TRẢ LỜI PHỎNG VẤN VIETNAMNET VỀ GIÁO DỤC

0 No tags Permalink

 

Phần 1: Thi đại học như cả sở thú thi chung một đề

Giáo dục VN thay vì phát triển con người, chúng ta lại gò ép con người vào cái khung. Kì thi ĐH giống như bắt cả một sở thú cùng thi một đề, nhưng lúc thì bắt bơi, khi lại leo cây, chạy.

Nổi tiếng trên báo chí và mạng xã hội với những quan điểm gây shock, GS-TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên ĐH Ngoại thương Hà Nội, nhận được sự quan tâm đặc biệt của sinh viên và công chúng, cả theo hướng tiêu cực và tích cực. Chị có buổi trò chuyện cùng phóng viên Tuần Việt Nam về sinh viên.

Học Ngoại thương có lợi thế hơn các trường khác?

Hoàng Hường: Ngoại thương là một trong những trường đại học (ĐH) thuộc hàng top của nước ta hiện nay, với điểm đầu vào luôn dẫn đầu bảng điểm chuẩn ĐH. Theo chị sinh viên (sv) NT có được dễ kiếm được việc hơn không?

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh: Về trường NT, thì tôi tin tỷ lệ sv tốt nghiệp trường có việc làm cao hơn những trường khác. Theo khảo sát hàng năm của trường thì 30% – 40% sv năm 3 của trường đã tìm được việc làm, và đến ngay khi tốt nghiệp thì tỷ lệ này là vào khoảng 95%.

Nguyên nhân nào khiến sv NT có được lợi thế hơn các trường khác, thưa chị?

Thứ nhất, nhà trường đã xây dựng được cái gọi là thương hiệu, giúp thu hút nhà tuyển dụng, đó là điều đầu tiên. Thứ hai, thế mạnh mà sinh viên Ngoại thương hơn hẳn những trường khác là các câu lạc bộ (CLB), các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi ở trường hoạt động rất sôi nổi. Điều này không chỉ giúp sv có khả năng cọ sát mà còn rèn luyện được kỹ năng mềm.

Cách đây vài năm có bài báo giật tít chuyện một sv NT nói lương dưới 1000 USD thì không làm, thực hư chuyện này như thế nào?

Trên thực tế đây chỉ là câu chuyện đùa trên diễn đàn của trường, ai đó đã đem ra giật tít thôi. 1000 USD kể cả vào thời điểm này với một sv mới ra trường còn là khó.

Không phải sinh viên giỏi sẽ tìm được việc làm tốt!

Chị có thể chia sẻ một vài câu chuyện, suy nghĩ về sv sau 30 năm giảng dạy không?

Trước kia tôi luôn tin những sinh viên giỏi mới tìm được chỗ đứng tốt. Nhưng sau này tôi mới phát hiện ra là những sinh viên giỏi mà tôi luôn kì vọng vào trước kia lại không phải những người thành đạt nhất, và hình như cũng không phải những người hạnh phúc nhất, kể cả với những người bạn cùng học của tôi ngày xưa cũng vậy.

Vậy theo chị thì nguyên nhân gì lại dẫn tới điều đó?

Có thể nói thông thường học giỏi có 2 loại: thứ nhất là thực sự hiểu vấn đề và áp dụng được, thứ hai là kiểu học gạo. Họ là những sv chăm chỉ học để vượt qua các kỳ thi, nhưng sống co lại, không tiếp xúc với bên ngoài, không giao tiếp với giảng viên, bạn học.

Sau đó bạn ấy có thể kiếm được một công việc tốt sau khi tốt nghiệp, nhưng sau 5 năm, 10 năm, bạn ấy sẽ vẫn bình bình như thế, nghĩa là không có sức bật. Tôi nhớ một sv lớp tại chức tôi từng giảng, bạn ấy học không tốt nhưng rất thân thiện. Bạn ấy làm quen với tất cả các bạn trong lớp, từ đó tạo dựng cho mình những mối quan hệ, và điểm nữa là bạn ấy cũng rất chia sẻ, sẵn sàng làm việc với mọi người. Mọi người cũng rất quý bạn. Sau đó tốt nghiệp khoảng 5 năm sau, tôi thấy bạn ấy đã có một chỗ đứng khá vững vàng.

Vậy là vấn đề ở đây là sv của chúng ta còn kém về kỹ năng?

Để ra ngoài đi làm thì cần rất nhiều những kỹ năng mềm: giao tiếp, lắng nghe, phản biện, kể cả photo in ấn,… cho tới viết email, có đầu cuối, xưng hô đúng mực, viết ý tứ rõ ràng cũng cần phải học.

Trong quá trình giảng dạy, tôi thấy một vài vấn đề của các em: thứ nhất, không cần hiểu bản chất, chỉ để tâm tới việc trả lời sao cho trúng đáp án đúng; thứ hai là thiếu kỹ năng viết, từ format văn bản đến các tên riêng tiếng Anh, rất nhiều em viết còn sai; thứ ba, nói viết đều không thuyết phục, bởi ngay từ bản chất mà chưa hiểu thì sao mà thuyết phục được người khác hiểu và công nhận?

Các em cần biết rằng, trong tuyển dụng thì tiêu chí bằng cấp chỉ chiếm khoảng 30%, có đến 40% là kỹ năng giao tiếp tại chỗ trong quá trình phỏng vấn, có trả lời được chính xác, có đưa được những đề xuất một cách gãy gọn, sắc bén mới có hy vọng được tuyển dụng.

Không bao giờ muộn để theo đuổi đam mê

Có ý kiến ngày nay chúng ta có những sinh viên tròn vo, không có chính kiến, không có tư duy phản biện là do đã tiếp nhận một nền giáo dục quá thụ động từ những cấp học dưới. Chị nghĩ sao về điều này?

Quá đúng rồi! Sau một quá trình theo dõi người trẻ thì tôi phát hiện ra những sv mà hồi là học sinh được khen ngoan thì lên ĐH và sau này ra đời lại không có nhiều tương lai bằng những sv không được khen ngoan. Lý do vì sv ngoan theo chúng ta là những người chịu nghe lời người khác.

Vấn đề là giáo dục VN thay vì phát triển con người, chúng ta lại gò ép con người vào cái khung. Kì thi ĐH giống như bắt cả một sở thú cùng đi thi một ngày, làm một đề, theo một cách đánh giá, nhưng lúc thì bắt bơi, khi lại leo cây, chạy…

Tôi thấy những gia đình và trường học để trẻ tự nhiên phát triển, thì những đứa trẻ ấy khi lớn lên có nhiều cơ hội thành công hơn. Khi Nguyễn Hà Đông được hỏi về bí quyết thành công, em trả lời đơn giản: “Em rất may mắn vì bố mẹ đã để em muốn làm gì thì làm”.

Nói vậy là những sv theo trường phái học những thứ ngoài sách vở sẽ thành công hơn?

Điều này phụ thuộc vào mục tiêu của bạn. Nếu bạn có người lo cho công việc nhà nước thì những sv học gạo thế kia lại có cơ hội chiếm được vị trí lâu bền hơn. Tuy nhiên, cái dở là khi cái ô của bạn mà rơi thì bạn phải làm sao. Còn những sv muốn làm cho doanh nghiệp (DN) nước ngoài, hay muốn tự mình xây dựng sự nghiệp, start-up thì đều phải là những người có tư duy độc lập, phải tìm được con đường riêng cho mình.

(Còn nữa)

Hoàng Hường (Thực hiện)

Xin lỗi sinh viên, em chỉ là con cọp giấy!

Có những sinh viên học hơn một năm ở TPHCM mà bảo đi từ quận Bình Thạnh lên quận Nhất, bảo em không biết đường. Sinh viên như vậy khi ra đời sẽ rất thụ động và là những con cọp giấy.

Có một vấn đề ở đây là nhiều sv gần như không biết đến cuộc sống ngoài cổng trường, thờ ơ với những hoạt động cộng đồng, vì cho rằng điều đó không đem lại lợi ích gì cho họ. Có vẻ trường học cũng chưa có nhiều quan tâm đến vấn đề này?

Điều này nằm ngoài phạm vi quản lý của trường nhưng sinh viên cần hiểu sự thờ ở đó khiến các em thiệt thòi nhiều điều: thiếu hụt kiến thức thực tế, không tạo dựng được những mối quan hệ cho công việc (hiện tại và tương lai). Nhiều em không ý thức được quá trình làm việc không công ấy các em có thể tìm được những đồng nghiệp mới, sếp mới, những kinh nghiệm mà lương không thể mang lại được.

Không chỉ ở trường học, mà ngay các bố mẹ cũng không nhiều người ủng hộ con làm những việc mà theo họ là không đem lại tiền ngay, việc không công.

Có những sv học hơn một năm ở TPHCM mà bảo đi từ quận Bình Thạnh lên quận Nhất, bảo em không biết đường. Vì sao? Vì bố mẹ bảo đi học cần chăm chỉ, điểm cao được rồi, thầy cô khen là ok rồi.

Những sv như vậy khi ra đời sẽ rất thụ động và là những con cọp giấy. Cơ quan bảo đi giao dịch với khách hàng, bảo em không biết đường, thế người ta tuyển anh vào làm gì?

Giữa đam mê và kiến thức, chị cho rằng thứ nào quan trọng hơn?

Tôi từng dạy một sv rất đam mê thời trang, nhưng bố mẹ bắt học Ngoại thương, vì oai hơn, và vì NT là trường công, học phí rẻ, mà ra trường lại dễ xin việc.

Khi gặp tôi thì em ấy cũng đã năm 3 rồi, không tự chủ được về tài chính nên tôi khuyên: Thôi còn một năm nữa thì cố đi cho xong, sau tự chủ được rồi chuyển cũng không muộn. Mười  năm sau gặp lại em đã mở một cửa hàng thời trang hoành tráng, đã đi thi được giải với các NTK thời trang của Pháp. Rõ ràng không bao giờ muộn để theo đuổi đam mê.

Việc bỏ qua đam mê của con trẻ có phải do tư duy dập khuôn của người lớn, bắt con cái học suốt ngày, mà không chú trọng vào sở thích và khả năng của chúng?

Đúng thế! Như những em có kỹ năng viết tốt thì không chỉ có thể làm nhà văn, mà còn rất nhiều công việc phù hợp khác. Hay vẽ tranh đẹp, ngoài làm họa sĩ, còn có thể thiết kế đồ họa hoặc các công việc trong lĩnh vừa sáng tạo. Giỏi cái gì cũng có cơ hội mà. Hay có nhiều bố mẹ lo lắng về việc con mải chơi game, nhưng có những đứa trẻ từ ham mê game mà trở thành những người viết game, kiếm được rất nhiều tiền mà, đâu phải là không có tương lai.

Nhiều phụ huynh trăn trở: với những đứa trẻ không thật sự muốn học thì phải làm thế nào?

Chúng ta học để làm người chứ không phải làm người để học. Có nhiều thứ để học, không nhất thiết là cứ phải có một cái bằng. Tôi có ông anh họ không học hết cấp 3. Sau khi nghỉ học thì đi làm thợ sửa điện nước. Giờ ông làm chủ thầu điện nước rất thành công, thu nhập rất tốt, có tiền cho con trai đi du học tự túc ở Úc. Những tấm gương nổi tiếng như tỷ phú Jack Ma, Steve Jobs,… cũng vậy.

Sống cho chính mình!

Nhiều phụ huynh lại lo, nếu chúng ta để con cái tự làm gì thì làm, nhỡ nó trượt đại học thì đi làm công nhân ư?

Làm công nhân thì có gì là sai? Công nhân không ăn trộm, không giết người, không phải là việc xấu, tại sao lại không được làm công nhân? Ai cũng vào đại học rồi ra làm kỹ sư thì ai làm thợ, trong khi một bản vẽ của một anh kỹ sư cần đến 10 – 20 người thợ thi công?

Có lẽ VN là một trong những nơi mà tỷ lệ người ao ước vào đại học cao nhất. Bởi vậy mới có nhiều trường đại học đến nỗi 3điểm/môn cũng vào được đại học. Những ngôi trường mở ra chỉ để người học có cái mác đại học như thế, khi ra trường thử hỏi sv sẽ làm được gì, rồi lại quay ra trách trường, trách Bộ.

Gần đây tôi có chuyến công tác sang vài nước châu Âu, tôi thấy họ không đặt nặng vấn đề vào đại học của con cái đâu. Họ quan tâm nhiều hơn tới việc con cái họ mong muốn gì, có khả năng gì và sống có hạnh phúc không. Bởi mục đích cuối cùng của mỗi người vẫn là hướng tới một cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn mà.

Chúng ta bị ảnh hưởng quá nhiều bởi cái nhìn của người khác, cái nhìn của xã hội, tư duy lối mòn thế này mới là tốt, là đúng mà không tính đến sự phù hợp về khía cạnh hoàn cảnh bản thân. Hãy nhớ rằng: “Suy nghĩ của người khác không quan trọng. Quan trọng là mình nghĩ gì, mình là ai. Suy nghĩ và ý kiến của người khác chỉ mang tính chất tham khảo mà thôi”.

Tôi xin bật mí là trong đàm phán với cha mẹ, con cái luôn có lợi thế, bởi cha mẹ nào mà không thương con, không mong con được sống tốt, được làm điều mình muốn. Ngoài ra bạn có thể nhờ cậy các trợ giúp và kiên trì, mưa dầm thấm lâu mà, chỉ cần các bạn can đảm nói lên mong muốn của mình!

Nên học trong nước hay đi du học?

Gần đây du học giống như một cái mốt, bằng nước ngoài luôn được gắn hy vọng giỏi giang, lương cao? Quan điểm của chị thế nào?

Cái này phụ thuộc hai yếu tố.

Thứ nhất, là bản thân bạn có muốn đi du học hay không? Nếu cứ ép người ta làm điều mình không muốn thì đó là một việc khiên cưỡng, dẫn đến kết quả đạt được không, cũng tương tự việc chọn nghề theo gia đình hay đam mê ấy.

Thứ hai, là điều kiện gia đình có cho phép không? Đừng cố cắm nhà, cắm đất lo tiền cho con đi du học, để rồi đứa trẻ ấy sống như một con nợ của bố mẹ. Những đứa trẻ đó hoàn toàn không hạnh phúc. Bố mẹ luôn cố dành cho con những điều tốt đẹp nhất (theo suy nghĩ của họ) nhưng lại vô tình đặt cho chúng một gánh nặng, một món nợ.

Xin cảm ơn chị!

Hoàng Hường (Thực hiện)

 

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *