(Bệnh nghề nghiệp quá lậm, xin thông cảm)
Khi dạy về điều khoản Thanh toán quốc tế trong Hợp đồng Thương mại quốc tế, mình thường phải liệt kê các ngoại tệ tự do chuyển đổi thường dùng trong TTQT. Các đồng tiền như USD, Euro thì dễ rồi vì gần như ai cũng biết. Các đồng tiền của Nhật – JPY (Japnaese Yen) hay của Anh – GBP (Great Britain Pound) cũng dễ giải thích nhưng đến CHF thì gần như không em nào biết cả. Mình biết đó là Franc Thụy sĩ nhưng lúc đầu cũng không hiểu ý nghĩa của mã đó. Hồi đi học lớp của UNCTAD, hỏi ông giáo mới biết đó là viết tắt tiếng Latin của Confoederatio Helvetica Franc, nghĩa là đồng Franc của Liên bang Thụy sĩ. Do Thụy sĩ có tới 4 ngôn ngữ chính thức, Đức, Pháp, Italia và Roman nên tiếng La tin được chọn làm ngôn ngữ thể hiện tiền tệ cho công bằng!!!
Đồng tiền này ra đời từ năm 1798, và hiện là đồng franc duy nhất còn được phát hành tại châu Âu. Danh ngữ franc có nguồn gốc từ tiếng Latin “francorum rex” (có nghĩa là “Vua của người Frank”). Dòng chữ này được đúc trên những đồng tiền kim loại của Pháp thời xưa và rồi chữ franc được dùng làm tên gọi của thứ tiền đó. Người Pháp từng rất tự hào là quốc gia duy nhất trên thế giới có tên tiền tệ trùng với tên quốc gia và Franc trong tiếng Pháp còn có nghĩa là “tự do”. Do ảnh hưởng lớn của nước Pháp trước thế kỷ 20, rất nhiều quốc gia đã dùng tên này cho tiền tệ của mình như Thụy Sĩ, Liechtenstein và hầu như tất các các quốc gia tại châu Phi dùng tiếng Pháp (nguyên là thuộc địa của Pháp). Trước khi đồng euro xuất hiện, đồng franc đã được dùng tại Pháp, Bỉ, Luxembourg, trong khi Andorra và Monaco công nhận đồng franc Pháp như một trong các tiền tệ chính thức. Đồng franc cũng đã được dùng tại các thuộc địa của Pháp như Algérie và Campuchia. Khi người Pháp mới vào xâm chiếm Việt Nam, người Việt còn phiên âm gọi đồng franc theo Hán tự thành phật lăng. Sang thời Pháp thuộc người Việt còn gọi tiền đó là quan Pháp hoặc rút ngắn thành quan.
Thời gian gần đây, vị thế của CHF có xu hướng mạnh dần lên so với Euro và USD. Tỷ giá hiện tại (ngày 5/8/1013) giữa CHF và USD là 1 CHF = 1.08 USD. Mặc dù số lượng tiền CHF không lớn (cho đến tháng 3, 2010, tổng giá trị của cả tiền xu và tiền giấy Thụy Sĩ đã được phát hành là 49.664 triệu franc Thụy Sĩ) nhưng do vị trí của Thụy sĩ trên thị trường tiền tệ nên đồng tiền này được chấp nhận ở hầu hết các quốc gia. CHF còn được chấp nhận làm phương tiện thanh toán cho công quốc Liechtenstein, Campione d’Italia và Büsingen thuộc Đức. Hai tỉnh này về hành chính là thuộc về Italia và Đức nhưng về mặt địa lý lại nằm gọn trong lòng Thụy sĩ! Những vùng kiểu này trong tiếng Anh gọi la “exclaves” – tạm dịch là “lãnh thổ tách rời” tưởng chỉ là trường hợp đặc biệt hóa ra có khá nhiều, wikipedia liệt kê đến 45 exclaves (http://en.wikipedia.org/wiki/
Có một điều mình thấy bọn Thụy sĩ tiếng là mạnh về tài chính chứ vẫn thua Việt Nam nhiều điểm. Trước hết, tiền Thụy sĩ nói thật là trông không đẹp, hình ảnh cũng không hấp dẫn. Đặc biệt các chân dung in trên đồng tiền giấy đều là các văn nghệ sĩ xứ này chứ không hề có chân dung của nhà chính trị hay Tổng thống nào. Các vị ấy mặt mũi đều nhàu nát suy tư, chả bóng bẩy hay tươi tỉnh chút nào! Thế thì còn cố làm chính trị gia hay Tổng thống xứ này làm gì cơ chứ! Đã thế bọn chúng vẫn dùng tiền cotton dù các mẫu tiền giấy đều mới phát hành từ 1995 trở lại đây. Đáng ra Ngân Hàng Nhà nước VN phải cử một đoàn cán bộ sang hướng dẫn Swiss National Bank đến làm việc với ngay Securency Australia để chuyển sang dùng tiền polymer cho nó oách!
Later better than never, mình có nên gửi sáng kiến này cho bác Bình, Thống đốc nhà ta hiện nay không nhỉ?
Leave a Reply