Lịch sử bài Danube xanh.

0 No tags Permalink

Ai yêu nhạc cổ điển đều không thể không biết bài Danube xanh. Bài hát này có tên tiếng Đức là An der schönen blauen Donau, có nghĩa là “Dòng sông Đa-nuyp trong xanh và xinh đẹp”, được Johann Strauss II sáng tác năm 1866. Như vậy bài hát có tuổi đời xấp xỉ 150 năm, giai điệu thật lcổ xưa nhưng cũng thật đẹp tuyệt vời. Hàng năm cứ mỗi lần đón chào năm mới, hàng trăm triệu khán giả truyền hình trên khắp thế giới đều háo hức chờ đợi dàn nhạc giao hưởng “Wiener Philharmoniker” của Áo trình diễn buổi hoà nhạc truyền thống “New Year Concert” chào mừng năm mới với bản nhạc kết thúc luôn luôn là bản Waltz “The Blue Danube” của Johann Strauss II.

Dù ở quốc gia nào, bài hát này vẫn được người nghe vẫn đón nhận nồng nhiệt, vẫn thấy bài hát thật là hiện đại. Cho đến nay chưa có giai điệu nào về dòng sông Đa-nuyp chinh phục người nghe toàn thế giới đến thế. Tiêu đề phổ biến của bài hát này bằng tiếng Anh là The Blue Danube, nghĩa là Sông Danube xanh. Bài hát này xuất phát từ một mối tình trớ trêu mà tuyệt đẹp của chính tác giả.

“Khi sáng tác bài này, Johann Strauss đã có vợ. Vợ ông giành cho nhạc sĩ thiên tài một tình yêu vô bờ, tận tuỵ, đằm thắm và bao dung để ông tập trung cho âm nhạc. Một ngày bà phát hiện ông chồng bay bổng như đi trên mây. Qua tìm hiểu, bà biết, ông đang lạc vào tình yêu mới với một cô gái trẻ trung xinh đẹp từ xa tới.

Một buổi sáng, bà tìm đến khách sạn, gõ cửa phòng cô nhân tình của chồng. Cô gái trẻ sững sờ, tưởng được lao vào vòng tay cuồng si của chàng, thay vào đó là lại là vợ chàng xuất hiện. Cô những tưởng sẽ phải đối phó với cơn cuồng phong ghen tuông, quật nát không khí nôn nao…

Nhưng không một lời ca thán, người vợ nói lời cám ơn cô gái đã làm cho chồng mình hạnh phúc. Bà dặn cô hãy chú ý đến bệnh phổi của ông, nhắc ông mặc thêm áo ấm mỗi khi trời tối. Cô chưa hết bàng hoàng thì bà đã tạm biệt, đóng cửa rồi đi. Cô đã khóc, vì yêu, vì xót, và vì những điều gì hơn thế nữa… Chợt cô tỉnh ra, chạy ra cửa để nhìn theo bà. Đúng lúc đó bà ra đến cửa khách sạn, mọi cố gắng để “cao thượng” cạn kiệt, toàn bộ nỗi đau của người vợ tận tuỵ đè lên trái tim bà … Bà lảo đảo ngã quỵ…

Không cần suy nghĩ nhiều hơn, cô gái thu xếp va li để ra đi. Cô đã hiểu cô không thể làm tổn thương thêm một người phụ nữ cao thượng đến vậy. Khi người nhạc sĩ đến khách sạn gặp người yêu, gặp vợ đang ngất xỉu liền lo lắng đưa bà vợ đi bệnh viện. Khi người vợ tỉnh lại, câu đầu tiên bà nói với chồng là xin lỗi ông vì đã tự tìm gặp cô gái … Người nhạc sĩ vội chạy ngay đến khách sạn, nhưng nàng đã ra đi. Ông đuổi theo ra đến cảng, thì vừa lúc con tàu rúc còi rời bến… Strauss đứng như trời trồng, đau khổ tột cùng, nhưng ông thấy mình hạnh phúc vô biên vì ông đã được hai người phụ nữ xứng đáng yêu, cả hai đều cao thượng, và đều biết hy sinh.

Và trên bến sông, tâm hồn ông tuôn trào thành một giai điệu ngây ngất của tình yêu, bản Danube xanh sau này được nhiều người coi là vua của các bản nhạc Valse”.

Phần lời ban đầu của bài hát do Josef Weyl viết và được chính Johann Strauss II đồng ý cho sử dụng trong Hội Chợ Quốc tế Paris năm 1867. Tuy nhiên sau đó phần lời này đã bị lược bỏ để chỉ còn lại giai điệu và được biên dịch ra cho nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.

The Blue Danube không chỉ làm cho người nghe mê đắm mà cũng còn là một tác phẩm được ngay cả những nhà soạn nhạc hàng đầu thế giới khâm phục. Nhà soạn nhạc vĩ đại Johannes Brahms cũng đã ghi lại trên trang đầu của bản nhạc The Blue Danube rằng “Thật đáng tiếc rằng bản nhạc này không phải do Johannes Brahms sáng tác“.

Ở Việt Nam, bài hát này rất phổ biến với phần lời tuyệt vời của nhạc sĩ Phạm Duy và cũng gắn với một mối tình của nhạc sĩ đào hoa này.

Trong “Ngàn lời ca khác”, Phạm Duy nói: “Cho tới năm 1949, tôi lập gia đình với Thái Hằng ở Chợ Neo Thanh Hoá và vì Thái Thanh, lúc đó còn bé lắm, thích hát nhạc cổ điển cho nên tôi soạn lời ca cho những bài Dạ Khúc (Schubert), DòngSôngXanh (Johann Strauss), Trở Về Mái Nhà Xưa (Curtiss) v.v… để cho cả hai chị em hát”.

Thái Thanh thì lại bảo: “Hồi đó, năm tôi 14 tuổi, anh Phạm Duy cứ dùng tôi làm cái cớ lấy điểm với chị Thái Hằng, chị ruột của tôi. Năm đó Thái Hằng khoảng 21 tuổi. Không lạ gì mà hồi đó đã có bài “Giòng Sông Xanh” nhạc Johann Strauss lời Việt. Ông Phạm Duy đã phải đặt lời Việt cho bài “Giòng Sông Xanh” để cho cô Thái Thanh bé xíu hát thì mới lấy điểm được với bà Thái Hằng.” (Thái Thanh, Giai phẩm Xuân Người Việt Ất Dậu, 2004).

Cho đến nay, lời bài hát này của Phạm Duy vẫn được các ca sĩ VN yêu thích và sử dụng phổ biến.

“Một dòng xanh xanh, một dòng tràn mông mênh

Một dòng nồng ý biếc, một dòng sầu mấy kiếp

Một dòng trời xao xuyến, một dòng tình thương mến

Một dòng còn quyến luyến, một dòng nhớ

Quay về miền đời lúc mơ huyền

Ánh dương lên xôn xao, hai ven bờ sông sâu

Cười ròn tiếng người, đẹp lòng sớm mai.

Những cô em tươi môi ngồi giặt yếm yên vui

Thả ý thắm theo người chở gió về xuôi

Hát vang lên cho vui, cô nàng ngồi bên tôi

Đời là khúc nhạc, đời là tiếng thơ

Nước sông reo như ru cuồn cuộn sóng trôi xa

Là tiếng hát mơ hồ mời đón lòng ta.

Sông về sông dào dạt ý

Hát tang bồng theo tầu mà đi

Ai giang hồ sau ngàn hải lý

Lỡ tình duyên nơi đâu đó ghé qua kinh kỳ.

Ôi, mắt em hoe như mây chiều rơi, rơi vàng lòng đời.

Ôi, mắt em xanh như đêm dài, đời người quên kiếp mai.

Sông về, sông cười ròn tiếng

Yêu mối tình bên bờ Thành Vienne.

Đôi giang hồ quay về bờ bến

Ngỡ mình vui trong ánh sáng muôn sao Thiên Đàng.

Ngày ấy, có tiếng ai khoan hò thuyền về.

Ngày ấy, có dáng em soi dòng chiều hè.

Ngày ấy, có tiếng ta hát gọi tình về

Nước sông miên man trôi đi.

Ngày ấy, lúc đến với em một lời thề.

Ngày ấy, lúc nói với em một chuyện gì.

Ngày ấy, lúc vui cuộc sống nhịp tràn trề

Nước sông miên man trôi đi.

. . . . .

A á a a a a a a a a ! Em ơi ! Em ơi ! Yêu đi !

A á a a a a a a a a ! Có sóng nước trên sông ghi.

A á a a a a a a a a ! Em ơi ! Em ơi ! Ra đi !

A á a a a a a a a a ! Nước cũ đón đưa về..

Người hỡi ! Ánh trăng rụng không tới nước.

Vì đêm rét mướt, dòng sông lắng câm.

Người hỡi ! Giúp nhau mở đôi mắt ướt

Ngắm cầu nhớ sông im cúi gầm.

Đi về đâu ? Đi về đâu ?

Nước lặng khô cứng đờ.

Màn tang buông tuyết phủ.

Người ơi ! Đi về đâu ?

Kiếp tù đầy nước giá

Xót thương cho cây khô nghèo.

Rồi đàn chim xanh từ trời thanh về vờn quanh.

Gió Đông chết ngoài sông mới, mùa Xuân tới.

Ai mơ hồ ngủ kỹ, mau ra đời

Bông hoa đầu rụng rơi trên sông xanh lơ.

Đi ! Ta đi, cùng đi theo sông, vờn sóng nước biếc.

Theo nhịp sóng vui tưng bừng.

Sông vi vu ù u… vui nghe tầu hú… u hú.

Sẽ đưa ta đi nơi xa mờ

Cùng đi, vào Thương với Nhớ”.

Một bài hát tuyệt đẹp đã gắn với hai mối tình và đã chắp cánh cho rất nhiều mối tình khác, chắc chắn sẽ còn sống mãi trong lòng người yêu nhạc khắp thế giới.

Hãy nghe Thái Thanh trình bày bài này nhé!

http://m.youtube.com/watch?v=AeJVOnek2_4

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *