Từ thuở nhỏ, mình đã được nghe về “Tứ Đức – Tam Tòng” như kiểu đó là “khuôn vàng thước ngọc” cho phụ nữ Á Đông, trong đó có Việt Nam. Đại khái mình được giải thích “Tứ Đức” là “Công – Dung – Ngôn – Hạnh”, tức là phụ nữ phải biết nữ công, phải xinh đẹp, ăn nói đúng mực và đoan chính! Còn “Tam Tòng” là phụ nữ khi ở nhà nghe cha, lấy chồng nghe chồng và chồng chết thì nghe con trai. Lớn lên một chút thấy sao phụ nữ bị đòi hỏi nhiều quá, mình không thể nào đạt được và đâm ra xì trét vì cảm giác bản thân kém cỏi! Nhìn chung mình cũng muốn nghe bố, nghe chồng cho đơn giản nhưng dần dần mình phát hiện ra là như vậy là đổ lên vai những người thân ấy một gánh quá nặng! Không ai sáng suốt trong tất cả mọi chuyện, các cụ dạy “Một cây làm chẳng nên non…”, nếu bỏ mặc bố/chồng quyết hết mọi chuyện thì gia đình sẽ ra sao, nhất là khi nam giới chỉ thích/biết quyết những việc “to” như đi ăn cỗ, ăn cưới…. lâu lâu mới có 1 lần còn chuyện “cơm áo gạo tiền”, nhất là học hành của con cái thì mù tịt? Về sau khi sử dụng “critical thinking” (tư duy phản biện) thì mình mới hiểu là mình đã chưa hiểu đúng ý nghĩa của những quy định này!
Thứ nhất, Tam Tòng là “Tại gia tòng phụ” tức là ở nhà nghe lời phụ nữ, rõ quá đi rồi; “Xuất giá tòng phu” tức là Lên xe nghe lời anh phu xe, câu này đặc biệt có tính thời sự rất cao trong thời buổi an toàn giao thông đang bị đe dọa nghiêm trọng như hiện nay, khi kêu xe ôm hay taxi phải lựa chọn hết sức cẩn thận vì “Phu tử tòng tử” tức là anh phu xe chết là mình phải chết theo!!! Ngồi trên xe mà lái xe gây tai nạn thì mình chết chắc còn gì! Khổng Tử dạy quá đúng!
Thứ Hai, trong Tứ Đức thì “Công” là đứng đầu. Thời buổi này phụ nữ ai cũng đi làm rồi, còn đi làm nhiều hơn đàn ông nữa. VD: ở nông thôn chủ yếu là phụ nữ ra TP kiếm sống, mua bán đồng nát, làm Oshin, phu hồ… thậm chí đánh giày giờ cũng là phụ nữ, chưa kể phụ nữ ai cũng làm làm nội trợ gấp nhiều lần đàn ông, vậy “Công” chúng ta có thừa rồi! Về “Dung” thì Phương Tây có câu “Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ chưa biết làm đẹp”, Việt Nam có câu “Người đẹp vì lụa” cho nên nếu ta chưa đẹp thì chỉ là do “cái lão ấy” chưa cung cấp đủ “lụa” cho chúng ta làm đẹp. Như thế chúng ta cũng pass tiêu chí này! “Ngôn” thì hầu hết phụ nữ đều biết nói, mà khoa học đã chứng minh phụ nữ còn nói tốt, nói nhiều hơn nam giới nhiều, như thế cũng đã ổn! Chỉ còn tiêu chí cuối cùng là “Hạnh”. Điều đầu tiên ta phải lưu ý là đến Khổng tử cũng chỉ xếp tiêu chí này thứ bét, sau cả “Công – Dung – Ngôn” tức là không quan trọng lắm! Điều này phù hợp với ca dao Việt Nam ta xưa:
“Lẳng lơ cũng chẳng hao mòn
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ
Lẳng lơ chết cũng ra ma
Chính chuyên chết cũng chôn ra ngoài đồng”
Vì thế chị em ta cũng chả nên cố giữ tiêu chí này lắm, nhất là vào thời buổi những người nổi tiếng, hot gơn… toàn thay đại gia như thay áo mà rất được các phương tiện thông tin đại chúng tung hô! Vả lại, “Nhân vô thập toàn”, nếu phụ nữ đạt cả 4 tiêu chuẩn, perfect quá trong khi nam giới may lắm được mỗi “Công” thì sẽ không xứng đôi vừa lứa, hạnh phúc gia đình khó đảm bảo!!! Mà báo đài suốt ngày tuyên truyền về nghĩa vụ bảo đảm hạnh phúc gia đình của phụ nữ, khuyên chị em có biết cũng nên giả vờ “ngu” đi 1 chút để chồng hài lòng! Vậy chị em ta nếu có cũng nên hy sanh chữ “Hạnh” này đi cho hài hòa với “đối tác”!
Chúc chị em phụ nữ Việt Nam hiểu và áp dụng “Tứ Đức” và “Tam Tòng” thời @, đồng thời hướng dẫn anh em hiểu cho phù hợp!
Leave a Reply