“Vẫn nhỏ dòng châu khóc dấu xưa”!

0 No tags Permalink

Hai ngày ngồi Hội đồng Thạc sĩ, chán quá. May mà còn có chiếc netbook làm bạn. Tình cờ tìm lại được hai câu thơ ám ảnh mình từ khi còn trẻ:

 

“Thân này vùi đất Kê Sơn nữa

Vẫn nhỏ dòng châu khóc dấu xưa!”

 

Không nhớ tác giả là ai nên phải đi tìm lại và biết được đó là hai câu kết trong bài Thẩm Viên của nhà thơ Lục Du.

Lục Du (1125-1210) tự là Vụ Quan, người đời Nam Tống, quê ở Sơn Âm (nay thuộc tỉnh Chiết Giang), cùng thời với Nhạc Phi, Tần Cối. Ông là một nhà thơ lớn đã từng được người xưa suy tôn là Tiểu Lý Bạch. Theo Đường Tống thi thuần thì ông “có thể cùng Lý, Đỗ, Hàn, Bạch dĩ khúc đồng công, đặt ngang với Tô Đông Pha mà không thẹn vậy”. Ông để lại khoảng 9.300 bài thơ, tuyệt đại đa số là thơ yêu nước. Là nhà nho nhưng tính tình ông tự do phóng túng, không chịu ràng buộc trong khuôn phép nên có người cười ông là phóng đãng, ông bèn đặt ngay tên hiệu cho mình là “Phóng ông”.

 

Về cuộc sống tình cảm thì Lục Du gặp phải một mối tình trắc trở, vết thương lòng còn lưu dấu suốt đời. Năm 20 tuổi, ông kết duyên với nàng Đường Uyển, một thiếu nữ rất đẹp, con gái của người cậu. (Theo phong tục Trung Quốc thì con cô, con cậu, con dì kết hôn với nhau là chuyện bình thường, miễn khác họ là được). Nàng Đường Uyển hiền hậu, dịu dàng, lại có học, biết làm thơ làm từ nên hai vợ chồng tâm đầu ý hợp và rất yêu quí nhau. Thế mà mẹ ông lại sinh lòng ghen ghét, đối xử với nàng dâu rất cay nghiệt. Hai vợ chồng chung sống chưa được bao lâu thì bà mẹ bắt ông phải bỏ nàng Đường Uyển để lấy vợ khác. Có sách cho rằng vì nàng Đường Uyển không sinh cho bà được đứa cháu nào để bà bồng ẵm nên bà ghét. Là người con có hiếu, Lục Du buộc lòng phải tuân theo ý mẹ nhưng lén thuê nhà riêng để hai vợ chồng có nơi gặp gỡ từ sau buổi chia tay. Không ngờ có kẻ xấu lén mách mẹ ông, bà đùng đùng nổi giận tìm đến tận nơi nặng lời quở trách. Thế là hai vợ chồng buộc lòng phải vĩnh viễn xa nhau. Lục Du cưới vợ khác, còn nàng Đường Uyển thì lấy người đồng quận là Triệu Sĩ Trinh.

 

Hơn mười năm sau, một buổi chiều xuân nhớ thương người cũ, Lục Du tha thẩn dạo chơi nơi vườn họ Thẩm, phía nam chùa Vũ Tích, tình cờ gặp nàng Đường Uyển và Triệu Sĩ Trinh ở đấy. Sau buổi gặp gỡ ấy, nàng Uyển về buồn rầu nghĩ ngợi, sinh bệnh rồi mất. Cái chết của nàng khiến cho Lục Du đau khổ và ân hận suốt đời, không thể nào nguôi ngoai được.

 

Bốn mươi năm sau, lúc đã 75 tuổi, Lục Du có dịp trở lại thăm vườn Thẩm và chùa Vũ Tích. Vườn Thẩm đổi chủ mấy lần, cảnh vật bấy giờ đã khác xưa nhiều lắm. Nước vẫn êm đềm chảy dưới cầu, nhưng cố nhân có còn đâu nữa ! Sóng nước vẫn xanh màu xanh của cảnh xuân mà sao lòng người lại đau thương vô hạn? Bốn mươi năm qua, mộng đứt hương tan, cây liễu vườn Thẩm ngày xưa nay đã già, không còn bay tơ nữa. Lục Du thầm nghĩ cho dù thân này mai sau có chôn vùi dưới núi Cối Kê thì vẫn còn nhỏ lệ khóc thương dấu xưa người cũ. Xúc động trước cảnh vật đã từng ghi bao kỷ niệm dấu yêu, ông làm bài thơ tình nổi tiếng dưới đây :

 

T H Ẩ M V I Ê N


Thành thượng tà dương họa giác ai,

Thẩm viên phi phục cựu trì đài.

Thương tâm kiều hạ xuân ba lục,

Tằng thị kinh hồng chiếu ảnh lai.

 

Mộng đoạn hương tiêu tứ thập niên,

Thẩm viên lão liễu bất xuy miên.

Thử thân hành tác Kê sơn thổ,

Do điếu di tung nhất huyễn nhiên!

 

V Ư Ờ N T H Ẩ M

 

Bóng xế thành hôm ốc gợi sầu,

Đài ao vườn Thẩm dấu xưa đâu?

Dưới cầu sóng biếc trông đau ruột,

Đây bóng hồng soi thoảng lúc nào?

 

Mộng đứt hương tan bốn chục thu,

Liễu già vườn Thẩm chẳng bay tơ.

Thân này vùi đất Kê Sơn nữa

Vẫn nhỏ dòng châu khóc dấu xưa !

(Khương Hữu Dụng dịch)

 

Trung quốc nổi tiếng có nhiều nhà thơ lưu danh muôn thở với áng thơ bất hủ. Có điều thi sĩ hiếm khi chung tình, nhất là trong xã hội “trọng nam khinh nữ” như vậy. Nhưng đã từng có một nhà thơ rất đa tình, dù đã “năm thê bảy thiếp” mà đến năm 75 tuổi còn viết được những vần thơ lay động tình người cho người vợ đã xa cách hơn 40 năm, thậm chí đã lấy chồng khác, là điều theo giáo lý Khổng tử là “người đàn bà bỏ đi”. Nếu không xuất phát từ những tình cảm chân thành và niềm yêu thương vô hạn thì làm sao viết nổi? Chính vì khía cạnh tình cảm vượt qua biên giới thời gian và giáo lý nên thiên tình sử này về sau được các nhà văn Trung Quốc soạn thành kịch và rất được tán thưởng.

Bà mẹ chồng nanh ác của nàng Đường Uyển cũng bất tử một cách miễn cưỡng như vậy! Nhưng hình như những bà mẹ chồng tương tự vẫn còn rất nhiều quanh chúng ta.

(Nguồn: http://newvietart.com/index4.158.html)

Van nho dong chau khoc dau xua

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *