Thơ và Tâm trạng!

0 No tags Permalink

Tình cờ thấy bài thơ đọc được bài thơ của ông Trần Đăng Tuấn, thấy có nhiều đồng cảm:

CÓ MỘT NGÀY

Có một ngày

Rời chậu cảnh, cây ra ngoài đất bãi

Đất cằn hơn và bãi rộng hơn

Có một ngày

Không vui sướng cũng không ngần ngại

Tôi rẽ vào ngả đời

Gập ghềnh hơn mà thanh thản hơn!

Tết này có ai cho rượu ngoại?

Càng thấu tình men lá rượu ngô trong

Xuân này thôi họp hành lễ lạt

Cha dắt con đi chơi non biếc nắng hồng

Giờ như bao chú cô bác khác

Cha loay hoay tìm việc để nuôi con

Chút gian khó CỦA đời cha sẽ nếm

Để gần hơn bao thân phận mất còn!

Trần Đăng Tuấn

Được biết Ông Trần Đăng Tuấn sinh năm 1957 là tiến sỹ đầu ngành truyền hình được đào tạo bài bản từ Đại học tổng hợp Lomonoxop và Viện hàn lâm khoa học ở Liên Xô cũ. Ông Trần Đăng Tuấn đã có hơn 20 năm công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam. Ông có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng chiến lược Đài truyền hình Việt Nam giai đoạn 1996- 2000 và 2000- 2010. Là người nêu ý tưởng và thực hiện việc mở nhiều kênh sóng truyền hình từ điểm xuất phát VTV chỉ có 1 kênh, phát sóng vài tiếng trong 1 ngày. Đặc biệt, ông đã đề xuất ý tưởng tự thu, tự chi trong bối cảnh nhận thức chính trị của lãnh đạo Việt Nam về báo chí còn khắt khe, thiển cận. Thời ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng ông đã bảo vệ thành công trước Chính phủ đề án để truyền hình Việt Nam có được doanh thu hơn 2000 tỷ tự lo tiền lương và tái đầu tư như ngày hôm nay. Phó Tổng giám đốc Trần Đăng Tuấn, là một người lãnh đạo có năng lực, có uy tín không chỉ được cán bộ, viên chức Đài Truyền hình Việt Nam mến mộ mà còn được các bạn đồng nghiệp trong ngành truyền hình cả nước tín nhiệm, đánh giá cao. Ông Trần Đăng Tuấn từng là ứng viên sáng giá cho chức Tổng giám đốc VTV hồi năm 2000 nhưng được thuyết phục lùi bước để ủng hộ ông Vũ Văn Hiến, Tổng Giám đốc hiện nay. Tuy nhiên, trong suốt thời gian ông Hiến đương chức, ông đã không được trọng dụng vì bất đồng quan điểm. Ngày 24/8/2010, ông đã đến nộp đơn xin nghỉ việc tại bộ phận văn thư Văn phòng Chính phủ. Việc ông từ chức đã dấy nên một làn sóng quan tâm trên mọi phuonwg tiện thông tin cả tư nhân và đại chúng, một phần vì “văn hóa từ chức” rất hiếm ở Việt Nam, một phần nữa vì ông được mọi người cả trong và ngoài ngành mến mộ bởi tài năng và nhân cách.

Bài thơ có tên “Có một ngày” được ông Trần Đăng Tuấn sáng tác ngay trong đêm 3/11, cách thời điểm thủ tướng ký quyết định để ông thôi giữ chức Phó TGĐ thường trực VTV vài giờ đồng hồ và được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo giới thiệu trên trang web của ông. Bài thơ có những câu như xoáy vào lòng người:  “Tết này có ai cho rượu ngoại?” hay  “Cha loay hoay tìm việc để nuôi con”, nhưng lại có những câu thơ mang đầy bản lĩnh của con người vốn đã trải qua nhiều sóng gió cuộc đời như: “Tôi rẽ vào ngả đời/ Gập ghềnh hơn mà thanh thản hơn!”. Đâu đó, trong câu thơ của ông, lại bắt gặp sự tĩnh tâm đến lạc quan: “Xuân này thôi họp hành lễ lạt/ Cha dắt con đi chơi non biếc nắng hồng”…

Vụ ông Trần Đăng Tuấn xin rời đài truyền hình cũng khơi lại những tranh luận về điều mà người ta gọi là ‘văn hóa đấu đá’ trong Đài Truyền hình Việt Nam.

Theo BBC, một người cũng phải bỏ VTV ra đi, nói:

Tôi không hợp với môi trường đấu đá, nịnh bợ. Thu nhập [ở đài truyền hình] cũng thoải mái, quyền lực cũng có nhưng cách con người đối xử với nhau rất khó chấp nhận. Điều này xảy ra trong ngành truyền hình có thể ảnh hưởng tới tư duy của thế hệ sau này.”

Người này nói ngay cả ở VTV3, nơi được coi là năng động nhất của Đài Truyền hình Việt Nam, ‘văn hóa đấu đá’ vẫn tồn tại.

Ai cũng biết ở Việt nam, mỗi lần sắp có một chỗ trống trong bộ máy quyền lực là lại có một vụ “đấu thầu cán bộ”. Trước viễn cảnh ông Vũ Văn Hiến sắp về hưu mà ông Trần Đăng Tuấn lại từ chức có thể được coi là một hành động của “kẻ sĩ thời nay”. Có thể hiểu rõ hơn lý do từ chức của ông qua cuốn sách “Phản biện và tự phản biện” do chính ông viết. Hơn 200 trang, tập hợp hơn 30 bài báo, thực sự đó là những suy ngẫm những ví dụ sinh động về một công cụ sắc bén hữu hiệu trong tiến trình dân chủ. Hãy lướt qua ít dòng tự bạch của tác giả:

“Phản biện và tự phản biện là cách để cuộc sống diễn ra, cuộc sống đi lên. Nó là điều tự nhiên. Đó không phải là vấn đề muốn hay không muốn. Ở vị trí quyền lực, coi trọng phản biện sẽ có được phản biện xã hội có tổ chức, giúp ích lớn cho ổn định và phát triển; ngược lại, tránh né phản biện xã hội, kết quả là nhận được phản biện xã hội tự phát – mảnh đất thuận lợi để hình thành tâm thế phản kháng xã hội.

Nhưng áp dụng điều tự nhiên ấy vào cuộc sống xã hội, vào quản lý xã hội lại là việc không đơn giản. Ít nhất có ba vật cản với phản biện xã hội.

Vật cản thứ nhất là sự khó chịu thường tình với ai “trái ý”. Người ta vẫn hay ca ngợi “Người hay cãi” nói chung, và vẫn ác cảm với “Người hay cãi” cụ thể ở trong đơn vị của mình, dưới quyền mình.

Vật cản thứ hai là ngại sẽ nảy sinh cái gì đó “bất ổn”, ảnh hưởng đến vị thế của cá nhân hay cơ quan quyền lực. Thực ra phản biện xã hội nghiêm túc, đúng đắn khác hẳn với phản bác. Phản biện nhằm rà soát, khẳng định, bổ sung, đề xuất giải pháp đúng để thực hiện các mục tiêu xã hội thống nhất. Lo lắng quá đáng chuyện phản biện xã hội dẫn đến phản kháng, gây mất ổn định, trong đa số các trường hợp xuất phát từ căn bệnh ích kỷ của người, của cấp đang có quyền lực. Mà căn bệnh ích kỷ ấy cũng lại rất tự nhiên, rất khó tránh.

Vật cản chủ quan thứ ba là: Ngại việc. Ngại mất thời gian; ngại tốn tiền bạc (một cuộc trưng cầu dân ý dĩ nhiên là tốn kém, không thể làm tràn lan được). Ai đó ngầm nghĩ trong bụng “Rách việc! Trăm người trăm ý, chắc gì đã hơn một người quyết”. Những người đó không hiểu một điều là: thực hành dân chủ bao giờ cũng mất thời gian, mất công sức hơn là quyết định một chiều. Cái hay duy nhất của dân chủ là tránh được sự độc đoán, quan liêu. Mà độc đoán, quan liêu sớm muộn đem lại những khốc hại khôn lường”.

Mong những lời tâm huyết của ông không như “đá ném ao bèo”. Chúc ông thành công trên bước đường lựa chọn mới của mình!

Tho va tam trang

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *