10 kinh nghiệm để trở thành người ăn mặc đẹp

0 No tags Permalink

Hôm nay chúng ta sẽ nói chuyện về một chủ đề khác mà mẹ tin là các con và các bạn cùng lứa tuổi sẽ rất quan tâm. Đó là làm thế nào để ăn mặc đẹp. Bất kỳ loài nào trên thế giới khi ở tuổi cập kê cũng chú ý chăm sóc đến hình thức của mình. “Người đẹp vì lụa” mà, ăn mặc không chỉ giúp chúng ta đẹp hơn mà còn giúp chúng ta tự khẳng định mình, xây dựng lòng tin vào bản thân, vào sự hấp dẫn với người khác giới và cả những người xung quanh. Khi còn nhỏ, mẹ không biết điều này mà chỉ được dạy là: “Cái nết đánh chết cái đẹp”, “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”… vì khi ấy lo “Cơm ba bát, áo ba manh…” là may rồi, sức đâu nghĩ đến chuyện mặc đẹp. Chỉ đến khi đọc chuyện về bà nữ Đại sứ đầu tiên của Nga ở Thụy điển – Alexandra Kollontai – nguyên là một nữ quý tộc đi theo cách mạng và rất thành công trong diễn thuyết với công nhân, mẹ mới được biết vai trò của trang phục. Bà luôn mặc rất đẹp khi diễn thuyết, có người hỏi bà: “Công nhân luôn rất giản dị, sao bà mặc đẹp thế làm gì?”, bà đã trả lời: “Có vậy tôi mới tự tin và họ mới thích nghe tôi nói!” Trang phục đã góp phần quan trọng trong thành công của bà!

Càng sống mẹ càng hiểu, thời trang là một nghệ thuật và làm thế nào để ăn mặc cho đẹp và phù hợp quả thật là một khoa học mà không phải ai cũng hiểu được. Không phải bỗng dưng mà các nhà văn trong những tiểu thuyết nổi tiếng như “Cuốn theo chiều gió”, “Chiến tranh và Hòa bình”, “Anna Karenina”… đã bỏ nhiều công sức để mô tả trang phục của các nữ nhân vật chính. Rõ ràng trang phục đẹp đã góp phần quan trọng trong thắng lợi của nữ giới trong công cuộc chinh phục nam giới của họ và làm xã hội của họ đẹp hơn, tinh tế hơn. Nhưng nếu các thiếu nữ thuộc xã hội thượng lưu châu Âu được giáo dục kỹ càng về cách ăn mặc, cư xử, đi đứng… thì chúng ta lại không được chuẩn bị gì về những kiến thức này. Vì vậy, khi kinh tế khá hơn một chút, phụ nữ có điều kiện chăm sóc bản thân hơn thì doanh số bán hàng thời trang tăng vọt, số “tín đồ shopping” tăng lên ầm ầm nhưng số người ăn mặc đẹp vẫn không nhiều. Những chuyến đi du lịch, đi công tác nước ngoài cho mẹ cơ hội quan sát việc mua sắm của người Việt. Quan sát như vậy giúp mẹ học hỏi được nhiều. Bên cạnh một số “smart customers”, có rất nhiều người chi tiêu, lựa chọn không hợp lý như: mua theo người khác mà không biết mình có hợp không? Ham rẻ mà không để ý đến kiểu dáng hay chất lượng hoặc mua vì mê tín thương hiệu… Hơn nữa, trong khi chúng ta còn nghèo thì có quá nhiều bạn gái chi tiêu quá phung phí cho trang phục, chỉ để biến mình thành bản sao của người khác. Mẹ cũng không dám tự hào nhiều về khía cạnh này nhưng với tư cách là người đi trước, mẹ muốn chia sẻ một số kinh nghiệm sau:

  1. Quan tâm đến ăn mặc là quyền đương nhiên của mọi người nói chung và đặc quyền của phái Đẹp nói riêng. Vì vậy, con gái có quyền và nên chú ý để ăn mặc đẹp. Nhưng trước hết, phải hiểu thế nào là ăn mặc đẹp? Đẹp không có nghĩa là thời trang mà có nghĩa là ăn mặc sao cho phù hợp với mình và với hoàn cảnh. Thời trang chỉ là khuynh hướng, trách nhiệm của mình là trong khuynh hướng đó, hãy tìm ra trang phục nào phù hợp nhất với mình.
  2. Muốn mặc đẹp phải hiểu bản thân mình, những điểm yếu, điểm mạnh trong hình thức của mình. Điều này chắc các con đã nghe nhiều rồi, như người mập không nên mặc đồ quá rộng, người gầy không nên mặc màu sậm… Nhưng nếu chỉ có vậy thì tại sao những người có vóc dáng giống nhau không ăn mặc như nhau? Vì sao hai cô gái với vóc dáng tương tự nhau, khi thử cùng một bộ trang phục thì có người mặc đẹp, thấy thoải mái con người kia thì không? Đó là vì trang phục không chỉ là sản phẩm vật chất, nó còn mang giá trị vô hình là giúp người mặc thể hiện cá tính của mình. Chỉ những người thật sự hiểu bản thân mình, biết mình muốn thể hiện khía cạnh nào của bản thân và biết cách thể hiện mới thành công trong trang phục. Ngay cả những người đẹp, giàu có, nổi tiếng cũng không luôn thành công trong khía cạnh này. Chính vì vậy, thảm đỏ trong các giải Oscar, Grammy, Cannes… luôn thu hút người xem như một cuộc trình diễn thời trang lẫy lừng nhất với những kết quả luôn bất ngờ.
  3. Trang phục phải phù hợp với xu hướng thời đại: Dù trang phục của Scarlet có đẹp đến đâu thì cũng không thể được sử dụng trong thời đại ngày nay. Hơn nữa, hiện nay chúng ta đã có một công cụ đắc lực để nâng cao hiểu biết về trang phục, đó là các cuộc trình diễn, các tạp chí thời trang. Thông qua những công cụ ấy và qua quan sát những người xung quanh, chúng ta có thể nắm bắt được thời trang. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể lựa chọn những gì phù hợp với mình. Nắm bắt nhưng không chạy theo vì trang phục là để thể hiện con người mình chứ không để copy người khác.
  4. Người ta thường nói: “Ăn là cho mình, mặc là cho người”, ngụ ý trang phục cần vừa mắt mọi người xung quanh. Mẹ không hoàn toàn tán thành quan điểm ấy. Chúng ta cần chọn trang phục nào mình thích và thấy thoải mái. Tuy nhiên, ta lại không thể thoải mái khi mọi người xung quanh phản ứng. Vì vậy, mặc đẹp cho mình nhưng cũng cần quan tâm đến ý kiến những người xung quanh, nhất là khi sống ở châu Á, nơi quan điểm tập thể đóng vai trò quan trọng trong đời sống mỗi cá nhân.
  5. Mặc đẹp phải phù hợp với hoàn cảnh: Hoàn cảnh ở đây được hiểu theo hai nghĩa: hoàn cảnh xung quanh và hoàn cảnh của mỗi cá nhân. Trang phục dù đẹp đến đâu nếu mặc không đúng lúc cũng trở nên lố bịch. Mẹ đã thấy quá nhiều sinh viên đến lớp học mà ăn mặc như ra bãi biển với quần sooc, áo trễ cổ, hoặc như đi party với váy ngắn, bốt cao cổ, áo xống lòe loẹt… Những trang phục kiểu ấy vừa không thuận tiện cho công việc vừa làm mọi người khó chịu không cần thiết với mình.

Nhưng trang phục cũng phải phù hợp với hoàn cảnh cá nhân. Môi trường FTU với nhiều thanh niên năng động, ăn mặc đẹp đã giúp nhiều bạn trẻ nhanh chóng học hỏi, cải thiện được con người mình. Mẹ rất mừng khi nhận thấy theo thời gian, nhiều bạn “đẹp dần lên trong mắt tôi”. Đây chính là thế mạnh của sinh viên FTU. Nhiều người đã nhận xét, con gái FTU không xinh hơn nhiều trường khác nhưng biết cách ăn mặc và có cá tính hơn. Nhưng mẹ cũng đã thấy rất nhiều bạn gái xuất thân từ vùng xa, gia đình không khá giả…, năm đầu mẹ gặp còn ăn mặc rất sơ sài thì chỉ 1-2 năm sau khi gặp lại mẹ đã không thể nhận ra. Các bạn ấy đã lột xác thành “tay chơi Hà thành” chính hiệu trong những trang phục đắt tiền, nổi bật. Tuy nhiên, do trang phục ấy không phù hợp với con người, cách đi đứng… của bạn ấy nên nhìn rất phản cảm. Hơn nữa, nhiều bạn sinh ra mang công mắc nợ, đòi hỏi bố mẹ quá đáng để thỏa mãn chi tiêu của bản thân thì lại càng không nên. Không ai cấm các bạn ấy cải thiện hình thức của mình, nhưng hãy biết khai thác thế mạnh của mình, “Hoa chanh hãy nở ở vườn chanh”, như Nguyễn Bính đã nói. Duyên gái quê cũng rất đáng quý mà! Lại còn hiếm nữa!

 

  1. Dám thử những kiểu mới, những khía cạnh mới trong con người mình: Thời trang là một nghệ thuật, hơn nữa còn là một nghệ thuật cách tân nhất trong các nghệ thuật vì không có gì nhanh “out of fashion” như thời trang! Vì thế mẹ rất ngạc nhiên khi thấy nhiều người mua rất nhiều quần áo, rất tốn kém nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chỉ mặc mấy thứ ấy!!! Khi có dịp ra nước ngoài, quần áo đủ loại rất phong phú, nhưng đến thử loại nào trông khác lạ một chút cũng không dám. Người ta đã nói: “Quần áo làm nên thầy tu”, những trang phục khác nhau không chỉ giúp chúng ta tìm hiểu những khía cạnh khác nhau trong con người mình, tìm được loại trang phục phát huy tốt nhất ưu điểm của mình mà còn giúp mình thể hiện được những khía cạnh ẩn khuất trong tính cách nữa. Có thể nói, thời trang là một cuộc phiêu lưu thú vị mà phải đến thời gian gần đây phụ nữ Việt nam mới có cơ hội biết đến. Bỏ qua cuộc phiêu lưu này thì thật là lãng phí!
  2. Mặc đẹp không có nghĩa là phải đắt tiền: Nói đến đây chắc nhiều bạn sẽ bảo mẹ: “Cô nói đúng nhưng chỉ người có tiền mới có khả năng thưởng thức thời trang”. Nói vậy không hoàn toàn đúng. Đành rằng muốn mua sắm phải có tiền nhưng ai cũng phải mặc quần áo cả. Thời trang luôn có nhiều đẳng cấp, ít tiền mà biết cách chọn lựa quần áo thì vẫn có thể mặc đẹp hơn người nhiều tiền mà không biết cách lựa chọn.
  3. Chăm chút trước khi mặc, nhưng sau đó phải quên trang phục đi: Trang phục đẹp không chỉ nhờ bản thân quần áo mà còn nhờ bản thân người mặc. Muốn mặc đẹp, người mặc phải thoải mái trong trang phục như Lev Tolstoj đã mô tả Kitty trong buổi dạ vũ là “nàng như sinh ra trong bộ váy này”. Những người quá rón rén, không tự nhiên hay tỏ vẻ quá hãnh diện khi mặc quần áo mới sẽ làm hỏng ấn tượng của trang phục và không thể là người ăn mặc đẹp.
  4. Chăm sóc trang phục cẩn thận, chọn quần áo trước khi ra đường:

Trang phục là một nghệ thuật nên không thể cẩu thả, cần chăm chút kỹ càng từng chi tiết như giặt là đúng quy định (nhiều bạn đem đồ giặt khô đi giặt ướt, lười không chịu là… thì không thể có trang phục đẹp), chuẩn bị phụ kiện phù hợp… Nhiều khi một dải ruy băng, một ghim cài áo… phù hợp sẽ tôn trang phục lên gấp bội. Lời khuyên cho những người quan tâm đến nghệ thuật mặc là tối ngày hôm trước cần chuẩn bị quần áo nào phù hợp với thời tiết, công việc, nơi mình đến ngày hôm sau và cả phụ kiện đi kèm nữa. Nếu là đồ mới hay lâu chưa mặc lại tốt hơn cả nên mặc thử xem có phù hợp không. Nếu sáng hôm sau ngủ dạy mới quáng quàng chọn một bộ thì không thể mặc đẹp được hoặc chúng ta sẽ bị trễ giờ.

  1. Giữ form người cẩn thận: Quần áo đẹp trước hết do người mặc Nhất dáng, nhì da… không có bộ đồ nào dù đắt tiền đến đâu, thiết kế cẩn thận thế nào có thể che giấu được toàn bộ khuyết điểm con người của chúng ta. Vì vậy, cách tốt nhất để mặc đẹp là giữ dáng người chuẩn thì mặc gì cũng đẹp. Không nên hiểu là phải có số đo 3 vòng như người mẫu nhưng ít nhất cũng cố gắng giữ form người cân đối, gọn gàng để có thể dễ dàng tìm trang phục phù hợp với mình.

 

Cuộc thi Next top Model đã cho thấy vai trò của trang phục, trang điểm trong việc biến cô Lọ lem thành Công chúa. Chúc các bạn trẻ thành công trong việc biến đời mình thành Vũ hội!

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *