Mình tính ham chơi nên dù bận bù đầu vẫn hóng hớt có gì hay là đi xem! Tôi thứ 4 lơn tơn theo chồng đi xem phim này, vì bạn con gái khen hay! Mặc dù không phải là một tác phẩm “bom tấn” nhưng xem xong phim thấy thật sự xúc động, vì chuyện phim rất chân thực và rất tình người.
Đôi nét về cơn đại địa chấn ở Đường Sơn:
Vào hồi 3 giờ 42 phút sáng ngày 28 tháng 7 năm 1976, trận động đất 7.8 độ richter hướng thẳng về thành phố Đường Sơn đang say ngủ thuộc địa phận Hà Bắc, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 140 km về phía Đông. Đường Sơn là thành phố công nghiệp trọng yếu, với nhiều hệ thống đường sắt quan trọng, trong đó có tuyến đường liên thông giữa Bắc Kinh và vùng tây bắc Trung Quốc.
Mặc dù chỉ diễn ra trong vòng 23 giây, đó là trận động đất gây nhiều thiệt hại về người nhất thế kỷ 20. Chỉ 15 giờ đồng hồ sau, nó lại kéo theo một cơn dư chấn, tiếp tục gây ra cái chết của những người sống sót còn kẹt dưới đống đổ nát. Theo con số thống kê chính thức, hơn 242400 người đã chết. 164600 người bị thương nặng và 4200 đứa trẻ rơi vào cảnh mồ côi.
Bản thân thành phố cũng bị san bằng với 93% số hộ dân và 78% công trình công nghiệp bị hủy hoại. Trận động đất đã tàn phá cơ sở hạ tầng của thành phố, làm sập cầu, hỏng hệ thống đường dây điện, nguồn cung cấp nước bị ô nhiễm, hệ thống điện thoại và điện tín không hoạt động. Cả thành phố dường như bị cô lập…
Năm 2006, đạo diễn Phùng Tiểu Cương tình cờ biết đến cuốn tiểu tuyết của Trương Linh mang tên Đường Sơn đại địa chấn (hay còn có tên khác là Trận động đất khủng khiếp ở Đường Sơn). Câu chuyện sâu sắc và chân thực này đã làm vị đạo diễn vô cùng cảm động. Đến năm 2008, sau trận động đất tàn phá Tứ Xuyên, chính phủ thành phố Đường Sơn đã gửi lời mời đề nghị vị đạo diễn họ Phùng thực hiện một bộ phim tưởng niệm những nạn nhân trong trận động đất đã phá hủy thành phố của họ vào năm 1976.
Đôi nét về bộ phim
Chuyện phim kể về hai đứa trẻ sinh đôi 7 tuổi Phương Đăng – Phương Đạt bị vùi lấp dưới đống đổ nát của trận động đất kinh hoàng. Người mẹ (Lý Nguyên Ni – do diễn viên Từ Phàm đóng) vừa chứng kiến cảnh chồng chết ngay trước mắt lại vật vã tìm con trong cơn hoảng loạn… Khi tìm được 2 đứa trẻ cũng là lúc mà Nguyên Ni phải đứng trước quyết định vô cùng khó khăn. Đội cứu nạn nói với cô rằng không thể cứu được cùng lúc 2 đứa, việc cứu một đứa trẻ chắn chắn sẽ khiến đứa còn lại phải bỏ mạng. Nguyên Ni cuối cùng đã chọn cứu lấy đứa con trai – Phương Đạt. Khi thốt lên lựa chọn cô không biết rằng những lời nói của bà đã bị cô con gái Phương Đăng nghe thấy… Mặc dù bị coi như đã chết và bỏ lại ở đó, cô bé đã sống sót một cách kỳ diệu, trong khi mọi người cứ đinh ninh rằng em chỉ là một cái xác. Phương Đạt tỉnh dậy trong cơn mưa tầm tã, bên cạnh thi thể người cha đã chết của mình.
… Sau những cú sốc tinh thần hậu thảm họa và ký ức đau đớn về quyết định của mẹ, Phương Đăng (Trương Tịnh Sơ đóng) từ chối để lộ danh tính. Cô bé được nhận nuôi bởi một cặp vợ chồng trung niên. Nhiều năm trôi qua, dù khi đang sống khá êm ấm với cha mẹ nuôi hay khi đi học, rồi định cư ở Canada để lập gia đình, bóng ma quá khứ về ký ức trận động đất và quyết định nghiệt ngã của người mẹ vẫn luôn tâm trí cô, tác động đến mọi quyết định trong cuộc đời cô. Trận động đất và những hậu quả của nó cũng không ngừng ám ảnh những người sống sót. Người mẹ không có một ngày yên vui và đứa con trai sống sót cũng mang nặng trách nhiệm về cái giá phải trả cho sự sống của mình!
32 năm sau đó, trận động đất ở Tứ Xuyên tiếp tục cướp đi nhiều sinh mạng. Phương Đăng quay trở về Trung Quốc tình nguyện tham gia đội cứu nạn. Tận mắt chứng kiến nỗi đau của những người khác trong thảm họa tự nhiên đã giúp cô vượt qua chính cú sốc về tinh thần của bản thân và tha thứ cho mẹ mình. Cuộc đoàn tụ với gia đình sau 32 năm chia cách đã giúp cô hiểu sự khó khăn trong quyết định của mẹ cô cũng như lòng hy sinh vô bờ bến của bà cho gia đình. Cô đã hiểu và chia sẻ cùng bà, cũng như tìm được sự bình yên trong lòng mình!
Tái hiện lịch sử
Việc tái hiện lại bộ mặt của Trung Quốc những năm 70 là một thử thách vô cùng khó khăn đối với các nhà làm phim. Đường Sơn đại địa chấn cần một số lượng lớn đạo cụ đại diện cho mọi mặt của cuộc sống thường nhật. Đạo diễn Phùng Tiểu Cương đã mở một cuộc họp báo, kêu gọi quần chúng đóng góp tất cả những gì có thể, dù nhỏ bé đến đâu, chỉ cần là đồ vật thuộc về thời kỳ đó. Sau này thậm chí còn có một nhóm chịu trách nhiệm thu thập và phân loại tất cả những đồ dùng quyên góp được.
Nhà sản xuất Hồ Hiểu Phong nói: “Chúng tôi đã nhận được hàng trăm chiếc xe đạp mà dẫu có bỏ bao nhiêu công cũng không tự kiếm được. Từ những đồ vật nhỏ như hộp bút chì hay hộp đựng đồ ăn trưa cho trẻ con, tới những chiếc máy khâu lớn và tủ quần áo từ thời kỳ ấy. Đạo cụ quyên góp được chất đầy 2 nhà kho, số còn lại chúng tôi phải để ở sân trước để tránh khỏi bị mưa. Không có những đồ quyên góp đó, chúng tôi đã không thể thực hiện một bộ phim thực tế đến thế này”.
Một trong những yếu tố không thể thiếu của việc tái hiện trận động đất tại Đường Sơn là con người. Cảnh quay lớn nhất của phim có đến 2000 diễn viên quần chúng. Họ là những người đang sinh sống tại Đường Sơn, hầu hết đều có người thân gặp nạn trong trận động đất. Lẽ dĩ nhiên, bộ phim gợi lại những ký ức đau đớn trong quá khứ nhưng họ vẫn tới trường quay hàng ngày để ủng hộ đoàn làm phim.
Mặc dù đặt mốc thời gian vào tháng 7, những cảnh phim diễn ra ngay sau trận động đất lại được quay vào tháng 10. Với thời tiết mà những diễn viên, và ngay cả diễn viên quần chúng, đều phải mặc quần ngắn để chống lại cái nóng ngột ngạt của mùa hè, thì trong bối cảnh phim, thời tiết đang rất lạnh và mưa. Họ đã liên tục tới trường quay khoảng 30 ngày, không một lời phàn nàn về nước mưa hay bùn đất. Sau cùng, đoàn làm phim đã dựng riêng một nhà tắm cho các diễn viên quần chúng ngay trong trường quay.
Nhà sản xuất Hồ Hiểu Phong nhớ lại: “Tôi đã thực sự cảm động khi quay cảnh những người sống sót đốt vàng mã cho người đã chết. Gia đình nào ở Đường Sơn cũng làm lễ và đốt vàng mã cho người thân của họ vào cùng ngày, cứ mỗi năm một lần kể từ trận động đất. Hôm đó, khi đạo diễn hô “cắt”, không ai dừng lại, họ tiếp tục khấn vái. Chúng tôi đứng đó trong im lặng, rồi cùng họ bày tỏ nỗi tiếc thương, hoàn toàn không có khái niệm gì về việc nghỉ giải lao ăn tối”.
Hoàn thành bản nháp đầu tiên của kịch bản, Phùng Tiểu Cương hiểu rằng câu chuyện có sức mạnh khơi gợi xúc cảm vô cùng lớn, mặc dù bản thân nó không thuộc thể loại phim “bom tấn”. Ông nhớ lại, “Dịp năm mới, tôi kể câu chuyện cho vài người bạn nghe trong bữa tối và tất cả đều bật khóc. Sau đó tôi thử tiếp tục kể câu chuyện ấy khoảng 10 lần nữa cho những nhóm bạn khác nhau, và họ cùng chung một phản ứng như vậy”.
Khi đưa câu chuyện lên phim, đạo diễn Phùng Tiểu Cương nhận thấy cách dẫn truyện và xây dựng nhân vật trong nguyên bản cần được phát triển thêm. Ông quyết định không đề cập đến sự thay đổi của xã hội trong vòng hơn ba thập kỷ hay cuộc sống của những người sống sót mà lấy sức mạnh của tình yêu làm đề tài chủ đạo. Tình yêu thương giữa con người với con người, tình cảm gia đình trong phim được thể hiện vô bờ bến, không hề phai nhạt trước khoảng cách hay thời gian. Thực tế đã chứng tỏ đây là một quyết định đúng vì với cá nhân mình, mặc dù mình rất khâm phục những cảnh quay rất thuyết phục về thảm họa động đất, về cuộc sống của những người sống sót nhưng điều làm mình ấn tượng nhất lại là về sự hy sinh, về tình yêu quyết liệt của người mẹ với những đứa con, về sự tận tụy của đứa con trai sống sót với mẹ mình. Mặc dù Phương Đăng có quyền đau đớn về quyết định của mẹ nhưng chỉ sự tha thứ và thấu cảm mới là con đường mở cửa cho trái tim con người. Có một cảnh làm mình rất xúc động dù nó rất bình thường:
Trong ngày xảy ra động đất, hai đứa trẻ đều muốn ăn cà chua nhưng chỉ còn một quả và người mẹ đã dành quả ấy cho đứa em trai là Phương Đạt. Để dỗ con gái, người mẹ đã hứa sẽ mua đền cho cô sau! 32 năm sau, khi về lại ngôi nhà của mẹ mình, cô con gái Phương Đăng nhìn thấy ảnh mình trên bàn thờ và 1 bát cà chua. Câu đầu tiên bà mẹ nói với con là: “Con ơi, mẹ vẫn để phần cà chua cho con. Mẹ k nói dối con đâu!” Cho đến bây giờ, nghĩ lại cảnh ấy mình vẫn còn rớt nước mắt! Trong khi cô con gái không ngừng oán trách mẹ thì trong suốt 32 năm, người mẹ để phần đồ ăn, mua sách giáo khoa cho con gái, nghĩ đến con từng giây từng phút! Làm cha mẹ thật khó khăn!
Cuộc sống đầy những bất trắc và thật dễ rơi vào hiểu lầm, làm tổn thương nhau! Hãy mở lòng ra cho nhau trước khi quá muộn!
Leave a Reply