Câu chuyện về MC Đức Bảo có phát ngôn rằng: “Nếu sinh con ra để kế thừa sự vất vả nghèo khó của bạn thì không sinh con cũng chính là một loại lương thiện” đã gây sóng gió trên mạng xã hội rất nhiều trong thời gian vừa qua. Chúng ta thật sự không biết Đức Bảo đã phát ngôn câu này trong hoàn cảnh nào và có chính xác anh nói như vậy hay không? Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp giật tít câu view, cắt câu lấy chữ đã gây nhiều hiểu nhầm tai hại kiểu “Đau bụng uống nhân sâm…” mà ngụ ngôn ngày xưa đã kể. Ở đây mình chỉ bàn trên cơ sở câu nói trên mà thôi, không bàn về người nói. Việc Đức Bảo xin lỗi cũng không nằm trong phạm vi bài viết này vì người có hiểu biết đều hiểu, lời xin lỗi ấy chỉ là do tình thế bắt buộc mà thôi.
Rất nhiều người buộc tội rằng anh nói như vậy là cho rằng người nghèo không có quyền sinh con hoặc người sinh ra trong gia đình nghèo khó sẽ không được hạnh phúc nói cái khác là kỳ thị người nghèo. Theo mình suy diễn như vậy là quá xa, từ câu nói này ta chỉ có thể thấy người nói cho rằng, làm bố mẹ ta chỉ nên sinh con khi chúng ta đã có đủ điều kiện để tạo cho con một cuộc sống tốt, không bàn gì đến quan điểm của người con.
Là một người con được sinh ra trong một gia đình vất vả mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Mình là con trưởng trong một gia đình 2 bố mẹ là con của gia đình tầng lớp trên trong chế độ cũ nên không tháo vát và bị nhiều chèn ép trong cuộc sống. Năm mình 8 tuổi, em trai mình 5 tuổi, mẹ mình sinh thêm 1 em gái, trong hoàn cảnh mẹ đang đi học chuẩn bị tốt nghiệp và bố lại ở xa, vì thế trách nhiệm trông em phần lớn đổ lên đầu mình. Đến bây giờ mình vẫn không hiểu được làm thế nào em mình có thể lớn lên bình an với một người chăm sóc mới 8 tuổi! Mình còn nhớ mình đã làm em đau bụng vì quấy bột sống, từng cho em uống sữa bị nóng quá và lâu lâu lại đánh ngã em vì đang bế em nhưng vẫn mải đi chơi. Điểm tích cực của câu chuyện này là 2 chị em đặc biệt gắn bó với nhau nhưng nhược điểm là từ lúc ấy tuổi thơ của mình đã chấm dứt. Trong khi các bạn cùng tuổi sau khi học xong được chơi đùa thì mình phải vội vàng về nhà để trông em, nấu cơm, đưa đón em đi học… Thời gian sơ tán càng đặc biệt vất vả khi mình mới 10 tuổi đã phải chịu trách nhiệm chính về 2 đứa em, một đứa 7 tuổi, một đứa một đứa 2 tuổi khi mẹ đi làm, tức là có thể từ sáng đến đêm. Lúc ấy mình không thấy khổ, thậm chí còn tự hào là đã lo liệu được mọi chuyện trót lọt. Chỉ đến khi bước vào tuổi thiếu nữ mình mới thấy mình bị thiếu hụt quá nhiều so với bạn bè vì gần như không có bạn thân do không có thời gian để chơi bời, rất khó hòa nhập với tập thể và ảnh hưởng nhiều đến việc tìm bạn trai.
Chính vì thế khi lập gia đình dù rất thích trẻ con, mình hoàn toàn không muốn có con sớm. Trong tiềm thức mình luôn khao khát có một thời gian được rảnh rỗi chơi bời, không phải đầu tắt mặt tối để chăm sóc ai đó. Thêm nữa kinh nghiệm của bản thân cho thấy việc chăm sóc một đứa trẻ rất vất vả nên mình mong mỏi có một thời gian để 2 vợ chồng hiểu nhau trước khi tập trung vào đứa trẻ. Bọn mình lấy nhau đúng thời cuối bao cấp kinh tế vô cùng khó khăn. Hai đứa mang tiếng đi nước ngoài về nhưng ngoài 2 cái xe đạp và vài bộ quần áo không có tài sản gì. Gia đình chồng ở xa, lại rất nghèo và đông con, không thể hy vọng 2 cụ giúp đỡ gì. Bố mẹ mình cũng chỉ là công chức, không dư dả gì. Hơn nữa mình tin rằng ta chỉ nên sinh con khi có thể lo được cho con. Chứng kiến sự vất vả của bố mẹ mình khi nuôi 3 đứa con, mình không mong muốn bắt các cụ phải chịu thêm sự vất vả ấy một lần nữa. Chính vì vậy 5 năm sau khi cưới bọn mình mới sinh con, gây nên rất nhiều sự lo lắng trong 2 gia đình và những đồn đoán của những người xung quanh. Trong xã hội Việt Nam những cuối những năm cuối thập kỷ 80, khi gần như 100% các đôi lấy nhau đều sinh con ngay trong năm đầu tiên bất kể đủ ăn hay không, việc một cặp vợ chồng lấy nhau 3 – 4 năm vẫn không có con với lý do chưa có đủ kinh tế thật không thuyết phục. Thậm chí đến năm thứ 3 sau khi chúng mình cưới nhau, mẹ mình sốt ruột quá còn bảo “Con đẻ đi mẹ nuôi cho”! Nhưng là một người mong mỏi có được sự độc lập, mình muốn đứa con sẽ được giáo dục theo những niềm tin của mình. Nếu trông cậy vào sự trợ giúp của bố mẹ thì sẽ phải chấp nhận những quan điểm của bố mẹ, điều mà mình không hề mong muốn vì đã trải qua quá đủ rồi.
Vì thế đến năm thứ 4 sau khi cưới nhau, đúng lúc đất nước bắt đầu mở cửa, kinh tế của 2 vợ chồng khá giả hơn, chúng mình mới quyết định sinh con. Cho đến bây giờ mình chưa bao giờ hối hận về quyết định ấy dù việc có con muộn ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Ngược lại chúng mình đã có đủ điều kiện để cho con một cuộc sống đảm bảo cả về kinh tế, giáo dục và sức khỏe, lại hoàn toàn không lệ thuộc vào ai cả. Giả sử mình chấp nhận như mọi người, cưới xong có con ngay, chắc chắn chúng mình sẽ phải trông cậy vào cả 2 gia đình, làm bố mẹ cả 2 bên vất vả trong khi cả 2 chúng mình là con trưởng, bố mẹ còn phải chăm sóc rất nhiều em nhỏ đằng sau. Con chúng mình sinh ra sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, như mình khi còn nhỏ câu đầu tiên bố mẹ nói với mình luôn là: nhà mình nghèo không có tiền để mua cái này cái kia, mỗi khi mình thèm muốn những thứ các bạn có. Điều đó đã tạo nên một tâm lý tự ti trong lòng mình, cộng thêm bận bịu việc nhà và học đội tuyển, lại không có điều kiện ăn mặc trang điểm làm mình rất khó hoà nhập với bạn bè.
Đành rằng các gia đình giàu có con cái cũng có những nỗi khổ riêng, không ở đâu có bố mẹ hoàn hảo. Lịch sử đã cho thấy rất nhiều người sinh ra trong gia đình nghèo khó vẫn có thể trở thành danh nhân hay những người nổi tiếng. Hai vợ chồng mình sinh ra trong nhà nghèo nhưng bố mẹ 2 bên đều rất yêu thương con cái, chúng mình không có gì để oán trách bố mẹ. Tuy nhiên, con cái không thể chọn cửa mà sinh nhưng bố mẹ thì có thể chọn thời điểm để con cái có được một điều kiện tốt nhất. Đó chính là làm bố mẹ có trách nhiệm và trách nhiệm với con cái là sự lương thiện đầu tiên mà người làm bố làm mẹ cần có.
Kiểm soát sinh đẻ được tính là một trong những thành tựu lớn nhất của xã hội loài người trong thế kỷ 20. Vậy việc kiểm soát sinh đẻ để con cái mình có điều kiện tốt nhất có gì là sai? Cư xử như gà chó để sinh con ra khi mình không chắc chắn về việc có nuôi được con hay không, không phải vô trách nhiệm thì là gì?
BẠN SẼ CHỌN SINH CON KHI NÀO?
(Bạn có nghĩ những đứa trẻ thích được đưa vào đời tự nhiên thế này?)
Leave a Reply