HẰNG ƠI!!

0 No tags Permalink

(Ảnh nhận bằng của những cô gái được KOTO tài trợ học nghề. Hằng đã không được may mắn như thế)

Từ khi Việt Nam bước vào thời kỳ mở cửa, công việc bận rộn và thu nhập cũng khá hơn, gia đình trung lưu nào ở thành phố đều từng phải thuê người giúp việc mà chúng ta quen gọi là Oshin, theo tên nhân vật chính trong một bộ phim nổi tiếng của Nhật đình đám trong những năm 90. Ở nhà tôi, từ khi sinh con thứ 2 vào giữa những năm 90 là tôi bắt đầu phải tìm người giúp việc, Hơn 20 năm qua, số người từng ở nhà tôi cũng phải đến hàng chục, đủ mọi lứa tuổi mà nhiều nhất là các bạn trẻ từ 14-15 đến quanh 20 tuổi. Người trung niên, lớn tuổi đi làm để có tiền cưới vợ cho con (không ai đi làm để cưới chồng cho con cả), nuôi con đi học ĐH (phần lớn là con trai), hoặc ở nhà buồn, đi làm để không phải dựa vào con.

 

Người trẻ tuổi thường là các bạn nhà nghèo, ít học (cấp 2 là nhiều), đa số làm vài tháng là đòi nghỉ để lấy chồng rồi lại nhanh chóng ly hôn, rồi lại quay về làm oshin tiếp. Lúc đầu tôi rất lý thuyết, thấy các cháu còn nhỏ mà học hành lỡ dở, cư khuyến khích chúng đi học tiếp nhưng 90% từ chối ngay tức khắc, bảo “nhà cháu nghèo, cháu học hành không ra sao, học nữa cũng chẳng để làm gì”!!! Qua những người này, tôi đã gặp đủ mọi cảnh đời, có những người cho đến giờ vẫn qua lại, có người thỉ thoáng qua vài ngày với nhau nhưng chuyện đời của họ vẫn khắc sâu trong lòng tôi vì nó thể hiện những góc khuất điển hình của xã hội VN. Mới đây tôi gặp một bạn trẻ tên Hương, rất nhanh nhẹn, vui vẻ và hiểu biết, tiếng Anh trôi chảy. Qua câu chuyện mới biết chuyện đời bạn cực thú vị.

Từ một cô bé con nhà cực nghèo, bỏ học đi làm giúp việc từ năm 12 tuổi, rồi vì chủ nhà không đồng ý cho đi học nên năm 17 tuổi bạn bỏ ra ngoài, tự thuê nhà bươn chải để được đi học bổ túc. May mắn có người giới thiệu vào lớp học thiện nguyện của KOTO, từ đó bạn đã trưởng thành và nhận được học bổng đi học Master ở Australia, trở thành nhân viên tập đoàn QT ở Anh. Nghịch cảnh không làm bạn ngã lòng mà lại giúp bạn trưởng thành nhiều hơn. Đẹp hơn nữa là dù thành đạt, bạn vẫn không quên quay lại làm việc, giúp đỡ cho những bạn trẻ có hoàn cảnh như mình. [1] Nhưng chuyện của bạn làm tôi nhớ đến một câu chuyện khác mà tôi từng trực tiếp chứng kiến, một số phận mà cho đến giờ nhớ lại vẫn thấy rất đau lòng.

 

Khoảng những năm cuối 90, đầu 2000, do con nhỏ và tôi thường xuyên phải đi công tác xa, lại quá chán ngán những người giúp việc kém cỏi lại không chịu học hỏi nên tôi đến trường Hoa Sữa, một trường thiện nguyện chuyên dạy nghề bếp cho trẻ nhà nghèo, để tìm học sinh nào muốn đi làm thêm. Tôi được giới thiệu một cháu tên Hằng, lúc ấy 18 tuổi nhưng gầy bé như mới 14-15. Hỏi ra mới biết nhà cháu ở bên Gia Lâm, bố là thương binh bị chấn thương sọ não nên mất khả năng lao động, giờ được ưu tiên giao làm bảo vệ ban đêm ở chợ, cả lương thương binh và tiền làm bảo vệ cũng chỉ được vài triệu. Mẹ cháu buôn bán nhỏ ở chợ, nhà có 2 anh em, cháu phải bỏ học đi làm sớm để anh trai được đi học. Ở nhà bố cháu thỉnh thoảng lại lên cơn động kinh, lúc tỉnh cũng chỉ chăm lo cho anh trai, mẹ thương cháu nhưng không vượt khỏi nếp nghĩ vùng quê nên cũng không giúp gì được nhiều. Cháu lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương, ăn không no, mặc không đủ ấm. Đến tuổi dậy thì, ra ngoài từng có người yêu nhưng bị gia đình bên ấy chê nhà nghèo, lại không xinh đẹp nên đến tận nhà mắng bố mẹ cháu, làm cháu càng thêm buồn tủi. Nhờ trường Hoa Sữa về địa phương tìm học sinh nghèo để trợ giúp nên cháu được đến trường học nhưng trường chỉ miễn học phí chứ không cho tiền tiêu vặt nên cháu đi làm mong kiếm thêm chút ít. Thật ra tay nghề cháu rất bình thường (học sinh khá đã được giới thiệu đi làm nhà hàng, khách sạn hết rồi), nhưng được cái chăm chỉ, trung thực nên gia đình cũng hài lòng. Vì trông cháu chỉ nhỏ như con gái mình nên ngày Tết ngày lễ, đưa con đi chơi tôi cũng đưa cháu đi cùng, mua quần áo cho con thỉnh thoảng cũng mua cho cháu. Đầu tiên cháu rất cảnh giác, hàng ngày đạp chiếc xe đạp nát cả giờ từ trường đến nhà tôi, sau quen dần nếu không có giờ học là ngủ lại nhà tôi luôn, cuối tuần mới đi xe bus về nhà. Nói thật là do quá bận nên tôi không có thì giờ trò chuyện nhiều với cháu, chỉ thỉnh thoảng hỏi về công việc thôi. Thấy cháu tươi tỉnh hơn, có da có thịt, ở nhà bắt đầu cười nói với mọi người nên cũng an tâm. Trường Hoa Sữa hứa là khi cháu tốt nghiệp sẽ giới thiệu cho cháu đến làm ở một nhà hàng nào đó, như vậy cháu có thể rời gia đình để tự lập, sẽ ổn thỏa hơn.

 

Nhưng sau khoảng hơn 1 năm thì  cháu nói phải nghỉ việc vì anh trai muốn cưới vợ, nhà rất cần tiền nên bố mẹ muốn cháu đi làm cho một quán cơm bình dân ở gần nhà, lương cao hơn. Tôi rất tiếc nhưng không biết làm thế nào, hỏi giáo viên ở trường thì cũng botay vì trường không có quyền can thiệp vào việc của gia đình, còn cháu lại không dám trái ý gia đình. Hôm chia tay tôi cho cháu ít tiền và bộ quần áo rồi dặn khi nào rảnh cháu cứ qua chơi, dù biết từ nhà cháu qua chỗ tôi đi xe đạp phải 2-3h, xe bus rất ít nên không dễ dàng gì. Nhìn cháu rơm rớm nước mắt, tôi rất buồn nhưng cũng đành bất lực.

Sau đó cháu có quay lại chơi 1-2 lần nhưng nhìn cháu còn bơ phờ, gầy gò hơn cả trước khi đến nhà tôi. Cháu kể hàng ngày cháu phải đến quán cơm từ 5h sáng để chuẩn bị, làm đến 9-10h đêm mới được về. Quán chỉ có cháu là đầu bếp chính, cả tháng mới được nghỉ một ngày mà lương có vài triệu một tháng. Tôi xót quá nhưng cháu đã quá 18 tuổi, nếu cháu không tự giải phóng thì không ai giúp được. Không ngờ đó là lần cuois cùng tôi được gặp cháu.

 

Bẵng đi vài tháng cháu không qua nữa, tôi bận nên cũng lãng đi. Rồi một hôm tôi nhận được điện thoại của một bạn học của cháu ở trường Hoa Sữa, nói là cháu bị tai nạn, đã qua đời từ cả tháng trước. Vì cháu luôn kể về tôi với bạn bè, nói là cháu coi tôi như mẹ, thời gian cháu ở nhà tôi là thời gian hạnh phúc nhất trong đời cháu nên các bạn phải đi tìm mãi mới có số điện thoại nhà tôi (thời ấy chưa có di động, Internet cũng chưa phát triển). Bạn cháu cho tôi địa chỉ nhà cháu, khẩn thiết mong tôi qua thắp hương cho cháu được thỏa lòng. Tôi phải chờ đến cuối tuần thuê xe chạy qua nhà cháu. Điều làm tôi ngạc nhiên là nhà cửa khá giả hơn tôi tưởng, góc nhà còn dựng xe Spacy, hỏi ra mới biết là xe của anh trai cháu. Mẹ cháu gầy nhỏ, trông khá đau buồn, rất nhiệt tình mời tôi vào uống nước, nói là bố cháu đi gác đêm về nên còn đang ngủ. Một lúc sau anh trai và chị dâu cháu về, trông hai người có vẻ no đủ, ăn mặc khá đẹp, thái độ thản nhiên và không biết gì nhiều về cháu. Tôi quặn lòng nhớ đến dáng vẻ suy dinh dưỡng, gầy xơ xác trong mấy bộ quần áo cũ và chiếc xe đạp nát của cháu. Mẹ cháu khóc kể là sáng sớm cháu đi làm, trời còn tối mà đêm hôm trước cháu về quá khuya nên chắc mệt, tay lái không vững, bị chiếc xe container đâm vào, chết ngay tại chỗ. Số phận quá độc ác, cháu chết không toàn thây, nhưng chiếc xe đạp văng ra lại không sao cả! Mẹ cháu vừa khóc vừa nói mấy ngày trước khi chết cháu vẫn nhắc đến tôi, mong có lúc rảnh rỗi chạy qua nhà tôi. Tôi có mua ít hoa quả, xin phép mẹ cháu cho thắp hương cho cháu. Mẹ cháu đứng trước bàn thờ khấn, bảo cháu là “Cô Ánh đã đến thăm con rồi, con yên tâm nhé. Ở bên ấy con nhớ phù hộ cho cô”. Tôi trào nước mắt bảo: “Không, cô không cần cháu phù hộ gì cả. Cô chỉ cần cháu được an nghỉ, kiếp sau nhớ đầu thai cho tốt, đừng sống cả đời vì người khác như thế”!

Sau này tôi dọn nhà, đánh mất địa chỉ của cháu nên không quay lại được nữa mà cũng không tha thiết muốn quay lại nơi đã bạc bẽo với cháu đến thế. Cả cái gia đình 4 người ấy, chỉ có mẹ cháu là có thương cháu nhưng vẫn tiếp tay cho chồng và con trai bóc lột cháu đến chết. Điều đáng buồn nhất là tất cả bọn họ không hề ý thức được sự sai trái của mình. Một cô gái chăm chỉ, trung thực, đầy tình yêu với những người xung quanh, nếu được sinh vào một gia đình tử tế thì đã có được một cuộc sống bình an, tốt đẹp nhưng đã phải chết tức tưởi giữa tuổi hoa niên mà chưa được hưởng một ngày vui trọn vẹn nào.

Hơn 20 năm đã qua nhưng những câu chuyện tương tự vẫn tiếp tục xảy ra.

LÀM SAO ĐỂ TRỪNG TRỊ ĐƯỢC NHỮNG HUNG THỦ VẪN ĐANG NHỞN NHƠ QUANH CHÚNG TA???

 

 

[1] https://kenh14.vn/chuyen-chua-ke-ve-co-gai-viet-tung-lam-o-sin-ngu-gam-cau-thang-tro-thanh-thac-si-tren-nuoc-uc-20171016193042226.chn

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *