Một bài thơ lạ

0 No tags Permalink

Mình vốn mê thơ, cho đến nay vẫn sưu tầm những bài thơ mình thích. Thỉnh thoảng có dịp đọc một số bài thơ hay trước năm 75, thấy rất thú vị vì nó khác hẳn thơ ngoài Bắc và cho mình có dịp biết được một khía cạnh khác trong kho tàng thơ văn Việt nam. VD: mình rất thích thơ Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên… Một điều đặc biệt là nhiều thi sĩ thành danh ở miền Nam nhưng lại xuất thân từ miền Bắc (như Nguyên Sa chẳng hạn!). Theo mình, nghệ thuật không có chính trị hay biên giới, chỉ cần nó nói lên cảm xúc thật sự của con người là thành công rồi!

Hôm nay tình cờ đọc được bài thơ này. Thơ về nỗi buồn đau trong chiến tranh thì mình đọc quá nhiều rồi, nhưng chưa có bài nào nói lên tâm trạng của người vợ trẻ mất chồng một cách dữ dội, sống động và tự nhiên đến thế. Người sương phụ trẻ đắm mình trong nỗi đau mất người tình vào lúc trẻ trung, say đắm nhất, nên không còn biết gì đến xung quanh, đến nỗi đến màu cờ quốc gia, vốn được coi là thiêng liêng, cũng chỉ để lại cho nàng cảm giác “phũ phàng” mà thôi. Để an ủi vong linh người chết, quân đội lúc đó thường thăng chức cho họ, cũng là để người thân có thêm chút tiền trợ cấp nhưng đối với nàng cũng chỉ là “thêm lon giữa hai hàng nến trong”, hoàn toàn vô nghĩa. Hoàn cảnh chết trong chiến tranh, xác khó còn nguyên vẹn nên đến xác chồng nàng cũng không được nhìn mặt lần cuối. Mong ước duy nhất của nàng là được say mềm đi để tưởng như lại được cuồng si bên chồng như xưa!

Thương ca 1

Lê Thị Ý

 

“Ngày mai đi nhận xác chồng

Say đi để thấy mình không là mình

Say đi cho rõ người tình

Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ

Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ

Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son

Tình ta không thể vuông tròn

Say đi mà tưởng như còn người yêu

Phi cơ đáp xuống một chiều

Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa

Dài hơi hát khúc thương ca

Thân côi khép kín trong tà áo đen

Chao ơi thèm nụ hôn quen

Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau…

 

Chiếc quan tài phủ cờ màu

Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng

Em không thấy được xác chàng

Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?

Mùi hương cứ tưởng hơi chồng

Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.”

 

Nhà thơ Lê thị Ý xuất thân trong một gia đình văn nghệ. Người anh lớn là nhà thơ Vương Ðức Lệ, người chị lớn là nhà văn Phượng Kiều và cô em gái là nhà văn Lê Thị Nhị. Một điều thú vị là bà cũng là người Bắc, bà làm thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học và viết đều hơn khi theo gia đình vào Nam năm 1954. Theo tác giả, bài thơ ra đời năm 1970, khi bà sống tại Pleiku. Thành phố nhỏ bé này đang ở vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, chỉ thấy lính, vợ lính, xe tăng, xe Jeep; hầu như không thấy gì khác nữa. Nhà bà lại ở gần nhà xác của quân đội nên hàng ngày phải chứng kiến cảnh biết bao người vợ đi nhận xác chồng. Bản thân cũng có người yêu đi lính, nhìn thấy cảnh lớp lớp phụ nữ, trẻ em đến lật cái poncho quấn xác để nhìn mặt người thân, bà cảm thấy như nỗi đau của chính mình. Cảm xúc đó đã thôi thúc bà viết ra bài thơ này. Sau này, bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, và đổi tên thành “Tưởng Như Còn Người Yêu”. Nhiều ca sĩ đã trình bày bài này, trong đó Ý Lan được xem như một trong những ca sĩ thành công hơn cả! Xin giới thiệu bài hát đó ở đây:

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=vzxtWcphKZ

Mot bai tho la

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *