– MC: Khi em học luật có được dạy rằng nghề Thẩm phán ở nước ngoài có thể đảm bảo sự công bằng cho xã hội. Họ được lương rất cao, danh xưng cao trong xã hội, người ta phải được tôn trọng và phải đảm bảo được cuộc sống của người ta. Cô có nghĩ mấu chốt là cần đảm bảo lương cao cho giáo viên không?
– NHA: Tôi thì tôi không nghĩ là như vậy. Khi được đãi ngộ cao hơn những người khác thì chúng ta sẽ không hiểu họ. Nếu tôi đẻ ra đã sướng thì tôi sẽ không hiểu những người khổ. Nếu tôi muốn giữ công bằng xã hội mà tôi không hiểu người cùng khổ sống như thế nào làm sao tôi giữ công bằng được. Điều quan trọng là chúng ta phải được đãi ngộ xứng đáng với công việc của chúng ta. Một giáo viên tốt nghiệp đại học, có từng đấy năm kinh nghiệm cũng cần phải được đãi ngộ ở mức đủ sống, tương đương với thu nhập của kỹ sư, công chức cùng trình độ và thâm niên, dù không nhất thiết phải phải bằng doanh nhân. Nếu giáo viên thâm niên 5-7 năm rồi lại có vợ con rồi mà chỉ được trả lương năm triệu một tháng thì khác nào hãm người ta vào đường chết???
– MC: Em có thấy cô nói là người Pháp sang Việt Nam và đưa vào nền giáo dục mới, tạm gọi là giáo dục thị trường.
– NHA: Cái đó có lẽ được gọi là giáo dục theo mô hình phương Tây thì chính xác hơn vì người Pháp không phải là người thị trường lắm và học phí của Pháp rất rẻ. Giáo dục của Mỹ mới đúng là giáo dục thị trường.
– MC: Em có mấy người bạn đi Pháp về nói một năm học phí chỉ tốn có 10 triệu VND.
– NHA: Vì thế nên gọi nền giáo dục Pháp là giáo dục thị trường là không chính xác vì là môi trường giáo dục tương đối bình đẳng và khai phóng.
– MC: Có nhiều người hiểu nhầm là, giáo viên là người cung cấp dịch vụ và học sinh là người mua dịch vụ.
– NHA: Tôi nghĩ rằng điều đó ok mà. Với trường tư thì đúng là như vậy.
– MC: Suy nghĩ đó liệu có ảnh hưởng đến sự tôn sư trọng đạo không?
– NHA: Tôi chẳng thấy vấn đề gì. Khi vào lớp tôi đều nói với học sinh là các em là khách hàng của tôi mà khách hàng lại là thượng đế nên việc của các em là không hài lòng cái gì thì hãy lên tiếng. Nhưng đến 90% chẳng nói gì mà chỉ lên confession nói nọ nói kia. Đôi khi đọc cũng biết là nói mình nhưng tôi chỉ cười thôi vì tôi tin vào câu: “Không ai biết công thức của thành công là nhưng công thức của sự thất bại là làm hài lòng tất cả mọi người”. Tôi không được giao nhiệm vụ lên lớp để làm hài lòng tất cả mọi sinh viên. Sinh viên không hài lòng mà không lên tiếng thì thôi liên quan gì đến tôi???
– MC: Có phải chăng việc sinh viên không lên tiếng là họ sợ không?
– NHA: Họ sợ thì tại sao lại đi nói sau lung?
– MC: Vì khi nói sau lưng không ai biết họ là ai.
– NHA: Không em ơi. Trên đời này thì trừ khi chúng ta không làm còn một khi đã làm thì trước sau gì người ta cũng biết. Tôi biết những người đó là ai, nhìn bảng điểm, nghe giọng văn là biết, làm gì có sinh viên được điểm cao mà lại đi nói xấu sau lung giáo viên? Vấn đề là có những người sinh ra là để đứng thẳng, có những người sinh ra chỉ để bò. Có những người chọn đứng thẳng, có những người chọn bò. Tôi không việc gì phải để ý đến những người chọn bò.
– MC: Phải đến 90% sinh viên không lên tiếng đó chắc chắn phải có những người không đồng tình nhưng người ta lại chọn không lên tiếng.
– NHA: Đó là việc của họ mà. Trong trường hợp sinh viên muốn có dịch vụ tốt hơn thì phải lên tiếng. Em đang viêm họng mà tôi cho em uống nước lạnh thì em phải nói ra, không nói sao tôi biết được? Còn em cứ uống rồi phàn nàn thì làm sao tôi chịu trách nhiệm được?
– MC: Ý em là học sinh vẫn còn sợ ấy ạ.
– NHA: Không ai chịu trách nhiệm về cảm nhận hay về nỗi sợ của người khác được vì chỉ có họ mới biết. Ví dụ chồng tôi quý tôi nên chia cho tôi lon bia của ông ấy nhưng tôi uống bia lại buồn nôn. Nếu tôi không dám nói thì tôi chịu khó buồn nôn vậy và chồng tôi chả có lỗi gì nhưng quan hệ giữa hai chúng tôi vẫn không thể tốt đẹp.
– MC: Tức là để tạo sự công bằng giữa giáo viên và học sinh thì theo cô là học sinh phải nói ra ý của mình?
– NHA: Điều đầu tiên em muốn được công bằng thì em phải làm người ta tôn trọng em. Tôi biết ai nói xấu tôi, tôi không hề kỳ thị gì người đó vì họ đáng thương mà, nhưng nếu bảo tôi tôn trọng họ thì tôi không thể, đúng không? Nếu tôi không tôn trọng họ thì họ đã ở dưới tôi, sao có sự bình đẳng được. Khi vào lớp mới tôi đều nói là các em cứ bảo học ở Mỹ, ở Anh ở Pháp tốt nhưng các em có cư xử được như các học sinh ở đó không? Việc đầu tiên là vào lớp là phải sắp bàn ghế cho ngay ngắn chứ ai đời kéo xệch cái bàn ra để ngồi mà không kê lại, ăn xong xả rác xuống bàn không dọn, ngồi bàn thứ hai mà thản nhiên nói chuyện điện thoại khác nào vừa bảo giáo viên là vừa mù vừa điếc…, nhắc được 1 phút xong rồi đâu lại đóng đó, làm sao giáo viên tôn trọng được? Các cụ đã nói là “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, nếu các em cư xử đàng hoàng mà người ta xúc phạm các em thì các em có quyền phản ứng. Nhưng nếu em cứ không dám lên tiếng vì sợ này nọ thì ai bảo vệ em được?
– MC: Ai cũng thấy là nền giáo dục Việt Nam có nhiều bất cập, không biết cô có giải pháp nào hoặc hướng giải quyết nào không ạ?
– NHA: Mặc dù giáo dục Việt Nam không hoàn hảo nhưng tôi có cơ hội thử nghiệm nhiều nền giáo dục và thấy ở đâu cũng có sự bất cập, ở đâu sinh viên cũng phàn nàn. Em hãy đọc những cuốn sách về sinh viên Havard, họ cũng ca thán về trường rất kinh khủng. Cho nên chúng ta phải thấy rằng không có ngôi trường hoàn hảo, chỉ có những con người biến nó thành hoàn hảo. Ví dụ như với sinh viên biết chút tiếng Anh, không thích học hành vất vả lắm, có chút trí thông minh, thích ngoại khóa nhiều hơn thì học ở Ngoại thương là hoàn hảo. Những sinh viên như vậy sang Havard làm gì, sang cho nó đuổi về à? Nếu tìm hiểu em sẽ thấy giáo dục thế giới đang khủng hoảng, từ khi xuất hiện Internet, xuất hiện các trường online như Khan Academy với hàng chục nghìn sinh viên ấy thì ngay cả những trường danh giá như Oxford cũng cần phải tìm cách thay đổi mình. Nếu em đọc lịch sử về giáo dục thế giới thì em sẽ thấy rằng các nước phương Tây cũng từng qua các bước như chúng ta cả.
– MC: Cô muốn thay đổi gì trong môi trường giáo dục không ạ?
– NHA: Tôi nghĩ rằng cần phải tạo ra cơ chế bình đẳng để người làm giáo dục cũng có thể kiếm sống ngang bằng với những ngành khác chứ không phải chờ đợi những đồng tiền không chính đáng. Một giáo viên mà đủ mức sống bình thường sẽ không cần dạy thêm vì quá vất vả, ai cũng mong được nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình. Sở dĩ giáo viên phải làm vậy vì mức lương thực tế của họ quá thấp. Đã thế cơ chế lại luôn đẩy giáo viên vào vị thế thấp hơn như không hiểu tại sao vừa qua chính Bộ trưởng bộ GD – ĐT lại đề xuất cắt biên chế của giáo viên? Nếu đó là chính sách chung thì không sao nhưng đây lại là chỉ cắt biên chế của giáo viên thì thật đáng ngạc nhiên. Bố mẹ tôi cũng là giáo viên, từ khi sinh ra đến giờ chưa bao giờ tôi thấy nghề giáo được đãi ngộ ngang bằng với nghề khác cả. Thành thực mà nói ngày tôi ghét trong năm là 20/11 và 8/3 bởi vì tôi không thích sự giả dối. Nếu xã hội trân trọng nghề giáo đến vậy thì hàng ngày hãy đối xử tử tế với chúng tôi chứ đừng đối xử tử tế với chúng tôi trong một ngày còn 364 ngày còn lại lại hành hạ chúng tôi. Nếu phụ nữ đáng tôn trọng như thế thì hãy tôn trọng chúng tôi quanh năm, đừng coi chúng tôi như oshin trong 363 ngày, rồi 2 ngày nói năng vuốt ve nịnh nọt, chúng tôi sẽ rất khó quay trở lại đời sống bình thường.
Vì thế, điều đầu tiên là có chính sách đãi ngộ với giáo viên cho công bằng. Thứ hai là lựa chọn mô hình giáo dục phù hợp. Trên thế giới có rất nhiều mô hình giáo dục, như kiểu Pháp là hoàn toàn nhà nước tài trợ, cái mà chúng ta ngày xưa định làm mà không được vì không có tiền, kiểu Mỹ là mô hình giáo dục thị trường, hay mô hình kiểu Bắc Âu… Sau khi chọn được, chúng ta cần xây dựng một triết lý giáo dục rõ ràng như ta dạy học sinh để làm gì? Ta dạy học sinh để tự lập được hay như thế nào? Còn câu duy nhất chúng tôi học được đến giờ là dạy học sinh để trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa. Nhưng ta biết Tổng bí thư còn không biết XHCN là gì thì làm sao chúng tôi biết “Con người mới XHCN” là gì để dạy học sinh, tức là chúng ta không biết chúng ta dạy để làm gì. Chúng ta cũng không biết là chúng ta dạy kiểu gì. Thế thì làm thế nào mà ra được môi trường giáo dục tử tế được. Nếu giáo viên không được đối xử tử tế, họ sẽ phải quay ra bóc lột những người gần nhất và phụ thuộc vào họ là học sinh thôi, nếu không thì chịu chết đói sao? Bản năng sinh tồn là thứ mạnh nhất của con người.
Ngược lại thì sinh viên cũng phải hiểu nếu nhà trường và giáo viên là 50% giáo dục thì người học chính là 50% còn lại. Nếu các em không hài lòng các em phải lên tiếng. Nếu khi khảo sát các em đánh dấu mọi thứ đều ok mà về đến nhà lại phàn nàn thì điều đầu tiên các em đang hủy hoại là nhân cách của các em. Các em đã tự biến mình thành những kẻ gian dối, lén lút, lừa lọc thậm chí là phản bội. Tôi từng gặp những sinh viên không tiếc lời khen giáo viên nhưng ra đường là làm ngược hẳn lại. Thực ra đa phần giáo viên nghe xong cũng quên chứ có để ý gì đâu, nhưng vết hoen ố sẽ để lại trong nhân cách của các em. Một khi nhân cách của em bị méo mó thì cuộc sống của các em cũng bị méo mó. Rồi các em sẽ dạy ra thế hệ mới là con các em cũng sẽ bị méo mó. Như vậy chúng ta sẽ ở trong vòng luẩn quẩn không bao giờ ra được. Rõ ràng giáo dục Việt Nam có rất nhiều điều phải làm!
Leave a Reply