Càng sống mình càng thấy, mục đích cuộc đời con người ở tầm mức cá nhân chỉ là tìm ra mình là ai và mình không phải là ai mà ta chỉ tìm ra điều đó qua sự trải nghiệm, một trong những cách trải nghiệm hiệu quả nhất là thông qua du lịch. Thật ra mình không biết dùng từ du lịch có chính xác không vì từ tiếng Anh mình muốn dùng là travelling, là di chuyển, vì di chuyển có nhiều lý do, vì công việc, vì để giải toả, vì muốn thăm những vùng đất mới mà du lịch có lẽ chỉ đúng với hai mục đích sau.
Hôm nay mình tình cờ đọc trên Quora một người hỏi, mười lời khuyên cho người muốn đi du lịch là gì, đợt này mình đi cũng nhiều nên muốn thử trả lời xem sao. Trước hết, du lịch có rất nhiều loại hình, ngoài những cách chia phổ biến như du lịch nội địa, quốc tế, du lịch cá nhân, theo tổ chức… dựa trên động cơ du lịch ta có du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm, chữa bệnh, tôn giáo, kinh doanh… Người du lịch cũng có nhiều loại, loại truyền thống – đám đông đi đâu mình đi đó; loại khám phá – muốn hoà mình vào cuộc sống bản địa để tìm những nét đẹp riêng cho mình; loại cao cấp – muốn đi theo nhóm nhỏ với những yêu cầu và tiện nghi riêng để khám phá những nơi còn ít người biết; loại đại chúng – đi theo tour không cần nghĩ ngợi gì và trong thời mạng xã hội chắc còn thêm loại mới, đó là du lịch check in, bất kể đi theo tour hay đi cá nhân, không cần biết là đi đâu, chỉ cần chụp ảnh nuôi FB hay Instagram là đủ! Loại này cực phổ biến với người châu Á, nhất là phụ nữ. Mình luôn khâm phục các tồng chí này (vì hầu hết thuộc khu vực sinosphere, tức là chịu ảnh hưởng bởi văn hoá TQ), rất chịu khó khuân cả tấn quần áo giày dép đi, mọi địa điểm du lịch với họ chỉ là phông màn để chụp hình, và trên hình thấy mỗi họ! Thế sao không ở nhà chụp với cái phông có phải đỡ tốn và đỡ vất vả không??? Cứ lâu lâu là báo chí QT và cả VN lại có bài lên án du khách châu Á nào đó lại xúc phạm di tích văn hoá bản địa để tạo hình chụp ảnh, thật mệt quá đi!
Với mình thì du lịch trước hết là để tìm hiểu văn hoá, mình rất thích tìm hiểu văn hoá của các nơi mình có dịp ghé qua, nhất là văn hoá cổ điển. Tiếp theo là để hiểu về đời sống của quốc gia, con người nơi đó, nhìn cách họ vận hành quốc gia, hay đời sống hàng ngày, ta học hỏi được rất nhiều. Vì thế mình không thích đi theo tour vì bị phụ thuộc quá nhiều vào cách tổ chức tour cũng như hướng dẫn viên, nhất là tour châu Á, toàn mua sắm, mệt! Vì thế những đúc kết sau đây của mình chỉ là quan điểm cá nhân, cho mọi người tham khảo thôi nhé! Du lịch là một quá trình tốn kém, mệt mỏi và là cơ hội hiếm có nên cần có sự tìm hiểu, chuẩn bị trước để mỗi người có được một trải nghiệm vui vẻ và hiệu quả.
- Hãy xác định mình muốn gì để lựa chọn loại hình du lịch phù hợp với mình chứ đừng chạy theo ai đó. Bạn mình từng kể sau khi bạn up loạt hình đi thăm safari ở châu Âu, một người bạn tha thiết nhờ bạn hướng dẫn để đăng ký vào chương trình đó. Thế nhưng khi về người bạn ấy rất thất vọng vì chỉ được ngồi trên xe quan sát thú (safari nó vậy), thời tiết lại nóng, không được xuống dưới chụp hình check in (nguy hiểm lắm). Bạn bảo thà đi Vin Pearl Phú Quốc còn hơn, tạo dáng chụp hình thoải mái, còn được cho thú ăn và fastfood thì ê hề mà lại vô cùng “hạt dẻ” so với với tour safari ấy!!! Không biết mình muốn gì nên chọn sai rồi lại phàn nàn vừa khổ bản thân vừa làm người giúp đặt tour phiền lòng! Như mình đi chơi ở nước ngoài thường rất ít rủ bạn bè vì hiếm người chịu nổi sự tỉ mỉ của mình, đi đường thấy cái gì đẹp là ghé vào, chả theo kế hoạch gì, lại còn thích đi bảo tàng rồi dừng trước mỗi một bức tranh, một pho tượng xem ý nghĩa của nó, tác giả, phong cách… nên rất mất thì giờ và mệt mỏi, còn tốn tiền mua vé nữa.
- Lên mạng tìm trước thông tin về nơi mình đến để lên kế hoạch cho hiệu quả. Hồi chưa có internet mình phải vào thư viện mượn những cuốn sách hướng dẫn du lịch đắt lè, giờ thì dễ rồi, chỉ cần vài cú click chuột là xong. Nơi nào cũng có rất nhiều thắng cảnh để thăm quan, đọc trước xem mình thích cái gì kẻo đến khi về lại hối là không kịp thăm chỗ nọ chỗ kia. Hồi Sơn Đoòng mới nổi, mình cũng tò mò lắm nhưng kiểm tra thì loại hình du lịch mạo hiểm không phù hợp lắm với mình mà phí quá đắt, thà tiền ấy để đi nước ngoài còn hơn.
- Rời khỏi nhà là có rủi ro, nhất là ra nước ngoài. Tiêu chí du lịch của mình là an toàn và vui vẻ nhưng không hoảng hốt. Ra ngoài thì có hai thứ cần giữ nhất là giấy tờ tuỳ thân và tiền, giờ thêm cả điện thoại vì nó đại diện cho cả 2 thứ trên. Vì thế hãy có 1 túi nhỏ luôn đeo trên người để mang những thứ đó, dù vào toilet cũng không rời. Tiền nong nên chia thành nhiều chỗ, ví dụ để bớt trong két sắt của hotel, nên có 2 thẻ tín dụng để ở hai nơi… Trong trường hợp mất thẻ tín dụng cần gọi hotline khẩn cấp để báo khoá thẻ kẻo lúc về sẽ có một khoản nợ to đùng chờ bạn. Gọi hotline thường miễn phí nên dù chưa mua sim, chỉ gọi ở trạm điện thoại cũng OK. Có lần mình và chồng đi Lisbon, ông lão tự tin là quần có túi hộp nên đòi giữ tiền của cả hai vợ chồng, kết cục bị cắt mất hết. May mình đòi giữ một ít tiền riêng và có thẻ tín dụng nên mới sống sót về nhà.
Nhiều điểm du lịch bị doạ là không an toàn nhưng đừng quá lo sợ. Miễn bạn không ra ngoài một mình vào tối muộn, không đến những nơi hẻo lánh, không mang đồ đắt tiền thì rồi bạn sẽ ổn thôi. Dân sống được thì bạn cũng thế. Mình đã đi cả Nam Phi và Marseille đều thấy rất bình thường.
- Cố gắng tối giản hành lý: đi xa mà hành lý cồng kềnh quá sẽ dễ làm ta mệt mỏi, không còn sức để tận hưởng khung cảnh xung quanh. Hãy chọn những quần áo, giày dép tiện dụng, dùng được trong nhiều hoàn cảnh, VD giày bệt sẽ thay thế cho cả giày thể thao và dùng được cả khi đến những nơi trang trọng, mang 1 áo khoác và vài ba áo chui đầu thay vì cần 2 áo khoác, tốn chỗ lắm.
- Cần chuẩn bị đầy đủ những thứ quan trọng để chuyến đi được an toàn, đỡ tốn kém. Nghe vụ này có vẻ ngược lại với nguyên tắc trên nhưng nó là hai mặt của cùng một vấn đề, cần thiết như nhau. Ta cần hiểu rõ nhu cầu của mình để biết đồ gì là tối cần thiết cho mình, VD như đồ chăm sóc sức khoẻ, đồ ăn, giữ ấm… Sểnh nhà ra thất nghiệp, du lịch là xa nhà, nhất là ra nước ngoài, có nhiều thứ không thể mua nổi. VD có lần mình bận quá, không kịp chuẩn bị thuốc tiêu hoá khi đi Đà Nẵng với cơ quan vì nghĩ là chỉ có vài ngày và trong nước chắc cũng dễ tìm thuốc. Thế nhưng khi bị tiêu chảy do ăn hải sản mình không thể mua nổi thuốc quen dùng, thuốc khác không hiệu quả, thế là cả chuyến đi chả còn gì vui nữa, chưa kể còn làm phiền những người xung quanh phải chăm sóc mình. Nếu bạn có bệnh mãn tính hay đã lớn tuổi, thuốc men là rất quan trọng, ở nước ngoài thuốc đắt và phải mua theo đơn nên cần chuẩn bị trước. Nếu bạn khó ăn nên mang theo gói ruốc, muối vừng hay mì tôm vì nếu ăn không được sẽ không có sức để vui vẻ nữa đâu.
- Dám tiếp nhận những điều bất như ý. Đã ra khỏi nhà thì những việc nhỏ như tàu xe vất vả, ăn uống không hợp khẩu vị, đến mất trộm mất cắp, lạc đường… đều có thể xảy ra. Ta cần có biện pháp đề phòng như mang đồ ăn khô theo, để tiền nhiều chỗ, giấy tờ tuỳ thân luôn đeo trên cổ… ngoài ra dù gặp việc gì cũng không nên mất tinh thần. Tổ chức một chuyến đi không đơn giản, từ thủ tục đến tiền bạc, thời gian đều tốn kém. Đừng để một vài sự cố làm mất vui cả chuyến đi, coi như rèn luyện năng lực ứng phó thôi.
- Đừng cứng nhắc với kế hoạch, hãy cởi mở với điều mới. Dù bạn có đọc thông tin kỹ đến đâu, dù những người ở đó có khẳng định là họ đã dẫn bạn đi hết chỗ đáng thăm rồi thì luôn có những góc nào đó là thú vị với riêng bạn. Bằng việc cho mình có cơ hội biết nơi đó theo góc nhìn độc đáo của riêng bạn, bạn đã cá nhân hoá được nơi đó, biến nó thành của mình theo một cách nào đó. Mỗi địa danh đều có vô vàn gương mặt, dù mình sống cả đời ở HN, tính lại hay thò mũi vào mọi xó nhưng khi đi với con gái hay bạn bè nước ngoài mới thấy những góc bất ngờ khác mà bình thường mình không biết. Một quán cafe bụi, một nhà hàng trên phố Tạ Hiện… cũng là một góc HN mới lạ với mình. Cho nên hãy có 1 góc Paris hay London nào đó chỉ của riêng bạn.
- Chọn nơi lưu trú tử tế. Nhiều người nói không cần hotel quá sang vì đằng nào cũng chỉ về ngủ. Nói thế không hoàn toàn đúng vì nơi lưu trú chính là phần trọng để nghỉ ngơi phục hồi sau 1 ngày lang thang dài. Nơi ở cần sạch sẽ, an toàn, đi lại không quá vất vả và đủ tiện nghi tối thiểu theo nhu cầu của bạn. VD có lần mình được hội thảo book cho 1 hotel 3 sao ở Geneva. Ai đi châu Âu đều biết hotel nơi này thường cũ và rất đắt, nhát là ở các thành phố trung tâm. Chỗ mình ở gần nơi tổ chức hội thảo nhưng phòng bé, có mỗi cái giường, nhà tắm và giá treo vài bộ quần áo. Ăn ở hội thảo rất chán, về nhà mình muốn làm mì ăn thêm thì cả hotel chỉ có 1 máy đun nước nóng ở tầng 1 để pha trà, bưng bát mì lên xuống quá bất tiện, nước lại còn không đủ sôi nên đành nhịn. Kết quả là sau 3 ngày mình phát ốm lên, chả còn thấy vui gì nữa.
Giờ mình thường chọn ở Airbnb, nhà có bếp để ăn uống tử tế, còn có thể giặt quần áo mà giá lại rẻ hơn. Đi cả tháng thì tìm nơi giặt quần áo cũng là vấn đề rồi, giặt tự động ngoài phố lại mất công đi lấy, quá mệt.
- Làm quen với người sống ở đó: mỗi địa danh đều có hồn cốt riêng của mình, các trang hướng dẫn du lịch thường chỉ cho bạn biết thứ mà ai cũng biết rồi nhưng không cho bạn biết sự thật về cuộc sống nơi đó, thứ mà chỉ người thật sự sống ở đó mới biết. Hãy làm quen với người địa phương hoặc ít nhất là người sống ở đó từ vài tháng trở lên để được trải nghiệm cuộc sống hàng ngày ở đó, bạn sẽ cảm thấy thấm thía hơn hẳn. Vì thế mình thường cố tìm cơ hội đi hội thảo hay làm việc ở nước ngoài, dù ngắn hạn nhưng bạn sẽ có cảm giác có 1 góc ở nơi đó thuộc về riêng bạn, vui hơn rất nhiều.
- Lắng nghe cơ thể bạn. Hồi trước có lần mình đọc trên một tờ báo về du lịch có một câu rất thú vị, “khi nào trông bạn giống tấm hình trên hộ chiếu thì là lúc nên về nhà”. Du lịch là để sống không phải để chết, hãy đi theo khả năng của mình, khi nào mệt hãy nghỉ. VD mình khó ngủ nên sáng thường đi muộn, tối 8-9h mới về vì trời Âu Mỹ thường tối muộn, đi xa thường không phải làm việc nên tối ăn xong rồi về ngủ, cũng vui mà không quá sức. Hãy đi trong phạm vi năng lực của mình để tận hưởng niềm vui đó.
Hôm nay đọc bài của một bạn du học sinh kể trong 1 năm học thạc sĩ, bạn ấy đã đi được 41 quốc gia, chỉ riêng 3 tháng đầu đã đến 12 thành phố! Mình rất khâm phục nhưng mình đã qua thời đếm số lượng địa danh mình đã tới. Giờ mình thuộc trường phái chất lượng, hãy để “Khi ta đến đất chỉ là đất ở – Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn” chứ không phải chỉ là một con số bạn nhé!
HAVE A NICE TRIP!
(Bức tượng Người du lịch của Bruno Catalano – ta đi để lấp đầy chính mình)
Leave a Reply