– MC: Tức là theo cô việc giáo viên đánh học sinh là do họ ngộ nhận về quyền lực của mình đúng không ạ?
– NHA: Tình trạng này thực ra có nhiều lý do. Đầu tiên là hiện nay số giáo viên hạn chế về hiểu biết hay tư cách đạo đức (mà tình trạng đầu vào của các trường sư phạm đã cho thấy) có vẻ ngày càng phổ biến. Nhưng ngoài những người khiếm khuyết ấy, khá nhiều giáo viên có vấn đề về mặt tâm lý vì trong lòng họ có rất nhiều uẩn ức. Tâm lý học đã khẳng định những người mất thăng bằng về mặt tâm lý thì sẽ khó kiểm soát hành xử của của mình. Và văn hóa của Việt Nam tạo ra tình trạng mất thăng bằng tâm lý cho giáo viên. Cứ mỗi lần nghe thấy thiên hạ ra rả giáo viên là nghề cao quý, phải tôn sư trọng đạo… là tôi thấy buồn nôn vì không hiểu tại sao tôi lại cao quý hơn người khác? Tôi soi gương chẳng thấy tôi hơn ai cái gì cả nhưng rất nhiều giáo viên phải khoác cái bộ mặt giả dối ấy mà xã hội áp đặt cho họ. Mặt khác xã hội lại đối xử với họ rất tồi tệ. Lương của giáo viên rất thấp, điều kiện làm việc rất tồi tệ. Nếu các bạn đọc các bài báo về giáo viên phổ thông thì bạn sẽ biết là trong một trường hiệu trưởng gần như là có quyền sinh quyền sát với giáo viên. Như câu chuyện gần đây tôi được nghe một giáo viên cấp 3 kể chồng cô ấy là giáo viên cùng trường nhưng bị đột quỵ. Vì chồng cần chăm sóc liên tục nên cô ấy xin không phải đi coi thi tốt nghiệp năm nay. Cô là tổ trưởng bộ môn và hiệu trưởng hiện nay từng là giáo viên cùng bộ môn với cô ấy, nhưng chuyên môn không tốt nên khi cô có ý không phục khi bà này lên hiệu trưởng. Vì thế bà ta thù cô ấy nên được thể bảo là “nếu nhà bận thế thì thôi năm sau không giao lớp cho nữa”. Không giao lớp tức là không có tiền dạy, mà trong khi chồng nằm đó thì lấy gì mà sống? Lương chính thức của giáo viên rất là bèo bọt. Thu nhập của họ lại như nằm trên đe dưới búa, nếu dạy thêm ở nhà thì công an có quyền đến bắt mặc dù đó là khế ước dân sự giữa học sinh và giáo viên tự thỏa thuận. Nếu dạy thêm ở trường thì hoàn toàn phụ thuộc vào sự ban ơn của Hiệu trưởng. Trong khi ra ngoài lại phải khoác cái mã cao quý, giỏi giang, hình mẫu của xã hội thế nên giáo viên dễ mang tâm lý uất ức, mất cân bằng. Như vậy người ta sẽ nảy sinh ra nhu cầu xả cái uất ức ấy và cái đối tượng dễ nhất người ta có thể xả cái uất ức ấy chính là học sinh. Đầu tiên thực sự nó gây tội cho người ta khi chúng ồn ào, mật trật tự, không làm bài tập, lại hoàn toàn yếu ớt, người ta muốn làm gì thì làm mà chúng không thể phản kháng. Hơn nữa có nhiều học sinh con nhà giàu có khá giả trông rất ngứa mắt khi nhà giáo viên không được như vậy. Chúng ta đều biết người đỗ giáo viên hầu hết là con nhà nghèo, con nhà giàu đã đi làm nghề khác, hỏi thế bảo tại sao người ta không ức.
– MC: Cảm giác như là người ta dồn vào học sinh chỉ là phản ứng tự nhiên thôi không phải cố tình ạ?
– NHA: Tôi nghĩ rằng trừ một số người có bản tính độc ác thì còn lại là do người ta không kiềm chế được. Các bạn ngồi đây chắc là cũng đã nhìn thấy bố mẹ các bạn không thể kiềm chế được với các bạn đúng không? Mặc dù bố mẹ các bạn rất yêu thương các bạn. Sau này các bạn có con các bạn cũng vậy thôi, sẽ có lúc không thể kiềm chế được. Đơn cử là trường hợp bà mẹ trầm cảm giết đứa con mấy tháng tuổi gần đây. Không thể nói là cô ấy không yêu con, nhưng cô ấy stress quá không kiềm chế được thì điều gì cũng có thể xảy ra.
– MC: Nói đi cũng phải nói lại đúng không ạ? Nhiều khi giáo viên mắng học sinh có những học sinh có hành động xúc phạm quá đáng với giáo viên như là chửi giáo viên chẳng hạn. Cô có biết trường hợp đó không ạ?
– MC: Có lần gần ngày 8.3 tôi ra chợ lại đứng cạnh hàng hoa nên bà hàng hoa mời tôi mua hoa. Tôi bào là chị ơi chị nhà em sắp luộc hoa ăn rồi, em mua làm sao được nữa. Bà ấy bảo là “Ối trời ơi, làm giáo viên sướng thế, đến ngày này thì đầy hoa”. Mình mới bảo là “Chị ơi, nhiều hoa thì có gì mà sướng vì em có ăn được đâu”. Lúc đó có hai phụ nữ đứng ở gần đó mua hoa xong bảo nhau: “Thôi, mày ơi đằng nào cũng là cái lệ, cứ mua bó hoa rồi thí cái phong bì cho cái con mẹ ấy nó câm mồm đi là xong”. Đó là thái độ của phụ huynh và họ cũng không hề ngần ngại nói chuyện đó trước mặt con. Có nhiều em còn nói trên facebook là bố mẹ tao đã cho con mụ đó ngần này ngần này thì làm sao mà nó còn dám nói nọ nói kia. Người ta dám nói công khai như vậy mà. Hồi đầu những năm 90 tôi còn nhớ trường Ngoại thương có một sinh viên là con thứ trưởng nhờ quan hệ vào học hệ mở rộng là hệ cứ đóng tiền là được vào học. Cậu ta chẳng học hành gì, hàng ngày đi xe máy láng coóng vào trường trong khi toàn thể giáo viên đi xe đạp và ở nhà tranh vách đất. Có lần ngồi quán nước vì hồi đó chưa có canteen cậu ta bảo với người bạn là “mới kỷ niệm 10 năm thành lập trường bố tao tài trợ cho trường ngần này tiền thì việc gì mà tao phải lo thi trượt”. Cậu ta không biết là bên cạnh có hai ông giáo viên đang ngồi đấy nghe hết tất cả. Sau hôm ấy môn nào cậu này thi cũng trượt hết vì đánh trượt cậu ta quá dễ, nhắm mắt cũng làm được.
– MC: Cô có nghĩ rằng việc học sinh không tôn trọng giáo viên không những do họ được giáo dục mà còn có một phần ở giáo viên khiến học sinh không tôn trọng không ạ?
– NHA: Tôi tin rằng môi trường giáo dục của chúng ta bây giờ chắc chắn hỏng rồi. Môi trường giáo dục cổ truyền của chúng ta theo tôn ti trật tự như kiểu “Vua bảo quần thần chết là phải chết, thầy bảo trò chết trò cũng phải chết” đã không còn kể từ khi người Pháp vào Việt Nam vì không còn kiểu thầy đồ đi dạy nữa. Thay vào đó là một môi trường giáo dục kiểu phương Tây nơi thầy trò bình đẳng, người thầy chỉ là người truyền thụ kiến thức cho học trò thôi. Cùng với sự ra đi của người Pháp môi trường ấy cũng không còn cái đó nữa. Chúng ta bây giờ có môi trường pha trộn giữa hai thứ đó. Về mặt luật thì ta giống người Pháp nhưng về mặt hành xử ta lại giống như thời ông thầy đồ. Đời thuở nhà ai mà thế kỷ 21 rồi nhưng trường nào cũng ghi câu “tiên học lễ hậu học văn” từ mấy chục thế kỷ trước. Nhưng “lễ” là gì, đố bạn dịch ra tiếng Anh được đấy? Thực tế là môi trường giáo dục hiện nay không minh bạch, đẩy giáo viên vào vị thế rất chông chênh. Có một chuyện rất buồn cười là cuối những năm 80 khi tôi mới trúng tuyển vào trường Ngoại thương, hôm qua vẫn là đứa học sinh mới tốt nghiệp hôm nay đã là một giáo viên. Sau hôm ấy tôi ra ngoài chơi thấy mọi người bảo là “Ối giời ơi sao giáo viên lại ăn mặc thế kia”. Tôi nghĩ là ngoài giờ làm việc tôi không phải giáo viên, hơn nữa hôm qua tôi mặc bộ quần áo đó không ai nói gì cả, thế mà hôm nay chỉ vì tôi trúng tuyển giáo viên lại không được mặc bộ đó nữa là sao? Tôi vẫn là tôi chứ? Văn hóa Việt có tính rập khuôn rất kỳ cục, chúng ta là những con người độc lập, các cá thể khác biệt nhau nhưng chúng ta lại dán nhãn rằng bác sĩ phải nhân hậu, đi nhẹ, nói khẽ, bình tĩnh, không sợ máu. Tôi biết những sinh viên học y, lần đầu tiên nhìn thấy mổ còn nôn hoặc ngất luôn tại chỗ, có vấn đề gì đâu? Không ai sinh ra đã làm bác sĩ được mà phải dần dần mới quen. Xã hội yêu cầu giáo viên, bác sĩ quá cao trong khi đãi ngộ họ quá thấp, vậy chỗ của họ là phải ở chỗ nào? Khi lương đã không đủ trang trải thì người ta phải tìm đường sống. Nếu đường sống đó không chính đáng thì vị thế của giáo viên trở thành không công khai đàng hoàng. Các cụ đã nói là “danh chính thì ngôn mới thuận”. Danh của của giáo viên mà không chính thì ngôn làm sao mà thuận.
14Sep 2017
Leave a Reply