Cuộc chiến tranh giữa hai miền Việt Nam kéo dài hơn 20 năm đã tốn rất nhiều giấy mực của cả hai phe. Những đau thương trong cả thời chiến và hậu chiến sẽ còn mãi ghi dấu trong lịch sử của Việt Nam và thế giới. Nhưng có những vết thương không hề đổ ...
KHI “LÀM ĐÚNG” VẪN LÀ CHƯA ĐỦ
(Võ Phương Linh) Một ngày nọ, tôi thức dậy với một tin nhắn thông báo về các cuộc hẹn tiêm vắc-xin sắp tới của tôi. Nếu bạn sống ở Geneva, bạn có thể biết rằng bây giờ tất cả mọi người trên 16 tuổi đều đủ điều kiện để tiêm vắc xin COVID - báo hiệu ...
Đầu những năm 2000, khi đời sống người dân được cải thiện, và nhất là khi có mạng xã hội, phong trào từ thiện cá nhân bắt đầu bùng nổ. Trước đó mọi người chỉ góp tiền theo cơ quan yêu cầu hoặc cùng lắm gửi tiền theo thông tin trên các mục từ thiện của các báo, nhưng cũng không nhiều lắm vì chỉ giới hạn trong những người đọc báo và phải mang tiền đến tòa soạn. Nhờ Internet, thông tin đi nhanh hơn, mạng xã hội lại giúp mọi người kết nối với nhau để việc từ thiện cộng đồng được phát triển. Theo mình nhớ, vụ từ thiện cộng đồng lớn đầu tiên là vụ sập cầu Cần Thơ năm 2007, báo chí đưa tin hàng trăm người chết và bị thương, hầu hết là công nhân địa phương nghèo, không có bảo hiểm, có những gia đình cả cha và con đều mắc nạn. Tin tức đó và hình ảnh những người vợ, người mẹ khóc nghẹn bên cảnh đổ nát đã làm cả nước xúc động, rất nhiều cá nhân và tổ chức thông qua mạng xã hội Yahoo tập trung quyên góp rồi đem tận nơi cho gia đình họ. Các nhóm từ thiện bắt đầu hình thành, từ nấu cơm, trợ giúp cho các bệnh nhân; xây trường hay mùa Đông góp quần áo ấm cho trẻ em vùng cao.
Mình tham gia vào quyên góp từ thiện khoảng hơn chục năm rồi, ban đầu là vì theo bạn bè, sau khi không rủ được ai thì tự mình đứng ra. Mình từng quyên góp cho bệnh nhân nghèo, cho các trường hợp gặp tai nạn, xây trường miền núi, cho sinh viên nghèo trong trường, cả cho những vụ lớn như Formosa hay các trường hợp gây nhiều tranh cãi như vụ Đoàn thị Hương. Làm từ thiện rất vui, có dịp làm quen với nhiều bạn tốt, khi giúp đúng người cần thấy lòng sung sướng như chính mình được giúp. Mình cũng có giúp được 1 số người, vài em còn trở thành thân với mình, thỉnh thoảng vẫn trao đổi với nhau. Tuy nhiên, mình cũng được rất nhiều bài học.
Lúc đầu mình cũng rất dễ bị kích động, đọc 1 bài báo hay 1 stt là đùng đùng đi quyên tiền của mình và của bạn bè rồi hớn hở tưởng tượng ra công sức nhỏ bé của mình đã giúp được ai đấy, làm họ bớt đau đớn, dễ sống hơn, được đi học, bớt đói nghèo…
Nhưng tính mình làm gì cũng muốn đến cùng nên hễ có điều kiện là chạy đến tận nơi đưa cho họ và có được những bài học bất ngờ. Thực tế nhiều khi không giống như những gì báo chí/bạn bè chia sẻ trên Facebook, hoặc đơn giản là khi mình biết đến thì tình hình đã khác. Một lần báo đăng tin 1 sinh viên nghèo trọ học ở HN bị ốm nặng, mình và bạn bè gom góp tiền đến nhà trọ thăm chỉ để phát hiện ra em chỉ ốm sơ sơ và đã khoẻ. Còn cái gọi là nhà nghèo là em ở trọ trong 1 căn hộ độc lập, có laptop, smartphone, còn có bạn gái ở cùng…
Lần khác mình lặn lội lái xe đi 40km để thăm 1 gia đình mà báo chí nói là hộ nghèo mà cả nhà bị tai nạn ô tô nhưng đến nơi thì họ có bị gẫy xương nhưng đang bó bột ổn đình và đã nhận được quá nhiều tiền…
Hồi vụ Formosa, mình lặn lội cùng bạn bè đi tàu ngồi cả đêm vào Hà Tĩnh để cứu trợ, còn phải nhờ người quen đưa vào vùng bị ảnh hưởng để chắc chắn gặp được đúng người . Đến nơi thấy cả hàng dài đoàn cứu trợ đứng chờ trước cửa các gia đình nằm trong danh sách, trong nhà gạo và mì tôm xếp đến tận nóc nhà và người dân có vẻ đã chuẩn bị 1 bài sẵn để trình bày với các đoàn…
Vụ lớn nhất mình làm nhằm trợ giúp cho 1 nữ công dân VN mắc nạn ở nước ngoài vì gia đình nói không có tiền thăm em nhưng đến nơi thì thấy đồ đạc trong nhà vừa được sắm mới hết và mọi người không sẵn sàng lên đường chút nào…
Sau vài lần như vậy, mình đề ra nguyên tắc là luôn phải có người xác minh thông tin (may quá, nghề giáo viên và FB đã giúp mình khá nhiều), nếu được mình sẽ tự đến nơi rồi mới quyết định nên làm gì. Vụ đi cùng chị Phan Vũ Diễm Hằng lên trường miền núi Điện Biên chắc là khó quên nhất, vì sau 1 đêm ngồi xe, mình được một thấy giáo chở đằng sau xe Minsk trên đường sống trâu dốc ngược, 1 bên là núi, 1 bên là vực sâu để đến điểm trường. Mình sợ chết khiếp, còn thầy cứ đi băng băng, vừa đi vừa động viên “Chị đừng lo, chúng em đi thế này suốt mà”!
Chuyến đi rất bõ công vì mình tận mắt biết các cháu cần gì, hiểu được sự vô nghĩa của việc kêu gọi đến trường với những đứa trẻ cả tuần không có nổi bữa cơm no, không biết giày dép là gì. Chúng mình đã đề ra chương trình trả tiền ăn cho các cháu để chúng chịu đến trường, cho đến nay đã được mấy năm rồi. Sau chuyến đi ấy, chứng kiến sự vô tư của các giáo viên (các thầy cô không yêu cầu gì cho mình, chỉ mong chúng mình giúp nuôi các cháu), những khó khăn họ phải đương đầu dù được nhà nước đãi ngộ khá tốt (lương giáo viên vùng cao rất khá), mình chẳng bao giờ dám vỗ ngực gì nữa.
Bình thường với những case sau kiểm chứng thấy không cần trợ giúp hoặc trợ giúp không nhiều, mình đều xin ý kiến những người quyên góp để dành tiền cho những trường hợp khác cần hơn, như Quỹ Thiện Nhân hay Nhà Chống Lũ. Tuy nhiên, có 1 case làm mình rất lăn tăn.
Có lần 1 cựu SV khá thân nhờ mình share lời kêu gọi quyên góp của gia đình 1 nữ sinh thiệt mạng ở nước ngoài, nói là bạn học cũ của em, không may gặp tai nạn. Mình tìm hiểu thấy em gái đó rất năng động, tích cực mà gặp tai nạn quá đáng tiếc nhưng không hiểu vì lý do gì số tiền gia đình em kêu gọi quá nhiều (hình như quanh 30 ngàn euro gì đó, lâu rồi không nhớ rõ). Em sinh viên cho mình điện thoại của chị gái nạn nhân, cũng còn rất trẻ. Em tỏ ra khó chịu khi mình hỏi vì sao đưa ra con số 30 ngàn Euro, bảo có người nói cần ngần nấy tiền và không muốn chia sẻ thêm gì nữa. Sau cả tháng gia đình vẫn chưa đi đón em dù thông báo đã đủ tiền, cũng không cho biết số tiền quyên góp là bao nhiêu, dự định dùng vào việc gì. Mình hỏi vài lần mới biết vì quá nhiều người muốn đi nên sứ quán cần thời gian xác minh. Cuối cùng họ chỉ cấp visa cho 1 – 2 người gì đó, gia đình đi đón em về nhưng không có lời nào cám ơn cộng đồng hay giải trình gì về số tiền làm rất nhiều người quyên góp phẫn nộ… Sau vụ ấy mình rất ân hận, cảm thấy ngay cả khi làm việc thiện cũng phải chọn người. Nạn nhân có thể rất OK nhưng nếu chỉ có thể quyên góp qua gia đình họ thì cũng phải tìm hiểu, “chọn mặt gửi vàng” để lòng tốt của những người tin cậy mình không bị uổng phí.
Càng làm nhiều, mình càng hiểu từ thiện thật ra rất khó, làm sao để tiền đến đúng nơi, đúng lúc và giúp được ai đó chứ không phải là làm hại họ như hồi vụ sập cầu Cần Thơ, tiền từ thiện đã làm nhiều gia đình sinh tranh cãi mà tan vỡ, hoặc tệ hơn là sa vào tiêu pha hoang phí, nghiện ngập. Không phải bỗng dưng phương Tây phải có hẳn ngành Công tác xã hội và làm từ thiện cũng phải được đào tạo.
Người thật sự làm mình phải nghĩ lại về cách tham gia quyên góp từ thiện của mình chính là anh Đặng Hoàng Giang trong talkshow gây tranh cãi 60 phút mở” với chủ đề Người ta làm từ thiện là vì ai? trên VTV. Trong talkshow ấy anh Đặng Hoàng Giang có chia sẻ rằng việc các đoàn cứ mang quần áo dưới xuôi lên miền núi tặng cho người nghèo, lâu dần, bản sắc dân tộc vùng cao sẽ bị mất. Anh Giang chia sẻ là “ cần đa dạng hóa hoạt động từ thiện của mình. Chúng ta vẫn có thể làm từ thiện theo kiểu cứu ứng. Nhưng song song với hành động cứu ứng thiên tai địch họa như thế thì chúng ta nên có cái lâu dài hơn như là làm sao cho môi trường sinh nhai của cộng đồng ấy có ảnh hưởng hay không, dạy cho bà con những cái như là quản lý tài chính, lao động. Tôi nghĩ 2 cái đó nên đi song song với nhau, cần tài chính và chất xám như nhau”. Mặc dù quan điểm này lúc đó bị ném đá dữ dội nhưng càng ngày mình càng thấy đúng. Tìm hiểu các tài liệu chuyên môn mình được biết, phương Tây chia từ thiện làm 2 loại: charity (Từ thiện cứu trợ) và Philantrophy (Từ thiện phát triển). Từ thiện cứu trợ nên áp dụng trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, lũ lụt, ốm đau… kèm theo sự khảo sát để việc cứu trợ đến đúng địa chỉ và đúng cách. Còn Từ thiện phát triển là hoạt động thường kỳ của những tổ chức từ thiện chuyên nghiệp, VD như tài trợ xây trường học, xây nhà, thư viện…Việc làm từ thiện cũng cần được nghiên cứu khảo sat rất nhiều để không gây tác động xấu cho đối tượng tiếp nhận cả về sức khỏe, văn hóa và con đường phát triển nên nếu cứu trợ khẩn cấp thì có thể chỉ cần quần áo ấm, nhưng nếu lâu dài thì cần có kế hoạch đưa những trang phục phù hợp với văn hóa bản địa.
Vì thế, về lâu dài Nhà nước cần nghiên cứu kinh nghiệm của những nước đi trước để có chính sách khuyến khích các quỹ từ thiện chuyên nghiệp, tổ chức các khóa học về làm từ thiện chuyên nghiệp, cả Từ thiện cứu trợ và Từ thiện phát triển. Hiện tại Việt Nam đã có một số tổ chức Từ thiện khá hiệu quả như Quỹ Cơm có Thịt, Thiện Nhân và những người bạn, Nhà Chống Lũ… nhưng số lượng còn ít và phạm vi hoạt động còn hẹp, chưa có nghiệp vụ đầy đủ. Mặc dù thời gian gần đây Mặt trận Tổ Quốc và Hội Chữ Thập đỏ là những tổ chức từ thiện do Nhà nước thành lập đã có nhiều nỗ lực nhưng so với nhu cầu của xã hội như vậy vẫn còn quá ít ỏi và cũng cần được chuyên nghiệp hóa hơn. Người dân cũng cần tìm những địa điểm đáng tin cậy để “chọn mặt gửi vàng” và hãy có tầm nhìn dài hạn hơn để những đồng tiền của mình thật sự đem lại lợi ích cho những người được nhận. Đừng để lòng tốt của mình lại kích thích lòng tham và tạo điều kiện cho sự lười biếng của họ như câu chuyện ca sĩ Phương Thanh đã chia sẻ trong câu chuyện của mình.
Cha ông ta đã nói, “Của cho không quan trọng bằng cách cho”, Lòng tốt sai cách rất có hại đấy!
Social Networks