Trong mục HỘP HỎI – ĐÁP lần này, hãy cùng lắng nghe phần trả lời hết sức thú vị và bổ ích đến từ PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh – Giám đốc Trung tâm Hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương.
- Em chào cô Hoàng Ánh, em là sinh viên năm hai. Em luôn bị lo lắng và ám ảnh bởi thành công và tiền bạc trong tương lai, vì nhìn quanh bạn bè GPA cao, học bổng, rồi tham gia các dự án của Unilever, đi làm thêm hết việc này đến việc khác, […]. Em luôn cảm thấy cuộc sống của mình nhìn có vẻ hay nhưng lại không có mấy thứ hào nhoáng đến từ các CLB, Unilever, Big4 hay các công ty này nọ như các bạn của em. […] Nhiều lúc em rất mặc cảm tự ti. Cô có thể cho em lời khuyên và giúp em có động lực và tin tưởng vào tương lai, vào cuộc sống hiện tại, vào con đường học tập mình chọn không ạ? […] Em chân thành cảm ơn cô! (Dark Creed)
Chào Dark Creed. Rất vui được biết một sinh viên cầu tiến như em nhưng cô có cảm giác em là người quá cầu toàn. Những thành tích mà em đã liệt kê đủ cho bất kỳ sinh viên nào tự hào nhưng lại làm em thấy lo lắng. Việc em không thoả mãn là điều tốt còn việc lo lắng là hơi quá. Ở đời mỗi người có mặt mạnh của riêng mình, không nên chạy theo những tiêu chuẩn của người khác. Cô nghĩ lúc nào rảnh rỗi, em nên tìm một nơi yên tĩnh, suy nghĩ xem mình thực sự muốn trở thành người thế nào, làm nghề gì? Em có thể tham dự những lớp hướng nghiệp, khám phá bản thân để chọn hướng đi đúng đắn cho mình. Như GS Hồ Ngọc Đại, thầy của GS Ngô Bảo Châu đã nói: “Tài năng quét rác và tài học toán quan trọng như nhau trong cuộc đời này vì đời cần cả hai.”
Mong em hãy tỉnh táo để chọn con đường riêng của mình!
- Thưa cô, em là sinh viên chuyên ngành KTĐN K53. Hiện nay tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp rất cao nhất là trong khối ngành kinh tế […]. Một học kỳ đã qua mà em vẫn cảm thấy rất băn khoăn về chuyên ngành của mình và hành trình của mình suốt 4 năm đại học. Cô có thể cho em những lời khuyên và định hướng không ạ? Em cảm ơn cô nhiều! (Kính Cận)
Chào Kính Cận! Điều đáng buồn là do công tác hướng nghiệp của Việt Nam quá kém nên hiếm khi sinh viên được chọn đúng ngành phù hợp khi thi ĐH. Cũng như với Dark Creed, cô nghĩ em nên tìm nơi yên tĩnh, suy nghĩ xem mình thực sự muốn trở thành người thế nào, làm nghề gì? Em có thể tham dự những lớp hướng nghiệp, khám phá bản thân để chọn hướng đi đúng đắn cho mình. Có thể thử làm các MBTI test như test này. Cô đã cho nhiều người làm thử, thấy cũng khá có ích: http://www.humanmetrics.com/cgi-win/jtypes2.asp
Khi xác định được nghề mình nên làm thì em nên cố gắng tham gia các Câu lạc bộ để rèn luyện các kỹ năng cần thiết, chuẩn bị cho công việc của mình sau này!
- Em là một sinh viên K53, thi khối A vào trường. Qua các bài giảng đầy tâm huyết của các thầy cô, em có một ước mơ là sau này sẽ trở thành một giảng viên ĐH Ngoại Thương. […] Em thấy bản thân mình còn chưa năng động, giao tiếp chưa tốt,… Cô có thể chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn giúp em về học tập và rèn luyện để đạt được ước mơ của mình không ạ? Em xin chân thành cảm ơn cô và Sức Trẻ! (Hoa Hướng Dương)
Cám ơn Hoa Hướng Dương đã có thiện cảm với nghề giáo nói chung và giảng viên FTU nói riêng. Tiêu chuẩn để nộp đơn dự tuyển vào làm giảng viên ở trường em có thể xem trên website, nhưng cơ bản sẽ là tốt nghiệp ĐH Chính quy học lực từ Khá trở lên và có bằng Thạc sĩ chuyên ngành phù hợp môn học tuyển dụng. Em mới là sinh viên năm 1, con đường còn khá dài, có thể sau này em sẽ thay đổi ý định. Hãy cố gắng học tốt, tham gia các buổi thuyết trình để rèn luyện khả năng nói trước đám đông, tham gia Sinh viên Nghiên cứu KH để nâng cao trình độ… Đấy chính là những kỹ năng cần thiết cho nghề giáo viên!
- Em chào cô! […] Em nghe nói, ngày nay ra khỏi cổng trường ĐH, với một tấm bằng đỏ, dù là loại giỏi hay xuất sắc, cũng chưa bao giờ là đủ để tham gia vào thị trường lao động. Các nhà tuyển dụng ngoài yêu cầu về trình độ ra còn yêu cầu về kinh nghiệm thực tập, làm việc… […] Vậy chính xác kinh nghiệm đó là những kinh nghiệm gì, được rút ra từ những công việc như thế nào và cần phải chuẩn bị ra sao từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường ạ? Em xin cảm ơn cô! (Sv khối 6, KTĐN, k52)
Chào em sinh viên Khối 6. Thực tế thì dù em có học đến Oxford hay Havard thì tốt nghiệp cũng không bao giờ là đủ để tham gia vào thị trường lao động. Thực tại và kiến thức sách vở bao giờ cũng có khoảng cách. Chuyển từ môi trường học hành sang môi trường làm việc ai cũng sẽ gặp khó khăn, […]. Điều đầu tiên là em nên học tốt trong thời gian còn là sinh viên để chuẩn bị những kiến thức tốt nhất cho mình. Tiếp theo em nên tìm hiểu xem nghề nào phù hợp với em hoặc em có thể xin được để chuẩn bị những kỹ năng phù hợp. Nên tham gia các CLB, các cuộc thi… để rèn luyện kỹ năng. Có thể đọc thêm nhiều sách chuyên môn để có kiến thức vững vàng, đừng chỉ gói gọn trong giáo trình, vốn quá đơn giản và không cập nhật. Hãy đọc những quyển về kỹ năng sống như “Đắc nhân tâm”, “Những kẻ xuất chúng” (Malcom Gladwell) hay “Café cùng Tony” để chuẩn bị cho bản thân.
Chúc các em may mắn!
Cảm ơn cô Nguyễn Hoàng Ánh đã giúp chúng em thực hiện chuyên mục này.
Mọi thắc mắc, chia sẻ với Sức Trẻ xin gửi qua link: http://bit.ly/1uc5oQB
Hoặc hòm mail: styn.ymc@gmail.com
Leave a Reply