Thời gian gần đây nổ ra rất nhiều tranh cãi về hệ thống trường chuyên lớp chọn ở Việt nam. Trong buổi giao lưu “Nhật ký của tự do” do NXB Trẻ tổ chức tối 12-9, TS Giáp Văn Dương thẳng thắn bày tỏ: “Tôi không ủng hộ trường chuyên, lớp chọn, mà ủng hộ một môi trường giáo dục tự do. Trường chuyên, lớp chọn giới hạn sự “tự do trở thành” của mỗi người. Tôi đã từng gặp nhiều học sinh, từng học trường chuyên, lớp chọn, và giờ rất lệch lạc, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống”. Ngược lại, Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp phản bác lại ý kiến đó khi nêu quan điểm ủng hộ trường chuyên, lớp chọn. “Nếu sự chuyên và sự chọn đó có tính cá nhân của bản thân các bạn thì sẽ rất tốt. Bởi nếu bố mẹ, họ hàng, gia đình…tìm cách nào đó, sắp xếp cho bạn vào một chỗ nào đó mà bạn không thích, sẽ rất dở. Nên nếu bạn theo đuổi học trong một môi trường chuyên ngành, theo sở thích nào đó, chuyên và chọn do mình lựa, thì sẽ rất may mắn”. Đề tài trường chuyên luôn làm mình quan tâm vì gần như cả gia đình mình đều gắn với hệ thống này, hay dở mình đã nếm cả.
Đi dự Lễ kỷ niệm 50 năm Khối Phổ thông chuyên của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (thường được gọi là khối A0), gặp được rất nhiều cựu học sinh các khoá. Lớp mình thì nhờ sự tích cực của lớp trưởng nên mọi người được cập nhật tình hình của nhau khá thường xuyên nhưng gặp các anh chị khoá trên mới thật thú vị. Đã hơn 30 năm rồi, gặp lại nhìn nhau nửa lạ nửa quen, nhớ khi gặp nhau tất cả đều chỉ mới 14-15 tuổi, nay đều đã đầu hai thứ tóc, về hưu, có con có cháu cả rồi, làm sao không xúc động. Bất ngờ nhất là gặp lại rất đông cựu sinh viên và cả đồng nghiệp của mình. Hoá ra một tỷ lệ không nhỏ học sinh A0 các khoá sau này đã thi vào Ngoại thương vì thời mình đã học chuyên Toán, không ai lại thi vào Kinh tế cả. Nhưng nhìn lại thì khoá mình đi kinh doanh quá nửa và còn khá nhiều bạn thành đại gia nữa nên việc A0 thi Ngoại thương có lẽ cũng là hợp lý vì suốt một thời gian dài giáo dục kiểu XHCN không dạy kinh doanh mà tư duy logic của khối A sẽ rất phù hợp cho nghề này. Chỉ tiếc là khối A thời mình nhiều bạn khá ngoại ngữ và giao tiếp còn thời sau này lại không được như vậy.
Do số phận đưa đẩy, mình học đủ mọi loại lớp, từ lớp nhà quê đọc không thông viết không thạo đến lớp chọn, lớp chuyên của thành phố, chuyên quốc gia…. Do tính hay di chuyển và hay chuyện nên mình giữ liên lạc được với khá nhiều bạn học đến mức chồng mình đã đầu hàng việc học thuộc danh sách bạn học của mình vì không đủ khả năng.Qua tìm hiểu tình hình, mình tạm tổng kết như sau:
1/ Mức độ thành đạt (tạm hiểu là có chức vụ cao hay kinh doanh giàu có) không phụ thuộc vào việc bạn học lớp nào hay học giỏi vì lớp nào của mình cũng có bạn làm to hay giàu có mà những bạn ấy khi đi học cũng không phải người xuất sắc.
2/ Những bạn giỏi nhất thường lại có cuộc sống khá trầm lặng, vì thường về làm việc ở trường hay Viện rồi cứ thế rơi vào quên lãng vì không thích bon chen. Những trường hợp ngoại lệ đều là người của FPT cho nên thật sự trong lịch sử kinh doanh của VN, FPT chắc chắn đóng một vai trò to lớn như Bạch Thái Bưởi hay Lương Văn Can ngày xưa vì đã xoá bỏ tư tưởng coi thường kinh doanh của dân chuyên Tự nhiên. Nhờ FPT mà các bạn như Nguyễn Thành Nam, Phan Ngô Tống Hưng… mới có cơ hội sống khác Hoàng Lê Minh hay Lê Bá Khánh Trình.
3/ Tuy nhiên, tỷ lệ người thành đạt ở các lớp chuyên cao hơn ở các lớp thường. Hầu hết các bạn đều đi học ở nước ngoài nên cơ hội có việc tốt cũng nhiều hơn. Đặc biệt, chất lượng cuộc sống ở những tập thể này cao hơn hẳn. Dù không phải tất cả nhưng tư duy, ứng xử, của những nhóm này đều hơn và cao hơn các lớp khác. Bạn cũ gặp nhau đương nhiên rất quý nhau nhưng vào A0 thấy từ giáo viên đến học sinh đều thân ái, hiền hoà, dễ thương đến mức cảm động. Có lẽ vì môi trường học hành nhiều, ít bon chen nên mọi người tử tế với nhau hơn. Chi tiếc là hình như chức vụ cao nhất học sinh A0 đạt được cũng chỉ là Thứ trưởng, lác đác có vài Vụ trưởng, còn lại chỉ đến Trưởng phó phòng, Khoa hoặc Giám đốc công ty riêng của mình.. Riêng việc suốt 50 năm, những con người giỏi giang chọn từ toàn quốc về, được học hành tử tế, học vị cao khá nhiều, lại rất đàng hoàng mà không thể nắm vị trí cao trong cơ quan công quyền đã nói lên rất nhiều điều.
4/ Một điều lưu ý là khá nhiều cựu học sinh trường chuyên tiếc là đã bỏ phí tuổi trẻ mà vào học chuyên vì học nhiều quá, ít tiếp xúc với đời thực và ít cơ hội hưởng thụ tuổi trẻ. Do “gà công nghiệp” quá nên hình như nhiều bạn cũng hơi gặp khó khăn khi lập gia đình. Nhưng các thế hệ sau này có vẻ khá hơn bọn mình ngày xưa?
Tóm lại rõ ràng sự tồn tại của trường chuyên lớp chọn là do yêu cầu khách quan của việc con người sinh ra có những năng lực và chí hướng khác nhau. Xã hội muốn phát triển thì phải có cơ chế khuyến khích những cá nhân có cơ hội phát triển năng lực của mình chứ nếu cào bằng, đem Ánh Viên cho học bơi cùng với mình thì chắc cô ấy không thể có thành tích như bây giờ. Ở nước nào cũng có hệ thống phân cấp trường và cũng có chế độ khen thưởng, tạo điều kiện cho người xuất sắc. Nhà giáo dục James J. Gallaghertừng nói:“Failure to help the gifted child is a societal tragedy, the extent of which is difficult to measure but which is surely great. How can we measure the sonata unwritten, the curative drug undiscovered, the absence of political insight? They are the difference between what we are and what we could be as a society.”Điều Việt Nam cần là học hỏi các nước để tìm ra mô hình phù hợp chứ không nên chìm vào tranh cãi vô bổ nữa!
Mong các “nạn nhân” của trường chuyên lớp chọn vào đây cho ý kiến ngõ hầu làm rõ hơn vấn đề này!
Leave a Reply