những gương mặt trẻ trung háo hức dưới ánh sáng của ánh đèn ngoài sân trường. Khi tôi dừng lại hỏi vài em, các em nói rằng chúng em sắp đi cô ạ, đi một tháng, vui lắm đấy, v.v… Và năm nào cái màu áo xanh tình nguyện của trường Đại học Ngoại Thương cũng trở thành cái màu thân thương đối với rất nhiều sinh viên và giáo viên nhà trường. Vì vậy trong khoảng thời gian đang họp ở Geneve đọc được cái tin đấy, tôi rất lấy làm bàng hoàng bởi vì bao nhiêu năm đã làm như vậy và trường cũng đã chuẩn bị rất cẩn thận. Tuy nhiên lần này có rủi ro và rủi ro đấy lại là một mất mát quá lớn. Không chỉ riêng tôi mà toàn thể cán bộ nhà trường, giáo viên, sinh viên đều rất đau buồn trước tin này.

MC: Sau việc này thì cô còn ủng hộ con hay cháu của mình tham gia vào các hoạt động tình nguyện nữa không, thưa cô?

Cô Ánh: Sau chuyện này tôi vẫn ủng hộ chứ. Như năm trước cũng có chuyện một cháu đi thi đại học gặp tai nạn trên đường đi rồi qua đời. Điều đó không có nghĩa năm sau tôi không cho con tôi ra đường đi thi đại học được. Cuộc sống vẫn phải tiếp tục, chỉ có điều những rủi ro của người khác phải là một bài học cho mình. Cuộc sống bản thân nó có sự rủi ro, cuộc sống của con người chỉ là một chuỗi các hoạt động để giảm thiểu rủi ro chứ không thể nào chúng ta triệt tiêu rủi ro được bởi vì chúng ta chỉ hết rủi ro chắc là khi chúng ta đã gọi là đi về với các cụ =))) chứ cuộc sống còn sống là còn rủi ro mà.

MC: Khi nghe tin này chắc hẳn chúng ta ai cũng buồn rồi, đồng thời dấy lên trong lòng phụ huynh, các bậc ông bà cha mẹ nỗi lo lắng cho con em mình, làm thế nào đẻ bảo vệ con em mình khi mà như cô nói là cuộc sống có rất nhiều những rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Chính vì vậy mà nhiều phụ huynh chọn cách là bao bọc con, không cho con rời vòng tay mình, thậm chí là đưa con đi học, đón con về, không cho con đi chơi xa, không cho con tham gia các hoạt động tập thể chỉ bởi vì là lo lắng con gặp phải rủi ro. Cô nghĩ sao về quan điểm đó ạ?

Cô Ánh: Có một câu chuyện về con ngài ở trong kén. Nó phải chiến đấu rất vất vả để tách được cái kén ra và chui ra. Có nhà sinh vật học làm một thí nghiệm. Ông nghĩ là ông thương con ngài quá vất vả nên đã giúp nó bằng cách là khi ông thấy nó động đậy để chui ra thì ông cắt hộ nó cái kén ra. Nhưng khi cắt ra cái kén ra như thế, ông rất ngạc nhiên khi chui ra không phải là một con bướm xinh đẹp với một đôi cánh rực rõ như bình thường mà nó chỉ là một con sâu quăn queo, xấu xí với đôi cánh chưa được thành hình. Thiếu quá trình vùng vẫy để chui ra sẽ làm khô chất nhờn nên đôi cánh vẫn dính bết vào, quấn vào con ngài đó. Thế nên khi được cắt ra như vậy con ngài không hoá bướm được và không bao lâu thì chết. Nếu như không có vất vả, không có trải nhiệm thì chúng ta không bao giờ trưởng thành được.Vì thế tôi không bao giờ tán thành với cách bao bọc con cái quá mức. Chúng ta đã chứng kiến cái việc là sinh viên Việt Nam ra nước ngoài không thể hoàn toàn tự lo liệu được; hoặc là chúng ta có thể nhìn được sinh viên ở tỉnh lên Hà Nội thì bây giờ cũng thế. Cuộc sống không bao giờ hết rủi ro mà chúng ta lại không sống cả đời với con cái. Thế nên việc của chúng ta là huấn luyện cho con để đến khi mà mình buông tay ra thì con cái tự lo được, và sau này, khi mình không còn đủ sức nữa thì con cái sẽ là chỗ dựa cho mình.

Báo chí bây giờ lại đầy rẫy những bài cho rằng người trẻ quá ích kỷ, quá vô tích sự, không lo được cho bố mẹ, bất hiếu v.v… Thế đã bao giờ chúng ta ngoảnh lại nhìn xem ai đã dạy cho trẻ con tính bất hiếu ấy? Ai dạy cho trẻ con kỹ năng chăm sóc người khác? Hay là chúng ta chỉ dạy nó nghĩ đến bản thân? Chỉ dạy nó nghe lời mình? Và cho đến khi mà lời mình chúng nó không thể nghe được nữa thì chúng nó lại không có kỹ năng gì để đối phó với cuộc đời bên ngoài và nó sẽ quay về chỉ biết lo cho bản thân nó. Lúc ấy ta lại oán nó trong khi thực tế người ta phải oán là ai?

MC: Để có thể sống tốt trong xã hội này chúng ta phải có những kỹ năng để tồn tại và thích nghi, không bị đào thải khỏi xã hội chứ không phải đơn giản là đi vào đời với một tấm bằng đại học loại giỏi. Thưa cô, theo cô thì trách nhiệm giáo dục những kỹ năng sống cho giới trẻ hiện nay là trách nhiệm của nhà trường, của gia đình hay là của xã hội?

Cô Ánh: Thế giới đã công nhận có 2 loại giáo dục. Một loại giáo dục chính thức là giáo dục của nhà trường và thứ hai là giáo dục phi chính thức. Kể từ khi con người chào đời thì đã có giáo dục phi chính thức, tức là giáo dục tại gia đình, giáo dục tại xã hội. Con người chỉ tham gia giáo dục chính thức trong một khoảng thời gian ngắn, nghĩa là từ 7 tuổi cho đến may lắm là đại học, chứ đối với những người tốt nghiệp lớp 12 thì còn là ngắn hơn. Ngay cả trong giai đoạn đó nó cũng chỉ chiếm vài giờ trong ngày. Nhìn nhận như vậy chúng ta có thể thấy rằng trách nhiệm lớn nhất của giáo dục thuộc về đâu?Thứ hai là trên thế giới người ta đã phân các chức năng của giáo dục rất rõ ràng. Chức năng của giáo dục chính thức tại nhà trường là chỉ để dạy những kiến thức về khoa học, không phải là để dạy kỹ năng sống. Kỹ năng sống thuộc về giáo dục phi chính thức và nó thuộc về (trách nhiệm của) gia đình và xã hội.

MC: Nên chăng là bây giờ chúng ta phải lưu tâm việc giáo dục con cháu mình các kỹ năng sinh tồn thiết yếu bởi điều quan trọng nhất cha mẹ mong muốn ở con, như cô chia sẻ, không phải là học thật giỏi hay tài năng sinh đẹp, mà là con mình khỏe mạnh và an toàn. Vậy theo quan điểm của cá nhân cô, giới trẻ hiện nay cần được trang bị những kỹ năng thiết yếu nào?

Cô Ánh: Tôi gặp rất nhiều bố mẹvà khi tôi nói rằng chẳng hạn mùa hè này cho con học bơi đi vì kỹ năng này rất cần thiết thì rất nhiều bố mẹ bảo tôi là “Học bơi nguy hiểm lắm”. Tôi cũng không biết nói thế nào nữa bởi vì học bơi là học trong một cái bể có người trông. Nhưng họ khăng khăng bảo học bơi nguy hiểm lắm rồi kể cho tôi là đã từng có người chết ở bể bơi để coi đấy là lý do để không học bơi. Rõ ràng tính ra thì số lượng người chết đuối không ở bể bơi chắc chắn cao hơn nhiều nhưng họ chỉ muốn nhìn đến điều đấy thôi.

MC: Chúng ta có thể ngăn con em mình suốt đời không ra bể bơi nhưng chúng ta không thể ngăn em ấy suốt đời không ra sông suối, không ra gần hồ hay biển đúng không ạ?

Cô Ánh: Chúng ta biết rằng ngay cả ở Hà Nội mà có những thời điểm mà nước lụt đến tầng 2 nhà, đúng không? Dù không đi đâu cả, không ra khỏi nhà nhưng ta vẫn có thể chết đuối, đúng không? Rõ ràng trong trường hợp ấy nếu đứa trẻ được học bơi từ nhỏ thì cái rủi ro ấy sẽ bớt đi rất nhiều. Cho nên tôi nghĩ rằng việc đầu tiên là chúng ta phải lên một cái danh sách những kỹ năng gọi là kỹ năng sống còn cơ bản nhất, đầu tiên là những kỹ năng tránh những nguy hiểm rủi ro ngay trong nhà. Ví dụ như kỹ năng sử dụng điện, sử dụng bếp ga rồi những kỹ năng sử dụng đồ dùng trong nhà. Chẳng hạn như tôi biết nhiều sinh viên thậm chí đi ra nước ngoài rồi vẫn không biết là không bao giờ được cho đồ kim loại vào lò vi sóng. Lý do là bạn ấy chưa bao giờ phải dùng lò vi song cả, luôn luôn có một người bưng cơm đến mồm cho bạn. Trong trường hợp bạn ấy cho đồ kim loại vào lò vi sóng, nhẹ thì bạn phải đền ký túc xá cái lò hoặc cả cái bếp; nặng thì có thể mất mạng. Bạn không phải đi đâu xa cả, chết ngay tại nhà. Cho nên là điều đầu tiên chúng ta phải học dần từ trong nhà rồi đến việc từ nhà đến trường sao cho an toàn. Bố mẹ sẽ phải chuẩn bị dần dần từng tình huống một, như sống trong thành phố hay địa phương đóthì cần biết những gì. Ví dụ như bố mẹ phải dạy con khu vực nào nên đến lúc nào, khu vực nào không nên đến. Khi tôi đi du học nước ngoài, trong phòng ký túc xá luôn có một cuốn sách để ngay trên đầu giường, gọi là Sách hướng dẫn sống còn ở địa phương ấy. Nó hướng dẫn mình giờ nào đi đâu, những khu vực nào không nên đến vào buổi tối, nếu trong trường hợp gặp nguy hiểm ứng phó như thế nào, số điện thoại khẩn cấp là bao nhiêu, bình chữa cháy ở chỗ nào, chuông cứu hỏa ở chỗ nào… Tất cả những thứ như vậy họ viết rõ trong một cuốn sách để ở đầu giường của mình, đọc xong thì cứ thế mà thực thi. Nhưng mà tôi chưa nhìn thấy có sinh viên nào để ý đến chuyện đấy. Ví dụ như ở trường tôi hỏi sinh viên: “Em ơi em vì sao em lại mở có một cửa thôi?(sinh viên lại được nhận chìa khóa để lên mở cửa lớp, lớp có hai cửa)” Em ấy bảo là mở hai cửa thì tí nữa lại mất công đóng hai cửa. Tức là em không hề nghĩ rằng về nguyên tắc an toàn một hội trường bắt buộc phải mở hai cửa để trong trường hợp có vấn đề gì người ta có hai lối thoát. Thế nhưng khi tôi yêu cầu điều đó thì em bảo là từ trước đến giờ chưa có ai yêu cầu chúng em điều này cả. Chính vì cái tính đại khái, lười biếng, muốn bớt một chút việc, chúng ta đã có những vụ tai nạn rất là đáng tiếc. Ví dụ như vụ tai nạn ở chỗ Zone 9 vài năm trước. Một nhóm thanh niên rất nhiệt huyết muốn lập nên 1 khu mang tính nghệ thuật một chút để thanh niên hoạt động lành mạnh. Thế nhưng ý tưởng tốt đẹp ấy không thể thành hiện thực vì một lý do rất vớ vẩn là khi thợ hàn làm việc thì họ nghĩ là không cần trông, cũng không nghĩ là phải cất những tấm xốp ở xung quanh đi. Và thế là một người thợ hàn đã làm bắn lửavào tấm xốp, từ tấm xốp đó đã gây cháy làm 1 người tử vong. Khu đó đã bị đóng cửa trong sự tiếc nuối của rất nhiều người.

Rõ ràng kỹ năng sống phải học từ gần đến xa và mỗi một nơi sẽ khác nhau. Ví dụ kỹ năng sống ở vùng quê thì không giống kỹ năng sống ở thành phố, kỹ năng sống ở Hà Nội thì không giống kỹ năng sống ở Sài Gòn. Tùy từng nơi thì bố mẹ có trách nhiệm là dạy con.

MC: Con cháu ở trong nhà thì giống như con chim cũng có ngày phải bay ra khỏi tổ đúng không ạ. Vì vậy thay vì giữ con cháu ở trong vòng tay chúng ta hoặc để con tự lo liệu thì nên chăng là ông bà cha mẹ nên dạy những kỹ năng để đứa trẻcũng giống như con chim, có đủ những kỹ năng để bay ra và hòa nhập với thể giới bên ngoài, tránh được, hạn chế được những rủi ro ở mức tối đa nhất trong khả năng chúng ta có thể.

 

Link bài phát biểu:

http://hanoitv.vn/Media/154/Video/Chuyen-tuoi-gia/c66/Chuyen-tuoi-gia-Day-KNS-cho-the-he-tre-trach-nhiem-cua-ong-ba-cha-me/22008.htv

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *