NẾU KHÔNG HỀ CÓ CUỘC CHIA LY…

0 No tags Permalink

Cuộc chiến tranh giữa hai miền Việt Nam kéo dài hơn 20 năm đã tốn rất nhiều giấy mực của cả hai phe. Những đau thương trong cả thời chiến và hậu chiến sẽ còn mãi ghi dấu trong lịch sử của Việt Nam và thế giới. Nhưng có những vết thương không hề đổ máu mà nỗi đau và ảnh hưởng của nó đến cuộc sống của những người trong cuộc cũng to lớn không kém bất kỳ cuộc chiến nào.

Tôi xuất thân từ một gia đình được coi là “lý lịch không tốt” vì ông nội bị quy là địa chủ dù chỉ có gần 4 mẫu ruộng, bố tôi nhờ học giỏi lại có học bổng vào trường Tây, ông ngoại tôi là công chức thời Pháp, năm 1954 hai người chị của mẹ tôi lại theo chồng vào Nam. Vì vậy dù chuyên môn tốt nhưng bố mẹ tôi không bao giờ được vào đảng, việc thăng tiến luôn nằm ngoài tầm tay. Thậm chí đến khi thi ĐH tôi thừa điểm đi nước ngoài nhưng suýt bị hụt vì bố mẹ không phải đảng viên dù lúc ấy cuộc chiến đã lùi xa. Trong suốt thời thơ ấu, thỉnh thoảng đang ngủ tỉnh dậy tôi lại nghe bố mẹ tôi than thở về việc bị chèn ép ở cơ quan, thậm chí đến những quyền lợi bình thường như tem phiếu cũng bị cắt xén, mà cũng chỉ dám nói trong đêm, khi con cái đã ngủ. Những “người có vết” như bố mẹ tôi có thể bị phê phán vì những thứ rất vô lý như bố tôi từng bị bác đơn vào đoàn vì tội lúc nào cũng “cám ơn” với “xin lỗi” do đó là “tàn dư của văn hoá tiểu tư sản”! Còn mẹ tôi thì dù là cán bộ đoàn rồi công đoàn tích cực, chuyên môn giỏi nhưng lần nào làm đơn vào đảng hay thăng tiến gì đó đều được trả lời “Với lý lịch của chị thì phải có thành tích đặc biệt mới xét được” nhưng thế nào là “đặc biệt” thì không ai nói cho. Mỗi lần được xem cuốn album bố mẹ tôi giấu kín trong tủ, nhìn những tấm ảnh hai người ăn mặc đẹp, rạng rỡ, đầy khí phách, rồi nhìn hai người bây giờ gầy ốm, đầy lo âu, mọi ước mơ đều gửi gắm vào con cái, dù còn nhỏ tôi vẫn thấy rất xót xa, bất lực. Sau này tôi mới biết, bố tôi đã làm xong hồ sơ đi Pháp học ĐH, cuối năm 1954 là đi nhưng sự kiện Điện Biên Phủ đã thay đổi tất cả. Bố tôi kể, lúc ấy còn thanh niên, thấy người Việt thắng trận là mừng, chả sợ thiệt thòi gì, mãi sau này mới nhận ra cuộc đời mình đã bị thay đổi hoàn toàn mà thậm chí đến oán giận cũng không dám! Lớn lên đi làm, dù vẫn còn bị kỳ thị nhưng cuộc sống đã được khá hơn bố mẹ rất nhiều, tôi vẫn thường trăn trở, nếu có được cơ hội như mình, đời bố mẹ mình có thể đã tươi sáng đến đâu. Chúng tôi còn may mắn hơn nhiều gia đình mất người thân trong cuộc chiến nhưng không chỉ có cái chết là đáng sợ, sống trong sự vùi dập không có ngày ra cũng là một nỗi khổ không kém, nhất là khi nó được khởi đầu đầy hứa hẹn. Cuộc đời của bố mẹ tôi và biết bao người cùng thế hệ, những thanh niên, thiếu nữ xinh đẹp, trẻ trung, nhiệt huyết, tài năng… đã bị huỷ hoại một cách oan uổng như thế mà không hy vọng có sự bù đắp.

Bố mẹ đã nuôi chúng tôi đã sống qua cả thời chiến và thời hậu chiến trong sự nghèo khó, nghi kỵ và yếm thế. Nhưng chiến tranh cuối cùng cũng chấm dứt, chúng tôi đã trưởng thành, bố mẹ tôi được gặp lại những người thân ở bên kia giới tuyến, kể cả người ở nước ngoài cũng đã trở về. Những tưởng những đau thương của cuộc chiến cuối cùng đã rời xa, bố mẹ tôi sẽ được an hưởng tuổi già để dần nguôi ngoai những thất vọng trong đời. Bố tôi bắt đầu dám kể lại những kỷ niệm thời đi học ở Albert Sarraut, mẹ tôi dám hát nhạc tiền chiến, hội cựu học sinh trường Albert Sarraut và trường Trưng Vương mở lại, hai cụ hào hứng tham gia. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy đang kể chuyện thời đi học, bố tôi chững lại rồi chuyển sang đề tài khác, nhưng bận rộn chuyện riêng nên không để ý lắm.

Rồi một ngày đầu những năm 2010, bỗng nhiên bố tôi gọi điện bảo tất cả chúng tôi về nhà để gặp khách mà không nói là ai. Đến nơi tôi mới thấy một phụ nữ trạc tuổi mình, có vẻ là Việt Kiều đang ngồi trong nhà, bố tôi có vẻ rất xúc động còn mẹ tôi khá lúng túng. Hỏi ra tôi mới biết hoá ra chị là con gái người phụ nữ là mối tình đầu của bố tôi, chuyện tình mà bố tôi chưa từng kể với ai. Đó là một cô gái xinh đẹp, được học hành tử tế, con gái một gia đình khá giả trong làng. Quen biết nhau từ nhỏ nhưng mãi đến sau Hiệp định Geneve được ký kết, cả hai cùng tham gia vào đội văn nghệ với anh cô mới bắt đầu cảm mến nhau. Do gia giáo hai nhà đều rất nghiêm nên cả hai không dám kể với ai. Đọc lại những dòng tâm sự của cụ về mối tình thơ mộng ấy, tôi vẫn còn cảm thấy thổn thức:

“Từ hôm ấy trở đi, chúng tôi thường hẹn nhau cùng đạp xe đi chơi trên các phố phường Hà Nội. Có thể nói hầu như khắp các đường phố Hà Nội cũ đã in dấu bánh xe đạp của chúng tôi, thường là mỗi đứa mỗi xe, đi song song, thỉnh thoảng mới có buổi tôi dám đèo nàng. Đói thì dừng xe, mua bánh mì với pa-tê hay trứng ốp-la ăn, khát thì mua nước uống, đạp xe rong ruổi không biết mỏi. Hình như chỉ cần có nhau bên cạnh là đủ hạnh phúc, trò chuyện chẳng mấy, những câu chuyện mà chắc có kẻ thứ ba nào vô tình nghe được, sẽ cảm thấy rất dớ dẩn. Chúng tôi đã nhiều lần đạp xe quanh Hồ Gươm ngắm phong cảnh, đôi lần dắt xe đi bộ, hít thở không khí trong lành, dừng bước dưới chân Tháp Bút, ngước nhìn lên Đài Nghiên, dựng xe khóa lại rồi dắt tay nhau bước qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn, lang thang ra Trấn Ba Đình ngắm cảnh hồ, sóng nước lăn tăn. Cũng có lần dừng chân mua lạc rang của ông già người Hoa đứng bán bên tháp Hòa Phong. Lạc rang của ông trăm hạt như một, to đều, đựng trong cái hòm gỗ đeo trên vai, lạc bán được đếm từng hạt, đựng trong phễu bằng giấy gấp. Có hôm 2 đứa đã hẹn nhau 6 giờ sáng hôm sau đi chơi, bỗng gần sáng trời đột nhiên đổ mưa như trút nước. Sắp đến giờ hẹn, tôi đi ra ngóng trời rồi đi vào, ruột như có lửa đốt, cuối cùng quyết định cứ mặc áo đội mưa dắt xe đi. Đến nơi, tôi nấp ở tò vò cổng nhà đối diện nhìn sang; vài phút sau thấy nàng mở cổng thò đầu ra, gật đầu với tôi ra ý hẹn chờ. Dăm phút sau nàng dắt xe ra, mình cũng mặc áo mưa. Thế là 2 đứa lên xe cùng đạp đi, bất chấp trời mưa to…”.

Trong tâm trạng tràn trề hy vọng do những tuyên truyền thời mới giải phóng, lại chìm đắm trong tình yêu, cả hai không hề biết dông tố đang đến gần. Cuộc sống dần khó khăn hơn, lòng người bất an trong lựa chọn di cư vào Nam hay ở lại vì điều 14 của Hiệp định cho phép người dân ở mỗi miền di cư đến bên kia trong vòng 300 ngày sau thoả thuận đình chiến, tức là đến ngày 19/5/1955. Do nhà bố tôi không có ai làm cho Pháp hay đi lính, lại rất tin vào cụ Hồ nên không nghĩ gì đến ra đi. Nhưng một hôm ông đột ngột được tin cô gái ấy đã theo vợ chồng người anh trai bỏ vào Nam. Lúc đầu ông không tin được vì mới gặp nhau hai hôm trước không thấy cô nói gì. Nhưng rồi không thể chối bỏ được sự thật phũ phàng: cô đã ra đi, ra đi mà không một lời nhắn nhủ hay từ biệt.

Quá đau lòng, ông cho rằng cô đã phản bội tình yêu, nên cố quên hẳn, không bao giờ kể với ai. Rồi ông gặp mẹ tôi và lập gia đình, bận bịu với con cái, mưu sinh, chuyện cũ dần chìm vào quên lãng như chưa bao giờ tồn tại. Đến năm 1975, đất nước thống nhất, hai miền bắt đầu giao lưu với nhau, nhưng cũng không thấy cô gái ấy quay về nên ông càng đào sâu chôn chặt chuyện cũ.

 

Đến mấy hôm trước có 1 người cháu trong nhà bên ấy mời ông qua chơi, gặp con gái cô ấy ông mới biết hơn 50 năm qua, cô gái ấy (giờ ta phải gọi là bà) không hề quên ông và rất áy náy vì đã buộc phải ra đi. Gia đình bà có 2 người anh, vốn đều theo cụ Hồ, nhưng một người sau thời gian ở chiến khu đã mất lòng tin nên muốn bỏ đi, nhưng lại không thể công khai vì ngại người kia ngăn cản. Do bà sống với vợ chồng người anh này nên buộc phải đi theo, chỉ kịp để lại vài dòng nhờ người chị chuyển cho bố tôi, xin lỗi vì phải đi gấp và hẹn 2 năm sau hiệp thương thống nhất đất nước sẽ gặp nhau. Đến năm 1956, thấy không có hy vọng, bà lại gửi một thư nữa xin lỗi là đành lỡ hẹn, nhưng người chị không biết sao không hề chuyển lại. Chờ mãi không thấy hồi âm, bà đành kết hôn với một giáo viên, sống cũng ổn định. Tuy nhiên, trong trái tim bà vẫn luôn có 1 góc dành cho mối tình đầu thơ ngây, đau đáu mong ngày gặp lại để có dịp giãi bày.

 

Nhưng đến ngày 30.4.1975, gia đình bà phải hoà vào đoàn người di tản, bỏ lại đằng sau hy vọng được nhìn thấy người thân và quê hương. Những năm đầu vất vả mưu sinh nơi xứ người để nuôi con còn nhỏ, quan hệ hai bên đầy thù địch, ngày về càng vời vợi. Hơn nữa, bà cũng phải giữ gìn với chồng nên chỉ biết tin bố tôi qua họ hàng về chơi. Cho đến đầu năm 2010, khi chồng đã qua đời, biết mẹ vẫn nhớ chuyện cũ nên người con gái lớn mới đề nghị kết nối với bố tôi. Sau buổi gặp ấy vài tháng thì bà cũng về VN, các cháu giúp tổ chức một buổi gặp mặt gia đình hai bên. Hơn nửa thế kỷ mới gặp lại nhau, hai người đều bồi hồi. Mẹ tôi dù không thoải mái nhưng được chúng tôi khuyên bảo cũng tránh đi để hai người nói chuyện. Bố tôi vốn nổi tiếng đẹp trai ở trường Albert Sarraut ngày xưa, giờ vẫn rất đẹp lão còn bà cũng vẫn giữ được nét xuân sắc thuở nào. Hai cụ ngồi bên nhau trước một bàn đầy thức ăn mà không hề động đũa, chỉ nhìn nhau không dứt, rồi tay nắm tay cùng bước ra vườn mà tưởng như đang nằm mơ, các cháu rồng rắn theo sau. Đến trước cửa đi ra vườn, bà dừng lại, và bảo bố tôi: “Anh còn nhớ không, đây là chỗ em nói lời từ biệt với anh sau lần cuối mình đi chơi về. Ai ngờ lại biệt tăm nhau đến giờ”…

 

Nhìn hai cụ tôi rất cảm động, thắc mắc không biết nếu không có những biến cố nghiêng trời lệch đất của lịch sử ấy thì gia đình tôi sẽ thế nào. Có một sự tình cờ rất thú vị, hai ông bà gặp nhau khi bố tôi mới xong Tú tài, chưa chọn nghề nghiệp. Bố tôi vốn định học Y nhưng năm 1955 ông nội tôi nghe tin Cải cách Ruộng đất từ Thanh Hoá truyền ra, biết không nuôi được con ăn học nên bảo bố tôi chuyển qua học Sư phạm cho có học bổng rồi bố tôi gặp mẹ tôi ở đó nên hai ông bà đều thành giáo viên. Còn bà vào Nam học nốt Tú tài cũng chọn học Sư phạm và kết hôn với một giáo viên. Hai bà đều dạy ngoại ngữ còn hai ông đều dạy Tự nhiên, chỉ khác là bố tôi dạy Lý còn chồng bà dạy Toán. Con gái lớn của bà cũng trở thành Giảng viên ĐH như tôi… Nhìn chị tôi cứ nghĩ nếu bố tôi và mẹ chị thành đôi thì tôi sẽ là chị hay chị sẽ là tôi đây? Giống như Trang Chu hoá bướm hay bướm là Trang Chu?
Tận đáy lòng, tôi rất biết ơn chị. Chị phải rất thương và thông cảm với mẹ thì mới bỏ công đi lại, kết nối để thoả mãn chút ước vọng cuối đời của bà và cũng giúp bố tôi giải toả nỗi lòng. Từ đó, hai cụ có niềm vui là gửi sách, gửi thuốc, email cho nhau. Bà rất tế nhị nên lần nào gửi quà cũng gửi cả cho mẹ tôi. Cả ba người đều đã gần 80 nên không còn hiềm khích gì, như bài thơ của bố tôi gửi cho bà:

Tình xưa nghĩa cũ là đây

Biết bao ngày tháng đã dày nhớ mong.

Tình đã mặn, nghĩa càng nồng

Tình nay là bạn, những mong tháng ngày..

Nghĩ lại, tôi vẫn thấy bố tôi và bà vẫn còn may mắn, tuy lạc mất nhau ngần ấy năm nhưng ai cũng có cuộc đời riêng tạm ổn và còn cơ hội gặp lại nhau. Giữa dòng thác lũ lịch sử nghiêng trời đất ấy, phận người thật mỏng manh nhưng tấm lòng con người vẫn là bất diệt vì “Có bao nhiêu người đi qua thương nhớ mà quên được nhau?”.

(Bài đã đăng trên báo Sài Gòn Nhỏ https://saigonnhonews.com/article-can-promote/neu-khong-he-co-cuoc-chia-ly/?fbclid=IwAR3K4klHIYreAQIPG64wtQ9vbsjfYBSXRZ8BDstdnhGHPU6LDKufBxzuMC0)

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *