POST NGÀY ĐẦU NĂM

0 No tags Permalink

Mục tiêu tối cao trong cuộc sống của con người là được Hạnh Phúc nhưng đọc trên FB hay trò chuyện thì ở đâu cũng thấy những người không hạnh phúc. Hỏi ra thì đa số những bất hạnh đó không phải từ những thứ to tát như chiến tranh, thiên tai, bệnh tật hay đói khổ gì mà hầu hết từ sự không hoà hợp với những người xung quanh mình.

Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn mình thần tượng nhất trong nửa sau thế kỷ 20, từng viết “Địa ngục được xây nên bởi những điều nhỏ nhặt”, 54tr người mắc Covid trên thế giới không thể làm bạn đau đầu bằng cú điện thoại lúc sáng sớm của bà mẹ ngoài 70 cứ muốn bạn phải dạy dỗ lại chồng con mình hay việc đứa con gái tuổi teen đi chơi đến 2h sáng, gọi điện thoại không nghe. Lũ lụt ở miền Trung có khi không đáng sợ bằng việc tự dưng buổi sáng đứng lên cân thấy tăng hẳn 2kg, vượt xa con bé đối thủ cùng văn phòng. Còn việc phát hiện dấu son lạ trên áo chồng chắc chắn là tai hoạ còn lớn hơn ngày tận thế!

Theo mình, một trong những sai lầm lớn nhất của giáo dục Việt là dạy học sinh những thứ quá cao siêu như “Yêu TQ, yêu đồng bào” gì đó mà không dạy yêu những người xung quanh. Trẻ con được dạy yêu bố mẹ, ông bà nhưng lại không nói thế nào là YÊU??? Mình yêu người ta nhưng người ta không yêu mình thì sao? Và cuối cùng, chúng ta, nhất là phụ nữ không được dạy YÊU BẢN THÂN.

Vì không biết cách yêu nên chúng ta làm khổ người khác với tình yêu của mình, như muốn kiểm soát từng miếng ăn nước uống của người ta. Vì không yêu bản thân nên khi người khác chỉ cần trái ý mình đôi chút là sợ loạn lên, đau khổ ầm ĩ. Vì không có kỹ năng sống độc lập nên dù bất hạnh, bị bạo lực, phản bội, đa số chúng ta không dám bỏ đi mà cam chiu, thậm chí tìm đến cái chết.

Thật ra thế giới tồn tại khách quan, không ai sống vì bạn cả mà chỉ sống vì bản thân mình. Người xưa từng nói “Ai không vì mình – Trời tru đất diệt”, bản năng con người là phải lo cho bản thân trước hết. Ta muốn sống hạnh phúc thì phải biết chấp nhận thế giới xung quanh mình, trước hết là những người thân nhất vì họ là phần lớn thế giới của chúng ta.

 

Chấp nhận sự không hoàn hảo của cha mẹ mình

“Hoàn hảo” và “con người” là hai cụm từ không thuộc về nhau ở bất cứ đâu, dù đó là cha mẹ hay con cái. Đã là người thì đều có những khuyết điểm của riêng mình, việc thành cha mẹ không biến con người thành Thánh. Dù thành cha mẹ, con người vẫn có thể không thành đạt, sống lộn xộn, vô tổ chức, cư xử thô lỗ, kém cỏi, dốt nát, thậm chí không biết cách chăm sóc con cái. Nhưng “con không chê bố mẹ khó – chó không chê chủ nghèo”, điều con cái cần ở bố mẹ là tình cảm của họ vì đó là chìa khóa cho sự khỏe mạnh của một đứa trẻ, chứ không phải là sự hoàn hảo của họ. Bố mẹ bạn không hoàn hảo nhưng đến khi làm cha mẹ, bạn cũng sẽ không hoàn hảo. Hãy chấp nhận sự thật về cha mẹ mình, nếu không quá tệ thì hãy tha thứ cho sự không hoàn hảo của họ. Khi sự không hoàn hảo đó quá nghiêm trọng thì hãy tránh xa ra để được bình an vì chỉ khi mối quan hệ với bố mẹ được hoà bình thì bạn và cả con bạn mới có thể thoải mái. Không ai chọn được cửa mà sinh, hãy biết chấp nhận số phận của mình.

Chấp nhận sự không hoàn hảo của bạn đời

Cuộc sống không hoàn hảo, con người không hoàn hảo. Khi hai người bước vào ngưỡng cửa hôn nhân và bắt đầu cuộc sống chung, dù tính cách có giống nhau đến đâu, tình cảm sâu đậm đến đâu đi nữa, giữa họ cũng sẽ luôn có sự khác biệt, sẽ luôn có những xích mích nhỏ. Nếu bạn học cách chấp nhận khuyết điểm của đối phương, thì dù việc lớn đến đâu cũng sẽ biến hóa nhỏ. Ngược lại, nếu bạn coi đó là cái gai trong mắt và chỉ muốn “nhổ” đi, thì kể cả thứ nhỏ nhặt, cũng có thể trở thành rắc rối lớn. Tình yêu đích thực không chỉ phải yêu những ưu điểm của nhau mà còn cả những khuyết điểm.

Muốn hôn nhân viên mãn, bạn cần chấp nhận sự thực rằng một nửa của mình không hoàn hảo. Chỉ khi chấp nhận nhau ta mới có thể yêu thương nhau và chỉ có tình yêu mới đem lại hạnh phúc. Chồng/vợ bạn không đẹp bằng ai đó nhưng họ đã có cả một quá khứ với bạn để hiểu và chia sẻ với bạn. Họ có thể không đủ lãng mạn như idol nào đó nhưng họ là người ở bên cạnh khi bạn ốm đau. Họ có thể ít tiền, không tài ba, nhưng chỉ cần họ là người quan tâm đến bạn nhiều nhất có thể thì thế là đủ rồi. Ta cũng không hoàn hảo, không đoán được người kia cần gì, thế nên ta cũng không nên đòi hỏi điều đó ở bạn đời.

Chỉ cần họ không phạm những lỗi cơ bản như ngoại tình, vũ phu, cờ bạc, vô trách nhiệm, ngoài ra nếu có gì không vừa ý ta có thể trao đổi để hiểu nhau hơn. Người Pháp có câu: “Sai lầm lớn nhất của phụ nữ là cứ tưởng sau khi cưới nam giới sẽ thay đổi còn sai lầm lớn nhất của nam giới là tưởng phụ nữ sẽ mãi giống như trước khi cưới”.

Hãy chấp nhận sự thật về người bạn đời của mình nhé.

Chấp nhận sự không hoàn hảo của con cái

Trong xã hội châu Á, bố mẹ thường quá kỳ vọng vào con cái, coi chúng như công cụ để thoả mãn những gì mình mong muốn. Bố mẹ càng hy sinh cho con thì càng đòi hỏi nhiều hơn từ con cái. Trong suốt cuộc đời, mình luôn được dạy là cần mang ơn các đấng sinh thành nhưng dù rất yêu quý bố mẹ, mình luôn manh nha sự phản kháng việc buộc phải mang ơn ấy vì mình không xin bố mẹ sinh ra và ngay từ nhỏ, mình không thấy việc được sinh ra đời có gì vui đến thế, nếu không muốn nói là một gánh nặng thì đúng hơn. Đến khi sinh con ra, lần đầu tiên cảm nhận có 1 sinh linh trong cơ thể mình, rồi được bế đứa bé nhỏ xíu trên tay, cảm nhận được khoảng trống trong nội tâm của mình được lấp đầy, lòng mình tràn ngập cảm giác biết ơn vì cuộc đời mình từ nay đã có ý nghĩa. Đến lúc đó mình mới hiểu con cái chính là món quà Thượng đế ban cho chúng ta, ta nên biết ơn món quà đó chứ không thể đòi hỏi ngược lại. Quá trình nuôi dạy một đứa trẻ cực kỳ gian nan, nhiều khi còn rất đau khổ nhưng cuối cùng niềm vui lại lớn hơn tất cả. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi ta được sống cho người khác nhưng mọi mối quan hệ từ yêu đương, bạn bè đều cần được đáp lại thì mới có thể duy trì, chỉ riêng với con cái thì sự trao đi mới hoàn toàn vô tư, hết mình và vì thế tình cảm đó mới được ca ngợi nhiều đến vậy.

Ta không hoàn hảo, vì thế con chúng ta cũng hoàn hảo. Dù trẻ có khiếm khuyết về ngoại hình hay tính cách, thì bản thân trẻ không tự tạo ra nó mà là do tự nhiên và chính bố mẹ tạo nên. Vì vậy, thay vì bất mãn và chán ghét khi con không hoàn hảo, hãy tôn trọng và chỉ bảo trẻ, chưa kể điều ta cho là chưa hoàn hảo ấy rất có thể chính là ưu điểm của con mà với sự hạn hẹp của mình ta chưa nhận ra. Yêu thương con cái bất chấp sự không hoàn hảo của con và dạy con làm thế nào phát triển bản thân tích cực, đó mới là nghĩa vụ chân chính của người làm cha mẹ.

Cuối cùng, hãy chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân

Xã hội Việt nam thường áp đặt rất nhiều nghĩa vụ cho con người, nhất là phụ nữ. Chúng ta bị đòi hỏi làm con ngoan, học sinh ngoan, nhân viên ngoan, vợ ngoan, con dâu ngoan rồi đến mẹ ngoan nữa. Trong khi nam giới chỉ cần biết ra ngoài đi làm là thành công rồi, phụ nữ lại phải vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà, còn nuôi dạy con nữa và lo chăm sóc hình thức để thu hút chồng nữa. Tiêu chí tối cao của phụ nữ là “Vượng phu – Ích tử”, mỗi lần con học kém, chồng thất bại, mọi tội lỗi lại đổ lên đầu phụ nữ. Tương tự, nam giới bị buộc phải cứng rắn, tài giỏi, kiếm được nhiều tiền, làm trụ cốt cho gia đình. Nhưng không ai trong chúng ta là siêu nhân, dù ta có cố gắng đến mấy thì vẫn có rất nhiều chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát của ta. Người vợ xinh đẹp, đảm đang nhất vẫn có thể bị chồng phản bội. Người mẹ tận tuỵ mấy thì vẫn có thể gặp cảnh con hư hay học hành kém cỏi. Ta cần biết chấp nhận rằng dù ta có cố gắng đến đâu, khả năng của ta là có hạn, sẽ có những chuyện ngoài tầm kiểm soát. Khi xảy ra những điều không như ý hãy hiểu là thế giới không vận hành theo ý ta. Người kinh doanh chăm chỉ nhất gặp Covid cũng có thể phá sản, bố mẹ giỏi giang nhất vẫn có thể có con kém cỏi, nhưng “Bất hạnh là một tài sản”, chỉ cần ta coi thất bại là bài học thì rồi có thể đứng dậy. Chỉ cần biết tha thứ cho bản thân, ta sẽ còn nghị lực để đứng lên.

 

Trong suốt cuộc đời của một con người, biết cách chấp nhận sự không hoàn hảo của cha mẹ là lòng hiếu thảo lớn nhất của chúng ta đối với họ. Biết cách chấp nhận sự không hoàn hảo của người bạn đời là trách nhiệm lớn nhất của chúng ta đối với hôn nhân. Biết cách chấp nhận sự không hoàn hảo của con cái là món quà tuyệt vời nhất của chúng ta dành cho con cái. Còn biết cách tha thứ cho bản thân để sinh tồn là trách nhiệm lớn nhất của mỗi con người.

CHÚC MỘT NĂM MỚI KHÔNG HOÀN HẢO NHƯNG VUI VẺ!

(Bài viết có tham khảo từ bài của VnExpress: https://vnexpress.net/3-dieu-khong-hoan-hao-moi-nguoi-can-chap-nhan 4208153.html?fbclid=IwAR1SNrUGXRe5Zt5ts58lmXgrBHiDDIZrletwdxd-1ImKtL3CiFM4fzeGDwo”

lewis-b-smedes-quote-forgiveness

 

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *