Chuyện ngôn ngữ địa phương

0 No tags Permalink

Nhân mạng gần đây nóng  về chuyện chính tả, mình nhớ lại những kinh nghiệm của cá nhân mình. Do lấy chồng miền Trung, lại có một thời gian phải đi giảng liên tục ở miền Nam, mình từng phải đối mặt với những tình huống dở khóc dở cười về sự khác biệt ngôn ngữ. Lúc đầu mình nghĩ, đi nước ngoài mới khó giao tiếp chứ trong nước, cùng ngôn ngữ thì lo gì. Nhưng đến khi đi vào miền Trung rồi miền Nam mới biết là mình nhầm to. Thật ra đi nước ngoài tuy là dùng ngoại ngữ nhưng chính vì vậy, mọi người đều nói chậm, nếu không hiểu hay mình nói sai có thể nói lại, hỏi lại. Còn đi các tỉnh thì ai cũng chờ đợi là mình hiểu được nên nói rất nhanh, viết rất tháu và hai bên đều ngại, không dám hỏi lại, dẫn đến nhiều khi hai bên chả hiểu gì nhau cả.

Mình vốn thuộc loại hoạt ngôn, chơi với đủ loại bạn bè nên tai nghe vẫn tự tin là khá nhưng đến khi lấy chồng mới biết vốn ngôn ngữ của mình chẳng ăn thua gì. Quê chồng mình ở Quảng trị, mỗi lần về quê chồng hay tiếp đồng hương của chồng là mình botay.com luôn. Ví dụ chân ướt chân ráo về thăm nhà chồng trước khi cưới, hàng xóm lạ hươ lạ hoắc sang bảo bạn “Con ni coi lại cái trôốc mi”, vừa không hiểu vừa thấy rất xúc phạm. Sau mới biết ở đó gọi người khác là “con” là rất BT, “cái trôốc” là cái đầu, họ lo mình đi không đội mũ bị nắng thôi, Mẹ chồng bảo “Mi ra cươi lấy cái tê”, nghe rất kinh, hóa ra chỉ là “Con ra sân lấy cái này”, chúa ơi. Đấy là còn nghe ra chứ có lúc có những người phát âm không nghe ra chữ nào cả, chỉ biết ngồi cười. Như vậy cũng hay, mình được tiếng là hiền, dễ thương, hehe!

Đến lúc vào Sài gòn cũng không hơn gì. Nhớ có lần mình hỏi đường đến nhà một người bạn, thấy bảo “Cô cứ đi thẳng, đến bùng binh quẹo phải, đi tiếp đến khi hết con lươn lại quẹo trái”. Mình nghe cứ lùng bùng cả 2 tai, “bùng binh” nghe lùng nhùng, chả biết là cái gì? Mà sao “con lươn” lại nằm trên đường, như vậy là có ai vứt lươn chết ra đường à? Mà sao biết lươn vứt ở đâu mà quẹo trái? Nghĩ mãi mình đành can đảm hỏi lại mới biết, “con lươn” chính là dải phân cách trên đường, Trời ạ.

Giao tiếp với học sinh cũng rất khó khăn. Gọi một em lên phát biểu, hỏi “Em tên gì?”, sinh viên bảo “Em tên Chính”, tìm trong danh sách chả có ai tên thế. Hỏi lại mới biết em tên Chín, nhưng phát âm người Nam nó zậy. Với người Nam, tiếng Việt sẽ thành tiếng “Diệt”, làm người Bắc khốn khổ. Phát âm từ chuyên môn tiếng Anh thì cứ “Cô ơi, bê bò hay bê phở”, hóa ra trong Nam không phân biệt được âm “b” và “p”…

Nhìn chung người Nam và người Trung ít biết đùa. Có lần vào Sài Gòn, đi ăn với sinh viên. Thấy món cá lâu ra quá, mình gọi cậu phục vụ lại hỏi: “Cháu ơi, đã mua được cá chưa”, làm thằng bé cuống lên “Nhà cháu đầy cá trong bể, cô ạ”. Một anh sinh viên gốc Bắc phải dặn mình đừng nói xa xôi quá, người trong Nam không quen đâu.Thành ra lên lớp muốn nói đùa với sinh viên cũng phải suy nghĩ chán mới dám nói, kẻo nói lái hay nói giỡn nửa tiếng sau mới có người cười thì chán chết. Nhưng đến khi chấm bài mới chết dở. Một hôm mình lên lớp bảo: “Ai cũng biết Ngoại thương là trường hot ở Việt nam, là mơ ước của nhiều phụ huynh cũng như thí sinh Đại học. Nhưng nhờ các em bây giờ cô mới biết, Ngoại thương chẳng qua chỉ là ngành dạy chăn nuôi, có chăng đặc biệt chỉ là chỗ nó chăn nuôi một con khá đặc biệt là con L/C. Con L/C thuộc loài gì, 4 chân hay 2 chân thì cô chưa biết nhưng cô biết chắc là nó có mỡ và có sữa”. Tất nhiên sinh viên không hiểu gì. Minh mới đưa bài kiểm tra ra, viết bài thi về nghiệp vụ ngoại thương, sinh viên toàn viết là trước tiên là người mua phải “Mỡ L/C (letter of credit – một phương thức thanh toán)” thay vì “mở L/C”; sau đó nếu người bán không chấp nhận thì  phải yêu cầu người mua “sữa L/C” chứ k phải “sửa L/C”.  Một vài bài còn chịu được chứ đọc cả trăm bài sai như nhau, làm sao chịu mãi? Sinh viên cười nhưng có vẻ vẫn cho rằng đó là thói quen, không đáng để ý. Mình đành hỏi:”Nếu cứ như các em thì hãng sữa nào nổi tiếng nhất ở Miền Nam hiện nay?” Sinh viên liệt kê hết sữa Vinamilk, Nestle… đến các hãng sữa ngoại quốc khác, mình đều lắc đầu. Khi sinh viên đã chịu mình mới nói, đó chính là hãng Honda, vì khắp hang cùng ngõ hẻm của các tỉnh miền Nam đều có thể thấy từ biển hiệu trang trọng đến thùng gỗ nhem nhuốc ghi “Sữa Honda”.

Ai cũng biết Honda là một Tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng về ô tô, xe máy, các loại động cơ nhưng chắc chỉ ở Việt Nam Honda mới nổi danh về sữa! Hết nói luôn!!!

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sau một thời gian qua lại miền Nam mình cũng mắc một số cách nói trong đó và thấy cách phát âm hơi líu ríu của người Nam rất dễ thương. Ngôn ngữ còn được gọi là sinh ngữ, mà thứ gì còn sống thì phải thay đổi theo thực tế cuộc sống. Nói được tiếng địa phương cũng là cách để làm vui long khách hàng nơi đó. Nên chăng các trường Đại học bổ sung đào tạo ngành địa phương ngữ nhỉ?

(Bài đã đăng ở đây: http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3680)

Chuyen ngon ngu dia phuong

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *