Hãy nhìn mẹ trước khi lấy vợ

Ngày Gia đình cả nhà mỗi người đi một phía nên chẳng có lúc nào ngồi nghĩ lại. 12h đêm đang cố ngủ thì nhận được tin nhăn của 1 bạn nam sinh viên như sau:

“Thưa cô, em đã rất đắn đo khi viết những dòng này. Chuyện là em và chị em cùng ở trọ để đi học ở Hà Nội. Gần đây, chị em hay lảng tránh em, đi ra ngoài về muộn mà không nói lý do. Em gặng hỏi mãi thì chị thừa nhận thích một anh chỉ mới quen 2 tuần mà anh đó đã có gia đình. Em rất bối rồi, không biết phải làm sao nữa. Em không can thiệp vào việc riêng của chị em, chị ấy có thể yêu bất kỳ ai nhưng đừng yêu một người đàn ông có gia đình. Mà anh này lại chủ động tán tỉnh chị. Em thật không biết làm sao?
Mong cô cho e một lời khuyên. Em thật không biết làm sao để chị em nhận ra sai lầm này, e biết rằng khi yêu rồi người ta sẽ không đủ tỉnh táo để nhận ra vấn đề. Gia đình em chưa ai biết chuyện này, chỉ mình em biết! Em lo lắm thưa cô!”

Tôi chỉ biết khuyên em nên tìm những sách báo có chuyện về bi kịch làm người thứ 3 của các cô gái trẻ, hoặc để chị em nói chuyện với những phụ nữ từng trải mà chị tin cậy, kẹt quá mới nói với mẹ vì theo em kể, chị và bố mẹ không gần gũi lắm.

Nhưng điều đọng lại trong tôi là câu hỏi của em: “Chị em kể người đàn ông kia nói anh ta không hạnh phúc với vợ, vợ không chăm sóc anh ta. Chỉ khi ở bên chị em anh ta mới được hạnh phúc. Em biết nói sao cho chị ấy hiểu đây? Vì sao đàn ông thường không chung tình như vậy? Em phải làm gì để tránh vết xe đổ ấy?”
Và tôi nhớ đến bài này của Tuệ Nhi nên post lại ở đây để các bạn trẻ, nhất là nam giới cân nhắc trước khi quyết định bước vào hôn nhân (Bài gốc văn hơi thô nên tôi đã biên tập lại đôi chút).

Tôi nghĩ rằng mỗi người đàn ông trước khi lấy vợ hãy nhìn kỹ mẹ mình. Hãy nhìn những nếp nhăn do năm tháng, vẻ mặt mệt mỏi, hãy nghe những lời than thở của mẹ và suy nghĩ mình có nên kết hôn hay không?
Nhưng cần thiết hơn hết là mỗi người đàn ông nên có một khoảng thời gian tĩnh lặng nhất định.

Một chàng trai hỏi bố mình: Bố ơi, làm sao để tìm được người phụ nữ tốt cho mình?”. Người bố trả lời: “Hãy quên việc tìm người phụ nữ tốt cho con đi mà hay cố trở thành người đàn ông tốt cho cô ấy”!Một chàng trai hỏi bố mình: Bố ơi, làm sao để tìm được người phụ nữ tốt cho mình?”. Người bố trả lời: “Hãy quên việc tìm người phụ nữ tốt cho con đi mà hay cố trở thành người đàn ông tốt cho cô ấy”!

Thứ nhất, hãy bước vào bếp, bởi nó là vị trí đầu tiên cô dâu của anh sẽ thể hiện trách nhiệm của một người vợ. Anh có thể tính toán nổi mẹ mình đã dành bao nhiêu thời gian cuộc đời để quanh quẩn trong cái góc toàn cá thịt, rau củ, dầu mỡ ấy không? Tôi thấy rằng một người đàn ông thường nói chán cơm mẹ nấu sau 20 năm. Nhưng chỉ cần sau 3 đến 5 năm là anh đã có thể than thở với bạn bè rằng: “Tao đang chán cơm vợ nấu”. Chán là chán thế thôi chứ tôi chắc chắn anh nào lúc bước chân về nhà cũng mưu cầu vợ phải sắp sẵn cơm lành canh ngọt. Dù mình có bỏ bữa đi nhậu nhẹt bù khú với đám bạn ngoài đường thì nghĩa vụ nấu vẫn phải nấu, vừa phải thoải mái cho chồng những khoảng thời gian riêng vừa phải nhẫn nhục ăn cơm nuốt nước mắt một mình. Nhưng anh à! Vợ không phải là mẹ, không phải là người phụ nữ có thể ngồi canh mâm cơm mà chờ đợi anh đến hết cuộc đời. Vợ là người sẽ đi cùng, chạy cùng, vui buồn cùng, sướng khổ cùng, luôn song hành chứ không phải ở lại phía sau…

Thứ hai, hãy bước ra phòng khách, ở đó người vợ sẽ thể hiện trách nhiệm của một người mẹ đã rứt ruột sinh con đẻ cái cho anh. Ở đó nhìn đâu cũng thấy đồ chơi con anh bày la liệt, thấy quần áo cái ướt cái khô, thấy sữa bỉm thuốc men thậm chí là những vũng nước tiểu hay bãi nôn trớ. Và tất nhiên vẫn theo trách nhiệm, vợ sẽ là người dọn dẹp mọi thứ, cho con ăn 3 đến 5 bữa mỗi ngày, rã tay bế ru con ngủ. Nhà cửa ngăn nắp sạch sẽ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Vừa nấu cơm vừa canh con, vừa cho đứa bé bú vừa dạy đứa lớn học, vừa đi chợ vừa giặt quần áo, vừa chu toàn bên nội vừa nhớ về bên ngoại, vừa lo việc nhà vừa đi làm….v..v và v..v.. Chỉ có điều vợ cũng chỉ có hai tay như anh, có 24 giờ như anh, và cần ăn ngủ sinh hoạt như anh. Vợ là vợ, vợ không phải oshin để anh có quyền trách móc “Tại sao cô vẫn để nhà cửa thế này thế kia khi mỗi tháng tôi đã đưa cho cô 3 triệu 5 triệu hay 10 triệu”. Tiền chỉ để trả cho oshin thôi, còn với vợ, hãy trả cho cô ấy thật sòng phẳng, sự thông cảm, sự chia sẻ, sự thương xót và trả thật đầy đủ trách nhiệm của một người chồng.

Thứ ba, đã quá muộn rồi hãy gặp lại vợ mình trong phòng ngủ và để cô ấy thực hiện trách nhiệm của một người vợ đến giây phút cuối cùng.

Chẳng phải mỗi người đàn ông đều đã từng thấy vợ mình qua hình ảnh của mẹ mình hay sao? Chỉ một đứa trẻ mới chỉ biết đòi hỏi còn một người đàn ông trưởng thành nếu không phải là trụ cột cho gia đình thì ít nhất cũng phải biết sẻ chia.

Đừng chỉ vội vàng cười hạnh phúc trước ngày kết hôn, mỗi người đàn ông hãy để lòng mình lắng xuống. Nhìn lại suốt 20 năm, 30 năm mẹ mình đảm nhận vị trí của một người vợ. Nếu anh thấy cay sống mũi vì những tháng ngày vất vả mà mẹ đã thầm lặng chấp nhận, vì những điều tốt đẹp mẹ đã từ bỏ để dành cho anh. Nếu anh biết trân trọng những dấu vết của năm tháng trên gương măt, thân hình và sức khỏe của mẹ. Nếu anh thấy mẹ ngày càng làm lụng nhiều hơn và mỗi buổi sáng gương mặt và sẽ tái đi vì mất ngủ thay vì tươi tỉnh. Nếu anh nhớ mẹ phải hy sinh những lúc vui vẻ cùng con cái để nghiêm mặt đưa anh vào nền nếp…

Ai cũng muốn một cuộc sống dễ dàng, tràn ngập niềm vui nhưng mẹ anh đã phải hy sinh những điều ấy để con cái trưởng thành.

Hãy nhớ lại, anh không tự dưng được như ngày hôm nay nếu mẹ anh không phải hy sinh, vất vả. Hãy nhớ những lần các anh phải lau nước mắt cho mẹ, vì sự ích kỷ, vô tâm của bố anh. Hãy học cách trân trọng những gì vợ anh đã làm và đừng để con anh phải lau nước mắt cho mẹ như anh!

CHÚC CÁC BẠN NAM MAY MẮN VÀ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG TỐT CHO GIA ĐÌNH VÀ CHO XÃ HỘI.

Lòng trung thành của người vợ được thử thách khi người chồng chưa có gì. Còn lòng trung thành của người chồng được thử thách khi anh ta có tất cả!

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *