Du học trong mắt tôi (phần 1)

0 Permalink

Những niềm vui và may mắn

Khổ chủ trong một ngày nắng đẹp.

Khổ chủ trong một ngày nắng đẹp.

 

Trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến chưa hề có du học, kể cả từ Việt Nam ra nước ngoài hay từ bên ngoài vào Việt Nam.Với chính sách bế quan tỏa cảng, chỉ các ông quan đi sứ và số ít doanh nhân là có dịp đi ra hay giao tiếp với người nước ngoài. Nền giáo dục Việt Nam vẫn tiếp thu “sách thánh hiền” của Trung Quốc từ hàng trăm năm trước nên cũng không có nhu cầu cập nhật kiến thức. Chính vì vậy, Việt Nam thời đó hoàn toàn không có khoa học công nghệ gì, đất nước với 3000 km bờ biển nhưng chỉ toàn thuyền gỗ, loanh quanh đánh bắt gần bờ. Sử chép Việt Nam chỉ có một ông Thần Toán, tưởng thành tích gì ghê gớm, hóa ra chỉ là tính toán chính xác gạch để xây cái cổng thành, điều mà một học sinh lớp 7 bây giờ làm dễ dàng. Trong thời gian đó, châu Âu đã có Leonardo Da Vinci và Copernicus với những phát hiện làm thay đổi cả thế giới. Sự bế quan tỏa cảng, không học hỏi bên ngoài đã làm Việt Nam lạc hậu không chỉ với Phương Tây mà ngay cả với những nước châu Á như Nhật hay Trung Quốc.

 

Du học Việt Nam thật sự chỉ bắt đầu vào thời kỳ Pháp thuộc, với lứa trí thức đầu tiên của Việt Nam được gửi sang Pháp để học hỏi về văn mình Tây phương. Một số trong những trí thức đó là học sinh giỏi, được Pháp lựa chọn đi đào tạo, một số là con quan lại. Những người này một số sau khi đi về trở thành quan chức trong bộ máy chính quyền của Pháp như Phạm Quỳnh, một số lại trở thành nhà hoạt động xã hội hay văn hóa nghệ thuật như Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh)…. Phong trào Đông Du của Phan Chu Trinh đã mở đường cho du học sinh qua Nhật. Những du học sinh thời ấy thực sự đã cùng với những trí thức Pháp tiến bộ như Victor Tardieu gây dựng nên nền văn hóa, mỹ thuật tân thời của Việt Nam và đã thu được một số kết quả khá rực rỡ như khai sinh ngành báo tiếng Việt, thành lập nhóm Tự lực Văn đoàn hay sự ra đời nền mỹ thuật Việt Nam. Một số  trong những thế hệ du hoc sinh những năm 40 của thế kỷ trước đã hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, trở về Việt Nam giúp cách mạng kháng chiến và đã lập được những thành tích to lớn như Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ… Bản thân Bác Hồ cũng trưởng thành từ những năm tháng ra nước ngoài học hỏi, làm việc. Mặc dù Pháp thời ấy đang đô hộ Việt Nam nhưng giáo dục Pháp với những giá trị Tự do – Bình đẳng – Bác ái thực sự đã mở mang cho người học rất nhiều. Nhờ vậy, có thể khẳng định rằng, Cách mạng Tháng Tám thành công có phần đóng góp rất quan trọng về mặt khoa học kỹ thuật, tư tưởng từ những du học sinh ấy.

 

 

Đi du học chỉ trở thành ồ ạt từ năm 1960, bằng Thông tư số 95-TTg[1] của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 13 tháng 04 năm 1960, lúc đầu chủ yếu là đi Liên Xô và Trung Quốc, sau đó mới phát triển sang những nước khác. Nhưng tính chất du học thời kỳ này khác với những thời kỳ trước đây vì toàn thể chi phí trong thời gian du học là do nước tiếp nhận chu cấp, kể cả vé máy bay đi về (1 lần) căn cứ vào kết quả tuyển chọn của phía Việt Nam. Bên cạnh những tiêu chuẩn như sức khỏe, trình độ văn hóa…, tiêu chuẩn được tuyển chọn đầu tiên là chính trị. Theo khoản 1 điều 2 của Thông tư sống còn với hàng chục ngàn lượt lưu học sinh từ 1960 đến khi phe XHCN tan rã và với tương lai khoa học công nghệ của đất nước, người được tuyển chọn trước hết phải:

 

“1. Tiêu chuẩn về chính trị:

a) Đối với cán bộ:

– Trung thành với cách mạng (lập trường, tư tưởng, thái độ công tác và học tập tốt);

– Lý lịch rõ ràng, không phạm sai lầm nghiêm trọng;

– Về quan hệ gia đình, không có vấn đề phản cách mạng. (Xét điều kiện bản thân người được lựa chọn là chủ yếu; nhưng không thể xem nhẹ quan hệ gia đình; khi xét quan hệ gia đình phải điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, xác minh rõ ràng, kết luận thận trọng).

b) Đối với học sinh:

Cũng như tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ, nhưng khi xét chọn phải thận trọng hơn. Cần chú ý lựa chọn con em nhân dân lao động (công nhân, nông dân, quân nhân cách mạng, cán bộ, công chức cách mạng), quan hệ gia đình tốt, học tập và lao động tích cực, có ý thức tổ chức và kỷ luật.

 

Điều đáng chú ý là đối với học sinh (tốt nghiệp lớp 7 hoặc lớp 10/10 trường phổ thông) từ là từ 14-17 tuổi thì tiêu chuẩn chính trị còn phải xét tuyển thận trọng hơn với cán bộ! Chính vì vậy hồi quanh 1975 tôi đã chứng kiến một anh đoạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cho lớp 10, bố mẹ là công chức, nhân thân tốt nhưng không được đi nước ngoài vì ông nội (đã mất trước khi anh ra đời) từng làm cho Pháp! Sở Giáo dục giải thích là để anh được học Đại học trong nước đã là ưu đãi lắm rồi, chứ lý lịch như anh đáng ra không được học Đại học. Sở đã nói đúng vì rất nhiều học sinh của bố mẹ tôi học giỏi mà hết lớp 10 đành ngậm ngùi làm công nhân vì không bao giờ được nhận vào Đại học! Ngay từ hồi ấy tôi đã thắc mắc, theo như thông báo thì tuyển học sinh du học là để sau này trở thành trí thức nòng cốt về xây dựng đất nước. Như vậy thì phải tuyển người giỏi chứ thực tế nhiều người có lý lịch tốt nhưng không có năng lực, không theo được, rất phí. Hơn nữa quan hệ ngoại giao thời chống Mỹ giữa Việt Nam và Pháp rất tốt, thời những năm 70 Pháp còn là nước trung gian cho hòa đàm Paris, sao những người làm công chức cho Pháp lại bị kỳ thị? Và vì sao con cháu họ lại phải chịu tội cho những người thậm chí chúng còn không biết mặt?

Đến lượt tôi đi du học năm 1979, lúc ấy chính sách xét tuyển lưu học sinh miền Bắc đã nới bớt nhưng khi đưa danh sách lên Thành ủy duyệt vẫn có ý kiến là bố mẹ tôi lý lịch tiểu tư sản, lại không phải là Đảng viên, may mà vẫn trót lọt.

Các nữ du học sinh và NCS khóa 1980 - 1985 ở Czech

Các nữ du học sinh và NCS khóa 1980 – 1985 ở Czech

 

Đó là thời cực thịnh của du học sinh đi Nga và Đông Âu, hàng năm có khoảng hơn 1000 sinh viên được gửi đi học, trong đó 50% là đi Nga. Trước khi bước chân vào trường Đại học Ngoại ngữ để học tiếng trước khi lên đường, chúng tôi phải ký vào một cam kết là phải chấp nhận học theo ngành được phân công, nếu không phải quay về học trong nước. Oái oăm là lúc đó chúng tôi chỉ biết ngành học của mình 1 năm sau, khi đã qua kỳ thi ngoại ngữ. Và cách phân ngành học cũng không ai hiểu nối, như tôi đăng ký thi Đại học Bách khoa, khoa Hóa Thực phẩm (vì thích sản phẩm vị phở của ĐHBK thời ấy), thi khối A với lý lịch là học sinh chuyên Toán nhưng lại được phân công đi học Du lịch. Buồn cười nhất là đến khi qua Tiệp chúng tôi mới được biết Tiệp không nhận đào tạo ngành Du lịch cho sinh viên nước ngoài nên chúng tôi phải chuyển sang học Ngoại thương. Tôi chả có khái niệm gì về ngành này nhưng cũng chẳng có con đường nào khác. Rất nhiều sinh viên cũng ở hoàn cảnh như tôi, học những ngành mà họ không hiểu và không lựa chọn. Trong lưu hoc sinh xì xào về chuyện nếu có người quen thì sẽ được học ngành mình thích nhưng chúng tôi mới 16-17 tuổi nên ngoan ngoãn chấp nhận.

 

Tôi từng rất mê nước Nga nên không thích lắm khi phải đi Tiệp nhưng nhìn lại lại hóa may. Tiệp là nước làm ngoại thương tốt nhất trong khối XHCN, các tài liệu học thuật khá tiên tiến và cập nhật, không khí học thuật khá dễ thở so với Nga. Nhờ truyền thống học thuật và vị trí sát ngay các nước Phương Tây như Áo, Pháp, Đức… học Đại học ở các nước Đông Âu thời ấy khá tiên tiến. Chúng tôi đã được học theo tín chỉ thật sự ngay từ thời gian ấy. Danh sách giảng viên và trợ giảng cùng thời gian giảng dạy của họ được dán công khai ở Khoa. Đầu năm học chúng tôi nô nức rủ nhau dậy thật sớm để đi đăng ký giáo viên mình ưa thích và được chủ động lựa chọn thời gian học của mình. Việc học trên lớp được chia làm hai phần, một phần học trong hội trường lớn để nghe về lý thuyết với những giảng viên và một phần học với trợ giảng với quy mô nhỏ để làm bài tập thực hành hay giải đáp thắc mắc. Nhờ vậy việc học được sâu sát và thực tế hơn. Dù chưa có Internet nhưng hệ thống thư viện rất tốt, sách báo đầy đủ và cập nhật. Đầu năm sinh viên xếp hàng dài ở thư viện để mượn sách, ai không mượn được mới phải đi mua. Ký túc xá tổ chức Hội chợ bán sách cũ để sinh viên năm sau có thể mua được sách của sinh viên năm trước với giá rẻ. Tôi tốt nghiệp Đại học đã 30 năm nhưng giáo dục Việt Nam hiện nay sau bao loanh quanh cải tổ vẫn chưa thể sánh được với nền giáo dục Đông Âu thời đó.Mùa hè bạn bè học ở các nước khác cũng qua lại thăm nhau nên chúng tôi cũng biết tình hình của nhau. Nhìn chung theo nhận định của tôi, do truyền thống giáo dục Đông Âu cởi mở và cập nhật hơn giáo dục của Nga, nhờ vậy chúng tôi được tự do suy nghĩ và nhận định hơn. Chúng tôi được học ngôn ngữ, lịch sử, các thành tựu của quốc gia chủ nhà nhưng chưa bao giờ giáo viên có ý tưởng quốc gia của họ là tuyệt vời hay có ý định kỳ thị các nước khác, trừ Nga vì sự kềm kẹp của Nga với họ. Những bạn học ở Liên Xô có vẻ được tuyên truyền quá nhiều về sự ưu việt của Liên Xô và Nga, đồng thời khắc sâu ý thức kỳ thị mọi thứ từ phe Tư bản chủ nghĩa, kể cả khoa học kỹ thuật. Ý thức về tự do cá nhân trong giáo dục Liên Xô cũng ít hơn. Khi về nước do dân đi Liên Xô đông hơn, lại được tin tưởng hơn về ý thức chính trị nên công việc cũng thuận lợi hơn nhưng tôi vẫn cho là mình may mắn vì những gì đã được học đã trở thành tài sản qúy báu mà không ai lấy đi của chúng tôi được.

 

Nhưng quan trọng hơn là lần đầu tiên trong đời tôi được biết cá nhân con người có thể được tôn trọng, được đối xử công bằng, được công nhận, miễn làm tốt công việc của mình. Nhờ vậy, tôi dần ra khỏi cái vỏ nhút nhát, vụng về của một người con gái được giáo dục về đủ mọi loại nghĩa vụ nhưng chưa bao giờ được biết mình là ai và chưa từng biết mình cũng có quyền sống hạnh phúc như bất kỳ ai khác. Cộng thêm việc được sống ở thành phố Praha đẹp tuyệt vời, thời trang, âm nhạc, phim ảnh khá cởi mở và không đắt đã làm cho đời du học sinh của tôi dù rất nghèo nhưng tràn ngập hạnh phúc. Nếu không có gánh nặng trợ cấp cho gia đình thì cuộc sống thật hoàn hảo vì chúng tôi còn trẻ, lại có niềm vui học tập, khám phá nên những thiếu thốn vật chất trở nên nhỏ bé. Nghĩ lại với số học bổng có 27USD/tháng mà chúng tôi vẫn có thể mua hàng gửi về cho gia đình và tiết kiệm mua sắm chuẩn bị về nước thì quả là thiên tài!

 

(còn tiếp)

 

[1] http://thuvienphapluat.vn/archive/Thong-tu/Thong-tu-95-TTg-chon-hoc-sinh-gui-di-hoc-chuyen-mon-nuoc-anh-em-vb21199t23.aspx

 

(Bài đã đăng trên Tuần Vietnamnet http://m.vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/188924/du-hoc-sinh-viet-va–con-loc–o-dong-au.html)

du

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *