Một khía cạnh trong giáo dục Hàn Quốc

0 , Permalink

Cách đây vài tháng mình có post 1 note về “Sự phẫn hận của người Hàn” trích trong cuốn sách “The birth Of Korean Cool”, với mong muốn tìm đối tác để dịch và xuất bản cuốn sách này. Sau đó Fujibook đã liên lạc với mình để mua bản quyền và đặt dịch cuốn sách rất thú vị này. Đến nay bản dịch đã hoàn tất, hy vọng sẽ sớm ra mắt độc giả. Xin gửi trước một đoạn về giáo dục cua Hàn Quốc những năm 80 -90 để chúng ta hiểu thêm về đất nước này, đặng giải bớt “giấc mông xứ Kim Chi”! Mặc dù nghe hơi rùng rợn nhưng thực rakhông xa với châm ngôn “Yêu cho roi cho vọt” và “Thầy cô/bố mẹ là bá chủ của trẻ con” của Việt Nam lắm đâu.

Khoa học và Nghệ thuật của Roi vọt

Hệ tư tưởng Nho giáo cũ rích hàng nghìn năm tuổi là thứ đang làm hệ thống giáo dục ở Hàn Quốc thụt lùi. Hệ tư tưởng này cho rằng giáo viên là những người nhân từ sẽ dẫn dắt bạn đi qua sự tồn tại vô nghĩa của mình, và khi bạn không nghe lời họ, cuộc đời của bạn sẽ chẳng còn gì. Đây cũng không phải là lời đe dọa vớ vẩn bởi vì số phận của bạn được định đoạt dựa trên kết quả một bài kiểm tra – kỳ thi đầu vào Đại học.

Chẳng còn cách nào khác ngoài nói thẳng tuột ra: các giáo viên người Hàn của tôi là những người ngạo mạn nhất, chuyên quyền nhất mà tôi từng gặp trong đời, và cuộc sống của họ phải chịu sự cạnh tranh rất khắc nghiệt. Họ phải chịu trách nhiệm cho những ký ức tuổi thở siêu thực, bao gồm cả những cú đánh sáng tạo nhiều kiểu vô cùng đáng ngưỡng mộ. Là một học sinh mới chuyển từ Mỹ đến, tôi không hề được chuẩn bị cho việc phương pháp này được áp dụng thường xuyên. Chúng tôi bị đánh vì đủ mọi lý do, đủ loại tội không tên.

Ví dụ như:

– Cho tay vào trong túi. Hành vi này được coi là hư đốn, hoặc có thể giáo viên nghi ngờ đó là hành vi thủ dâm.

– Không đứng nghiêm vào buổi chào cờ sáng thứ Hai. Khổ nỗi đây lại là tư thế “đứng nghỉ” trong quân đội.

– Mặc áo khoác không kéo khóa hết. Một là không cài khóa, hai là kéo khóa kín hoàn toàn. Kéo khóa không hết là hành vi cẩu thả và là dấu hiệu của việc bị ảnh hưởng xấu như Fonz trong Happy Days[1].

– Có một hộp bút sản xuất tại Mỹ. Mua đồ sản xuất tại hàn Quốc là một phần trong nhiệm vụ “giúp Hàn Quốc trả nợ nước ngoài” của chúng tôi – đó là đường lối của Đảng. Cũng đường lối tương tự được dùng để giải thích cho chúng tôi vì sao chúng tôi không được phép bật đèn vào ban ngày. Chúng tôi dựa hoàn toàn vào ánh sáng mặt trời tự nhiên. Các giáo viên chưa bao giờ giải thích những nợ này là vì đâu, nhưng chúng tôi biết rằng chuyện này cũng xấu hổ tương tự như chuyện tè dầm cấp quốc gia vậy.

Chuyện tệ hơn cả chuyện bị đánh chính là phải chịu trách nhiệm cho việc người khác bị đánh. Một lần nọ, tôi được 88% trong bài thi tiếng Trung – cao hơn mọi người nghĩ rất nhiều. Vì tôi không nói được tiếng Hàn lúc đó và bị coi là đồ ngốc, giáo viên tuyên bố: “Tất cả những em được điểm thấp hơn Hong Youn-kee [tên tiếng Hàn của tôi] sẽ bị phạt đánh”. Sau lần đó không ai muốn chơi với tôi cả.

Vì sao lại phải dùng bạo lực nhiều thế với trẻ con? Nền văn hóa Hàn Quốc rất coi trọng những năm tháng đầu đời, và nếu những năm tháng này bị phá hỏng, bạn coi như xong hoàn toàn, hoàn toàn, hoàn toàn. Có một câu nói tiếng Hàn mà tôi hay phải nghe thế này: “Thói quen hình thành khi lên ba kéo dài đến tận khi tám mươi tuổi”

Đến lúc bạn nhân ra mình có thể có những thói quen xấu, bạn đã sắp qua mốc ba tuổi rồi. Quá muộn! Đời bạn đã hoàn toàn bỏ đi, và bạn luôn trong tình trạng khẩn cấp tranh đấu với những con quỷ dữ trong mình. Những nỗi kinh hoàng chồng chất cao dần thời thơ ấu chính là lý do vì sao chúng tôi rất ngoan ngoãn – và cũng là lý do vì sao chưa bao giờ chúng tôi đánh lại giáo viên.

Tuy nhiên có nhiều giáo viên đã hoàn toàn mất kiểm soát. Người giáo viên dã man nhất tôi từng gặp là giáo viên chủ nhiệm lớp bảy của tôi, thầy Chung – Chung Sun-seng (nghĩa là “giáo viên” theo cách gọi tôn kính). Thầy rất lùn, gầy, khoảng ba mươi, da ngăm, tóc xù, hai mắt đảo láo liên mỗi khi tức giận và một gương mặt như bị rút gân. Thầy không có cổ và cái quần của thầy bị kéo cao quá eo; những điều này kết hợp với nhau làm cho thầy trông càng bé nhỏ. Về cơ bản, thầy trông như kẻ xấu trong sách trẻ em của Roald Dahl[2]. Và đáng lẽ ông ấy nên lấy thầy làm hình mẫu.

Một ngày nọ, mẹ của một bạn học gọi thầy Chung để nhờ thầy nương nhẹ vụ con trai bà ấy đánh nhau. Ngày tiếp theo, thầy Chung gọi bạn ấy và tôi ra hành lang trước cửa lớp. Thầy kéo tai nó, nói: “Sao mày lại khóc lóc gọi ‘Mẹ ơi mẹ ơi’ như thằng nhãi con thế hả?” Nó ngã xuống sàn, sau đó thầy đá nó liên tiếp vào bụng và đầu đến khi khóe miệng nó chảy máu và rụng một cái răng.

Vâng, tôi đã đứng nhìn và không làm gì hết. Tôi không nhớ được lúc đó tôi nên làm gì, nhưng tôi nhớ rằng bản thân mình cũng đang gặp rắc rối. Những gì tôi có thể làm là kiên nhẫn đợi đến lượt mình – nhưng chuyện đó cuối cùng lại không xảy ra. Khi ấy, tôi nghĩ thầy đã phát tiết xong rồi. Nhiều năm sau tôi mới phát hiện ra mẹ tôi đã đút một phong bì đầy tiền cho thầy để tôi được yên. Tôi tin rằng thầy đã gọi tôi ra chứng kiến vụ việc để đe dọa tôi mà không làm tôi đau.

Giáo viên chủ nhiệm lớp tám của tôi đánh từng học sinh một trong lớp sau mỗi lần kiểm tra. Không phải là vì mặt bằng kết quả kém, chỉ là vì cô đã quen làm thế. Số lần học sinh bị đánh bằng với thứ hạng của học sinh đó trong bài kiểm tra: học sinh đứng đầu ăn một roi, học sinh đứng nhì ăn hai roi, và đứa đứng bét thì ăn sáu mươi roi. Cô đánh mà không tỏ ra tức giận hay thù hằn gì. Cô nói: “Tôi rất công bằng. Ngay cả học sinh đứng đầu cũng bị ăn roi.”

Kiểu phạt kinh khủng này đã dần biến mất vào thập kỷ trước, và chính thức bị cấm vào năm 2011 – nhưng vẫn có lỗ hổng . Luật chỉ cấm giáo viên đánh học sinh trực tiếp nhưng giáo viên vẫn có thể yêu cầu học sinh tự đánh mình.

Đúng vậy, chúng tôi sẽ tự đánh bản thân mình theo yêu cầu. Nếu bạn chưa từng thấy điều này, và bạn tình cờ thấy khi đi qua một lớp học, bạn sẽ băn khoăn mình vừa thấy cái gì: “Tại sao sáu mươi đứa trẻ lại giơ bàn lên đầu?”

Hồi lớp bảy, cả lớp tôi đã phải làm như thế một tiếng gì đó vì chúng tôi đã thua cuộc thi hợp xướng của trường. Thỉnh thoảng chúng tôi phải ra ngoài sân chơi toàn sỏi để chống đẩy, không phải bằng bàn tay bình thường mà chỉ bằng nắm đấm trần.

Những hình phạt kinh khủng này tồn tại ở trường học Hàn Quốc quá lâu vì cha mẹ cho phép, và một phần cũng vì học sinh nghĩ rằng mình đáng bị thế.

Kim Young-sun, nhóm trưởng của NIIED và cũng là một trong những công chức mà tôi đã gặp phải trong sự cố xấu hổ Starbucks đã giải thích sự đồng lõa giữa bố mẹ và thầy cô thế này: “Trước kia”, bà nói, “giáo viên thường có học hơn bố mẹ nhiều, vì thế bố mẹ tin tưởng giao con cho giáo viên. Có mẹ còn mang roi đến đưa giáo viên vào nói ‘Xin hãy đánh con tôi bằng cái này’”.

Hiển nhiên, mấy thứ đó được gọi là “cái roi yêu thương”.

Hồi lớp bảy, tôi từng chứng kiến một trường hợp bố mẹ hợp tác với giáo viên để quản thúc con mình, một trường hợp kỳ quặc nhất trước đến giờ. Đầu giờ sáng, giáo viên chủ nhiệm của tôi – thầy Chang[3], kẻ đánh gãy răng – gọi một cô bạn cao gầy đứng lên trước lớp. Thầy nói: “Mẹ em gọi tôi và nói rằng bà đọc được những lời tệ hại em viết về tôi trong vở ghi”. Thầy tát bạn rất mạnh; cô bạn gầy yếu lảo đảo ngã xuống.

Thậm chí học sinh cũng cho giáo viên đặc quyền được đánh mình. Năm 2003, khi những hình phạt sỉ nhục này dần biết mất, một bản điều tra của một tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc đại diện cho giáo viên đã chỉ ra rằng có 70% học sinh Hàn Quốc cho rằng hình phạt sỉ nhục là công bằng. Tờ báo Hàn Quốc Nhật báo JoongAng viết rằng cùng lúc đó, những học sinh tham gia điều tra nói rằng “danh dự” (tôi đoán ý tác giả là vị thế trong xã hội) của giáo viên bắt đầu giảm xuống. Đáng nói là có đến một phần ba số học sinh “tự trách mình và bố mẹ mình vì chưa thực sự tôn trọng giáo viên”.

Học sinh tự trách mình và bố mẹ mình, chứ không trách giáo viên? Nói cách khác, học sinh cho rằng giáo viên không bao giờ sai. Điều này nghe giống hội chứng Stockholm, nhưng lại phức tạp hơn thế nhiều. Nguồn gốc của sự tôn thờ giáo viên đã có từ một ngàn năm trước.

[1] Happy Days: series truyền hình sitcom của Mỹ, kéo dài từ 1974-1984. Fonz/Fonzie là một nhân vật trong phim, với hình tượng ban đầu rất ngỗ nghịch, bỏ học trung học và chuyên quyến rũ phụ nữ.

[2] Roald Dahl (1916 – 1990): nhà văn, thơ, biên kịch người Anh. Truyện ngắn thiếu nhi của ông (Charlie và Nhà máy chocolate, Matilda…) nổi tiếng vì nội dung bi hài kịch và ít cảm xúc.

[3] Phía trên tác giả ghi là “Chung Sun-seng”, bên dưới lại ghi là “Chang Sun-seng”

null

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *