HÃY HỌC SÒNG PHẲNG

0 No tags Permalink

Mạng đang dậy song với bài viết của thầy Phạm Thành  Long, Đại học Kinh tế Quốc dân, trả lời một bạn sinh viên than thở về việc năm thứ hai nhà trường sẽ  tăng học phí. Theo thầy Long thì “Học đại học chính là một phi  vụ đầu tư của các bạn và gia đình. Những gì các bạn bỏ ra cho mấy năm đại học chính là phí đầu tư. Các bạn đầu tư cho tương lai của mình và gia đình, chứ không phải cho xã hội. Muốn học trường danh tiếng, ra trường dễ xin việc, lương cao, nhưng lại muốn học phí thật thấp thì có giống các bạn ra phố gọi bát phở nhiều thịt, nhiều bánh, nhiều hành, nhiều nước béo, dăm cái quẩy, nửa rổ giá đỗ nhưng chỉ muốn trả 5 nghìn không?”

Dư luận chia thành hai phe rõ rệt, một phe ủng hộ thầy Long, cho rằng giáo dục cần phải cung cấp cơ hội cho tất cả mọi người, trong đó có rất nhiều người nghèo nên học phí phải ở mức mà mọi người đều tiếp cận được, tốt hơn hết là nên miễn phí như các nước Bắc Âu, Đức, Pháp…

Phe bên kia đồng ý với thầy Long vì nhà trường cũng cần tiền để đầu tư nâng cấp, giáo viên cũng cần thù lao xứng đáng để đi dạy, học tập nâng cao trình độ… Vào thời buổi cái gì cũng đắt đỏ với trường được Bộ giao tự chủ tài chính, tự thu tự chi, nếu không tăng học phí sẽ không thể duy trì được.

Ít ai để ý rằng cho đến năm 1954, giáo dục ở Việt Nam chưa bao giờ là miễn phí.Thời còn học chữ nho thì bố mẹ, thậm chí là vợ, phải đội gạo, đeo mấy quan tiền trong tay nải đem đến nhà thầy đồ để xin cho chồng con đi học. Thầy càng nổi tiếng hay chữ thì học phí càng cao, thậm chi ngoài giờ học môn sinh còn phải giúp thầy làm việc nhà như người ở vậy.

Thời đó chưa có kinh tế thị trường nhưng cũng rất rõ ràng, thầy kiếm sống bằng cách cung cấp dịch vụ dạy học cho học sinh và nếu thầy nào dạy kém, học sinh không phục, không có người học thì phải bỏ nghề.

Thời Pháp thuộc có trường công và trường tư. Trường công học phí rẻ nhưng thi phải điểm cao mới vào được còn trường tư thi dễ thì phải đóng học phí cao hơn. Các trường cũng có chính sách cấp học bổng cho những sinh viên nghèo học giỏi nhưng cũng hạn chế và điều kiện ngặt nghèo.

Chỉ sau năm 1954, trong giấc mơ về một xã hội phi vật chất, Việt Nam đã đưa ra ý tưởng về việc miễn phí giáo dục hoàn toàn. Phải công nhận là trong một thời gian, chế độ giáo dục miễn phí đã góp phần quan trọng trong việc xoá nạn mù chữ, phổ cập giáo dục đến tận các vùng quê nghèo. Nhưng đồng thời nó cũng làm bần cùng hoá ngành giáo dục, biến các giáo viên từ thành phần trung lưu trong xã hội thành ra thành phần thấp kém nhất. Nhà trường hoàn toàn không có nguồn thu nào ngoài ngân sách, nên giáo viên chỉ nhận được đồng lương chết đói, trong khi các ngành nghề khác còn có thể có sản phẩm vật chất để kiếm thêm bên ngoài. Nghịch lý giáo dục lúc đó là bằng cấp càng cao càng chết, trường ĐH còn đói kém hơn trường phổ thông vì không thể đi dạy thêm.

Trong thời bao cấp có lưu truyền câu chuyện cười ra nước mắt thế này: Đầu năm học, cô giáo vào lớp điểm danh học sinh, nhân thể hỏi tình hình gia đình. Cô hỏi em A bố mẹ làm gì, em nói làm phó cối nên sáng ăn phở; em B nói bố làm phó mộc, sáng ăn xôi còn em C ngập ngừng mãi mới nói bố em là phó.. phó.. giáo sư nên sáng nhịn đói đi học. Cả lớp cười ầm lên, cô giáo nghiêm khắc đập thước xuống bàn quát: “Các em, không được cười người nghèo!”

Trong hoàn cảnh ấy, chất lượng giáo dục đi xuống không phanh, tệ nạn ép học thêm, vòi vĩnh phụ huynh trở nên phổ biến đến mức cuộc điều tra của WB đã cho thấy ngành giáo dục là ngành có tham nhũng vặt đứng thứ hai ở VN, hơn cả Hải quan.

Đến thời đổi mới, dù nhà nước đã bãi bỏ ý tưởng miễn phí giáo dục, trừ giáo dục tiểu học, nên đời sống giáo viên khấm khá hơn nhưng vẫn duy trì học phí, nhất là học phí ĐH ở mức rất thấp. Tôi còn nhớkhoảng 2007, GS. TS. Hoàng Văn Châu, lúc ấy là Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương, đã vạch một bất cập là Bộ quy định học phí cho một học kỳ 5 tháng học ở trường, cả chi cho lớp học, giáo viên, điện nước, điều hoà, thư viện, Internet… tất tật chỉ có hơn 1tr, tương đương học phí một môn học thêm để thi vào ĐH trong một tháng!!! Tất nhiên nhà nước có đầu tư cho cơ sở vật chất và lương cơ bản của giáo viên nhưng chưa bằng mức lương của người giúp việc mù chữ nên không thể khuyến khích giáo viên gắn bó với nghề hay nâng cao chất lượng đào tạo. Trong hoàn cảnh nguồn thu tăng không kịp với chi, nợ công ngày càng cao và sức ép cho tự chủ giáo dục ĐH từ bên ngoài càng lớn, việc Bộ GD – ĐT phải trao quyền tự quyết cho các trường, trong đó có tự chủ tài chính là kết quả tất yếu.

Nhìn ra thế giới, ta cũng thấy tất cả các nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới như Anh, Mỹ, Australia… đều coi giáo dục là ngành dịch vụ và có thu phí rất cao. Tôi còn nhớ khi lần đầu nhập học ở Anh, tôi rất kinh ngạc khi biết ở ký túc xá đắt hơn ở ngoài nhiều, trong khi ở các nước XHCN thì ký túc xá được trợ giá nên rất rẻ. Nhưng“đắt xắt ra miếng”, dịch vụ và an ninh của ký túc xã rất tốt, lại thường ở gần trường học và thư viện, thuận tiện hơn nhiều. Một số nước châu Âu có chế độ miễn học phí thì bù lại, họ thu thuế thu nhập rất cao, đến 50% và quản lý rất chặt nên không có cơ hội trốn thuế. Nhưng không phải người dân nào cũng hài lòng với việc đóng thuế này. Còn nhớ hồi học ĐH ở Đông Âu, tôi từng nghe rất nhiều người dân phàn nàn về việc đóng thuế quá cao cho phúc lợi giáo dục và y tế được miễn phí. Họ nói như vậy là không công bằng, không phải ai cũng có con cần đi học hay nhu cầu khám chữa bệnh như nhau. Họ đòi được như Anh, Mỹ, đóng thuế thấp để tiền ấy tự lo cho giáo dục và y tế theo nhu cầu. Hơn nữa, việc tự đóng học phí sẽ kích thích sinh viên học tập, bớt ỷ lại và năng động hơn.

Trong hoàn cảnh ngân sách eo hẹp ở Việt Nam, hệ thống thuế còn nhiều bất cập thì việc giáo dục ĐH phải tự chủ tài chính là tất yếu. Đây là chuyện hoàn toàn bình thường trên thế giới. Ở các nước phát triển, học phí học ĐH lên đến hàng chục ngàn USD/năm, chưa kể sinh hoạt phí và rất ít sinh viên có học bổng. Trừ những sinh viên gia đình khá giả, còn lại phải đi vay ngân hàng, đến khi tốt nghiệp số tiền nợ lên đến hàng trăm ngàn USD. Sức ép này đã khiến sinh viên phải học hành nghiêm túc, ngay từ khi còn đi học đã phải kiếm việc làm thêm để trả nợ và trang trải cuộc sống.

Nghịch lý là Việt Nam là một nước nghèo hơn rất nhiều nhưng hầu hết sinh viên VN cho đến khi tốt nghiệp ĐH vẫn hoàn toàn trông chờ và gia đình và sự bảo bọc của xã hội. Đã có chuyện người mẹ tự tử vì không lo được tiền cho con đi học ĐH.

Lâu nay chúng ta luôn than phiền chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục ĐH còn yếu kém nhưng phải chăng nguyên nhân chính là bởi sự thiếu sòng phẳng giữa nhà trường và người học??? Vì học phí các chương trình chính thức quá thấp, thu không đủ bù chi nên nhiều trường lơi là, không quan tâm đến chất lượng dạy học, sinh viên không được tôn trọng. Sinh viên đi học gần như miễn phí nên cũng không biết trân trọng cơ hội của mình, không nỗ lực học tập, dẫn đến tình trạng hàng loạt cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, phải quay về lao động chân tay như thời gian qua.

Đã đến lúc xã hội và sinh viên cần sòng phẳng với nhà trường. Nhà trường cần công bố rõ ràng về dịch vụ giáo dục và giá cả cho người học ngay từ khi nhập học, có thể bằng cách ghi thành một bản cam kết cho sinh viên ký vào để tránh sự hiểu lầm sau này. Sinh viên cần chủ động tìm hiểu thông tin, lựa chọn trường nào có chương trình đào tạo và mức học phí phù hợp với khả năng của mình. Những sinh viên nhà nghèo có thể tham gia các chương trình cho vay học tập của Nhà nước hoặc tham gia các chương trình xin học bổng của trường hay các công ty…

KINH NGHIỆM CỦA CÁC NƯỚC CHO THẤY: DÙ GIÀU HAY NGHÈO BẠN CŨNG CÓ THỂ HỌC ĐẠI HỌC NHƯNG ĐI HỌC VỚI TÂM THẾ “ĂN MÀY” THÌ KHÔNG BAO GIỜ ĐI XA ĐƯỢC!!!

 

*Đã đăng ở đây*

http://khampha.vn/toi/hay-hoc-song-phang-c8a431110.html

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *