Có quá nhiều tranh cãi về hai từ đơn giản TỰ DO. Có những người coi đó là điều kiện tối thiểu để sống cho ra con người, có người lại không thể chấp nhận được nó vì trong lịch sử, TỰ DO hành động luôn kèm theo rủi ro phải đối mặt với cường quyền vì những kẻ độc tài không bao giờ chấp nhân cho dân chúng được tự do. Mặt khác, TỰ DO CŨNG BAO HÀM SỰ TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM, ĐIỀU MÀ NHỮNG KẺ HÈN YẾU LUÔN SỢ HÃI. Nhưng bất chấp những lực cản ấy, lịch sử phát triển của xã hội luôn hướng tới sự tự do ngày càng lớn hơn cho con người.
Chắc tất cả đều đồng ý là Việt Nam còn ở nấc thang rất thấp cho quyền tự do của con người, không chỉ vì thể chế mà còn vì sự mông muội của xã hội (VD: tác phẩm Lê Vân Yêu và Sống thể hiện sự đòi quyền sống tự do của nữ nhân vật chính không hề gặp sự trở ngại từ chính quyền mà lại chính từ những giáo điều lạc hậu của dư luận). Vì vậy, trước khi đòi quyền TỰ DO, nên chăng ta nên suy nghĩ, thực ra TỰ DO là gì? Và TỰ DO ở mức nào là cần thiết và lành mạnh?? TỰ DO và VÔ CHÍNH PHỦ khác nhau như thế nào? Sau đây là một số ý kiến của tác giả Nguyễn Văn Trọng, trích từ sách “Những ghi chép về quyền tự do lựa chọn” Nxb Tri Thức, công ty sách Dân Trí, 2015.
Trước hết, vấn đề Tự do được thảo luận ở chương này không phải là luận bàn về ý nghĩa triết học hay tôn giáo của Tự do. Chúng ta đề cập đến vấn đề Tự do trong mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội theo ý nghĩa phủ định, tức là khoảng không gian của cuộc sống cá nhân mà Nhà nước và các tổ chức xã hội không nên can thiệp vào. Hiển nhiên là khoảng không gian ấy không thể vô hạn được, vì như thế là triệt tiêu luôn cả khái niệm Xã hội như một cộng đồng sinh hoạt có tổ chức. Triết gia Nga Georgy Petrovich Fedotov (1886 – 1951, trong cuốn Số phận và những tội lỗi của nước Nga) nhận xét rằng những kẻ thù của Tự do luôn ưa thích sử dụng thủ thuật này để chứng minh khái niệm Tự do là vô nghĩa. Tự do được thảo luận ở đây chỉ là vấn đề khẳng định những giới hạn quyền lực của Nhà nước và các tổ chức xã hội, cũng như xác lập những quyền bất khả xâm phạm của cá nhân. Fedotov gọi đó là Tự do xã hội.
…
Cần phải nhận xét rằng ở phương Tây, các phong trào nhân dân đấu tranh cho Tự do và Bình đẳng của TK XIX không phải đòi quyền “tự do nghiên cứu” hay “tự do làm ăn”. Các thanh niên thuộc nhiều tầng lớp xã hội đã hy sinh trên các chiến lũy không phải vì những thứ tự do cụ thể ấy, mà họ hy sinh vì Tự do nói chung, tức là một lý tưởng toàn cục cải tổ đời sống hướng tới một xã hội không tưởng chung cuộc của loài người.
Tự do xã hội theo xếp loại của I. Berlin còn được gọi là Tự do phủ định (không bị cản trở) để phân biệt với Tự do khẳng định (tự làm chủ, tự hướng dẫn, và kiểm soát bản thân). Ông cho rằng Tự do phủ định hàm ý một phạm vi riêng tư trong đó tôi được tự do tách khỏi sự soi mói, là điều không thể thiếu được cho tính độc lập tối thiểu mà mỗi người đều cần có, nếu anh ta muốn phát triển mỗi người theo con đường của riêng mình. Tự do trong ý nghĩa như vậy được nhiều triết gia khác nhau như John Locke (1632 – 1704), Benjami Constant (1767 – 1830), John Stuart Mill (1806 – 1873), Thomas Paine (1737 – 1809) khẳng định. Họ bất đồng với nhau về việc không gian tự do phải rộng đến đâu, nhưng họ đều cho rằng sự đa dạng là bản chất của loài người, chứ không phải là điều kiện nhất thời, rằng các hoạt động của con người không tự động hài hòa với nhau. Không gian tự do hành động của con người phải được giới hạn bởi luật pháp để cho quyền tự do của những kẻ yếu không bị kẻ mạnh thủ tiêu, nhưng nhất thiết phải có một không gian tối thiểu nhất định cho tự do cá nhân không được vi phạm bởi bất cứ lý do nào. Không gian ấy dù có nhỏ bé nhưng không có nó thì cuộc sống có vẻ như không đáng sống.
Đối với Berlin, phạm trù đạo đức cơ bản của con người là giữ gìn quyền năng lựa chọn. Ông viết: “Chúng ta phải gìn giữ một không gian tối thiểu cho tự do cá nhân, nếu chúng ta không muốn “làm mất phẩm giá hay chối bỏ bản chất của chúng ta“. Chúng ta không thể được tự do tuyệt đối và phải giao nộp một số tự do của chúng ta để giữ gìn cho những người khác. Thế nhưng tự hàng phục toàn bộ là tự chuốc lấy thất bại. Thế thì cái (TỰ DO) tối thiểu phải thế nào? Ấy là cái mà nếu con người giao nộp thì tất cả sẽ xúc phạm đến bản chất con người của anh ta” (Hai khái niệm về tự do).”
Liệu Việt Nam hiện nay có bao nhiêu người dám giành quyền TỰ DO tối thiểu cho mình???
Leave a Reply