Du học trong mắt tôi (Phần 3)

0 Permalink

Du học sau năm 1991 – Mâu thuẫn giữa học vấn và văn hóa Đông Tây

 

Sau năm 1991, tính chất du học đã hoàn toàn thay đổi. Số sinh viên, nghiên cứu sinh đi Nga và Đông Âu theo học bổng nhà nước giảm rất nhanh. Thay vào đó là trào lưu đi du học sang các nước Phương Tây. Thay vì du học sinh được Nhà nước đài thọ toàn bộ thì nay sinh viên phải du học tự túc hoặc tự tìm nguồn học bổng từ Chính phủ nước ngoài, Nhà trường, học bổng của các tổ chức quốc tế, các công ty hay thậm chí là các nhà hảo tâm. Các em cũng tự chọn trường và ngành học, tự lo cuộc sống cá nhân trong suốt thời gia học. Điều này có điểm tốt là làm sinh viên năng động hơn, được học đúng trường, đúng ngành theo nguyện vọng cá nhân nên cũng hội nhập với xã hội bên ngoài tốt hơn. Nhưng việc tự chủ này khiến sinh viên cô đơn hơn, vai trò quản lý của Sứ quán gần như không còn. Thực tế này làm nảy sinh hai quan điểm:

–                     Nhiều phụ huynh và các nhà quản lý lo lắng, sợ sinh viên sống một mình sẽ vất vả, hay tệ hơn nữa là sẽ a dua theo văn hóa Tây Phương và sẽ hư hỏng. Việc này làm mình không ngớt ngạc nhiên vì bố mẹ bỏ ra một số tiền rất lớn cho con du học tức là họ phải tin cậy vào nền giáo dục đó. Nhưng bên cạnh sự sùng bái nhiều khi không chính xác ấy họ lại giữ một thành kiến là “văn hóa Tây phương là tự do quá trớn, hư hỏng, không trọng tình cảm như văn hóa Việt’. Tiếp xúc với nhiều sinh viên nước ngoài ở Việt Nam  mình chưa bao giờ thấy họ lo sợ bi tiêm nhiễm văn hóa Việt mà còn rất háo hức tìm hiểu văn hóa Việt. Truyền thông Việt thậm chí còn tung hô những anh chị Tây am hiểu văn hóa Việt nhưng lại luôn nhắc nhở người trẻ Việt phải cẩn trọng trước văn hóa ngoại lai? Sao chưa bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi, vì sao cái văn hóa hư hỏng ấy lại tạo ra được những thành tựu to lớn cả về khoa học, nghệ thuật và kinh tế trong khi văn hóa “ngoan” của Việt Nam lại chỉ tạo ra đói nghèo, lạc hậu? Vậy ta nên để con cháu ta theo cái “hư” hay theo cái “ngoan” đây?

–                     Ngược lại, một số bố mẹ lại rất liều, thả con ra nước ngoài học từ phổ thông. Khi được hỏi, để con đi sớm thế, không có gia đình bên cạnh, không lo sao, thì họ trả lời là lo gì, giáo dục Tây phương tốt lắm, con ở home stay/nội trú, được chăm sóc đến tận răng, rất an toàn. Họ không hiểu là đứa trẻ không phải cái máy học, muốn trưởng thành con người không chỉ cần học chữ mà cần hơn là được giáo dục về kỹ năng sống trong gia đình, trong xã hội, được dạy cách yêu thương… những điều mà ký túc xá hay gia đình homestay không thể cho con được. Năm 1998, tôi đã gặp một cô bé Việt là sinh viên năm thứ 2 ở Mỹ. Hồi đó đi du học ở Mỹ còn rất khó khăn nhưng do bố em từng cứu sống một sĩ quan Mỹ nên sau 1995 ông ấy đã quay lại tìm gia đình em và đề nghị trợ giúp. Ông vượt qua bao rào cản pháp lý để nhận em làm con nuôi rồi đưa qua Mỹ học. Em bảo tôi là em rất may mắn nhưng nhìn em tôi không thấy như vậy. Em qua Mỹ từ lớp 11, đã ở Mỹ hơn 3 năm nhưng rất gầy yếu, trông bơ vơ như trẻ lạc. Em vui vẻ kể là ở đây rất tự do, em đi về không cần báo cáo, học về muộn thì tự mở tủ lạnh tìm đồ ăn, chỉ chủ nhật gia đình mới ngồi với nhau một lần. Nhưng khi đã quen thân em kể là bố mẹ nuôi rất thương em nhưng nói chuyện không hiểu, cách sống khác nhau và ăn đồ Mỹ hoài ngán lắm. Em thèm nói tiếng Việt, thèm nói tiếng Việt và rất cô đơn. Tôi cũng chứng kiến một số gia đình khá giả cho con đi du học từ phổ thông nhưng giữa chừng gia đình làm ăn sa sút, cháu phải quay về học ở Việt Nam và không sao thích nghi được, thậm chí có cháu muốn tự tử. Ngay cả những gia đình đủ khả năng chu cấp cho con đến cùng thì hầu hết phải ngậm ngùi chứng kiến cảnh con trở nên xa lạ với bố mẹ, có chị cay đắng nói với tôi là mất tiền còn mất cả con vì không còn có thể nói chuyện với nhau. Bản thân đứa trẻ cũng không sung sướng vì chúng không biết mình là ai, người bản địa không tiếp nhận chúng còn chúng lại không thể chấp nhận làm người Việt.

 

Theo quan điểm của tôi, chỉ nên cho con đi du học từ bậc Đại học, khi đứa trẻ đã hình thành nhân cách và trưởng thành trong suy nghĩ ở một mức nhất định. Con người sinh ra để sống hạnh phúc, muốn vậy chúng phải học sống chứ không phải học chữ và chỉ gia đình mới có thể làm điều ấy. Chỉ những bố mẹ hiểu biết, cho con tiếp xúc với bên ngoài từ sớm, chuẩn bị kỹ năng cần thiết và duy trì sự giao tiếp thường xuyên với con mới có thể tránh được nguy cơ này.

 

(Còn tiếp)

 

(Bài đã đăng trên Tuần Vietnamnet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/190733/hoc-o-tay–khong-duoc-song–kieu-tay-.html)

Tác gải với một cựu sinh viên, du học sinh tại Đức

Tác gải với một cựu sinh viên, du học sinh tại Đức

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *