LÀM GÌ ĐỂ GIẢM NHẸ ÁP LỰC VỚI CON???

0 No tags Permalink

 

Thời gian vừa qua liên tiếp có những học sinh, sinh viên tự tử, điểm chung đều là cảm thấy tội lỗi vì cho là không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ về học hành. Theo kết quả y tế trường học giai đoạn 2011 – 2015 do Bộ Y tế và Bộ GDĐT công bố, số học sinh có ý định tự tử ngày càng tăng cao, cứ 5 em học sinh lại có một em có ý định tự tử. Tại Việt Nam, tự tử là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở người trẻ tuổi, xếp sau nhóm nguyên nhân do tai nạn giao thông.

Đọc lá thư của em nữ sinh mà mình quá đau xót, “Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng, nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả. Con không thể hoàn thành nó được…”. Một đứa trẻ có đầy đủ bố mẹ, gia đình khá giả, được đi học trường tốt, có đầy đủ mọi điều kiện để hạnh phúc nhưng đã đau khổ bao lâu như thế ngay trong lòng gia đình mà bố mẹ em không hề hay biết. Thương nhất là em dù nói là bố mẹ đã gây sức ép quá mức cho mình nhưng không hề oán trách bố mẹ mà còn cám ơn bố mẹ đã yêu thương, chăm sóc em, hẹn kiếp sau sẽ báo đáp! Không hiểu bố mẹ em đọc thư này sẽ nghĩ thế nào! Có khi nào họ biết ân hận về điều họ đã gây cho con mình không?

Câu chuyện này là tôi nhớ đến một việc xảy ra với chính gia đình mình đầu năm 2000. Con gái đầu của tôi lúc ấy học lớp 9 thuộc lớp chọn ở một trường công khá có tiếng ở HN. Cháu vốn chỉ học khá, lại đang tuổi teen nên không tập trung học hành lắm. Tôi cũng không kỳ vọng gì ở cháu nên chỉ định cho cháu vào một trường công tốt ở gần nhà chứ không có kế hoạch thi vào trưởng chuyên nào. Vì thế khi cô chủ nhiệm kể chuyện cháu tỏ qua rất quan tâm khi cô mời 1 số cựu học sinh của trường đang học các trường chuyên có tiếng của thành phố, tôi chỉ khuyến khích, cho cháu đi học thêm những nơi cháu muốn chứ không để ý lắm. Thấy cháu trở nên rất chăm chỉ, tôi hơi ngạc nhiên, mừng rỡ nhưng không hy vọng gì, thậm chí còn can cháu đừng học nhiều quá. Đến một ngày nói chuyện với mẹ một bạn học cùng lớp tôi mới té ngửa khi biết cháu kể với mẹ bạn là cháu mong muốn được như mẹ nên rất sợ nếu không đỗ trường chuyên nào, thậm chí nói đến mức là “Không đỗ thì cháu chết mất”. Mẹ bạn kia bảo: “Khổ thân con chị, cháu nhà em con nhà bình dân nên đỗ thì tốt, không cũng chả sao”!

Tôi sợ quá chạy về nhà nói chuyện với cháu, bảo là đối với tôi thì sự bình an vui vẻ của cháu mới là quan trọng nhất. Cháu đỗ đạt, học giỏi cũng tốt nhưng nếu không thì cũng không sao, cả nhà vẫn rất yêu quý cháu. Cháu khóc nức lên, ôm lấy tôi và nói là “Mẹ ơi, con sợ quá. Con sợ làm mẹ thất vọng về con. Nếu con không đỗ thì con biết làm sao”! Tôi thật sự kinh hoàng, may mà tôi biết sớm để an ủi cháu, nếu không thì hậu quả không biết thế nào! Sau đó cháu đã đỗ vào chuyên ngữ nhưng hoàn toàn không phải là happy ending vì cháu lại không hợp với trường ấy. Thế cho nên Tái ông thất mã, chẳng biết nên thế nào.

 

Nhìn rộng ra điều này xảy ra với rất nhiều gia đình trong các nước chịu ảnh hưởng của Khổng giáo như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong… Còn nhớ trong cuốn tự truyện nhà văn Quỳnh Dao đã kể về cuộc sống ác mộng của mình từ hơn 40 năm trước, khi sinh ra trong gia đình có bố mẹ là giáo viên ĐH, hai đứa em sinh đôi học hành giỏi giang nhưng bà lại không thể đỗ đại học vì chỉ giỏi văn mà dốt toán, trong khi thi ĐH thời ấy đòi hỏi phải có cả 2 môn. Mẹ bà là người rất tham vọng, không từ cách nào từ dỗ dành đến sỉ mắng, cho bà là nỗi nhục của cả gia đình để thúc bà cố gắng. Khi trượt ĐH đến lần thứ 3 thì bà đã uống thuốc ngủ tự tử, may mà gia đình cứu được. Chỉ khi ấy mẹ bà mới không dám ép bà nữa và để bà tự chọn nghề nghiệp theo sở thích, kết quả là bà đã thành nhà văn nổi tiếng nhất Đài Loan thời gian ấy.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua từ câu chuyện của Quỳnh Dao nhưng tình hình có vẻ không được cải thiện. Rất nhiều người cho đây là lỗi của Bộ Giáo dục nhưng theo tôi thì không phải, bằng chứng ngay cả khi đã di cư sang các quốc gia phương Tây, những chuyện tương tự vẫn xảy ra khá phổ biến trong cộng đồng các nước theo đạo Khổng. Nhưng do học sinh đã ý thức được quyền cá nhân của mình nên đã xảy ra tình trạng một số em quay sang giết bố mẹ thay vì tự tử như từng thấy ở Mỹ, Canada, Czech… Sự cực đoan ấy chứng tỏ các em không thể tìm được cách thuyết phục bố mẹ tôn trọng quyền sống của mình.

Điều kinh khủng nhất trong chuyện này là giáo lý đạo Khổng đã làm bố mẹ tin chắc vào quyền uy vĩnh viễn của mình, biến họ trở thành bạo chúa máu lạnh, không hề quan tâm đến cảm nhận của con. Mình từng gặp một nhóm người trẻ con cái các gia đình VN định cư ở Czech, các cháu rất đau khổ vì phải giằng xé giữa hai thế giới: ở trường được tôn trọng, sống theo giá trị Tây phương, được chia sẻ, ấm áp nhưng về nhà lại bị bố mẹ áp đặt, không có quyền lên tiếng, không được lắng nghe. Các cháu rất muốn yêu thương, chia sẻ với bố mẹ nhưng không được bố mẹ mở lòng, chỉ toàn ra lệnh, mắng mỏ. Dù biết bố mẹ làm lụng vất vả, đầu tư cho mình nhưng các cháu lại rất bất hạnh, cô đơn trong gia đình, muốn yêu thương bố mẹ mà không thể.

Vì thế, mấu chốt của tình trạng này là

  1. Bố mẹ cần luôn quan tâm tìm hiểu, lắng nghe các con. Tâm lý tuổi mới lớn có nhiều đột biến, rất khó đoán biết nếu không quan tâm tìm hiểu. Nếu khi có sự cố tuyệt đối không được trách mắng các con mà hãy an ủi, chia sẻ để các con mở lòng với mình. VD con thi trượt thì nên an ủi để con nhẹ lòng, tuyệt đối tránh mắng mỏ vì sẽ có thể làm con trẻ có hành động dại dột.
  2. Phải hiểu khả năng, ước muốn của con để định hướng cho con chứ không nên áp đặt theo ý muốn của mình. Hãy nhớ mỗi đứa trẻ là một sinh mệnh độc lập mà bố mẹ thực tế chỉ là người được thiên nhiên giao trách nhiệm nuôi nấng, rất nhiều khi cá tính, sở thích không hề giống nhau. Như gia đình giáo sư Tôn Thất Tùng cả bố và con trail à giáo sư Tôn Thất Bách đều là đại thụ trong ngành Y nhưng cháu trai Tôn hiếu Anh lại chỉ thích thiết kế thời trang. Hãy biết trân trọng bản thể của con và chấp nhận sự khác biệt để gia đình chung sống hạnh phúc.
  3. Nói vậy nhưng bố mẹ nào nhìn con đi chệch đường mình muốn cũng đều đau khổ, vì ai cũng mong muốn con cái có cuộc sống bình an, hạnh phúc, tránh được những vất vả của mình. Tuy nhiên kinh nghiệm của người này hiếm khi truyền được sang người khác, chỉ có trải nghiệm bản thân mới có giá trị. “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, nếu góp ý không được hãy để con cái tự sống cuộc đời của mình. Sau khi trải nghiệm đủ cảm giác lên voi xuống chó với con cái, mình luôn ghi nhớ: “Chỉ cần con được mạnh khoẻ, bình an cho mình được thỉnh thoảng nhìn thấy chúng là đủ rồi; nếu chúng có yêu thương mình, chăm sóc mình đôi chút nữa là quá tuyệt vời”! Hãy nhìn những người không thể có con, những bố mẹ không may mất con hay những người con cái lầm đường lạc lối để biết trân trọng hạnh phúc của mình.
  4. Bản thân người trẻ nếu có xung đột với bố mẹ cũng nên nhìn lại mình. Đa phần người trẻ rất ích kỷ, chỉ biết giận bố mẹ không làm theo ý mình mà không hiểu cho tấm lòng của bố mẹ. Nên nhớ bố mẹ có nhiều kinh nghiệm hơn, lại luôn mong điều tốt cho mình nên hãy lắng nghe bố mẹ, biết đâu vẫn điều học hỏi được. Đặc biệt, nếu không thể dung hoà ý muốn riêng với mong muốn của bố mẹ thì đừng bắt bố mẹ trả giá cho ước mơ của mình.

 

CHÚC HAI THẾ HỆ CÓ THỂ CHUNG SỐNG HẠNH PHÚC BÊN NHAU!

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *