Hồi những năm 70, tôi nhớ có được đọc một cuốn sách Khoa học viễn tưởng của Việt Nam, về chuyện một bạn học sinh được theo các nhà du hành vũ trụ của Liên Xô bay vào không gian. Từ trên tàu vũ trụ, các bạn kể lại được nhìn thấy Thủ đô các nước, kiểu Paris hoa lệ, London cổ kính, Moscow hoành tráng… Khi nói đến Hà Nội, chắc chả có gì để ca ngợi nên tác giả đành mô tả là “Hà Nội xanh tươi”. Tôi lớn lên trong niềm tin là Hà Nội xanh tươi thật, dù tuyến phố tôi ở hồi đó là Nguyễn Thái Học chả có mấy cây xanh. Mùa hè nóng nực, những hôm mất điện trẻ con chúng tôi chạy ra đường Trần Phú, Hoàng Diệu để hưởng chút bóng mát cây xanh. Những trưa hè nắng như đổ lửa, đi học về, chúng tôi tranh nhau nép dưới tán lá cây bên đường. Ngay trên những con đường nhiều cây như Phan Đình Phùng, khoảng cách các cây cũng khá thưa. Có những lúc quá mệt tôi đặt mốc đi theo số cây để thỉnh thoảng dừng chân dưới tán lá nghỉ ngơi, nghe tiếng ve kêu ran trong tán lá. Khi lớn hơn một chút, chúng tôi có trò vui mới là đi đếm các đôi đứng dưới gốc cây. Còn quá nhỏ, tôi không hiểu nỗi khổ của các nam nữ thanh niên thời ấy không có chỗ nào để tâm sự, phải nương nhờ tán lá tế nhị của cây cối ven đường. Kỷ lục là đã có lần tôi đếm được đến 3 đôi quanh một gốc cây, đôi nào cũng mải mê, chả cần để ý người đứng bên cạnh làm gì. Tôi từng ước ao phố nhà mình cũng có được hang cây như vậy nhưng mẹ tôi bảo: “Cây muốn lớn như vậy cần mất hàng chục năm, phố này trông cây sau nên chưa có được”. Và tôi chỉ biết ước sao cây phố mình nhanh lớn nhưng thật khó quá vì không ai chăm sóc và nạn chặt trộm cây, bẻ cành chỉ vì nghịch dại hay ác tâm của một số người làm cây không kịp lớn.
Đến khi ra nước ngoài tôi mới ngỡ ngàng nhận ra, “Hà Nội xanh tươi” chỉ là huyền thoại. Bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, thậm chí một quốc gia bé xíu như Singapore, mật độ cây trong thành phố cũng vượt xa Hà Nội. Hơn nữa công tác trồng cây, bảo vệ cây của họ cũng rất quy củ. Nhà văn Tâm Phan có gia đình ở Australia cho biết: “Đúng hôm nay nhận được thư của hàng xóm ở Úc phàn nàn về cây gumtree trong vườn nhà mình vươn cành lá sang nhà họ. Lá rụng phủ hết cả lối đi và bàn ghế sân vườn nhà họ. Mỗi ngày họ phải dọn lá 2 lần để vệ sinh và lấy chỗ cho xe ra vào. Thư dài 1 trang A4. Nhưng quản lý nhà mình bảo: “Không thể tự ý chặt cây hay bất kỳ một cành lá nào của cây vì đây là Australian native eucalyptus gum tree, cây thổ địa của Úc mà các bạn gấu Koala rất thích. Muốn làm gì cũng phải xin phép Hội đồng thành phố, kể cả cây trồng trong vườn nhà mình. Chi phí để cho người Hội đồng TP đến xem cây (thẩm định) là $70. Đây mới là xem thôi chứ họ quyết định thế nào, cho chặt bao nhiêu cành thì cũng chưa biết”. Quyền của cây cối còn được tôn trọng hơn quyền cùa cư dân vì theo các nhà chuyên môn về quy hoạch đô thị, cây xanh đô thị có rất nhiều tác dụng:
- Cải thiện môi trường sống
Một trong những tác dụng lớn nhất của việc cung cấp cây xanh cho đô thị là cải thiện rõ rệt môi trường sống của người dân. Với mật độ dân cưđông, cùng với lượng khí thải từ nhà máy, xe cộ,… tình trạng chung của các khu đô thị chính là môi trường không khí bịô nhiễm nghiêm trọng. Cây xanh sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí bằng cách hấp thu những khíđộc như NO2, CO2, CO…Theo nhiều nghiên cứu, cây xanh có thể hấp thụ tới 6% các loại khí thải độc. Cây xanh sẽ giúp lọc bớt bụi bẩn, đồng thời thải ra nhiều O2. Vì vậy có thể xem cây xanh là lá phổi của thành phố.
Bên cạnh đó, cây xanh còn có tác dụng hấp thu bức xạ, thải ra hơi nước làm không khí bức bối của đô thị trở nên mát mẻ, trong lành hơn. Đồng thời, khi ánh sáng mặt trời gay gắt, tán cây sẽ che chở cho con người, tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Ngoài ra cây xanh còn giúp chắn gió và giảm tiếng ồn, giúp cuộc sông của người dân trở nên yên tĩnh hơn.
- Giúp ích cho việc thoát nước
Tình trạng chung của nhiều đô thị là hệ thống thoát nước bị quá tải vào mùa mưa và thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Cây xanh sẽ giúp giảm bớt áp lực cho các cống thoát nước bằng cách giữ lại nước mưa. Trung bình, một cây xanh có thể giữđược từ 200 đến 290 lít nước trong 1 năm. Bên cạnh đó, tán phủ của cây xanh có thể trở thành màng chắn lọc nước hữu hiệu, giúp lưu lại trong đất dưới dạng nước ngầm.
- Giúp cân bằng sinh thái
Thành phố với dân cưđông đúc, nhà cửa san sát làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của các loại động vật khác. Vì vậy, cần cung cấp cây xanh để chúng tạo nơi cư trú, nước, thức ăn cho các loại chim, bò sát…Hơn nữa, cây xanh còn giúp giảm bớt sự xâm nhập của các chất ô nhiễm bằng cách ngăn nước mưa.
Cây xanh luôn được xem là một trong những yếu tố phản ánh văn minh thành phố. Nó có vai trò to lớn trong việc hạn chế bớt những tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa, làm đẹp cho cảnh quan và cải thiện môi trường sống của con người.[1]
Chính vì tôn trọng cây xanh và sinh thái như vậy nên các thành phố như Melbourne, Adelaide, Sydney, Perth của Úc luôn đứng đầu trong danh sách các thành phố đáng sống nhất thế giới. Còn hà Nội liên tục mở rộng, cả thành phố biến thành công trường, lượng phương tiện giao thông tăng nhanh và cây xanh ít được quan tâm nên năm 2012 đã được đánh giá là thành phố ô nhiễm nhất khu vực Đông Nam Á [2].Đây là điều đáng ngạc nhiên ở một quốc gia có 75% dân số sống bằng nông nghiệp và có tục thờ cây.
Ngay từ khi mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng việc trồng cây.Chính Bác là người đã phát động Tết trồng cây để toàn dân hàng năm vào mùa Xuân đều đi trồng cây. Nhưng mùa Xuân năm nay Thành phố Hà nội, Thủ đô của cả nước đã làm một điều ngược lại, biến mùa Xuân thành mùa tang tóc của cây cối. Hàng ngày tôi đi làm trên phố Nguyễn Chí Thanh, con phố mới và từng được giải Con đường đẹp nhất Việt Nam. Cây ở đây mới có tuổi thọ dưới 10 năm nên mới bắt đầu cho bóng mát và là nguồn an ủi cho những người đi đường trên con phố thường xuyên đông nghẹt người này. Nhưng một buổi sáng, khi ra đường tôi chứng kiến một vụ thảm sát hàng loạt cây cối. Những cây hoàn toàn lành lặn đang tuổi lớn và bắt đầu cho bóng mát đã bị hang đoàn người đến chặt rễ, cắt cành rồi cưa đổ ngổn ngang trên vỉa hè. Đọc báo mới biết lãnh đạo thành phố thay cây vì có quá nhiều cây hoa sữa, không phù hợp cho đô thị. Tôi là người đi lại hàng ngày trên phố này từ sáng đến 9h tối, chưa từng thấy có mùi hoa sữa.Và vào thời buổi kinh tế suy thoái, bao nhiêu việc cần chi, việc thay cây đâu có bức thiết đến thế?Khi hỏi trong một buổi họp với khoảng hơn 30 phụ nữ nước ngoài làm việc ở các cơ quan ngoại giao ở Hà Nội, họ nói chưa từng nghe ở quốc gia nào trên thế giới có chuyện “thay cây” vì chỉ có thay đồ dùng chứ sao thay được sinh vật sống? Ở nước ngoài, mọi cây cối đô thị đều được đánh số và quản lý, không ai được tuỳ tiện cắt cành chứ đừng nói đến chặt cây. Hà nội vốn mang danh “Hà Nội không vội được đâu”, vì sao lại trở nên quá khẩn trương như vậy? Và như tôi đi khảo sát, vì sao không một người dân nào dọc con đường này được thông báo hay hỏi ý kiến trước? Có quá nhiều điều không được rõ ràng trong chủ trương này.
Phát ngôn của người có trách nhiệm cũng không thống nhất, đầu tiên là ông Phó CT thành phố cho là không cần hỏi dân khi chặt cây, rồi Chủ tịch UBND lại bảo không có chiến dịch chặt cây. Và trong khi người dân hoang mang, lãnh đạo loanh quanh thì những cây xanh vô tội trên phó NCT tiếp tục bị thảm sát. Nhìn những thân cây lành mạnh, đủ kích cỡ bị cưa thành từng khúc vứt ngổn ngang trên đường, đổ nhựa ròng ròng như máu, những gốc cây tua tủa rễ chĩa lên trời như kêu cứu, những hốc đào sâu hoắm nham nhở trên vỉa hè, tôi tưởng như mình quay trở lại phố Khâm Thiên năm 1972.
Giữa thời bình, tôi đứng một mình trên vỉa hè và khóc, khóc cho những cây xanh vô tội chết oan, khóc cho tôi và con cháu tôi không biết bao giờ mới có bóng mát trên đường đi, khóc cho cái tên Hà Nội từng gắn với danh hiệu anh hùng vượt qua chiến tranh, thiên tai mà nay lại chỉ còn được biết với cái tên “Thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á” và khóc cho những trái tim mù loà của con người!
Trong tai tôi văng vẳng câu thơ:
Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời…
(PS: Bài đã đăng ở http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/226680/sau-chat-cay–ha-noi-co-con-xanh—sach-.html)
[1]http://dathanhxanh.vn/vi/ca-y-xanh-a-i-va-i-a-tha/39-vai-tra-ca-y-xanh-a-i-va-i-a-tha
[2]http://www.thanhniennews.com/society/hanoi-most-polluted-city-in-southeast-asia-expert-7782.html
Leave a Reply