Sinh viên làm trái ngành là điều bình thường

0 No tags Permalink

“Bài trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tiền Phong”

Đó là ý kiến của PGS TS Nguyễn Hoàng Ánh – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế, ĐH Ngoại thương Hà Nội về thời điểm hàng ngàn sinh viên đang được trả bằng tốt nghiệp nhưng họ lại phải đối mặt với nỗi lo thất nghiệp hoặc làm trái ngành.

 

 

PGS nhận định như thế nào về ý kiến: Sinh viên ra trường như “Nông sản được mùa nhưng mất giá”?

Sinh viên ra trường thất nghiệp cũng giống như sản phẩm không tìm được nguồn tiêu thụ. Không chỉ sinh viên nội địa mà sinh viên học ở nước ngoài về cũng chưa chắc đã tìm được việc. sản phẩm không có chỗ tiêu thụ, chúng ta không thể trách người sử dụng lao động, vì đây là yếu tố khách quan. Nhưng thực tế ở trường tôi là có rất nhiều sinh viên tìm được việc làm ngay từ năm thứ 3 và như tôi thấy, những sinh viên chưa có việc là do chưa đáp ứng nhu cầu thực tế mà chủ yếu là do không chịu nỗ lực phấn đấu trong suốt quá trình học tập.

Bên cạnh đó, thị trường lao động của Việt Nam chưa phải là thị trường hoàn hảo. Có rất nhiều tổ chức, cơ quan, công ty Việt Namchưa biết cách dùng người. Họluôn đặt ra yêu cầu cho sinh viên là phải làm được những thao tác quá cụ thể, đặc trưng cho công việc của công ty mình mà ngay cả một người đã có kinh nghiệm ở nơi khác sang cũng chưa thể nắm bắt ngay được, rồi lại trách móc nhà trường. Vì vậy, chúng ta không nên đòi hỏi sinh viên về một thao tác cụ thể mà nên đòi hỏi về một tư duy, để các bạn tự sáng tạo làm được những việc lớn hơn.

Một số bạn ra trường làm trái ngành mình học. Vậy bạn đó có phải đã xa rời ước mơ ban đầu không thưa PGS?

Nghĩ như vậy thật thiển cận. Việc người trẻ quyết định chọn học nghề nào xảy ra khi các em mới 18 tuổi. Không ai có thể bắt đứa trẻ đó phải giành cả cuộc đời đểtiếp tục giấc mơ của tuổi 18. Quyết định thi trường nào chỉ là một thử nghiệm đầu tiên. Vì vậy, trên đường đời sau này nếu có phát hiện ra một sở thích khác thì tại sao lại không cho bản thân một cơ hội?

Hơn nữa, việc hướng nghiệpở Việt Namtừ trước đến giờ làm quá kém cỏi nênkhi tôi hỏi về lý do thi vào trường này, có đến trên 90% sinh viên trả lời là thi vào trường theo lời khuyên của bố mẹ, họ hàng, hay đơn giản thi theo bạn bè vì tưởng trường đó/ngành đóoai hoặc hay ho lắm, tóm lại tất cả đều có chữ “tưởng”. Như vậy, các bạn ấy đang phí cả tuổi xuân của mình đểthực hiện ước mơ của người khác.Định hướng không rõ, không biết bản thân muốn cái gì, đòi hỏi những thứ không nằm trong khả năng của mình nên sau này vỡ mộng là đương nhiên. Chưa kể khi ra trường, tình hình thực tế cũng hiếm khi cho sinh viên quyền lựa chọn công việc.

Thực tế ở tất cả các nước, kể cả ở Việt nam đều có cơ chế cho phép người học thạc sỹ, thậm chí tiến sỹ khác ngành học ĐH, tức là, họ đều chấp nhận rằng chúng ta có thể thay đổi nghề nghiệp. Vì vậy, mong cả phụ huynh và sinh viên nên tìm hiểu kỹ trước khi chọn trường và nếu có phải làm trái ngành thì cũng đừng nên hoang mang. Rất nhiều sinh viên của tôi đã rẽ ngang, đi làm nghề khác và rất thành công như ca sĩ Đức Tuấn, ca sĩ Quang Minh nhóm OPlus, nhà văn Phan Việt… Hãy coi công việc ấy như một cơ hội để khám phá bản thân, biết đâu lại là một điều may mắn???

 

những “sản phẩm” giáo dục không đáp ứng được thực tế có phải do mô hình giáo dục nước ta có vấn đề?

mô hình giáo dục ĐH của Việt Nam rất kỳ cục.Một khi sinh viên vào ĐH thì rất hiếm khi bị đuổi ra, khiến sinh viên nảy sinh tâm lý thi đỗ rồi thì cứ học vật vờ chờ cho đến khi tốt nghiệp. Số lượng sinh viên rơi vào tình trạng như vậy quá lớn dẫn đến doanh nghiệp phải “vơ bèo, vạt tép” chọn lấy một vài bạn cho đủ, sau đó, lại phải đào tạo lại.

Mặc dù thời gian qua các trường ĐH ở Việt Nam đã có nhiều cố gắng cải tiến nhưng chỉ mang tính chắp vá, thiếu thay đổi từ gốcnên mô hình giáo dục của nước ta mang tính truyền thống và lạc hậu. Đơn cử như ở nước ngoài mỗi môn học đều có chia ra giờ dạy lý thuyết do các giảng viên chính thức giảng dạy trên lớp với đông sinh viên và giờ dạy bài tập với quy mô nhỏ, thường do trợ giảng đảm nhiệm để đảm bảo mọi sinh viên đề nắm được bài. Còn ở Việt Nam, tất cả giáo viên vừa phải giảng trên lớp, vừa giảng thực hành với quy mô sinh viên đông, trợ giảng hay giáo sư công việc cũng như nhau. Giờ thực hành thì sinh viên tự làm ở nhà, không có giáo viên phụ trách và trực tiếp hướng dẫn từng nhóm nên hiệu quả rất thấp. Đã thế, rất ít nhà trường ĐH có chương trình kết nối với doanh nghiệp để sinh viên có điều kiện tiếp xúc với thực tế, các trường cũng hiếm khi mời người từ doanh nghiệp về tham gia giảng dạy vì chưa có cơ chế. Vì vậy, việc sinh viên thiếu kỹ năng làm việc thực tế là điều dễ hiểu.

 

Quan điểm của PGS về tình trạng sinh viên ra trường, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại?

ở nước ngoài, doanh nghiệp thường chủ động hợp tác với nhà trường để đảm bảo nguồn nhân lực cho tuyển dụng. Nhiều công ty đa quốc gia như KPMG, P&G, Unilever cũng đang làm điều này ở Việt Nam bằng việc tổ chức các chương trình thực tập cho sinh viên, nhờ vậy họ có thể tìm được nguồn nhân lực phù hợp còn sinh viên thì được học tập, có cơ hội việc làm… Nhưng chuyện này rất hiếm ở VN vì doanh nghiệp nước ta muốn tuyển dụng nhưng không muốn mất tiền. Vì vậy, số lượng các doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ quá trình đào tạo sinh viên cùng với nhà trường hiện nay là không nhiều.

Học ở trường và đến lúc đi làm rất khác nhau, nên việc đào tạo của doanh nghiệp luôn là cần thiết. Không có một doanh nghiệp nào trên thế giới hy vọng khi tiếp nhận sinh viên làm được việc ngay, chỉ có doanh nghiệm Việt namdo còn ít kinh nghiệm tưởng có chuyện đó mà thôi. Nếu doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hơn với nhà trường, việc này đã không xảy ra.

Ngoài ra còn có rất nhiều doanh nghiệp có công việc quá đặc thù như tư vấn bảo hiểm, giáo dục… nên khi tuyển việc chỉ yêu cầu đơn giản là bạn có bằng ĐH, tức là việc đào tạo tại doanh nghiệp là bắt buộc chứ không thể trông cậy vào nhà trường.

Việc Bộ Giáo dục & Đào tạo mở trường quá nhiều có phải là nguyên nhân khiến dư thừa nguồn nhân lực?

Bệnh sính bằng cấp của xã hội Việt Nam trong thời mở cửa, khi kinh tế các gia đình dư dả hơn, lại càng được dịp bùng phát. Trường đại học không bao giờ mở ra nếu nhu cầu xã hội không đòi hỏi con mình phải có bằng đại học nhiều đến thế. Có những gia đình có con học rất kém, không có khả năng đỗ ĐH nhưng khi bảo cho đi học nghề thì nhất định không chịu, tìm đủ cách như học cao đẳng rồi liên thông hoặc học dân lập… để có được tấm bằng. Theo tôi việc bộ giáo dục &đào tạo mở trường ĐH quá nhiều không phải là vấn đề quan trọng lắm vì mở trường giống như mở doanh nghiệp, không nên hạn chế số lượng doanh nghiệp mở ra vì đó chính là khởi nghiệp. vấn đề của Bộ giáo dục ở đây là cho phép mở ra nhiều trường ĐH – CĐ nhưng chất lượng không đảm bảo.

Số sinh viên ra trường tăng nhanh, chất lượng đào tạo thả nổi, thiếu mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp dẫn đến mặc dù doanh nghiệp nước ta mở ra ngày càng nhiều, nhu cầu lao động tăng lên nhưng không theo kịp số lượng sinh viên ra trường mỗi năm. Do vậy, việc nhiều cử nhân thất nghiệp là điều không thể tránh khỏi.

Theo PGS, để khắc phục tình trạng sinh viên làm trái ngành và thất nghiệp thì cần có những giải pháp nào?

Không nên phàn nàn về chuyện sinh viên ra trường làm trái ngành mà chỉ nên coi ngành mình đã học giống như bước đệm để sau này làm việc khác. Những người thành đạt cả trong và ngoài nước hiếm khi làm đúng nghề mình được học đầu tiên. Theo tôi, làm đúng ngành là tốt nhưng nếu làm trái ngành thì cũng không sao và bạn nên coi đó là một cơ hội để trải nghiệm thêm một nghề nữa. Sinh viên phải chuẩn bị tâm lý đầu tiên rằng chuyện làm trái ngành là điều bình thường, cần sẵn sàng học hỏi để tìm được chỗ đứng trong đời.

Phụ huynh phải thấy rằng việc học không phải vì bằng cấp, việc học là để có một việc làm và có được chỗ đứng trong cuộc đời. Muốn có được việc làm, điều đầu tiên bản thân cần xem xã hội đang cần gì và điều đó có phù hợp với khả năng bản thân không.

Bản thân doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, họ không thể ngồi đợi nhà trường làm xong “sản phẩm” mới tuyển dụng mà họ cần tích cực tham gia đào tạo cùng với nhà trường.

NGUYỄN HOAN (Ghi)

Box: “Việc người trẻ quyết định chọn học nghề nào xảy ra khi các em mới 18 tuổi. Không ai có thể bắt đứa trẻ đó phải giành cả cuộc đời để tiếp tục giấc mơ của tuổi 18. Quyết định thi trường nào chỉ là một thử nghiệm đầu tiên. Vì vậy, trên đường đời sau này nếu có phát hiện ra một sở thích khác thì tại sao lại không cho bản thân một cơ hội?”.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế, ĐH Ngoại thương Hà Nội.

 

 

 

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *